Thuật in ấn, một trong bốn phát minh lớn của Trung Quốc, là cống hiến vô cùng to lớn cho thế giới văn minh. Phát minh này khiến nguời Trung Quốc đến nay vẫn tự hào. Phương pháp in bằng chữ rời do Tất Thăng phát minh vào thời kỳ Bắc Tống đã nâng cao hiệu suất việc in ấn lên gấp nhiều lần, đi trước thế giới hàng trăn năm.

Trước khi có phát minh này, nguời ta đều dùng cách in bằng bản khắc ngược. Bản khắc ngược cũng là một phát minh vĩ đại của nguời Trung Quốc thời cổ, nhưng khuyết điểm của nó cũng rất rõ ràng. Khi bộ sách in xong, trừ khi cần tái bản, những bản khắc gỗ này đều không biết sử dụng vào việc gì, rất lãng phí thời gian và vật liệu. Bản khắc gỗ một cuốn sách có khi phải mấy năm mới hoàn thành, giá thành rất cao cho nên giá một cuốn sách rất đắt. Cuốn sách nhiều trang, những bản khắc rất khó bảo quản. Ngoài ra, mỗi trang là một bản khắc hoàn chỉnh, nếu có một chữ khắc sai, rất khó sửa chữa. Cách in ấn cũ này có nhiều khiếm khuyết nên nhiều nguời đã để không ít  thời gian suy nghĩ tìm cách khắc phục. Nguời đầu tiên thành công là nhà phát minh bình dân Tất Thăng vào thời Nhân Tông (1041 – 1048).

Tất Thăng là một trí thức bình dân thời Bắc Tống, những chi tiết về cuộc đời ông, sách vở không nói gì. Nhưng nhà khoa học Thẩm Quát đời Tống trong cuốn “Mộng Khê bút đàm” (2) đã nói chi tiết về hoàn cảnh Tất Thăng phát minh cách in bằng chữ rời, lại còn giới thiệu sơ lược trong “Khánh Lịch trung hữu bố y (3) Tất Thăng”. Từ đó, chúng ta có thể biết ông sống vào đời Khánh Lịch, xuất thân bình dân. Ông là nguời hiểu rất rõ những ưu khuyết điểm của việc in ấn bằng bản khắc, quyết định dùng cách in mới để thay thế. Ông cho rằng những hạn chế của cách in cũ đều do bản khắc là “chết”, không thể thay đổi hay sửa chữa một cách linh hoạt. Qua gian khổ nghiên cứu và nhiều lần kiểm nghiệm, cuối cùng, ông đã tìm ra cách in bằng chữ rời, từ đó dẫn tới những tiến bộ vượt bậc trong nghề in ấn.

Tất Thăng không in theo cách dùng bản khắc như cách cũ mà dùng đất sét khắc chữ. Trước hết, dùng đất sét tạo thành những phôi theo quy cách nhất định, trên mỗi phôi, khắc một chữ đơn ngược, sau khi khắc, dùng lửa nung cho cứng. Như vậy đã làm được chữ rời bằng đất nung. Để tiện cho việc xếp chữ, những chữ dùng nhiều như chữ “chi”, chữ  “dã”,… đều làm số lượng gấp nhiều lần những chữ khác. Một số chữ ít dùng đến có thể làm ngay khi cần, lúc ấy có thể dùng cỏ đốt lửa để nung.

Đem những chữ đã được chế tạo phân loại theo “vận”, những chữ cùng “vận” để vào một hộp gỗ, trên có cắm thẻ để dễ tìm. Khi in, chuẩn bị một tấm thép, trên đó có một lớp chất có thể kết dính, loại thường dùng là nhựa thông, sáp ong trộn với  bột giấy. Xung quanh tấm thép là một đai thép. Sau đó, căn cứ vào tài liệu cần in, xếp các chữ rời theo hàng lối cho đầy khuôn, mỗi khuôn sẽ là một trang in. Đưa những khuôn đó vào nung trong lửa, các chất kết dính sẽ nóng chảy, dùng một tấm gỗ phẳng ép lên rồi đưa khuôn ra ngoài. Khi khuôn nguội đi, cứng lại, một bản in đã thành hình. Để tăng năng suất, có thể dùng hai bản thép, một bản in, một bản xếp chữ. Bản thứ nhất nung xong, bản thứ hai cũng đã hoàn thành việc xếp chữ, hai bản thép thay đổi, việc chuẩn bị có thể sẽ nhanh hơn.

Khi in, bôi mực lên bề mặt các khuôn đã có sẵn, lấy giấy đặt lên trên rồi xoa nhẹ. Nhấc tờ giấy ra, một trang in đã hoàn thành, tùy theo số bản cần thiết mà in nhiều hay ít.

Theo thử nghiệm của Tất Thăng, nếu chỉ in hai, ba bản, xem ra so với cách in cũ, cách mới này không đơn giản hơn bao nhiêu, nhưng nếu để in trăm bản, nghìn bản, cách in mới nhanh chóng hơn rất nhiều so với cách in cũ, tiết kiệm được rất nhiều công sức, chất lượng lại tốt hơn. Khi khuôn đã in xong, không cần giữ lại, đưa vào lửa, các chất kết dính nóng chảy, các con chữ sẽ rời ra, đem phân loại xếp theo vần như cũ để sử dụng những lần sau.

Tuy chỉ là nguời bình dân, Tất Thăng đã có phát minh lớn, là thành tựu vĩ đại trong lịch sử  phát triển khoa học kỹ thuật của nhân loại. Thiết bị, kỹ thuật, chất lượng in ấn hiện đại so với phương pháp in của Tất Thăng tiến bộ hơn rất nhiều, nhưng nguyên lý cơ bản vẫn không thay đổi.

Sau phát minh kỹ thuật in bằng chữ rời của Tất Thăng, nguời đời sau tiếp tục trên con đường sáng tạo, phương pháp in bằng chữ rời không ngừng được cải tiến. Đầu đời Nguyên, có nguời đã dùng thiếc để đúc chữ. Vương Trinh ở đời Nguyên dùng thợ khắc chữ rời bằng gỗ, ông còn phát minh hộp đựng chữ có thể di động khiến nguời xếp chữ có thể ngồi tại chỗ, từ đó giảm nhẹ cường độ lao động của công nhân, năng suất được nâng cao. Đến đời Minh, xuất hiện chữ rời bằng gang, sau đó là chữ rời bằng chì, kỹ thuật in của Trung Quốc có sự phát triển vượt bậc, trong một thời gian dài, đi tiên phong trong kỹ thuật in ấn của thế giới, đóng góp của Tất Thăng không thể lãng quên.

Kỹ thuật in bằng chữ rời có ảnh hưởng quan trọng đến việc in ấn của các nước trên thế giới. Sau khi  chữ rời được phát minh, đầu tiên, nó tới Triều Tiên, rồi sau đó, tiếp tục đến Nhật Bản, Việt Nam, Phi-lip-pin, cuối cùng sang châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, châu Úc thúc đẩy sự tiến bộ của văn hóa, khoa học và xã hội thế giới, cho nên có thể nói kỹ thuật in bằng chữ rời của Tất Thăng đã có cống hiến to lớn cho thế giới văn minh của loài người. Tới nay, dù chúng ta vẫn chưa biết chi tiết về cuộc đời của Tất Thăng, nhưng thế giới văn minh trên con đường phát triển của mình mãi mãi ghi nhớ cống hiến của ông với tấm lòng kính trọng.      

 

Chú thích:

  • In bằng bản khắc gỗ được phát minh từ đời Đường.
  • “Mộng Khê bút đàm” là tác phẩm của Thẩm Quát, ghi chép lại khá nhiều những tư liệu về khoa học tự nhiên và lịch sử quý báu.
  • Bố y: từ chỉ nguời bình dân thời xưa, sau nhiều khi dùng chỉ nguời đọc sách làm quan.

1 BÌNH LUẬN

  1. Nếu không nhầm, Tôi thấy thầy giáo làng có ý truyền lại kiến thức lịch sử Trung Quốc cho con cháu ta học hay sao ấy???

Trả lời Nông cạn Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here