Với thế hệ chúng tôi, Tây bắc có một sức quyến rũ kỳ lạ. Những “tiểu thuyết đường rừng” của Lan Khai trước cách mạng đầy bí hiểm dù chỉ có bối cảnh là Hòa Bình, nơi cách Hà Nội  chưa đầy trăm cây số. Những mái nhà sàn ẩn hiện trong sương mờ, những cô gái Mường thấp thoáng bên bờ suối, …Thời ấy, kinh tế chưa phát triển, phương tiện  đi lại thiếu thốn nên khoảng cách như được nhân lên. Từ Hà Nội, ra đến chùa Láng đã được coi là xa, ngày chủ nhật, không ít trường học ở  nội thành đã cho học sinh đi tàu điện về cắm trại.

Rồi sau chiến thắng Điện Biên, Tây Bắc với những bài hát Qua miền Tây Bắc, Giải phóng Điện Biên, Tình ca Tây Bắc, Hò kéo pháo,  … càng có sức lôi cuốn. Không chỉ còn là bí hiểm, đó còn là mảnh đất hào hùng, chứa chất bao chiến công của các thế hệ cha anh.

Hòa bình, miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng, cái lãng mạn trong hình ảnh trên những dải núi biên cương, anh chiến sĩ biên phòng vẫn “chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi”, cái sườn núi rực ánh vàng hoàng hôn trong bức tranh “Nhớ một chiều Tây bắc” của họa sĩ Phan Kế An, những điệu nhảy sạp, xòe Thái, luôn thấp thoáng trong những mơ ước của các chàng trai Hà Nội.

Bước vào những năm 60 của thế kỷ trước, Tây bắc là nơi đầu tiên xuất hiện những nông trường. Từ người lính, anh bộ đội trở thành công nhân nông trường, mảnh đất Điện Biên đầy xác xe tăng, vỏ đạn, dây thép gai, hầm hào, lô cốt,… đang dần biến thành mảnh đất màu mỡ với những cánh đồng ngô, lúa, khoai sắn xanh ngút tầm mắt. Điện Biên có lẽ là nơi lần đầu tiên ở nước ta xuất hiện chiếc máy cày. Còn nhớ một bài hát nói lên cái ngỡ ngàng của các cô gái Thái khi thấy trên bản làng quê mình chiếc máy cày lạ lẫm: “Nhìn xuống, ô kìa, cái gì như ngàn lưỡi cày tung đất…. Đúng rồi, đúng cái máy cày rồi. Ô con trâu sắt chị em ơi, Quê nhà ta có máy cày rồi…” (bài hát Con trâu sắt). Từ đó, Tây bắc như đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa xã hội, nơi khởi nguồn của những nông trường, nông trang tập thể có tương lai như những cảnh tượng trong các bộ phim màu hấp dẫn của Liên Xô, Trung Quốc, như lời một bài hát hình như của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý “Dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa, Đây bao la, hương sắc hoa chan hòa, …”…

Rồi các nhà thơ, nhà văn đã khiến Tây bắc thêm hấp dẫn. Từ “ruồi vàng, bọ chó, gió Tây Trang”, đèo Ô Quy Hồ, hoa ban hoa gạo từ thượng xuống hạ nguồn sông Đà… trong ký của Nguyễn Tuân đến những bài thơ của Chế Lan Viên, Huy Cận, … những truyện ngắn của Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Tưởng, ..như vẫy gọi lứa tuổi thanh niên lúc ấy::

Tây bắc ư, có riêng gì Tây bắc,

Khi lòng ta đã hóa những con tàu,

Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát,

Tâm hồn ta là Tây bắc chứ còn đâu!

(Thơ Chế Lan Viên)

 

Đặc biệt nhất , lớp thanh niên Hà Nội thời ấy không thể không nhớ  “Lên miền tây” của Bùi Minh Quốc:

Cái tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy

Thì xa xôi gấp mấy cũng lên đường,

Sống ở Thủ đô mà dạ để mười phương

Nghìn khát vọng chất chồng mơ ước lớn.

 

Bao thanh niên trai gái đã nô nức lên đường sau khi đọc những vần thơ ấy. Họ đi lên Tây bắc tham gia xây dựng  những  nông trường, những vùng kinh tế mới, tham gia những công trường mở đường, đi tới những bản làng xa xôi mang ngọn đuốc văn hóa soi sáng cho  những mảnh đất còn tăm tối, …

Những con người ấy với chúng tôi còn đang ngồi trên ghế nhà trường thật may mắn. Họ được ra đi, phơi phới đến những mảnh đất như huyền thoại

Từ Hà Nội lên Tây bắc sao mà xa vậy? Hon ba trăm cây số mới tới Sơn La. Năm trăm cây số mới tới Điện Biên. Còn Lai Châu, những Tủa Chùa, Sìn Hồ, Phong Thổ, Mường Tè, … còn xa hơn nữa. Khát khao mà bất lực!

Lúc ấy, muốn lên Tây Bắc phương tiện duy nhất là ô tô. Xe xuất phát từ bến xe Kim Mã. Mỗi tuần có một hoặc hai chuyến. Người Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, … đi khai hoang kinh tế mới trên Tây Bắc phải xếp hàng, ghi tên, ăn ở chờ đợi kín các nhà trọ quanh bến xe. Mỗi khi xe rời bến, người ngồi chật bên trong, trên nóc xe  là xoong nồi, củi lửa, chiếu chăn, … của hành khách. Không thể thiếu là  những  lợn con, gà con, chó con, … người ta mang lên để làm giống, để gieo sự sống cho một vùng đất còn hoang sơ.  Đồ lề đem theo nhiều như thế vì bình thường xe chạy từ Hà Nội tới Điện Biên phải mất năm bảy ngày. Đường hẹp, đèo dốc quanh co, dốc cao hun hút. Xe đều cũ từ thời Pháp để lại,  có xe đến lưng chừng dốc không leo tiếp được vì máy nóng quá, phải dừng lại, tìm tảng đá chèn bánh xe , rồi xuống khe, xuống suối múc nước lên đổ vào két nước, chờ cho máy nguội. Buổi tối dừng chân ở những nơi chẳng có phố xá gì. Khi  là một bản có dăm bảy mái  nhà sàn ven đường, khi là một lán tranh của trạm đảm bảo giao thông, …Khách đi xe nấu cơm nhờ, rồi ngủ nhờ qua đêm, hôm sau lại đi tiếp. Đấy là “thông đồng bén giọt”.

Gặp mưa lũ, đường sạt lở thì không biết xe phải nằm lại bao nhiêu ngày. Có khi đất trượt lấp cao hàng mét trên quãng đường dài tới vài ba trăm mét, có khi lở đường, một đoạn đường trước mặt bỗng hoàn toàn  không để lại dấu vết,  không còn lối mà đi. Hoàn toàn không có máy móc, chỉ toàn là sức người. Với những  cuốc, xẻng, xà beng, cáng tre, … và những giọt mồ hôi khôi phục lại đoạn đường hoặc làm một đoạn đường mới. Công cụ đã thô sơ, người cũng chẳng có bao nhiêu. Một tổ đảm bảo giao thông khoảng chục người, cùng với lái, phụ xe và hành khách trên xe. Tất cả đều trở thành công nhân giao thông làm đường. Nhanh là vài ba ngày, chậm có khi hàng tuần lễ, hàng chục ngày. Chuyến xe có khi mất hàng tháng mới vượt qua được quãng đường hơn năm trăm cây số. Cho nên, nhiều thanh niên Hà Nội lúc ấy lên dạy học ở Sơn La Lai Châu mà dăm năm mới dám về phép một lần. Mỗi lần nghỉ suốt 3 tháng hè cũng  chỉ ở Hà Nội được dăm bữa nửa tháng. Thời gian còn lại là để  “rải” trên đường.

Tôi nghe kể, nhà văn Nguyễn Tuân thích “xê dịch”. Ông thường có mặt trên cung đường Hà Nội lên Tây Bắc và Hà Nội – Vĩnh Linh. Cứ đi đi về về như thế. Một năm ông chỉ có mặt ở Hà Nội chừng một tháng. Trên đường đi Tây Bắc, ông thường đã quen với những chặng dừng chân nên ở mỗi nơi, ông đều gửi sẵn chăn,  màn, chiếu để đỡ  làm phiền những người cho ông tá túc qua đêm.

 

Cho nên, mở đầu cho những chuyến đi xa bằng xe máy, chúng tôi đã chọn Tây Bắc. Và từ đó tới nay, tôi đã lên Tây Bắc hơn mười lần. Tây Bắc trở nên mảnh đất thân thuộc.  Năm 2002, đường từ Hà Nội lên Hòa Bình đã mở rộng phục vụ cho công trình Thủy điện Hòa Bình. Nhưng từ dốc Cun trở đi, đường rất xấu. Đường hẹp và dốc, toàn những “cua tay áo”. Lúc xuống dốc, không dám đi nhanh để lấy đà lên dốc vì sợ lúc vào “cua”, lao xuống vực. Có những con dốc, xe máy 100 cm3 về số một vẫn leo vất vả. Nhựa rải mặt đường bong tróc nhiều do mưa lũ nên rất xóc. Nhiều đoạn dài, đường chỉ là loại cấp phối (rải đá). Sau một ngày đi đường, đêm đến, người đau ê ẩm.  Nhiều đoạn đi tới nửa tiếng đồng hồ không thấy  xe đi ngược lại. Mấy người cùng đi với nhau nói đùa “nếu gặp sự cố gì  có lẽ chỉ có ngồi chờ đợi không biết tới bao giờ mới có thể gặp người để nhờ cậy. Còn nếu chẳng may lao cả xe xuống vực thì sẽ hoàn toàn không còn để lại chút dấu vết sau không đầy một  phút, chắc đành bị coi là mất tích.

Phục vụ cho xây dựng thủy điện Sơn La, đường số 6 đã được nâng cấp. Mặt đường rộng hơn, trải nhựa phẳng phiu và do cắt bớt những khúc “cua”, hạ bớt những con dốc mà quãng đường Từ Hà Nội tới Sơn La từ 320 km rút ngắn còn 300 km. 20 km những cua tay áo, những con dốc dựng ngược mất đi, con đường trở nên gần và đặc biệt thuận lợi hơn rất nhiều. Bây giờ lên Tây Bắc chỉ ngại đi vào mùa mưa. Vẫn còn cảnh lở đường, đất trượt nhưng sự tắc nghẽn đã giảm bớt rất nhiều. Khi có sự cố, những xe gạt, máy xúc đã có mặt kịp thời khai thông đoạn đường  trong thời gian ngắn. Người đã gần 70 tuổi như tôi, xuất phát từ Hà Nội bằng xe máy  lúc 5 giờ sáng, 2, 3  giờ chiều đã có thể tới Sơn La. Còn từ Điện Biên, một thanh niên khỏe mạnh xuất phát lúc 5 giờ sáng, 8, 9 giờ tôi đã có thể đi dạo quanh Hồ Gươm. Đường xá tốt và phương tiện giao thông thuận lợi đã giúp cho Tây Bắc gần lại.

Tất nhiên đường xa, lại đi bằng xe máy sẽ  có những khó khăn trắc trở! Nhưng bù lại những khó khăn, bao nhiêu điều kỳ thú diễn ra trước mắt.

Tôi rất yêu môn địa lý. Nhiều khi chỉ với một tấm  bản đồ trước mặt, tôi có thể trải lòng mình qua khắp mọi nẻo đường. (Người ta sao có thể dạy lòng yêu nước cho học sinh khi hai môn lịch sử và địa lý không được coi trọng?) Những địa danh vùng Tây Bắc đã nghe nhiều, từ khi mới 10 tuổi (nhân chiến thắng Điện Biên) nhưng không tài nào nhớ nổi. Nhưng chỉ cần qua chuyến đi đầu tiên, bao nhiêu con đèo, bao nhiêu địa danh, những cao nguyên, những cánh đồng, thung lũng, … đã được ghi lại trong tâm khảm kể cả khoảng cách giữa các chặng đường. . Giữa hai cao nguyên Mộc Châu và Sơn La  là  Yên Châu, được ngăn cách bằng hai con đèo Mộc Châu và Chiềng Đông. Vì thế, Yên Châu là nơi có khí hậu oi nóng hơn hai cao nguyên mát mẻ. Rồi những địa danh Cò Nòi, Hát Lót, Nà Sản, Tuần Giáo, Mường Phăng, …Mỗi cái tên gắn với một chiến công trong kháng chiến.

Trên con đèo qua thung Muối, thung Khe, chúng tôi đã được chứng kiến hai hình thái thời tiết trái ngược nhau chỉ cách một khúc “cua”. Đang lên dốc, mưa như trút, vuốt mặt không kịp. Nhưng chỉ sau một khúc ngoặt, trời nắng chang chang, chưa hề có một trận  mưa nào. Ngạc  nhiên, một người xuống xe, quay lại. Chỉ sau khoảng hai mươi bước chân, trời xầm tối và mưa quất tối tăm mặt mũi.

Khoảng cây số 152, phía bên trái đường không xa, chúng tôi thấy một cây chẳng khác gì cổ thụ, nở đầy hoa. Sắc hoa trắng, phơn phớt tím nổi bật trên nền xanh rì của núi rừng. Chờ tới 15 phút, chỉ để đợi có người qua đường, hỏi tên cây mà chẳng thấy ai. Đành phải tiếp tục chặng đường  mà trong lòng vẫn còn vương vấn.

Khỏi chân đèo Mộc Châu, đứng bên đường, có thể ngắm nhìn những con thác ào ào đổ, những giọt bụi nước li ti phả hơi mát tới mức ướt cả áo người dừng chân.

Đường từ thị xã Mường Lay đi Phong Thổ phải vượt sông Đà bằng cây cầu Hang Tôm. Cầu không dài, người ta đã khéo lựa chọn nơi đặt cầu vì dòng sông Đà khi qua đây thắt lại,  hai bên là vách đá, toàn bằng thép. Nghe người địa phương nói khi xây dựng cây cầu này vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước, người Trung Quốc sang xây dựng giúp ta còn phải vận chuyển toàn bộ khối sắt thép  ấy bằng ngựa thồ. Đây có lẽ là cây cầu đầu tiên qua sông Đà. Không biết vì sao khi viết Sông Đà, Nguyễn Tuân chưa nói tới cây cầu này. Đến hôm nay, chắc cây cầu cùng với thị xã Mường Lay đã nằm dưới đáy hồ của thủy điện Sơn La,

Có lên Tây Bắc mới hiểu vì sao có câu ca dao mới:

Thái Đen, Thái Trắng, Thái Bình,

Ba Thái đồng tình, xây dựng Sơn La (hay Điện Biên, Lai Châu). (Sau người ta “chế” thành “Ba Thái đồng tình phá hoại Sơn La)

Khoảng những năm 60 của thế kỷ trước, rất nhiều nông dân ở đồng bằng Bắc Bộ đã được vận động lên Tây Bắc khai hoang, xây dựng kinh tế mới, mong bức tranh “Núi rừng có điện thay sao” sớm trở thành hiện thực. Thái Bình là tỉnh “đất chật người đông” nhất trong các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Từ Yên Châu trở lên, sát chân đèo Chiềng Đông, rồi gần Mường Ảng, …và rải rác khắp Tây Bắc, bên đường thỉnh thoảng lại thấy những bản làng nằm kề bên quốc lộ của dân Thái Bình lên khai hoang. Có bản làm nhà đất như dưới xuôi, có bản làm nhà sàn như người Thái. Nhưng ở đâu, do bản tính cần kiệm lam làm, giỏi tính toán thu vén, người dân cũng có cuộc sống khá sung túc so với người dân bản địa. Gặp người xuôi lên, đi qua vào nghỉ nhờ, họ vui vẻ như gặp người đồng hương, chuyện mãi không  dứt. Trong Xốp Cộp, Sông Mã, người xuôi lên cũng đông không kém. Huyện Sông Mã có cả một vùng nhãn của người Hưng Yên mang giống nhãn lồng lên trồng. Mùa nhãn, xe to xe con vào chở nhãn bán khắp Sơn La. Ở bến xe nhiều  huyện ở Tây Bắc, hàng ngày đều có những chuyến xe từ đó chạy về một tỉnh đồng bằng, chứng tỏ nhu cầu đi lại không nhỏ. Dù đã xa quê hơn nửa thế kỷ nhưng mối quan hệ với quê cha đất tổ của người ta vẫn chưa hề phai nhạt.

 

Lên Tây Bắc là được qua đèo Pha Đin, một con đèo nổi tiếng trong bốn cái đèo lớn ở miền núi phía bắc. Pha Đin đã có mặt trong câu thơ của Tố Hữu:

Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ,

Đèo Lũng Lô anh hò chị hát.

Pha Đin dài  32 km. Bên này đèo là Thuận Châu, Sơn La. Bên kia đèo là Tuần Giáo, Điện Biên. Đỉnh đèo cao hơn 1.600 m. Lên đèo, nhiều khi chúng tôi khuất trong mây trời, lạnh buốt. Có những khúc quanh, xe phải về số 1 dù một người đã phải xuống xe leo bộ, mới có thể lên dốc. Trên đường đổ dốc, một cái cây còn nguyên gốc đứng như được “trời trồng” giữa đường, không một chút nghiêng ngả. Đây là kết quả của trận mưa đêm qua.

Lại phải một chuyến đi Tây Bắc nữa sau đó vài năm, tôi mới hiểu vì sao đèo Lũng Lô lại nằm sóng đôi trong câu thơ của Tố Hữu. Đèo Lũng Lô không dài, cũng không cao nhưng nằm trên con đường huyết mạch nối Việt Bắc và Tây Bắc. Sức người, sức của từ Tuyên Quang, Thái Nguyên, …  của chiến khu Việt Bắc, rồi những khẩu pháo lớn, những viên đạn pháo mà chỉ một viên nuôi cả gia đình trung nông trong một năm được Trung Quốc viện trợ muốn qua Tây Bắc để lên Điện Biên làm nên trận đánh lịch sử chỉ có con đường duy nhất là qua đèo Lũng Lô.

Một người bạn tôi đã nói vui “Đi chơi là chơi cái chuyến đi ấy”. Mới nghe thấy lạ, nhưng đi nhiều mới thấy quả thật như thế. Rất nhiều khi, cái đích mà ta tìm đến, tới nơi mới thấy ở đó chẳng có gì đáng chú ý, thậm chí nhiều khi còn thất vọng. Nhưng tất cả mọi sự thú vị, hấp dẫn thường được thấy trên đường. Cảnh núi non trùng điệp, ngoạn mục, những con đường quanh co uốn khúc đưa con người từ thấp lên cao, câu chuyện  thú vị với một người dân địa phương trong một lát dừng chân, rồi thậm chí những sự cố không hề mong muốn xảy ra, … tất cả những cái đó tạo nên sự hấp dẫn không cưỡng nổi như mời gọi đi tiếp khi có dịp.

Xin kết thúc bằng  một chuyện vui về dòng sông quen thuộc của mảnh đất Điện Biên.  Ai đọc những truyện ngắn về Điện Biên của các nhà văn ta những năm 60 đều không quên hình ảnh dòng sông Nậm Rốm. Dòng sông trong xanh, hiền hòa chảy tưới mát cánh đồng Mường Thanh trù phú. Vào mỗi buổi chiều, sau một ngày lao động cật lực, những chàng trai vừa  rời khỏi cánh đồng nhảy ào xuống dòng sông mát rượi tắm táp, xoa nắn những bắp thịt săn chắc  đỏ au để thanh thản sau một ngày lao động vất vả. Con người như hòa vào với dòng sông, hòa vào với thiên nhiên Tây Bắc. Trong chuyến đầu tiên lên Tây Bắc, vừa nhìn thấy tấm biển nhỏ đề “cầu Mường Thanh”, anh bạn ngồi sau xe, vội kéo áo tôi, giật giọng:

– Dừng lại, dừng lại!

Tôi vội hãm xe, chắc anh có “nỗi buồn”! Chờ tới hơn 10 phút, vẫn chẳng thấy anh đâu, tôi sốt ruột nhưng đành đứng đợi. Lúc sau, thấy anh lướt thướt chạy tới, vừa vuốt mặt, vừa kêu:

– Eo ơi, bẩn quá! Bẩn quá! Kinh khủng!

Hóa ra anh nhớ tới dòng sông Nậm Rốm trong tiểu thuyết, trong ký ức, muốn đằm mình trong cái mát mẻ của dòng nước trong xanh  nên đã vội nhảy ào xuống. Nhưng đâu ngờ, đây là dòng sông của năm mươi năm sau, dòng sông của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đầy rác rưởi, túi ni long và không biết đủ những thứ gì nữa các loại.

Đêm ấy, cứ thấy anh trằn trọc không ngủ được vì … ngứa!

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here