Nhờ sự nỗ lực của Quách Tử Nghi, Lý Quang Bật, triều Đường dần chuyển bại thành thắng, đã lấy lại được hai kinh Trường An và Lạc Dương. Lúc ấy, An Lộc Sơn lại phát sinh lục đục. Sử Tư Minh giết An Khánh Tư ở Nghiệp Thành, tự lập làm “Đại Yên Hoàng đế”, chỉnh đốn quân đội, tiến công nhằm lấy lại Lạc Dương.

Lý Quang Bật tới Lạc Dương thấy các quan quân ở đây nghe nói lực lượng của Sử Tư Minh rất hùng mạnh, có vẻ lo sợ, có người chủ trương rút về Đồng Quan. Lý Quang Bật nói:

– Giờ đây thế lực hai bên đang chưa phân thắng bại, chúng ta rút, kẻ địch càng thêm hung hăng, chi bằng quân ta chuyển tới Hà Dương (1), đó là nơi “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”.

Lý Quang Bật hạ lệnh cho toàn bộ quan quân và dân chúng dời khỏi Lạc Dương, đưa quân tới Hà Dương, đợi tới khi Sử Tư Minh tới Lạc Dương thì đây đã trở thành nơi vườn không nhà trống. Sử Tư Minh lúc ấy cần người không có người, muốn lương thực cũng chẳng có lương thực, lại sợ Lý Quang Bật tập kích, sẽ phải ra khỏi thành, tới bở nam Hà Dương xây dựng trận địa,  đào đắp hào lũy để đối phó với quân Đường.

Lý Quang Bật là người có nhiều kinh nghiệm chốn sa trường. Ông biết trước mắt lực lượng chưa bằng được Sử Tư Minh, chỉ có thể giữ cho vững, chưa thể tiến công. Nghe nói Sử Tư Minh đưa từ Hà Bắc tới hơn một nghìn con ngựa chiến, hàng ngày đều cho  ngựa tới bờ sông Sa Châu tắm táp và ăn cỏ, ông liền hạ lệnh cho mọi người tập trung tất cả ngựa mẹ, buộc ngựa con ở lại trong chuồng, đợi khi ngựa chiến của kẻ địch tới bờ sông Sa Châu sẽ thả ngựa  mẹ làm đám ngựa chiến của chúng bị hấp dẫn. Lát sau, chỉ cần nghe một tiếng kêu của ngựa con, ngựa mẹ đã vội quay về, đám ngựa chiến cũng theo những con ngựa mẹ trở về doanh trại của quân Đường.

Chẳng bao lâu, Sử Tư Minh mất trắng hơn nghìn con ngựa chiến, tức giận muốn chết, lập tức hạ lệnh cho bộ hạ tập trung mấy trăm chiến thuyền tiến công theo đường thủy. Trước hết, chúng dùng hỏa thuyền mở đường chuẩn bị thiêu cháy cầu phao của quân Đường.

Lý Quang Bật nhận được tin, hạ lệnh chuẩn bị mấy trăm cây sào tre, dùng sắt bọc ở một đầu. Đợi khi hỏa thuyền của kẻ địch tới, mấy trăm binh sĩ đứng trên cầu phao, dùng sào tre ngăn cản hỏa thuyền. Hỏa thuyền không có cách gì tiến được, bị chính lửa trên thuyền thiêu cháy rồi chìm xuống đáy sông. Quân Đường lại từ trên cầu phao bắn thạch đầu pháo vào chiến thuyền của địch, khiến binh lính trên thuyền vỡ đầu chảy máu. Có kẻ rơi xuống đáy nước, có đứa chạy vội lên bờ để bảo toàn tính mạng.

Sử Tư Minh ba lần cử bộ tướng  tiến công Hà Dương, đều bị Lý Quang Bật dùng mưu đánh lui.

Cuối cùng, Sử Tư Minh nảy sinh mưu kế mới, tập trung toàn bộ lực lượng, cử tướng  Chu Chí tiến công vào phía bắc thành, còn tự mình chỉ huy một cánh quân đánh phía nam.

Buổi sớm, Lý Quang Bật đi cùng bộ tướng  lên thành phía bắc, quan sát tình hình quân địch, chỉ thấy bọn chúng đông nghịt, đang lần lượt tiếp cận thành. Tướng  lĩnh quân Đường chỉ biết há miệng lo sợ. Thấy tình trạng lo lắng ấy, Lý Quang Bật kịp thời trấn tĩnh mọi người:

– Đừng sợ, quân chúng tuy đông, nhưng đội ngũ có vẻ rối loạn, xem ra chúng lại có vẻ chủ quan kiêu ngạo. Các ngươi cứ yên tâm, chỉ tới buổi trưa, đảm bảo ta sẽ đánh bại chúng.

Sau đó. Lý Quang  Bật lệnh cho các tướng  sĩ chia ra các hướng đánh chặn. Tinh thần mọi người rất dũng mãnh, nhưng kẻ địch bọn này bị đánh lui đã có ngay bọn khác tiếp ứng. Mặt trời đã lên tới đỉnh đầu mà hai bên còn chưa phân thắng bại.

Lý Quang Bật lại triệu tập các bộ tướng  bàn bạc, ông nói:

– Các ngươi hãy quan sát trận thế của kẻ địch xem hướng nào là mạnh nhất?

Các bộ tướng  trả lời:

– Hướng tây bắc và hướng đông nam.

Lý Quang Bật gật đầu, lập tức điều năm trăm kỵ binh do hai danh tướng  chỉ huy, chía làm hai đường tiến vào hai hướng đó.

Lý Quang Bật lại tập trung toàn bộ các tướng  sĩ lại, tuyên bố quân lệnh nghiêm khắc:

– Các tướng  sĩ hãy chú ý tới hiệu lệnh lá cờ trên tay ta: khi ta phất cờ nhẹ nhàng, các ngươi có thể hành động tùy ý, nếu lá cờ phất mạnh, đó chính là tín hiệu xung trận. Khi thấy tín hiệu này, các tướng  sĩ phải dũng cảm tiến về phía trước, không được thoái lui.

Nói xong, ông cầm đoản đao rút từ ủng ra, nói:

– Sống chết là chuyện bình thường khi ra trận. Ta là đại thần của quốc gia, quyết không chết trong tay kẻ địch. Các ngươi nếu chết trên trận tiền, ta sẽ tự sát ở đây.

Nghe lời khích lệ của chủ tướng , các tướng  sĩ đều phấn khích lên gấp bội. Không lâu sau, bộ tướng  Hác Diên Ngọc từ trận tiền đã quay về, Lý Quang Bật lập tức cho binh sĩ bắt giữ Hác Diên Ngọc rồi lệnh đem ra chém đầu.

Thấy binh sĩ đọc lệnh giết mình, Hác Diên Ngọc kêu lên:

– Ngựa của tôi trúng tên, làm sao không quay về được?

Người truyền lệnh báo cáo với Lý Quang Bật, ông lập tức ra lệnh đổi chiến mã cho Hác Diên Ngọc rồi cho ông ta quay lại  tiếp tục chỉ huy tác chiến..

Lý Quang Bật thấy tinh thần quân Đường rất dũng mãnh liền phất mạnh lá cờ chiến, ra lệnh công kích. Các tướng sĩ thấy cờ hiệu trên thành liền xông vào thế trận của kẻ địch. Tiếng hô “giết” ầm ầm như sấm động. Quân địch không chịu nổi đòn phản công, đua nhau bỏ chạy, kẻ bị quân Đường giết, đứa bị bắt làm tù binh có tới hàng nghìn. Còn có hơn một nghìn lính bị dòng nước cuốn trôi. Tướng  chỉ huy cuộc tiến công phía bắc thành là Chu Chí phải bỏ chạy.

Sử Tư Minh trực tiếp chỉ huy cánh quân tiến công phía nam thành. Lý Quang Bật đưa toàn bộ tù binh vừa bị bắt tới bên bờ sông, Sử Tư Minh biết toàn bộ quân của Chu Chí đã thua trận, không dám tiếp tục chiến đấu, đành bỏ về Lạc Dương.

Lý Quang Bật liên tục đánh lui các cuộc tiến công của Sử Tư Minh, hai bên cứ giằng co như vậy trong suốt hai năm. Đường Túc Tông (2) nghe lời Ngư Triều Ân (3) hạ lệnh cho Lý Quang Bật đánh vào Lạc Dương. Lý Quang Bật cho rằng lực lượng của kẻ địch còn rất mạnh, không dễ để có thể công thành. Đường Túc Tông hai ba lần sai hoạn quan thúc giục ông thi hành lệnh. Lý Quang Bật mạo hiểm tiến công, quả nhiên thua trận, Lý Quang Bật bị cách chức chủ soái.

Sử Tư Minh thừa thế tiến công Trường An. Đúng lúc đó, nội bộ An Lộc Sơn lại nảy sinh lục đục lần thứ ba, Sử Tư Minh bị con là Sử Triều Nghĩa giết chết.

Quân phản loạn chia năm xẻ bảy, năm 763, Sử Triều Nghĩa thua trận phải tự sát, quân phản loạn mới bị quân Đường hoàn toàn tiêu diệt

“An Sử chi loạn” kéo dài suốt 8 năm, khiến đất nước bị tàn phá nghiêm trọng, triều Đường từ đó chuyển từ thịnh thành  suy.

 

Chú thích

(1)   Hà Dương: tức Hà Dương tam thành, thời Bắc Nguy và Đông Ngụy  ở Mạnh Tân, hai bờ sông Hoàng Hà có ba thành, thuộc huyện Hà Dương (nay ở phía tây thành phố Mạnh Châu tỉnh Hà Nam). Từ Bắc triều tới Tùy Đường là một thành trấn quan trọng về quân sự.

(2)   Đường Túc Tông (711 – 762), ở ngôi 756 – 762, con của Huyền Tông. Thời An Sử chi loạn, cùng Huyền Tông vào Tứ Xuyên.

(3)   Ngư Triều Ân (722 – 770), người Lư Xuyên, Lư Châu (nay là Lư Châu Tứ Xuyên), hoạn quan được tin cậy thời vua Đường Túc Tông, thường được nhà vua tham khảo ý kiến về quân sự. Sau bị Đại Tông giết.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here