Thời Đạo Quang, Hàm Phong triều Thanh, chủ nghĩa thực dân phương Tây đã tiến hành cuộc xâm lược lớn vào Trung Quốc. Xã hội Trung Quốc già cỗi đã phát sinh rất nhiều thay đổi. Chính phủ Thanh hủ bại bất lực, nhân dân đang sống cảnh nghèo khó, tất cả những điều đó đã khiến các  phần tử trí thức nông dân Trung Quốc nổi dậy lãnh đạo những cuộc khởi nghĩa chấn động.

Hồng Tú Toàn là nguời huyện Hoa, tỉnh Quảng Đông, ông sinh tháng Giêng năm 1814, vốn là nguời thuộc tầng lớp thi thư, đã từng nhiều lần tới Quảng Châu dự kỳ thi Tú tài nhưng không đỗ. Nguyên nhân không phải vì trình độ của ông hạn chế mà vì quan trường khi ấy hủ bại, trọng tiền hơn trọng học vấn. Cũng như những nguời thuộc thành phần tri thức khi ấy, Hồng Tú Toàn sinh ra bất mãn với thời cuộc.

Năm 1836, một lần nữa Hồng Tú Toàn tới Quảng Châu dự thi, làm quen với một tín đồ Cơ đốc giáo là Lương Phát (1). Lương Phát cho Hồng Tú Toàn một cuốn sách nhỏ và nói với ông:

– Trong này ghi lại rất nhiều lời khuyên của Thượng đế, anh xem đi, chắc nó sẽ giúp được anh nhiều việc.

Nhìn cuốn sách, Hồng Tú Toàn thấy ghi “Khuyến thế lương ngôn”. Ông nghĩ: đây chắc chỉ là cuốn sách tu thân dưỡng tính cho những nguời rỗi hơi nên miễn cưỡng nói:

– Cuốn này tôi đọc rồi.

Sau khi lật mấy trang, ông thờ ơ gấp cuốn sách lại. Khi ấy, ông vẫn chỉ nghĩ tới chuyện ứng thí để lập công danh, trị thiên hạ. Năm ấy, Hồng Tú Toàn vẫn không đỗ, mong ước đem tài trai giúp nước không toại nguyện khiến ông càng thêm bất bình. Năm sau, Hồng Tú Toàn tiếp tục dự thi một lẫn nữa nhưng vẫn thất bại. Hồng Tú Toàn ốm suốt hơn 40 ngày, luôn luôn sốt cao, mê sảng. Theo lời ông về sau, chính trong đợt ốm này, ông đã gặp Thượng đế và cùng trò chuyện với Nguời. Trong cuộc trò chuyện ấy, Thượng đế đã giao cho ông nhiệm vụ cứu giúp những nguời nghèo khổ.

Năm 1843, một lần nữa Hồng Tú Toàn lại tới Quảng Châu ứng thí nhưng vẫn không thành công. Ông nói với vẻ giận dữ:

– Không thể thi dưới triều Thanh, không mặc triều phục của nhà Thanh, mà phải bằng sức lực của mình tập hợp được mọi người để thay đổi tất cả.

Đến lúc ấy, Hồng Tú Toàn mới nhớ tới cuốn “Khuyến thế lương ngôn”, bèn lấy nó ra đọc. Sau khi đọc kỹ càng, ông thấy những điều do cuốn sách viết cho những nguời Cơ đốc giáo nhưng rất  phù hợp với  những nguời nông dân, ông bèn lấy đó làm cơ sở sáng lập một tổ chức lấy tên “Bái Thượng đế hội”, tuyên truyền tư tưởng tôn giáo. Hồng Tú Toàn cùng Phùng Vân Sơn còn lợi dụng việc dạy học ở  trường tư thục truyền giáo. Với những nguời tới nghe giảng đạo, Hồng Tú Toàn thường nói:

– Mọi người đều là con cháu của Thượng đế, phải bình đẳng thương yêu lẫn nhau. Thượng đế đã cử con của Nguời là Giê-su tới hạ giới để giải cứu những khổ nạn. Ta là em của Giê-su, cũng nhận được mệnh cứu thế. Giờ đây, các loại yêu quái lớn nhỏ đang giày xéo lên chân đạo của Thượng đế. Tin vào giáo lý của Thượng đế chính là đi theo nguời, giành lại quyền lợi cho bản thân mình.

Hồng Tú Toàn, Phùng Vân Sơn, Hồng Nhân Gian cùng tiêu hủy tất cả các bài vị Khổng Tử trong các trường tư thục ở thôn, thể hiện sự đoạn tuyệt với lễ giáo cũ. Nhưng đề cao “Thượng đế” của nước ngoài chính đã động chạm tới không ít dân chúng nguời Trung Quốc, vì thế, chuyện phản đối Khổng Tử cũng là chuyện quá khích, không thể dễ chấp nhận cho những nguời đương thời. Không lâu sau, Hồng Tú Toàn và Phùng Vân Sơn đều mất chức ở trường tư thục. Nhưng hai ông không nản chí, họ vượt qua con đường gian khổ tới huyện Quý, tỉnh Quảng Tây. Hồng Tú Toàn nói với Phùng Vân Sơn:

– Tôi sẽ viết một cuốn sách truyền đạo sao cho phù hợp với nguời Trung Quốc để nguời ta nghe theo, có như vậy, chúng ta mới có thể thành công. Cho nên, tôi quyết định trở về huyện Hoa.

Phùng Vân Sơn đồng ý chủ trương của Hồng Tú Toàn, nhưng ông không muốn trở về. Ông nói với Hồng Tú Toàn:

– Tôi muốn tới núi Tử Kinh huyện Quế Bình hoạt động. Ở đó địa thế hiểm yếu, dân rất nghèo khổ, có núi cao, nhiều than đá, tất sẽ có những hảo hán can trường. Chỉ cần tranh thủ, lôi kéo được  họ, nhất định sẽ có thể làm nên sự nghiệp.

Vì thế, hai nguời chia tay. Quả thật, cuộc chia tay này là bước ngoặt trong sự nghiệp của họ. Mấy năm sau, khi Hồng Tú Toàn tới thôn Kim Điền huyện Quế Bình, Quảng Tây, Phùng Vân Sơn đã dừng chân ở đó, thành lập “Bái Thượng đế hội”, hội đã có trên ba nghìn hội viên, khu vực núi Tử Kinh đã trở thành căn cứ đấu tranh chống lại triều Thanh. Phùng Vân Sơn nói lại  với Hồng Tú Toàn những gian khổ buổi đầu. Mấy năm đó, họ phải đi nhặt phân, chịu bao gian khổ cùng với quần chúng, họ đã tìm được rất nhiều nguời  có tài năng cùng chí hướng. Những nguời công nhân đào than như Dương Tú Thanh, nông dân như Tiêu Triều Quý đã trở thành  nòng cốt trong “Bái Thượng đế hội”, họ đều mong đợi tới ngày đứng lên chống lại triều Thanh. Hồng Tú Toàn cũng rất phấn khích để 2 năm dốc hết tâm huyết viết thành mấy cuốn sách rồi đưa cho Phùng Vân Sơn xem. Đó chính là “Nguyên đạo cứu thế ca”, “Nguyên đạo tỉnh thế huấn” và “Nguyên đạo giác thế huấn”…

Đọc xong, Phùng Vân Sơn vô cùng phấn khởi, nói:

– Viết hay quá! “Thiên hạ đa dũng nhân, tận thị huynh đệ chi bối; Thiên hạ đa nữ tử, Tận thị tỷ muội chi quần”. Nói như vậy, dân chúng nhất định sẽ nghe rồi sẽ hiểu.

Hồng Tú Toàn nói:

– Chúng ta sẽ đem những điều này giảng cho mọi người.

Quả nhiên, không ngoài dự đoán, Hồng Tú Toàn đã tiếp xúc được với  quần chúng ở núi Tử Kinh và giành được sự ủng hộ của họ. Những nơi theo “Bái Thượng đế hội” đều gọi ông là “Hồng tiên sinh”, tôn ông làm lãnh tụ. Đến lúc này, những nguời xuất thân địa chủ như Vĩ Xương Huy và Thạch Đạt Khai cũng tham gia “Bái Thượng đế hội”. Ảnh hưởng của “Bái Thượng đế hội” ngày càng lớn, địa bàn hoạt động cũng ngày càng rộng. Những hoạt động của tổ chức này khiến các quan phủ chú ý, không lâu sau, Phùng Vân Sơn bị quan phủ bắt. Hồng Tú Toàn vô cùng lo lắng, đành phải quay trở về Quảng Đông để tìm cách cứu viện. Các hội viên ở núi Tử Kinh đem tiền bạc do mình kiếm được hối lộ cho quan phủ, ở trong ngục, Phùng Vân Sơn cũng kiên cường không chịu khuất phục, cuối cùng, được tha. Vừa lúc đó, Hồng Tú Toàn cũng từ Quảng Đông quay về. Qua sóng gió lần này, các thành viên của “Bái Thượng đế hội” càng đoàn kết. Việc họ phá các tượng ở đền miếu, sinh ra mâu thuẫn với quan phủ và các địa chủ ác bá. Từ hoạt động tôn giáo đã phát triển thành đấu tranh chính trị, triều đình nhà Thanh bắt đầu điều quân chuẩn bị trấn áp. Mọi người bàn nhau, phải mau chóng tập hợp lại cùng nhau hành động mới có thể đánh thắng được quan phủ.

Năm Đạo Quang thứ 30 (1850), Hồng Tú Toàn kêu gọi các hội viên tới tập hợp ở thôn Kim Điền, gọi là “đoàn doanh”. Các hội viên nghe tin “đoàn doanh” biết ngày khởi nghĩa lật đổ triều Thanh đã tới nô nức chuẩn bị. Một số bỏ việc, một số bán gia sản, nguời già, trẻ con đua nhau kéo về thôn Kim Điền. Sau khi tới thôn Kim Điền “đoàn doanh”, tiền bạc của các hội viên đóng góp đều được tập hợp vào trong “Thánh khố” (3). Cơm ăn, áo mặc hàng ngày cùng những chi tiêu khác đều do “Thánh khố” dựa theo quy định phát cho từng nguời. Mọi người  đồng cam cộng khổ, có cơm cùng ăn, có áo cùng mặc, có tiền cùng tiêu, tất cả đều vô cùng vui vẻ. Đồng thời, họ cũng tăng cường chuẩn bị đội ngũ, tiến hành huấn luyện một cách chặt chẽ, chế tạo vũ khí, chuẩn bị tuyên bố chính thức khởi nghĩa.

Ngày 11 tháng 1 năm 1851 là ngày sinh, Hồng Tú Toàn 37 tuổi. Phùng Vân Sơn, Dương Tú Thanh, Tiêu Triều Quý, Vĩ Xương Huy, Thạch Đạt Khai, …tập hợp toàn thể tướng sĩ tới chúc mừng Hồng Tú Toàn. Sau khi tiếp nhận lời chúc mừng, Hồng Tú Toàn nói dự định kế hoạch, mời toàn thể mọi người tới phía trước đền thờ ở thôn Kim Điền. Các hội viên nguời Hán, nguời Dao, nguời Choang tay cầm đại đao, trường mâu, nam nữ chia thành hai phía, tuy chưa được chỉnh tề những tinh thần rất phấn khích như rồng như hổ. Trẻ em và phụ nữ tuy không cầm vũ khí nhưng cầm cờ, miệng không ngớt tiếng cười. Trong tiếng hoan hô, Hồng Tú Toàn bước lên đài cao trước đền, hiên ngang đứng trước lá cờ vàng cỡ đại. Phùng Vân Sơn, Dương Tú Thanh, Tiêu Triều Quý, Vĩ Xương Huy, Thạch Đạt Khai cùng đứng hai bên. Hồng Tú Toàn giơ nắm tay, nghiêm trang tuyên bố:

– Hôm nay, “Bái Thượng đế hội” chính thức khởi nghĩa. Chúng ta sẽ lật đổ triều đình hủ bại để Thiên hạ thái bình. Quốc hiệu của chúng ta sẽ là Thái Bình Thiên Quốc, đem lại cuộc sống thái bình cho nguời nghèo.

Trên đầu mỗi nghĩa quân mang khăn hồng, xuất phát từ thôn Kim Điền tiến đánh các châu huyện xung quanh, liên tiếp chiến thắng, chẳng mấy chốc đã chiếm được thành châu Vĩnh An ( nay là Mông Sơn, Quảng Tây). Hồng Tú Toàn lúc này tự xưng là Thiên vương hạ lệnh chỉnh đốn đội ngũ, phong Dương Tú Thanh là Đông vương, Tiêu Triều Quý là Tây vương, Phùng Vân Sơn là Nam vương, Vĩ Xương Huy là Bắc vương, Thạch Đạt Khai là Dực vương. Trong đó, quyền lực của Đông vương là lớn nhất, chỉ sau Thiên vương.

Triều Thanh đưa quân tới bao vây châu Vĩnh An hòng đánh dẹp. Bị bao vây ở đây, quân Thái Bình Thiên Quốc tiến lên phía bắc, lực lượng không ngừng lớn mạnh.

 

Chú thích:

  • Lương Phát (1789 – 1855), nguời Cao Minh, Quảng Đông. Vốn là thợ in ở Quảng Đông, năm 1816, gia nhập đạo Cơ đốc. Năm 1823, trở thành mục sư nguời Hoa đầu tiên.
  • Thôn Kim Điền: nay cách thành phố Quế ình tỉnh Quảng Tây 25 km về phía đông bắc, nay còn nhiều sự tích, văn vật liên quan tới cuộc khởi nghĩa này.
  • Thánh khố: chế độ phân phối bình quân do Thái Bình Thiên Quốc kiến lập.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here