Sau loạn An Lộc Sơn, cát cứ phiên trấn là một tai họa cho triều đình. Tuy qua các đời Túc Tông, Đại Tông. Đức Tông đều nhiều phen chinh phạt nhưng chưa thể dẹp yên, vẫn còn một số Tiết độ sứ cát cứ một phương ngang nhiên tồn tại cùng với triều đình.
Từ thời Đức Tông, Tiết độ sứ Hoài Tây Ngô Thiếu Thành, Ngô Thiếu Dương rồi Ngô Nguyên Tế tiếp tục lấy Thái Dương làm sào huyệt, chiếm cứ vùng thượng du Hoài Hà suốt hơn ba mươi năm, triều đình không thể quản lý được, trở thành một quốc gia tồn tại trong một quốc gia.. Triều đình đã nhiều lần đưa quân chinh phạt, nhưng do tướng lĩnh tầm thường , lại không có sự phối hợp giữa các địa phương nên phần lớn đều không hiệu quả. Nạn cát cứ ngày càng hoành hành ngang ngược.
Tháng 6 năm Nguyên Hòa thứ 10 (815)Tể tướng Võ Nguyên Hoành cùng đại thần Bùi Độ khi lâm triều đã bị thích khách sát hại, Võ Nguyên Hoành chết, Bùi Độ bị trọng thương. Sự việc xảy ra khiến cả triều đình chấn động. Vốn hai vị này đều thuộc phe chủ chiến, kiên quyết ủng hộ vua Hiến Tông quyết tâm tiêu diệt những kẻ làm phản, vì thế, bị chúng tức giận tìm cách hãm hại.
Võ Nguyên Hoành chết, nhưng phe chủ chiến còn rất nhiều người khác. Đại tướng Lý Tố không nén nổi tức giận, dâng biểu tỏ ý quyết ra tay trừng phạt Tiết độ sứ Ngô Nguyên Tế.
Lý Tố là con Đại tướng Lý Thịnh (3) đời Đức Tông, vốn chỉ giữ một chức quan thấp, nhưng ông là người rất có mưu lược, lại rất giỏi cưỡi ngựa bắn cung, là một người có tài.
Vì thế, triều đình cử ông làm Tiết độ sứ ba châu Đường, Tùy, Đặng (Đường Châu uay là một vùng thuộc Đường Hà, Hà Nam; Tùy Châu nay thuộc Tùy Châu tỉnh Hồ Bắc; Đặng Châu nay là một vùng huyện Đặng, tỉnh Hà Nam), mang quân đánh Thái Châu, diệt Ngô Nguyên Tế.
Lý Tố hiểu, trong nhiều năm quân quan ở đây bại nhiều thắng ít, sĩ khí đang xuống thấp, lòng quân không yên nên khi mới tới Đường Châu, ông nói với quan quân ra khỏi thành đón tiếp mình:
– Hoàng đế biết ta nhu nhược, sợ việc, có thể nhẫn nhục cam chịu cho nên mới cử ta tới thăm hỏi các người. Việc công thành, đánh trận không phải là trách nhiệm của ta.
Quân sĩ nghe thế, biết là trước mắt không phải đánh trận, lòng người mới yên ổn. Những lời nói này đến tai Ngô Nguyên Tế, hắn cho rằng Lý Tố là người nhát gan sợ chết, không dám ra trận, càng coi Lý Tố là người hèn nhát, tiếng tăm chưa có gì, lại càng coi thường không phòng bị.
Sai khi tới Đường Châu, Lý Tố hạ lệnh giải tán các ban nhạc ban kịch do các quan ở đây tổ chức, không mở các cuộc chiêu đãi yến tiệc, bản thân mình cùng binh lính đồng cam cộng khổ. Ông thường tới các trại quân xem xét, thăm hỏi binh lính ốm đau, lại tự thân mang cho thuốc men, an ủi động viên. Quân lính thấy chủ tướng quan tâm săn sóc, đều biểu thị sẽ tận sức chiến đấu vì triều đình. Thấy tinh thần quân sĩ đã cải thiện, ý chí chiến đấu đã nâng cao trong khi Thái Châu cũng sơ hở, Lý Tố ngầm chuẩn bị lực lượng quyết tâm tiến công Thái Châu. Ông một mặt tăng thêm quân số, chế thêm binh khí, một mặt phân hóa kẻ địch bằng việc ưu đãi và trọng dụng các tù binh.
Sau hai tháng, bộ tướng của Lý Tố bắt được dũng tướng Đinh Sĩ Lương của Hoài Tây. Không những không giết, Lý Tố còn gọi Đinh Sĩ Lương là “Tróc sinh tương”, cho đi chiêu hàng những viên tướng khác. Nghe nói Lý Tố ưu đãi các tù binh, dân chúng Hoài Tây đua nhau đầu hàng, sĩ tốt và tướng lĩnh Hoài Tây cũng nối nhau quy thuận. Với ai, Lý Tố cũng đều ân cần thăm hỏi, tạo điều kiện cho họ có cuộc sống ổn định. Phàm là những người từ Hoài Tây tới, Lý Tố đều đích thân tới gặp gỡ chuyện trò. Qua đó, ông hiểu rõ tình hình các nơi ở Hoài Tây, hiểu tới từng chân tơ kẽ tóc để nắm được đầy đủ về căn cứ Thái Châu.
Tháng 3 năm ấy, Lý Tố cử một đội quân đi đánh Lương Sơn, kết quả là thất bại. Các tướng sĩ đều không thỏa mãn, xin đánh tiếp. Lý Tố bảo:
– Lần này cần phải thua, không cần đánh thắng.
Tháng 9, Lý Tố đích thân mang quân đánh vào ngoại thành Ngô Phòng, giết chết một viên tướng và hơn nghìn quân của Hoài Tây. Các bộ hạ của ông đều xin thừa thắng đánh vào nội thành Ngô Phòng. Nhưng Lý Tố không chấp nhận, ông nói với các bộ hạ:
– Đây không phải là mục đích của chúng ta.
Rồi mang quân trở về.
Lúc đó, Đường Hiến Tông ra lệnh cử Tể tướng Bùi Độ làm nguyên soái đem thêm quân, thống nhất chỉ huy, kiên quyết đánh vào Yển Thành dẹp bọn phản loạn. Lý Tố thấy điều kiện để đánh vào Thái Châu đã chin mùi, bèn định ra phương án tác chiến hoàn chỉnh, cử người đưa tới Yển Thành. Bùi Độ vô cùng tán thưởng sách lược dụng binh của Lý Tố, nói:
– Phải đánh Thái Châu, không có kế hay không thể thắng lợi.
Rồi lập tức phê chuẩn phương án này.
Buổi sớm ngày 15 tháng 10, gió bắc bắt đầu nổi, bầu trời mây đen vần vũ, sau đó tuyết đổ trắng xóa. Lý Tố hạ lệnh: cử mang ba nghìn cảm tử quân đi tiên phong, đích thân mang ba nghìn tướng sĩ làm trung quân, Lý Tiến Thành mang ba nghìn quân làm hậu vệ, lập tức xuất phát từ Văn Thành Sách. Các tướng lĩnh hỏi đưa quân đi đâu. Lý Tố chỉ nói:
– Tiến về phía đông.
Đến xế chiều, đội ngũ đã tới thôn Trương Sài, cách Thái Châu khoảng 70 dặm, tiêu diệt toàn bộ quân Hoài Tây đóng giữ ở đây. Lý Tố hạ lệnh cho binh lính nghỉ ngơi chút ít, cử năm trăm người ở lại giữ thôn Trương Sài, còn tất cả tiếp tục hành quân trong đêm về phía đông. Các tướng lĩnh lại hỏi nơi đến. Đến lúc này, Lý Tố mới nói:
– Tới thành Thái Châu, bắt Ngô Nguyên Tế.
Mọi người đều kinh ngạc, nhưng chẳng ai dám chống quân lệnh, tất cả chỉ còn biết đội tuyết mà đi.
Tuyết càng ngày càng dầy, gió càng ngày càng mạnh, trời càng ngày càng lạnh. Những lá cờ rủ xuống. Những con chiến mã chỉ cắm cúi đi trong tuyết. Không ít binh sĩ không chịu nổi cái lạnh của mưa tuyết, ôm lấy giáo, gươm, nằm chết cóng bên đường. Từ thôn Trương Sài về phía đông, tất cả đều đi trên những con đường mòn chưa hề đặt chân, lại thêm giữa đêm sâu, gió lạnh thấu xương, ai cũng biết bản thân mình nhất định sẽ chết, nhưng ai cũng biết, quân lệnh của Lý Tố rất nghiêm, nên chẳng ai dám lùi bước, đành chỉ tâm niệm: muốn chống lại cái chết, muốn không lạnh cứng trên đường, không có cách nào khác là phải đi được tới Thái Châu, liều chết xung trận, có như thế mới có hy vọng sống. Cứ như thế, họ cảm thấy có thêm sức mạnh, tốc độ tiến quân nhanh hơn. Tới nửa đêm, cuối cùng họ cũng tới được vùng phụ cận Thái Châu.
Vì đã hơn ba mươi năm quân triều đình chưa tới thành Thái Châu, nên quân lính ở Hoài Tây hoàn toàn không có sự đề phòng. Bên ngoài thành Thái Châu có một cái đầm rất nhiều ngỗng trời. Lý Tố bảo quân sĩ khuấy động để lấy tiếng ngỗng kêu giấu tiếng bước chân đi. Vì thế, tướng sĩ đã tới sát tường thành mà không bị quân địch phát hiện. Ông cho binh lính cuốc tường thành lấy chỗ bám mà trèo lên. Lính canh thành đang giấc ngủ say bị giết sạch, chỉ giữ lại tên đánh mõ cầm canh. Sau đó, cửa thành được mở, toàn bộ quân quan, người ngựa kéo vào.
Khi gà gáy canh ba, Lý Tố đã vào tới nơi ở của Ngô Nguyên Tế. Lính gác của hắn chợt tỉnh giấc, vội báo cáo:
– Chủ soái! quan quân tới rồi!
Ngô Nguyên Tố vẫn cười cười, nói nói:
– Chắc là bọn tù binh và phạm nhân trong trại đấy, đợi sáng ra ta sẽ cho giết hết bọn nó!
Lát sau, lại có người chạy tới báo cáo:
– Chủ soái! Thành của chúng ta đã bị phá rồi!
Ngô Nguyên Tế vẫn nói:
– Đây chắc là bọn người Hồi Hột tới xin ta áo ấm!
Hắn khoác áo, dời khỏi giường, đứng dậy, tai lắng nghe, chỉ thấy tiếng truyền đạt mệnh lệnh của quan quân Lý Tố, tiếng hô đồng thanh của hàng vạn người. Lúc ấy hắn mới bắt đầu sợ hãi, vội mang theo quân lính, leo vội lên Nha Thành (4) để chống đỡ.
Lý Tố lệnh cho bộ tướng đánh vào phá cửa ngoài của Nha Thành, thu hết binh giáp, khí giới bên ngoài. Khi trời sáng, quan quân phóng hỏa thiêu rụi cửa nam. Dân chúng trong thành thường ngày đã oán hận Ngô Nguyên Tế, tới lúc này đều tranh nhau tiếp thêm củi và rơm, giúp cho đám cháy càng bốc cao. Cửa thành bị thiêu hủy, quan quân ồ ạt tiến vào.
Ngô Nguyên Tế thấy đại thế đã mất, đành phải cúi đầu chịu tội ngay trong thành. Ngày thứ ba, Lý Tố lệnh đem Ngô Nguyên Tế nhốt vào xe tù, đưa về kinh thành báo tin chiến thắng.
Đại tướng Đổng Trọng Chất của Hoài Tây còn có trong tay hơn một vạn quân trú đóng ở Hồi Khúc. Lý Tố quyết định tranh thủ y, đích thân tới thăm hắn ở tư gia, thăm hỏi người trong gia đình y, lại cho người mang thư của con trai y gửi bố khuyên hàng quy thuận triều đình. Đổng Trọng Chất thấy đại cục đã mất, Lý Tố lại cư xử ôn hòa, bèn một mình một ngựa chạy về Thái Châu đầu hàng Lý Tố. Tướng Đường Lý Quang Nhan ở phía bắc lập tức tới trại quân ở Hồi Khúc tiếp nhận sự đầu hàng của toàn bộ quân mã Đổng Trọng Chất. Sau đó, Giáp Châu, Quang Châu (Giáp Châu nay là Tín Dương, Hà Nam, Quang Châu nay là Quang Sơn, Hà Nam) cùng hơn hai vạn người ở các nơi khác cũng đều trước sau đầu hàng.
Sau việc này, Lý Tố mời Bùi Độ tới thành Thái Châu, chủ trì lễ tiếp nhận đầu hàng. Ông tự thân đưa quân tới Văn Thành Sách. Các tướng lĩnh hỏi Lý Tố:
– Ban đầu, chúng ta thua trận ở Lương Sơn, ngài không tỏ ý buồn rầu, lại còn vui vẻ; sau đánh thắng ở Ngô Phòng, ngài lại không thừa thắng tiến đánh các nơi khác; bất chấp gió to tuyết lớn, ngài thúc giục hành quân trong đêm tiến thẳng tới Thái Châu, giành lấy thắng lợi. Xin được hỏi ngài, vì sao lại như thế?
Lý Tố cả cười, ôn tồn trả lời:
– Ở Lương Sơn, ta cố ý thua trận là để kẻ địch chủ quan, không phòng bị. Đánh thắng mà ta không tiến đánh Ngô Phòng là để cho quân địch rút hết quân về Thái Châu, tận lực cố thủ. Mục đích của ta là để phân tán kẻ địch. Gió mạnh tuyết lớn, đất trời u ám kẻ địch sẽ không thể dùng đài lửa để báo động, không thể biết chúng ta tiến đánh bất ngờ. Khi đã lâm trận, đơn độc ắt phải liều chết, chỉ tiến không thể thoái, cho nên mới lấy được Thái Châu, bắt sống Ngô Nguyên Tế.
Lý Tố dụng binh mưu sâu kế hiểm, bộ hạ sao không khâm phục!
Chú thích:
(1) Thái Châu: tương đương với vùng phía bắc Hoài Hà, Hà Nam, phía nam Thượng du Hồng Hà.ngày nay.
(2) Bùi Độ (765 – 839), người Văn Hỷ, Hà Đông (nay ở đông bắc Văn Hỷ, Sơn Tây, Trinh nguyên tiến sĩ, từng làm Hiệu thư lang, Giám sát ngự sử. Thời Hiến Tông làm Trung thư thị lang.
(3) Lý Thịnh (727 – 793), người Lâm Đàm, Thao Châu (nay thuộc Cam Túc), người cơ mưu lược, giỏi cưỡi ngựa bắn cung.
(4) Nha Thành: trị sở của chủ soái phiên trấn Đường Ngũ đại, hoặc chỉ nơi ở của chủ tướng.