Những năm Gia Tĩnh, có ông quan thanh liêm nổi tiếng là Hải Thụy. Thời gian này, Hoàng đế đắm chìm trong mê tín, không quan tâm tới việc triều chính, chỉ một lòng mong muốn trường sinh bất tử. Trong đám quần thần, không có mấy nguời dám khuyên can, chỉ có Hải Thụy, dám liều chết viết “Trị an sớ” phê phán Hoàng thượng . Hoàng đế tức giận bắt ông giam vào ngục, định tội chết. Sự việc này khiến cả triều đình chấn động, từ đó, chẳng mấy ai không biết tên ông.

Hải Thụy tên chữ là Nhữ Hiền, nguời Quỳnh Sơn, Hải An, năm 4 tuổi, cha đã mất, gia cảnh vô cùng nghèo khổ. Nguời mẹ là Tạ thị phải nhịn ăn bớt mặc, dành dụm nuôi Hải Thụy ăn học. Hải Thụy chăm chỉ đọc sách, luôn tự nhắc nhở phải trở thành nguời có ích, nếu làm quan, nhất định sẽ làm một nguời lời nói đi đôi với việc làm, không làm quan theo lối chỉ biết “ngậm miệng ăn tiền”.

Năm Gia Tĩnh thứ 28, Hải Thụy trúng tuyển kỳ thi Hương (1), được cử làm Giáo dụ (2) ở Nam Bình. Ông làm việc tận tụy, điều hành mọi việc khiến nhà trường ngày càng quy củ.

Một lần, Tri phủ cử một đoàn thanh tra tới làm việc. Theo lệ thường khi ấy, học trò và Giáo dụ đều phải quỳ lạy khi tiếp kiến. Nhưng Hải Thụy cho rằng nhà trường là cơ sở giáo dục, không phải là nha môn của quan phủ. Nếu Giáo dụ cùng học trò quỳ lạy quan trên sẽ làm cho nơi tôn nghiêm phải hổ thẹn. Vì thế, ông chỉ chắp tay cúi chào. Trong khi hai viên Huấn đạo đứng hai bên không có dũng khí như ông đều quỳ lạy. Hải Thụy đứng ở giữa, hai nguời quỳ ở hai bên, nhìn như một chữ “sơn”, lại trông cũng giống như cái giá nến. Từ đó, Hải Thụy còn được mang thêm cái tên “Bút giá bác sĩ”. Cấp trên tuy không được vừa ý, nhưng cũng không thể trách phạt ông.

Sau 4 năm, Hải Thụy được thăng chức làm Tri huyện Thuần An. Thuần An là nơi nhiều núi ít ruộng, dân chúng vô cùng khổ cực. Sau khi tới nhậm chức, chứng kiến cảnh dân tình nghèo đói, ông vô cùng thương cảm. Qua điều tra nghiên cứu, đầu tiên, Hải Thụy cho chỉnh đốn cách cai trị, định ra nhiều quy tắc. Huyện thừa, Chủ bộ, Giáo dụ và thư lại phải làm tròn chức trách, không được làm bậy vì lợi riêng, ngoài lương bổng ra, không được tham ô dù chỉ chút đỉnh cũng sẽ bị  trừng phạt nghiêm khắc. Mọi khoản thu, trưng tập nhân lực của dân phải hết sức giảm nhẹ, bãi bỏ tất cả những gì không hợp lý. Những gì do cấp trên phân bổ mà không thuộc quy định, Hải Thụy cũng dám không thực hiện.

Vừa giảm nhẹ những khoản đóng góp của dân chúng, ông vừa thúc đẩy, khuyến khích dân chúng phát triển sản xuất nên được dân chúng tin cậy và yêu mến. Tính cách không sợ cấp trên của ông cũng được nhân dân truyền tụng.

Trừng trị Hồ công tử là một việc điển hình. Công tử họ Hồ là con trai Tổng đốc Chiết Giang Hồ Tôn Hiến. Hồ Tôn Hiến là nguời thân cận với Nghiêm Tung, ngông nghênh càn rỡ, tham tàn vô độ, không việc gì là không dám làm. Đứa con cậy thế cha cũng bạo ngược, một lần, qua huyện Thuần An, thấy quan lại ở dịch trạm đón tiếp không chu đáo, hắn cho thủ hạ bắt trói rồi đánh đập.

Hải Thụy biết việc này, thấy Hồ công tử quả là ngạo ngược, quyết phải trừng trị cái thói ngông nghênh của hắn. Nhưng kẻ vô lại này lại là con của cấp trên, làm thế nào để trừng trị cho được? Ông suy nghĩ cẩn thận, rồi nói với thủ hạ:

– Thằng này chắc không phải là con của Hồ đại nhân, cứ bắt giữ nó lại!

Rồi đích thân ông đưa Hồ công tử tới nha huyện thẩm vấn. Hồ công tử kiêu ngạo bảo ông:

– Hải đại nhân, rồi ông sẽ phải hối hận!

Hải Thụy ngjhiêm giọng quát mắng:

– Đồ nghịch tặc, nhà ngươi lại dám mạo nhận Hồ công tử. Nguời đâu! Hãy cho nó một trận!

Sau đó, ông viết một phong thư gửi cho Hồ Tôn Hiến:

– Đại nhân đã từng tuần thị qua địa phương, lênh cho các châu huyện nơi nguời đi qua phải tiết kiệm, không được nghênh đón, không được phô trương lãng phí. Hiện nay, ở Thuần Anh có một tên họ Hồ, tự xưng là con ngài, sách nhiễu dịch lại, chê trách đón tiếp không chu đáo. Việc này hoàn toàn không đúng với mệnh lệnh của ngài. Kẻ này nhất định là giả mạo. Vì thế, tôi đã trừng trị hắn. Xin ngài cứ yên tâm.

Hồ Tôn Hiến đọc thư, vừa giận vừa tức, nhưng không biết nói thế nào, đành ngậm bồ hòn làm ngọt.

Một việc khác là chuyện chuyến đi của Đô ngự sử (4) Yên Mậu Khanh. Yên Mậu Khanh không chỉ là quan lớn của triều đình mà còn là con nuôi của Nghiêm Tung, tham ô hối lộ nhiều, xa xỉ cực kỳ, trong triều lại vô cùng kiêu ngạo. Một lần, Hoàng đế Thế Tông cử  đi kiểm tra chuyện làm muối, ông ta đưa theo thê thiếp và rất nhiều gia đinh phục dịch đi cùng với vị thế của Khâm sai đại thần. Vợ ông ta ngồi trên cái kiệu ngũ sắc do mười hai cô gái khiêng, trên đường, ngựa xe rầm rập, uy phong lẫm liệt. Khi qua các địa phương, một số quan lại ở châu huyện để không đắc tội với quan Khâm sai, ra sức chiêu đãi, dịch quán cũng bố trí đầy đủ, tiệc tùng cũng toàn những sơn hào hải vị, lúc sắp đi còn đưa tiễn bằng rất nhiều lễ vật quý giá. Mọi chi phí tốn kém đó đều bổ vào đầu dân chúng, lúc đón khi tiễn  mọi thứ do dân chịu cả.

Huyện Thuần An thuộc địa phận của phủ Nghiêm Châu, tri phủ nghe tin, lập tức  báo cho huyện Thuần An cùng các huyện khác yêu cầu nhất thiết phải chuẩn bị chu đáo đón đưa Khâm sai đại thần, đặc biệt còn dặn đi dặn lại phải thịnh tình khoản đãi, không được trễ nải. Hải Thụy không muốn phiền nhiễu dân chúng, không cần biết phải chuẩn bị như thế nào, chỉ viết cho Yên Đô ngự sử một tờ bẩm, nói: “Ti chức thấy hiến bài của đại nhân quy định đón tiễn phải đơn giản, nhưng lại nghe nguời ta nói  ngài đi qua đâu cũng vô cùng xa phí khiến dân chúng vô cùng khốn khổ. Làm như thế không chỉ hao tiền tốn của dân chúng mà còn làm ngược lại hiến lệnh của đại nhân; nếu không làm như thế, sợ mang tội với đại nhân. Ti chức thật vô cùng khó xử, xin đại nhân chỉ bảo”.

Yên Mậu Khanh xem xong, trong bụng không vui nhưng chẳng lẽ lại nói những điều ngược lại với hiến lệnh của mình. Ông ta đã từng nghe nói Hải Thụy là nguời rất khó đối phó, giờ thấy quả đúng như vậy. Ông ta đành đi đường vòng để tránh không qua Thuần An, đến một nơi khác kiểm tra.

Tri phủ Nghiêm Châu nghe nói Hải Thụy không mặn mà với việc đón tiếp Khâm sai đại thần, trong lòng vô cùng sợ hãi, cũng rất tức giận. Ông ta cho gọi Hải Thụy tới Nghiêm Châu, đập bàn, quát:

–  Ông làm quan lớn đến mức nào mà dám to gan như thế?

Hải Thụy không nói một lời, đợi cho ông ta quát xong quay đầu bỏ đi. Tri phủ  nghĩ phen này Hải Thụy sẽ mất chức quan, sợ sẽ liên lụy đến cái ghế của mình nên cho nguời tới kinh thành nghe ngóng tin tức. Một thời gian sau mới biết: Yên Mậu Khanh tuy rất hận Hải Thụy nhưng không có chứng cớ gì, lại sợ nguời ta tố cáo mình nhận hối lộ rất nhiều nên không dám tâu với Hoàng thượng, đành phải cho qua chuyện này.

Về sau, Hải Thụy được điều tới Bắc Kinh đảm nhận chức Chủ sự bộ Hộ. Thấy Hoàng thượng suốt ngày khấn khứa với hương khói, quên cả việc thiết triều, các đại thần chỉ đón ý lựa lời, tránh bẩm báo những công việc với Hoàng đế, hoặc chỉ nói những lời chúc mừng, nỗi khổ của nhân dân chẳng ai hỏi tới. Ông lại biết thêm, năm Gia Tĩnh thứ 20. Ngự sử Dương Tước dâng sớ khuyên Hoàng đế không nên quá sùng tín quỷ thần, phải quan tâm đến công việc quốc gia, dân chúng. Kết quả, ông bị tống giam suốt 8 năm, may là chưa mất mạng. Sau đó suốt hơn hai mươi năm, các đại thần lớn nhỏ không một ai dám dâng sớ nói gì về việc này. Hải Thụy vừa băn khoăn vừa tức giận, quyết định sẽ dâng một bản sớ lên Hoàng đế, hy vọng Thế Tông sẽ thay đổi, trở lại với công việc quốc gia.

Mang tất cả tấm lòng lo việc nước việc dân, Hải Thụy viết bản sớ, nhiều bè bạn khuyên ông đừng vội dâng trình sợ sẽ rước họa vào thân. Hải Thụy nói:

– Kẻ sĩ có chí phải quên mình vì nước. Mọi người sợ phạm tội, không ai dám khuyên giải Hoàng thượng, thiên hạ làm sao có nguời cai trị?

Ông lấy hai mươi lượng bạc, đưa cho một nguời đồng hương họ Vương cũng làm một chức quan nhỏ trong triều, dặn dò:

– Tình đồng hương, tôi nhờ ông, sau khi tôi chết nhờ ông dùng tiền này đem tôi về chôn ở quê, tôi vô cùng cảm ơn ông.

Hải Thụy lại gọi nguời tùy tùng của mình lại, bảo anh ta:

– Anh đi mua cho tôi một cái quan tài chuẩn bị chôn cất tôi, sau đó khi về nhà, gặp mẹ tôi, nhờ anh an ủi bà.

Nói xong, ông tới Thông chính sử tư (5) giao bản sớ, rồi ngồi chờ bị trị tội.

Minh Thế Tông nhận được bản sớ của Hải Thụy, xem nội dung, thấy toàn những lời chỉ trích mình, nói: Hiện nay triều đình đang “quân đạo bất chính, thần chức bất minh”. Hoàng thượng hơn hai mươi năm nay không lo việc triều chính, pháp luật lơi lỏng, việc cai trị bại hoại, tài chính thiếu hụt khiến cho nước nghèo dân khổ. Cho nên nguời nguời đều nói “Gia giả gia dã, Tĩnh giả tĩnh dã”; Gia Tĩnh tức là nhà nhà đều tĩnh, cái nghèo cũng cứ ở lại không chịu bỏ đi. Hoàng thượng không quan tâm đến Thái tử, đó là thiếu tình cha con, vì lời nhắc nhở mà giết thần tử của mình, chính là thiếu tình vua tôi; chỉ quan tâm đến mỗi việc quỷ thần, cầu tìm thuốc trường sinh bất lão, không tới cung thất, là thiếu tình chồng vợ. Tất cả đều là những sai lầm về tín ngưỡng… Sai lầm của Hoàng thượng đã quá nhiều rồi, xin bệ hạ mau mau sửa chữa, nhanh chóng thay đổi….”

Minh Thế Tông càng đọc càng giận, một bản sớ như thế này, nói thẳng, chẳng khác gì bản kể tội của ta. Nhà vua lập tức ném bản sớ của Hải Thụy xuống đất, đập bàn, quát:

– Bắt ngay Hải Thụy tới đây cho ta, đừng để cho hắn trốn thoát.

Hoạn quan Hoàng Cẩm đứng bên cạnh, nói:

– Khải bẩm vạn tuế, Hải Thụy không trốn đâu ạ. Nghe nói trước khi dâng sớ ông ta đã mua sẵn quan tài, tùy tùng gia nhân ông ta đều cho về cả, bây giờ ông ta đang chờ bị trị tội ở bên kia ạ!

Nghe nói, Minh Thế Tông chưa tin, một lát sau, lại đem bản sớ đọc lại, vừa đọc, vừa thở dài, hình như cũng có phần xúc động rồi để nó lên án thư bên cạnh, tự nói với mình:

– Chẳng lẽ  nguời này là Tỷ Can, ta là vua Trụ (6) sao?

Từ bao lâu nay, không có một ai dám khuyên can Hoàng thượng như thế này, vì thế, việc Hải Thụy mua sẵn quan tài rất nhanh chóng truyền đi khắp nơi, những nguời biết chuyện đều gọi nguời không sợ chết này là “Hải chủ sự”, còn dân chúng thì gọi ông là “Hải Thanh Thiên”.

 

Chú thích:

  • Thi Hương: kỳ thi đầu tiên trong khoa cử triều Minh, 3 năm tổ chức một lần ở cấp tỉnh (kể cả kinh thành).
  • Nam Bình: tức Nam Bình, Phúc Kiến ngày nay. Giáo dụ: quan coi việc học ở huyện .
  • Tổng đốc: quan coi việc quân sự lâm thời ở một địa phương do triều đình cử đến.
  • Đô ngự sử: trưởng quan Đô sát viện thời Minh, Thanh, được coi như tai mắt của Hoàng đế.
  • Thông chính sử tư: Cơ cấu trung ương quản lý văn thư tấu chương đời Minh, Thanh.
  • Tỷ Can, thúc phụ của vua Trụ đời Thương, vì nhiều lần khuyên can Trụ vương bị Trụ vương giết chết.

1 BÌNH LUẬN

  1. Tôi có nghe chuyện ông này thanh liêm đến mức con gái phải chết đói mà chưa tìm hiểu được thực giả.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here