Hốt Tất Liệt đánh bại A Lý Bất Ca, củng cố Hãn vị của mình quay sang giải quyết nỗi lo về sau nên bắt đầu kế hoach tiêu diệt Nam Tống, thống nhất Trung Quốc.
Chiến lược đánh Tống của Hốt Tất Liệt có thay đổi lớn. Trước đây, ông ta có ý định trước hết tiến công Đại Lý và Tứ Xuyên ở phía tây nam, hy vọng sẽ có thể bao vây Nam Tống trên phạm vi rộng lớn, nhưng cuộc chiến của quân Nguyên ở tây nam không thuận lợi, tiến triển rất chậm.
Khi ấy, Lưu Chỉnh (1) là tướng Tống giữ Lô Châu (nay là Lô Châu, Tứ Xuyên) đã đầu hàng triều Nguyên. Lưu Chỉnh là danh tướng của Nam Tống, vô cùng thành thạo mọi chiến lược, kế sách của Nam Tống nên hiến diệu kế cho Hốt Tất Liệt: Tương Dương là cửa ngõ lưu vực Hán Giang của Nam Tống, trước hết phải đánh Tương Dương, mở toang cánh cửa này, sau đó có hậu thuẫn từ Hán Thủy sẽ tiến vào Trường Giang, áp sát Lâm An, kinh thành của Nam Tống. Nghe xong, Hốt Tất Liệt rất vui mừng, quyết định chuyển quân từ Tứ Xuyên, tập trung binh lực đột phá phòng tuyến Kinh Hồ, sau đó cùng tiến về hướng đông nam.
Mục tiêu chính từ đánh chiếm thượng du sông Trường Giang chuyển về vùng trung du của sông này là một quyết sách vô cùng sáng suốt. Địa thế Tứ Xuyên hiểm trở, dễ giữ mà khó đánh, lại qua thời gian dài chiến tranh nên cuộc sống ở đây vô cùng cực khổ. Trong những hoàn cảnh và điều kiện ấy, quân Nguyên phải trả giá đắt về mọi mặt. Việc thay đổi chiến lược trong cuộc đối kháng Tống Nguyên chắc sẽ có ít nhiều thuận lợi. Đánh Kinh Tương, gần sông lớn, có thể thuận đường tiến về phía đông. Từ sau khi quân Mông Cổ tiến xuống phía nam, núi Lục Bàn luôn luôn là đại bản doanh để quân Nguyên nuôi dưỡng quân sĩ. Với họ, từ đó qua Hán Trung, tiến vào Tứ Xuyên vô cùng thuận lợi. Đánh Tứ Xuyên trở thành định hướng chủ yếu trong chiến lược thôn tính Nam Tống của Mông Cổ. Giờ đây, trước sự thay đổi chiến lược, nguời đời sau sẽ thấy hợp lý là lẽ đương nhiên. Nhưng đối với nguời lúc ấy, đây là điều không thể chấp nhận được. Mùa thu năm 1268, quân Nguyên bắt đầu thực hiện chiến lược bao vây Tương Phàn (Tương Phàn là tên gọi ghép Tương Dương và Phàn Thành. Tương Dương ở bờ nam Hán Thủy, Tướng Tống giữ thành là Lã Văn Hoán; Phàn Thành ở bờ bắc Hán Thủy, tướng giữ thành là Phạm Thiên Thuận).Tương Phàn là những thành trì có lương thực đầy đủ, quân nhiều tướng giỏi, tường thành cũng vô cùng kiên cố, dễ giữ mà khó đánh. Giữa hai thành lại có cầu phao liên kết với nhau. Hốt Tất Liệt cử A Thuật làm chủ tướng, Lưu Chỉnh làm phó tướng trong cuộc tiến công Tương Phàn. A Thuật và Lưu Chỉnh cho quân bao vây Tương Phàn, bên bờ sông cho xây đắp những công sự, dưới lòng sông đóng nhiều cọc gỗ, trên mặt sông căng xích sắt, muốn cắt đứt mối liên hệ giữa Tương Phàn với bên ngoài.
Năm sau, Hốt Tất Liệt lại cử Sử Thiên Trạch và Phó Mã Hốt Lạt tới tiến công Tương Phàn. Sử Thiên Trạch tới tăng cường bao vây, chuẩn bị phát động cuộc tiến công mãnh liệt. Chờ tới khi trời mưa, nước sông lên cao, xung quanh Tương Phàn đều là nước, quân Mông Cổ khi đánh khi nghỉ, cứ như thế kéo dài suốt năm năm.
Thấy Tương Phàn đánh mãi không được, Hốt Tất Liệt hỏi các tướng kế sách. Lúc ấy mới có một tướng tên gọi A Lý Hải Nha nói với Hốt Tất Liệt:
– Tương Dương và Phàn Thành cũng giống như hai cái sừng của con trâu, chúng hỗ trợ cho nhau, cho nên đánh mãi cũng không được. Sao không trước hết đánh Phàn Thành ở phía bắc, sau đó mới đánh Tương Dương, chắc chắn sẽ tiêu diệt được.
Hốt Tất Liệt nghe thấy rất hợp lý, lập tức lệnh cho A Thuật trước hết đánh Phàn Thành. A Thuật y lệnh tập trung toàn bộ binh lực, lại thêm có pháo hồi hồi (2) có uy lực rất lớn. Quân Nguyên dùng pháo hồi hồi bắn vào tường thành để công phá, nhưng quân Tống trong thành lại dùng cung tên và bắn đá khiến quân Nguyên không ngóc đầu lên được, cuộc tiến công mãi cũng không giành được thắng lợi.
Quân giữ Phàn Thành vì sao có thể chống đỡ? Vì họ được quân ở Tương Dương hỗ trợ qua cầu phao, quân từ đó không ngừng tăng viện cho Phàn Thành. Quân Nguyên chỉ đánh Phàn Thành mà không ngăn được quân tiếp viện. A Thuật phát hiện điều ấy, bèn tìm cách cắt đứt cầu phao, ngăn cản mối liên hệ giữa hai thành. Được lệnh tiến công cầu phao, quân Nguyên dùng lửa đốt cầu. Đến lúc ấy, Phàn Thành không nhận được sự chi viện của Tương Dương nữa. Quân Nguyên lập tức ra lệnh tiến công mãnh liệt từ ba mặt. Đầu tháng 2 năm 1273, cuộc chiến đấu trên đường phố của quân Tống thất bại, quân dân trong thành bị quân Nguyên thảm sát.
Trên đại thể, Phàn Thành thất thủ không ảnh hưởng lớn tới sự tồn vong của thành Tương Dương nhưng chính sự cô lập của Tương Dương khiến nó bị đẩy tới cảnh tuyệt vọng. An nguy của Tương Dương chỉ còn là vấn đề thời gian. Quân Nguyên sau khi chiếm được Phàn Thành, lập tức đưa pháo hồi hồi tới thành Tương Dương. Tướng giữ thành Tương Dương Lã Văn Hoán cấp báo với triều đình, nhưng triều đình không đưa quân đến cứu viện. Lúc ấy, trong thành, lương thực còn có thể đủ dùng, nhưng quần áo, củi lửa đều đã cạn. Vừa hay mùa đông tới, quân dân trong thành buộc phải dỡ nhà làm củi. Mỗi lần lên lầu thành quan sát, Lã Văn Hoán đều ngóng nhìn về phương nam với vẻ mặt đau khổ. Không thể làm gì khác, tháng 2 năm 1273, Lã Văn Hoán cho mở cổng thành, đầu hàng quân Nguyên.
Nguời đương thời có thơ rằng:
“Lã tướng quân thủ Tương Dương,
Tương Dương thập niên thiết tích lương,
Vọng đoạn trợ binh vô tiêu tức
Thanh thanh mạ sát Giả Bình Chương (chỉ Giả Tự Đạo).”
Những câu thơ đã biểu lộ sự cảm thông với Lã Văn Hoán vì không nhận được sự trợ giúp của triều đình mà phải nộp thành đầu hàng.
Sau khi Tương Dương và Phàn Thành bị quân Nguyên chiếm được, cánh cửa vào Nam Tống đã được mở toang. Các tướng lĩnh cao cấp của triều Nguyên thấy rõ vẻ hèn nhát của quân Tống đua nhau kiến nghị Hốt Tất Liệt lợi dụng cơ hội đánh Tống. Năm 1274, Hốt Tất Liệt lệnh cho Tả thừa tướng Bột Nhan làm Thống soái mang 20 vạn đại quân theo dòng Hán Thủy vào Trường Giang. Thủy lục cùng thẳng tiến về phía đông tới Lâm An, kinh thành của Nam Tống.
Chú thích:
- Lưu Chỉnh (1213 – 1275), nguời Trịnh Châu, Nam Tống (nay là Trịnh Châu, Hà Nam).
- Hồi hồi pháo: một loại súng bắn đá, do nguời Hồi Hồi, thới Nguyên Thế Tổ chế tạo.
Lã Văn Hoán: nguời Ann Phong, Thọ Châu, Nam Tống (nay ở tây nam huyện Thọ, An Huy).