Trịnh Thành Công sinh ra trong một gia đình võ tướng, cha là Trịnh Chi Long (1). Khi Long Vũ Đế (2) nối ngôi ở Phúc Châu, Trinh Thành Công được cùng cha tới triều kiến. Gặp Trịnh Thành Công, nhà vua rất vui,  ban cho họ Chu, còn phong cho làm Đại tướng quân chiêu phủ. Lúc đó, được mang họ của nhà vua là một đặc ân, vì thế, mọi người tôn kính gọi Trịnh Thành Công là “Quốc tính gia”.

Sau đó, quân Thanh đánh tới Phúc Kiến. Trịnh Chi Long thấy đại thế đã mất bèn đầu hàng nhà Thanh. Năm ấy Trịnh Thành Công 23 tuổi, hết lòng khuyên cha giữ vững khí tiết không được đành phải chiêu mộ một số tướng sĩ cùng chí hướng tới Hạ Môn, tổ chức quân đội chiến đấu chống quân Thanh. Ông còn viết cho cha một bức thư, đoạn tuyệt tình cha con. Sau đó không lâu, đội quân của Trịnh Thành Công đã có tới hơn ba vạn nguời. Ông tiếp tục giương cao ngọn cờ chống quân Thanh.

Trịnh Thành Công nhuần nhuyễn binh thư, có tài dùng binh, từng nhiều lần chỉ huy quân tiến theo Trường Giang, còn đổ bộ quân lên đảo Sùng Minh, tới Qua Châu, Trấn Giang, bao vây Nam Kinh. Trong khi chuẩn bị tiến công Nam Kinh thì quân Thanh tăng viện, phản công mãnh liệt, Trịnh Thành Công đành phải lui về Trường Giang tới Đan Sơn là mấy hòn đảo trên biển. Trong chiến đấu, Trịnh Thành Công hiểu được một điều sâu sắc địa bàn hoạt động của mình quá hẹp, muốn trường kỳ chống quân Thanh, phải tìm được một căn cứ vững chắc. Vì thế, ông quyết định vượt biển, phát triển ra Đài Loan.

Đài Loan từ xưa vốn là lãnh thổ của Trung Quốc. Cuối triều Minh, nguời Hà Lan ở châu Âu dựa vào chính quyền nhà Minh hủ bại, suy yếu, đã chiếm bờ biển Đài Loan, xây dựng thành trì, vơ vét tô thuế của nguời dân Đài Loan. Dân Thổ Phiên ở đây không ngừng chống lại, luôn bị nguời Hà Lan đưa quân đội tới trấn áp.

Từ khi còn nhỏ, Trịnh Thành Công cùng cha tới Đài Loan, tận mắt chứng kiến những khổ cực mà nguời dân ở đây phải chịu đựng đã sớm muốn giành lại mảnh đất này. Đến lúc này, ông hạ quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược nên hạ lệnh cho tướng sĩ dưới quyền tu sửa thuyền bè, tích trữ lương thảo, chuẩn bị vượt biển.

Vừa đúng lúc đó, có một nguời làm phiên dịch cho quân đội Hà Lan tên là Hà Bân tới Hạ Môn gặp Trịnh Thành Công.

Một hôm, gặp Trịnh Thành Công, Hà Bân vừa cúi lạy, vừa chảy nước mắt, nói:

– Dân chúng Đài Loan bị quân Hồng Di (tên nguời Trung Quốc gọi nguời Hà Lan) cai trị hơn ba mươi năm nay, đã căm hận chúng lắm. Xin ngài hãy cứu lấy dân chúng Đài Loan.

Nói xong, ông ta  lấy từ trong tay tấm bản đồ Đài Loan, mở rộng ra, chỉ dẫn tỉ mỉ cho Trịnh Thành Công  đường đi lối lại và các công trình phòng ngự của nguời Hà Lan trên đảo.

Nghe Hà Bân trình bày, Trịnh Thành Công, nói:

– Sự chỉ dẫn của tiên sinh không thể gì so sánh được. Tôi sẽ tính toán, định kế sách. Việc mà thành, xin sẽ hậu báo.

Trước khi tiến quân tới Đài Loan, ông viết cho những nguời Hà Lan đang thống trị ở Đài Loan một bức thư. Trong thư, ông khẳng định: Đài Loan là lãnh thổ của Trung Quốc, không thể để cho nguời nước ngoài chiếm đóng. Ta lệnh cho các ngươi phải rút quân khỏi lãnh thổ quý báu của chúng ta.

Sau khi có sự chuẩn bị chu đáo, năm 1661, Trịnh Thành Công đưa 25.000 nguời đi trên mấy trăm chiếc thuyền cùng xuất phát. Đoàn thuyền vừa tới Bành Hồ, đã gặp sóng to gió lớn. Không có cách nào vượt qua, tất cả phải dừng lại đợi thời tiết tốt hơn. Qua mấy ngày, sóng chưa yên biển chưa  lặng  nhưng Trịnh Thành Công sợ ảnh hưởng đến tinh thần quân sĩ, mặc mưa gió, vẫn hạ lệnh cho các thuyền tiếp tục lên đường. Trong đám quan quân, có những nguời sợ phong ba bão táp đều quỳ xuống, xin Trịnh Thành Công hoãn chuyến đi. Ông nghiêm giọng, nói:

– Hạ Môn là một nơi khó để làm căn cứ lâu dài, ta bất đắc dĩ phải qua bao hiểm trở thu phục Đài Loan để có nơi làm căn cứ. Các ngươi phải truyền lệnh cho tướng sĩ trên các thuyền, không được sợ đạn pháo của bọn Hồng Di, phải theo những thuyền đi đầu mà tiến.

Ngay lập tức, cả đội thuyền bất chấp sóng gió, dời Bành Hồ. Không lâu sau, mây tan, mưa dứt, bầu trời trong sáng. Các tướng sĩ nhảy múa reo hò, tinh thần mọi người lên cao chưa từng thấy.

Sáng sớm ngày 1 tháng 4, đội thuyền tới cửa Lộc Nhĩ. Đây là cửa ngõ của Đài Loan, nơi đây có rất nhiều đá ngầm, vẫn được gọi là Thiên hiểm, thuyền bè khó có thể vượt qua. Trinh Thành Công vốn đã am hiểu địa hình ở đây vẫn dẫn đội thuyền tiến về phía trước. Lúc chuyển hướng đông, khi ngoặt sang hướng tây, cuối cùng, tất cả cũng qua được nơi đây tới cảng Mộc Liêu.

Dân chúng Đài Loan nghe nói đại quân của Trịnh Thành Công tới, nguời nọ báo cho nguời kia, đua nhau dùng xe trâu, giúp đưa vật dụng lên bờ. Chỉ trong vòng chưa đầy hai giờ mấy nghìn quân Trịnh đã đổ bộ lên bờ an toàn

Sau buổi sáng, nguời Hà Lan mới biết  tin quân Trịnh Thành Công đã đổ bộ. Tổng đốc Hà Lan dùng kính viễn vọng nhìn xa đều thấy khắp nơi có quân Trung Quốc, ông ta không hiểu việc gì đã xảy ra, vô cùng kinh ngạc thốt lên:

– Trời ơi! Cửa Lộc Nhĩ đã bồi lấp, thuyền không thể qua. Chẳng lẽ thuyền của Trung Quốc bay tới?

Bèn lập tức ra lệnh nổ pháo. Để tránh pháo của quân Hà Lan, chiến thuyền Trung Quốc vội né tránh vào giữa hai tòa thành do nguời Hà Lan mới xây dựng, khiến cho hai cứ điểm này bị ngăn cách.

Pháo bắn cấp tập, quân Hà Lan trên bộ và trên biển cùng nghênh chiến. Chỉ huy quân bộ là Thượng úy nguời Hà Lan Bối Nhĩ Đức. Bối Nhĩ Đức rất tự tin, theo mệnh lệnh của cấp trên chỉ huy tác chiến, anh ta vỗ ngực, khoác lác:

– Nguời Trung Quốc Trời chưa cho ngửi mùi thuốc súng và nghe tiếng mô-de, chỉ cần đánh cho một trận, sẽ chạy khắp nơi, toàn bộ sẽ sụp đổ.

Sau khi cầu xin Thượng đế phù hộ, anh ta ra lệnh cho 240 lính chia thành hai mươi tốp xông tới quân của Trịnh Thành Công.

Trịnh Thành Công cử 4000 quân bộ chia làm hai đường, một đường đánh chính diện, một đường đánh vòng phía sau, bắn tên như mưa vào kẻ địch. Nguời Hà Lan thấy quân Trung Quốc chiến đấu dũng cảm, hồn bay phách lạc, chưa kịp triển khai đội hình đã có nguời thương vong, lủi như chuột. Trịnh Thành Công thừa thắng truy kích, giết chết Thượng úy Bối Nhĩ Đức và 118 lính Hà Lan, lại thu được khá nhiều vũ khí.

Trên biển, quân Trịnh cũng giành được thắng lợi. Thuyền của Hà Lan to lớn và chắc chắn nhưng ở vùng nước nông khó xoay chuyển. Thuyền của quân Trịnh nhỏ nhẹ nên rất linh hoạt khéo léo. Nguời Hà Lan chỉ có ba thuyền lớn, mỗi chiến thuyền này đều bị hàng chục thuyền nhỏ của Trung Quốc bao vây, không biết làm thế nào, mới khai chiến chưa lâu, thấy chiến thuyền lớn nhất của Hà Lan nổ một tiếng vang trời. Hai thuyền kia thấy tình thế bất lợi vội quay đầu chạy ra khơi, hướng về phía cứ điểm Mã Đạt Duy Á (nay thuộc In-đô-nê-xi-a). Thuyền lớn sau đó quay về bờ, dựa vào sự yểm trợ của pháo không dám phản ứng gì nữa.

Nhân dân tộc Cao Sơn ở Đài Loan nghe nói quân đội Trung Quốc đã thu phục mảnh đất này, đua nhau phối hợp đánh vào sau lưng quân Hà Lan.

Nguời Hà Lan thấy dùng vũ lực bất thành muốn dùng cách mua chuộc,  họ cho nguời tới gặp Trịnh Thành Công, tỏ ý muốn đưa mười vạn lạng bạc trắng cho quân Trung Quốc, xin Trịnh Thành Công lui quân. Trịnh Thành Công cự tuyệt yêu cầu này, nói:

– Đài Loan là mảnh đất của Tổ tiên nguời Trung Quốc, các ông mới là những nguời phải lui quân.

Quân Hà Lan bị bao vây, không chịu được gian khổ, sau mấy tháng, cũng không được cứu trợ, không còn biết làm cách nào, đành phải tuyên bố đầu hàng, dâng thư xin hàng cho Trịnh Thành Công, hẹn ngày rút quân. Sang năm sau, cuối cùng, quân Hà Lan đã phải rút khỏi Đài Loan. Mảnh đất này hoàn toàn được Trịnh Thành Công thu hồi.

Về sau, vào thời vua Khang Hy ở ngôi, Đài Loan tiếp nhận sự cai trị của chính phủ Thanh, đây là một vùng lãnh thổ mới của đất nước thống nhất.

 Thu phục Đài Loan là thắng lợi đầu tiên của nhân dân Trung Quốc với bọn thực dân xâm lược. Nó thể hiện tinh thần chống ngoại xâm của nguời Trung Quốc, ý chí ngoan cường bảo vệ  mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Thu phục được Đài Loan, Trịnh Thành Công xứng đáng là nguời anh hùng được biết bao nguời đời sau ngưỡng mộ.

 

Chú thích:

  • Trịnh Chi Long (1604 – 1661), nguời Nam An, Phúc Kiến, Hải giám thời vua Sùng Trinh.
  • Long Vũ đế (1602 – 1646), tức Chu Duật Kiện, cháu đời thứ 9 của Minh Thái Tổ.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here