Ngày 21 tháng 10 năm 1328, trong ngôi miếu Nhị Lang đã đổ nát ở Chung Ly, Hào Châu (nay là Phượng Dương, An Huy), có tiếng khóc của trẻ sơ sinh, một đứa trẻ gầy ốm mới ra đời. Đó là con thứ 8 của một gia đình nghèo, nguời cha đặt tên cho con là Chu Trọng Bát, đó chính là nguời có công khai quốc cho nhà Minh – Hoàng đế Chu Nguyên Chương.
Lúc ấy, vào cuối đời Nguyên, thiên tai liên tiếp xảy ra khắp nơi, lúc thì hạn hán, khi lại lũ lụt, cộng thêm là sự áp bức tàn bạo của quan lại, dân chúng cảm thấy không thể sống nổi. Nguời cha làm thuê cho địa chủ, nghèo khổ, suốt năm thiếu ăn thiếu mặc, Chu Nguyên Chương chưa bao giờ được bữa ăn no. Mấy năm sau, cha, mẹ, rồi anh cả bị bệnh chết, Chu Nguyên Chương trở nên côi cút. Không có ăn, chú bé phải ăn rễ cỏ, vỏ cây. Rồi rễ cỏ, vỏ cây cũng hết, không còn cách nào khác, chú bé phải tới ngôi chùa Hoàng Giác, xuất gia làm hòa thượng.
Từ đó, hàng ngày từ sớm tới khuya, Chu Nguyên Chương quét sân, nấu cơm, giặt quần áo, lại đánh trống gióng chuông, dâng hương thắp nến, không một phút ngơi tay. Việc gì cũng làm kể cả những việc bẩn thỉu. Chưa kể đến việc chú còn thường xuyên bị các Trưởng lão (1) và các hòa thượng trong chùa đánh mắng. Uất nghẹn dường như không chịu nổi, chú chỉ còn cách trút giận vào Bồ Tát.
Một lần, quét dọn ban thờ, Chu Nguyên Chương đang vô cùng mệt mỏi, do không cẩn thận, một phiến đá kê tượng rơi xuống chân đau điếng. Chú trèo lên, chẳng còn biết phải trái, dùng cây chổi, cho pho tượng một trận.
Lại một lần khác, ngọn nến trước tượng Phật bị chuột gặm. Một Hòa thượng mắng Chu Nguyên Chương không biết chú ý giữ gìn, đánh chú một trận. Chu Nguyên Chương rất tức giận, nhân lúc vắng nguời, chú lấy bút viết lên phía sau bức tượng Bồ Tát năm chữ “phát bôi tam thiên lý” (đày xa ba nghìn dặm), ý muốn nói Bồ Tát nói là linh nghiệm thế mà không làm cho bọn chuột sợ hãi, thì còn gì là Bồ Tát, cho nên phải đem Bồ Tát đưa vào lính cho đi xa ba nghìn dặm.
Ở trong chùa, tuy phải tức giận, nhưng còn có cái để ăn. Ai ngờ, chỉ chưa đầy hai tháng, tô của nhà chùa cũng không thu được, ngay các Trưởng lão cũng không có cái ăn, nói gì tới các Hòa thượng từ lớn tới nhỏ? Cùng nhau bàn bạc tới nửa ngày, họ quyết định các Hòa thượng sẽ cùng nhau đi “hóa duyên” (nghĩa là đi các nơi xin ăn), ba năm sẽ trở về. Vì thế, Chu Nguyên Chương đành phải mặc cái áo rách, tay cầm cái bát sành (dùng để xin ăn), lưng mang cái túi vải, đi khắp nơi khất thực.
Ba năm sau. Chu Nguyên Chương trở về Hào Châu. Qua ba năm, anh đã tới An Huy, nhiều nơi của Hà Nam, đã thêm rất nhiều hiểu biết. Lúc ấy, phong trào khởi nghĩa nông dân chống Nguyên đã bùng nổ, quân Hồng cân đã chiếm được Hào Châu, chùa Hoàng Giác cũng đã bị phá hủy. Để có đường sống, Chu Nguyên Chương tham gia quân Hồng cân.
Từ ngày tham gia quân khởi nghĩa, Chu Nguyên Chương rất chịu khó, võ nghệ cũng có nhiều tiến bộ. Mỗi lẫn ra trận, anh đều tỏ ra rất dũng cảm, lại còn nhiều ý kiến hay, tỏ rõ tài năng quân sự trác tuyệt. Thủ lĩnh quân Hồng cân là Quách Tử Hưng thấy những biểu hiện xuất sắc đã gả một cô gái họ Mã cho anh làm vợ, rồi lại giao cho anh chức Tổng quản (2) Hòa Châu.
Làm Tổng quản, biết mình còn trẻ tuổi, kinh nghiệm còn ít, uy tín chưa cao, tuy có được quyền hành do Quách Tử Hưng giao cho, nhưng Chu Nguyên Chương vẫn chưa yên tâm về sự tin cậy của các tướng lĩnh. Phải làm sao đây? Suy nghĩ mãi, cuối cùng, Chu Nguyên Chương nảy ra một ý.
Ông cho nguời thông báo mời tất cả các vị tướng lĩnh tới phía trước sảnh của phủ Tổng quản. Ở đây, những cái ghế đã được xếp đặt theo thứ bậc từ cao xuống thấp.
Mọi người theo lệnh có mặt đầy đủ, theo địa vị lớn nhỏ mà ngồi vào ghế nhưng lát sau vẫn chẳng thấy Chu Nguyên Chương đâu. Chờ một lát, mọi người mới thấy ông đi tới, chẳng nói năng gì, ngồi vào cái ghế cuối cùng còn lại. Các tướng nhìn ông với vẻ ngạo mạn, Chu Nguyên Chương làm như không thấy gì, bình tĩnh, nói với mọi người:
– Hôm nay, tôi mời các vị tới đây là để bàn về việc giữ thành. Vị nào có cao kiến, xin cứ nói thẳng!
Các quan tướng nguời nọ nhìn nguời kia, chẳng ai nói gì. Cuối cùng, Chu Nguyên Chương đề xuất một biện pháp, quyết định phải lập tức sửa sang thành trì, chia ra, mỗi nguời đảm nhận một đoạn, trách nhiệm rõ ràng, hẹn trong ba ngày phải hoàn thành.
Ba ngày rất nhanh chóng qua đi. Chu Nguyên Chương mời các tướng lĩnh và quan lại các cấp cùng đi kiểm tra, đánh giá. Kết quả là ngoài đoạn thành do Chu Nguyên Chương đảm trách, các đoạn thành khác công việc đều dở dang, thậm chí còn không đảm bảo chất lượng, không đúng quy cách.
Chu Nguyên Chương trầm tĩnh, mời mọi người trở về đại sảnh. Ông là nguời về đầu tiên, ngồi vào ghế Tổng quản, tay cầm lệnh bài của Quách Tử Hưng, nghiêm giọng nói với các quan tướng:
– Quách chủ soái đã lệnh cho tôi làm Tổng quản, trách nhiệm rất lớn. Vừa rồi phân công đắp thành, chỉ có tôi hoàn thành, còn các ông đều bỏ dở. Nếu gặp tình huống khẩn cấp mà cũng như thế này, hỏi làm sao mà đánh thắng được? Bây giờ nói cho rõ ràng, việc quá khứ không nói đến nữa. Từ nay về sau, ai bất tuân quân lệnh sẽ phải trừng phạt nặng. Đến lúc ấy, đừng trách tôi là không nể tình huynh đệ.
Nghe nói xong, các quan tướng đều mặt đỏ tía tai, đành phải phục tùng. Từ đó, lệnh của Chu Nguyên Chương ban ra, không ai dám thờ ơ. Về sau, khi Quách Tử Hưng bị bệnh chết, tất cả mọi người đều tiến cử Chu Nguyên Chương làm Nguyên soái của quân khởi nghĩa.
Sau khi Chu Nguyên Chương thống soái về quân sự, ý thức phát triển thực lực của bản thân ngày càng rõ, ông ra sức tập hợp nhân tài khắp nơi về đội ngũ của mình. Cho nên, dù hành quân tác chiến, đi tới đâu ông cũng cho nguời tìm kiếm nhân tài ở đó. Nếu phát hiện thấy, ông đều đích thân tới mời tham gia quân Hồng cân. Thời gian càng dài, ông càng tập hợp càng nhiều nguời có bản lĩnh, trong đó có hơn chục nguời đặc biệt nổi tiếng như Lý Thiện Trường, Lưu Bá Ôn, Tống Khiêm, Chu Thăng, Phùng Quốc Dụng, … Những nguời này đã từng đóng góp không ít những mưu kế hay cho Chu Nguyên Chương.
Có một lần, Chu Nguyên Chương hỏi Phùng Quốc Dụng:
– Ông xem, giờ phải làm thế nào mới đánh thắng được quân Nguyên?
Phùng Quốc Dụng suy nghĩ hồi lâu rồi trả lời:
– Chúng ta nói đã đánh thắng không ít trận, nhưng chỉ có điều nay đánh chỗ này, mai đánh nơi khác, chưa có địa bàn cố định, chưa có mục tiêu rõ ràng. Đây là điều không nên.
– Theo ông…
– Theo tôi, Kim Lăng (nay là Nam Kinh, Giang Tô) là nơi có địa hình hiểm yếu, thành trì kiên cố, từ xưa, đã có nhiều đế vương kiến đô ở đây. Nếu chúng ta chiếm được nơi ấy, lập làm cứ điểm, sau đó mới đưa quân đánh các nơi xung quanh, cục diện sẽ nhất định không thế này nữa.
Chu Nguyên Chương gnhe xong, trong lòng rất vui sướng, bắt đầu càng khẳng định ý chí: trước hết chiếm Nam Kinh, rồi sẽ thống nhất thiên hạ…
Càng ngày, Chu Nguyên Chương càng chú ý chiến lược và phương pháp, lực lượng càng ngày càng mạnh. Năm 1368, Chu Nguyên Chương cuối cùng lên ngôi Hoàng đế ở Nam Kinh, kiến lập triều Minh.
Chú thích:
- Trưởng lão: cách gọi tôn xưng các đệ tử hàng đầu của Thích Ca trong chùa.
- Hòa Châu: nay là huyện Hòa, An Huy. Tổng quản: quan quân chính cao cấp ở địa phương.
- Phùng Quốc Dụng (1324 – 1359): nguời Định Viễn, Hào Châu (nay thuộc An Huy), tích đọc sách, thông binh pháp, sau khi mất được truy phong Trịnh Quốc công.
Chu Nguyên Chương quả là một con người tài ba,anh hùng xuất thế.
Chu Nguyên Chương là người khai sinh triều đại nhà Minh, triều đại đã xâm lược và đô hộ Viêt Nam 20 năm , may nhờ anh hùng LÊ LỢI đánh đuổi và giành lại độc lập
Những tên xâm lược này thì có gì mà phải ca ngợi ,tội ác của chúng
“Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội. Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.”
Nguyễn Trãi