Liễu Vĩnh là đại gia mở đầu cho “từ” thời Bắc Tống, ông đã có cống hiến to lớn trong việc phát triển “từ” ở đời Tống, có ảnh hưởng sâu rộng trong lịch sử văn học Trung Quốc.
Liễu Vĩnh vốn tên là Tam Biến, tự Kỳ Khanh, nguời đời gọi là Liễu Thất. Cũng như những nguời đọc sách lúc bấy giờ, tuổi còn trẻ, ông theo đuổi công danh, nhiều lần tham gia ứng thí, nhưng vận may chưa tới, không đỗ đạt. Thấy chưa có tên trên bảng vàng, ông vô cùng thất vọng, từng viết bài từ “Hạc xung thiên” cho khuây khỏa.
Bài từ tuy bộc lộ nỗi buồn của Liễu Vĩnh sau khi “danh lạc Tôn Sơn chi hậu” (thi trượt) nhưng chủ yếu thể hiện cái nhìn của ông với công danh lợi lộc, thái độ với cuộc sống trần tục tự do tự tại.
Truyền thuyết kể, Hoàng đế Tống Nhân Tông nghe ngâm xong bài từ ấy, rất tức giận. Về sau, có lần Liễu Vĩnh dự thi, đã có tên trên bảng chỉ chờ vào điện thí. Tống Nhân Tông thấy tên ông, nói:
– Cái con người này thích “trước hoa dưới nguyệt” uống rượu nghe hát, hà tất phải mang cái phù danh này? Ta xem anh ta còn mải điền từ!
Sau đó, Liễu Vĩnh tự xưng “Phụng chỉ điền từ Liễu Tam Biến”. Liễu Tam Biến tuy không đỗ đạt nhưng đã vươn tới đỉnh cao của từ. Ông đã tinh thông âm luật, giỏi viết ca từ, thuộc rất nhiều những bài ca, điệu hát dân gian được phổ biến đương thời.
Mỗi khi tới các nơi vui chơi, ra vào chốn tửu quán ông đều tỏ cái tài hoa khác thường, ý tứ dồi dào viết rất nhiều ca khúc cho các ca kỹ khắp nơi đàn hát. Nguời khắp chốn thường nói với nhau, chỉ cần ở đâu có nước, ở đó có nguời xướng Liễu từ. Có một thời gian, ông ở Hàng Châu. Đầu đời Bắc Tống, Hàng Châu đã phát triển trở thành một nơi phồn hoa đô hội, phong cảnh đẹp đẽ. Nó nằm trên bờ bắc sông Tiền Đường, núi vây ba mặt, phía tây còn có Tây Hồ nổi tiếng, phong cảnh vô cùng ngoạn mục. Hơn mười vạn gia đình cư trú ở Hàng Châu, các văn nhân tài tử thường tới đây thưởng ngoạn cảnh hồ rộng núi cao, cùng nhau ngâm thơ điền từ, ngợi ca cảnh đẹp. Lúc ấy, Chuyển vận sứ Tôn Hà đang cai trị ở Hàng Châu, nhiều lần Liễu Vĩnh đang cư trú ở đây muốn tới thăm mong được giúp đỡ, nhưng do cửa quan thâm nghiêm, ông không thể được toại nguyện.
Về sau, Liễu Vĩnh nghĩ ra một cách. Ông để tâm trí, viết bài từ “Vọng hải triều”, lại phổ thành khúc, trong đó miêu tả cuộc sống phồn hoa và phong cảnh đẹp đẽ của Hàng Châu nổi tiếng ở đất Giang Nam. Viết xong, ông tìm đến Sở Sở, một ca kỹ xinh đẹp tài hoa nhất, nói với cô:
– Ta có ý muốn tới bái kiến Tôn tướng công, nhưng không tìm được cách nào. Nếu có dịp nào được dự yến tiệc ở Tôn phủ, nhờ cô hát bài “Vọng hải triều” cho khách nghe. Có ai hỏi tên nguời viết bài này, cô cứ nói là Liễu Thất giúp ta. Việc mà thành, nhất định ta sẽ hậu tạ.
Đến tết Trung thu, Tôn Hà mời rất nhiều bè bạn tới phủ uống rượu ngắm trăng, Sở Sở cũng được tới dự. Trong buổi tiệc, cô ca khúc “Vọng hải triều” của Liễu Vĩnh cho khách nghe:
“Đông nam hình thắng,
Giang Ngô đô hội,
Tiền Đường tự cổ phồn hoa.
Yên liễu hoạ kiều,
Phong liêm thuý mạc,
Sâm si thập vạn nhân gia.
Vân thụ nhiễu đê sa,
Nộ đào quyển sương tuyết,
Thiên tiệm vô nhai.
Thị liệt châu ky,
Hộ doanh la ỷ,
Cạnh hào xa.
Trùng hồ điệp hoàn thanh gia,
Hữu tam thu quế tử,
Thập lý hà hoa.
Khương quản lộng tình,
Lăng ca phiếm dạ,
Hy hy điếu tẩu liên oa.
Thiên kỵ ủng cao nha,
Thừa tuý thính tiêu cổ,
Ngâm thưởng yên hà.
Dị nhật đồ tương hảo cảnh,
Quy khứ phụng trì khoa”
Dịch:
“Đông nam hùng tráng,
Giang Ngô đô hội,
Tiền Đường nổi tiếng phồn hoa.
Liễu khói cầu sơn,
Màn xanh rèm gió,
Lô nhô mười vạn nóc nhà.
Cây quanh bãi mây mờ,
Sóng gầm tung tuyết trắng,
Hào rộng không bờ.
Chợ bày châu báu,
Nhà chật lụa là,
Đua xa hoa.
Núi hồ trong đẹp bao la,
Có hoa sen mười dặm,
Hương quế ba thu.
Tạnh trời sáo thổi,
Thuyền đêm hát ca,
Cô hái sen, lão câu cá cười ha ha.
Nghìn quân đứng dưới cờ,
Tiệc say nghe đàn sáo,
Thưởng thức yên hà.
Mai ngày vẽ nên tranh đẹp,
Mang về triều điện khoe.”
(Bản dịch của Nguyễn Xuân Tảo)
Bài từ vịnh Tây Hồ thanh âm lưu loát, nghe uyển chuyển nhịp nhàng, làm xúc động tới từng vị khách trong dạ tiệc. Vào lúc Sở Sở ca tới đoạn: “Hữu tam thu quế tử,
Thập lý hà hoa.
Khương quản lộng tình,
Lăng ca phiếm dạ,
Hy hy điếu tẩu liên oa”.
tất cả các vị khách đều ồ lên trầm trồ khen ngợi. Lời ca vừa dứt, Tôn Hà lập tức đưa một chén rượu cho Sở Sở, hỏi cô:
– Bài từ này sao ta chưa được nghe bao giờ, không biết do vị tài tử nào viết?
Sở Sở mỉm cười, nói:
– Tài tử chẳng phải ai khác, đó chính là đại danh Thất công tử Thất Liễu.
Tôn Hà biết là Liễu Vĩnh bèn cho nguời mời ông tới phủ, hai nguời chuyện trò đến tận thâu đêm. Không lâu sau, bài từ được lưu truyền, khiến nhà nhà đều biết, nguời nguời đều hay.
Nguời ta nói, vua Hoàn Nhan Lương (3) của nước Kim đọc “Vọng hải triều” vô cùng ngưỡng mộ cảnh đẹp của nước nam, lại bị ám ảnh bởi những cảnh đẹp đó nên xảy ra chiến tranh để mong chiếm lấy.
Suốt đời sống phóng túng, từ của ông đã có câu: “Nhất sinh doanh đắc thị thê lương, Kháp thị tha nhất sinh đích chân thiết tả chiếu”
Tương truyền, cuối cùng ông chết ở một ngôi chùa, trong tay không một đồng xu nhỏ được các ca kỹ chung tay lo việc tang lễ, chôn cất chu đáo. Sau đó, mỗi khi tới tiết Thanh minh, họ vẫn hẹn nhau chuẩn bị đồ tế lễ, tới trước mộ ông quỳ lạy gọi là “điếu Liễu Thất” để tỏ lòng tưởng nhớ tới.
Chú thích:
- Từ là một thể loại văn học có từ đời Đường, ban đầu do các ca kỹ diễn xướng.
- Trạng nguyên là một trong ba danh được lựa chọn trong giai đoạn cuối cùng khi thi cử. Về sau đến đời Nam Tống đổi đệ nhất danh là Trạng nguyên, sau là Bảng nhãn, cuối cùng là Thám hoa.
- Hoàn Nhan Lương (1122 – 1161) tức Hải Lăng vương, cháu của Kim Thái Tổ. Năm 1150, giết Kim Chiêu Tông tự lập làm vua.