“Đạo đạo thanh sơn, điều điều lục thủy”, phong cảnh Giang Lăng, Hồ Bắc thật tươi đẹp hấp dẫn bao nguời. Buổi thiếu thời, Trương Cư Chính đã sinh ra và lớn lên trong khung cảnh đó.
5 tuổi, Trương Cư Chính đã được gia đình cho đi học, năm 10 tuổi, chú bé đã có thể hiểu được nghĩa lớn của kinh điển Nho gia, năm 12 tuổi, chú đã đứng đầu trong một kỳ thi Tú tài (1), năm 13 tuổi đã tham gia một kỳ thi cấp tỉnh, kết quả rất tốt. Tên tuổi bắt đầu được nhắc tới, mọi người đều nói, đó là một thần đồng.
Tuần phủ Hồ Quảng thấy Trương Cư Chính thông minh hơn nguời, trong lòng rất vui, thấy mới 13 tuổi đã tham dự kỳ thi lớn, sợ chú kiêu ngạo tự mãn về sau sẽ khó tiến bộ nên dặn dò các quan phụ trách việc tuyển chọn:
– Trương Cư Chính là cái mầm cây tốt, tiền đồ rất triển vọng, nhưng để chắc chắn hơn nên để khóa sau.
Kết quả, tuy thành tích của Trương Cư Chính rất tốt nhưng không được tuyển chọn. Trương Cư Chính không hề biết lý do sâu xa này. Không có tên trên bảng như một lời nhắc nhở nghiêm khắc, đúng là có tác dụng khích lệ với ông khi ấy. Trở về nhà, suốt ngày, chú đóng cửa không tiếp khách, đọc sách thâu đêm, quên ăn quên ngủ.
Ba năm sau,Trương Cư Chính lại tới Vũ Xương (nay là Vũ Hán, Hồ Bắc) tham gia kỳ thi, đúng như dự đoán, ông đỗ cao.
Lúc đó, Cố Lân đang làm việc ở xa nhưng vẫn rất quan tâm đến sự tiến bộ của chú bé thần đồng. Biết Trương Cư Chính không phụ kỳ vọng của mình, ông rất vui vẻ, lập tức cho nguời báo tin vui và nói ông rất muốn gặp mặt.
Đến yết kiến Cố Lân, Trương Cư Chính mới biết nguyên nhân vì sao mình rớt bảng kỳ thi trước. Cố Lân nói với ông:
– Thời gian bỏ lỡ thật ra đối với anh rất có ích, chẳng qua là như cổ nhân từng nói “đại khí vãn thành”, ta rất hy vọng anh có ngày hôm nay, mong anh trở thành nguời như Y Doãn có tài đống lương thời trước.
Trương Cư Chính như nằm trong mộng, thầm cám ơn dụng ý của Tuần vũ. Rất cảm động, ông nói:
– Vãn sinh bất tài, Mông đại nhân quan tâm như vậy, xin ghi lòng tạc dạ, quyết không dám phụ lòng và quên lời dạy của đại nhân.
Từ đó, Trương Cư Chính càng thêm nỗ lực. Năm 23 tuổi, ông thi đỗ Tiến sĩ, bước vào con đường làm quan.
20 năm sau, Minh Thần Tông nối ngôi khi mới 10 tuổi, lúc ấy, Trương Cư Chính làm Thủ phụ nội các. Đang lúc triều chính vô cùng hỗn loạn, ông quyết tâm tiến hành thay đổi tất cả nên tận công gắng sức phi thường, nhưng ông phải phải dần từng bước một, không thể dùng dao to rìu lớn để thay đổi chế độ, lại còn phải tránh sự công kích của những nguời phản đối.
Đang trong lúc triều đình rối ren nhưng nhiều quan lại không thấy thực trạng ấy. Quan quản tiền lương nhưng không biết tiền còn nhiều hay ít; quan quản hình pháp nhưng không thuộc văn bản pháp luật. Mệnh lệnh của Hoàng đế cấp dưới chẳng ai truyền đi, không ai hỏi tới.
Một hôm, nhân cơ hội được Minh Thần Tông triệu kiến, Trương Cư Chính trình nhà vua một bản tấu chương. Minh Thần Tông đọc đi đọc lại, biết ông có ý muốn thay đổi cách làm việc của triều đình, rất vui, tỏ lời khen:
– Khanh viết hay lắm, nói chi tiết cho ta nghe thử!
Trương Cư Chính nói:
– Thần dự định ba điều, phải thay đổi cách làm việc lạc hậu hiện nay.
Ba điều mà Trương Cư Chính nói, một là, có sổ sách ghi chép mọi công việc của nha môn. Phàm việc gì nha môn xử lý đều ghi chép, làm cũng ghi mà không làm cũng ghi, làm đến đâu ghi đến đấy, bất cứ làm việc gì cũng phải nghiêm túc; hai là xác định chức trách của nha môn, làm tốt sẽ được thăng thưởng, làm không tốt bị trừng phạt; ba là các quan cũng phải chịu sự kiểm tra, nếu không phù hợp sẽ phải cách chức.
Nói xong, Trương Cư Chính lại nhấn mạnh:
– Thần gọi những cách này là “Khảo thành pháp”. Làm như vậy, có thể khiến căn bệnh lề mề, chậm chạp đang phổ biến hiện nay được chữa trị.
Minh Thần Tông nghe xong, vỗ tay, khen:
– Cứ thế mà làm, thực hiện ngay!
Thực hành “khảo thành pháp”, khiến cho hiệu suất công việc được nâng cao. Các quan trong triều không ai dám tùy tiện như trước, việc gì cũng có nguời quản, đất nước như có luồng sinh khí mới.
Có một lần, Trương Cư Chính cùng các đại thần ngồi bàn chuyện quốc gia đại sự, có nguời nói:
– Bây giờ, ở nước ta, đâu đâu lao dịch cũng nặng, tôi nghe nói có một số nơi bắt đầu thực hiện “nhất điều tiên pháp”, tôi thấy đây là một biện pháp tốt, cần mở rộng ra toàn quốc.
Thế nào là “nhất điều tiên pháp”? Vốn là triều Minh, dân chúng phải thay quốc gia thực hiện các nghĩa vụ. Có việc là phải đứng ra gánh vác như trông coi ngân khố, coi giữ kho lương, gác cửa, quản lý sông hồ, giữ phạm nhân, …Ngoài ra, trên cần có tiền, dân chúng phải bỏ tiền túi ra đóng góp. Những việc này cứ mấy năm lại luân chuyển, tới phiên nguời giàu thì không có vấn đề gì, nhưng đến lượt nguời nghèo thì thật khổ sở không thể nói hết. Đến lượt nhà nào, nhà ấy phải cử nguời, nộp tiền khiến đời sống dân chúng vô cùng khổ sở, ai cũng phẫn nộ.
Về sau, một số quan lại địa phương đưa ra một cách làm mới: Họ chủ trương dựa vào số ruộng đất, số nhân khẩu của mỗi nhà chia làm mấy hạng. Sau đó, căn cứ vào đó mà định ra số lương thực rồi quy thành tiền phải nộp, huyện thu tất cả rồi giao nộp lên trên. Khi có nhiều việc, chính phủ thuê nguời, từng nhà không phải cử nguời đi làm. Đây chính là cái gọi là “nhất điều tiên pháp”. Cách này đơn giản mà dễ thực hiện, cũng giảm nhẹ được sự đóng góp của dân chúng, rất nhanh chóng được nhiều nơi áp dụng.
Trương Cư Chính nghe nói, quyết định sẽ áp dụng “tiên pháp” trong toàn quốc. Cũng có nguời phản đối, nói đó không phải là biện pháp tốt. Trương Cư Chính cũng không vội, để cho mọi người xem xét. Qua mấy năm, hiệu quả của “nhất điều tiên pháp” rõ ràng rất tốt. Ông vui vẻ nói:
– “Nhất điều tiên pháp” rõ ràng là không sai, trong mười nguời, nói không tốt chỉ có một hai nguời. Tôi thấy có thể áp dụng trong cả nước.
Trương Cư Chính thúc đẩy việc thực hiện “nhất điều tiên pháp” là một sự kiện lớn trong xã hội phong kiến Trung Quốc, nó có tác dụng nhất định trong phát triển kinh tế xã hội.
Đối với quân sự, kinh tế, văn hóa, Trương Cư Chính cũng có những cải cách nhất định. Kết quả, quốc gia ngày càng giàu mạnh, kẻ địch bên ngoài cũng không dám quấy nhiễu ở biên giới.
Nhưng đến năm 57 tuổi, do làm việc quá sức, ông mang bệnh và mất sớm. Rất nhanh chóng, phe phản đối cải cách lập tức chống đối, những thành quả cải cách của ông bị phá hoại, Triều Minh từ đây lại rơi vào khủng hoảng, không thể cứu chữa.
Chú thích:
- Tú tài: tên gọi nguời đi học đời Minh.
- Đại nhân: cách gọi nguời cai trị thời cổ, có thể chỉ chư hầu, vua hoặc khanh đại phu. Đời Hán, chỉ nguời làm quan. Đời Thanh, đại nhân chỉ quan tứ phẩm trở lên, dưới tứ phẩm gọi là lão gia.
- Minh Thần Tông (1563 – 1620), ở ngôi 1572 – 1620, con Mục Tông. Ban đầu dùn Trương Cư Chính làm phụ chính.