Trên con đường hướng về phía nam, An Lộc Sơn tiến nhanh như vũ bão, thế như chẻ tre, tưởng như không gì ngăn cản nổi. Trong 24 quận ở phía bắc sông Hoàng Hà bị chiếm, anh em Nhan Cảo Khanh, Nhan Chân Khanh đã giương cao ngọn cờ chống quân phản loạn.

Nhan Chân Khanh, tự Thanh Thần, quê ở Lang Nha (nay là Lâm Nghi, Sơn Đông). Ông chính là nhà thư pháp nổi tiếng với thể chữ Nhan thị (1), Nhan Cảo Khanh là anh họ của ông.

Năm 755, khi An Lộc  Sơn nổi dậy ở Phạm Dương, trên đường xuống phía nam, chẳng mấy chốc đã tới đông đô Lạc Dương. Nhà Đường thường ngày không có sự chuẩn bị, quân An Lộc Sơn thế mạnh như nước, không gặp sức chống cự. Được biết việc này, Huyền Tông vô cùng kinh ngạc, than:

– 24 quận Hà Bắc, lẽ nào lại không có trung thần?

Về sau, khi được biết Nhan Chân Khanh đã sớm chống lại bọn phản loạn ở quận Bình Nguyên, nhà vua rất xúc động, nói với những người xung quanh:

– Ta còn chưa biết Nhan Chân Khanh là người như thế nào, sao ông ta lại đối với ta trung thành như vậy?

Sau khi  đánh tới đông kinh Lạc Dương, An Lộc Sơn tiến thẳng tới kinh đô Trường An, tình hình vô cùng nguy cấp. Chính vào lúc khẩn trương ấy, Nhan Chân Khanh đã giương cao cờ nghĩa. Một hôm, ở cổng thành phía tây, Nhan Chân Khanh mở tiệc lớn khao tướng  sĩ, kêu gọi mọi người đứng dậy chống An Lộc Sơn, ông đứng trên đài cao, khảng khái kêu gọi:

– Chúng ta là những thần tử, sao có thể chấp nhận hành vi phản dân hại nước của bọn nghịch tặc, phải cùng nhau đứng lên chống lại chúng.

Các tướng  sĩ nghe xong vô cùng cảm động, họ đều chỉ tay vào ngực biểu hiện quyết tâm chiến đấu đến cùng.

Nghe lời kêu gọi của Nhan Chân Khanh, các quận lân cận cũng đua nhau hưởng ứng như Thái thú Tề Nam Lý Tùy, Trưởng sứ (2) Thanh Hà Vương Hoài Trung đều điều binh mã cùng chiến đấu.

Để đe dọa làm cho mọi người run sợ, An Lộc Sơn cho người đem thủ cấp một số tướng  lĩnh bị chúng bắt được tới các quận, huyện thị chúng. Khi chúng tới quận Bình Nguyên, Nhan Chân Khanh sợ mọi người có thể dao động, đã phải nói dối:

– Tôi cho rằng mấy thủ cấp này không phải là của các vị tướng  lĩnh đó đâu, An Lộc Sơn chỉ hù dọa thôi!

Nhưng ông ngầm cho người giết sứ giả của An Lộc Sơn, rồi giữ  ba thủ cấp đó lại. Sau đó, ông cho người dùng cỏ kết thành thân mình, mang áo mũ nghiêm chỉnh, đặt vào trong quan tài cùng với từng cái đầu một, đặt linh vị rồi tiến hành  nghi thức mai táng. Biết được hành động này của ông, các tướng  sĩ càng cảm động. Họ tôn Nhan Chân Khanh làm minh chủ, người ở khắp nơi đều tuân theo sự chỉ huy của ông. Nhan Chân Khanh trở thành thủ lĩnh của phong trào chống bọn phản loạn An Lộc Sơn vùng Hà Bắc.

Trong khi Nhan Chân Khanh chống lại An Lộc Sơn, anh họ ông là Nhan Cảo Khanh cũng chuẩn bị nổi dậy. Nhan Cảo Khanh khi đó đang giữ chức Thái thú Thường Sơn (nay là Chính Định, Hà Bắc). Ông vừa cáo bệnh, đem toàn bộ các công việc giao cho người thuộc hạ xử lý, vừa cùng với các quan lại địa phương ngầm bàn mưu tính kế, còn cho con mình là Nhan Tuyền Minh liên lạc với Thái Nguyên Doãn hẹn ngày cùng nhau tiếp ứng. Cũng vào lúc đó, Nhan Chân Khanh cũng cử người tới liên lạc với ông hẹn ngày cùng tiến về phía tây đánh An Lộc Sơn nên Nhan Cảo Khanh càng thêm niềm tin vào công việc.  Ông dùng kế, chém được Lý Khâm Tấu, trấn thủ Tỉnh Kinh Khẩu, lại bắt sống được Tướng  quân Tả Kim Ngô của An Lộc Sơn.

An Lộc Sơn bèn cử Sử Tư Minh và Thái Hy Đức tiến công Thường Sơn. Khi đó, Nhan Cảo Khanh mới nổi dậy được có 8 ngày, mọi sự chưa được chuẩn bị kỹ càng bèn cứu viện Vương Thừa Nghiệp. Nhưng Vương Thừa Nghiệp trì hoãn, không đưa quân tới cứu viện. Chiến đấu dũng cảm được 6 ngày, cuối cùng, tên hết lương cạn, thành bị đánh chiếm. Nhan Cảo Khanh cùng các tướng  sĩ thuộc hạ đều bị bắt làm tù binh. Quân phản loạn khuyên ông đầu hàng, nhưng ông không nói một lời. Bọn chúng lấy dao kề vào cổ đứa con ông yêu quý nhất là Nhan Quý Minh, nói:

– Nếu ông không đầu hàng, ta sẽ giết con của ông.

Ông vẫn im lặng, kết quả, con của ông bị giết, bản thân ông bị đưa tới Lạc Dương.

Đến Lạc Dương, An Lộc Sơn trách Nhan Cảo Khanh:

– Ông vốn cũng chỉ là một viên quan nhỏ ở Phạm Dương, ta đã cất nhắc cho ông làm Thái thú Thường Sơn, thế mà ông lại chống lại ta, thật là kẻ vong ân bội nghĩa.

Nhan Cảo Khanh trừng mắt nhìn An Lộc Sơn, mắng:

– Ngươi cũng vốn chỉ là một tên chăn dê người Hồ, Thiên tử  đã thăng chức cho ngươi, lại còn tin cậy ngươi hết mực, vì sao ngươi dám chống lại triều đình, ngươi mới thật là kẻ vong ân bội nghĩa. Họ Nhan nhà ta đều hưởng bổng lộc của triều Đường, lẽ nào chỉ vì ngươi tiến cử ta mà ta lại cùng với nhà ngươi chống lại triều đình? Ngươi là kẻ nghịch tặc, ngươi giết ta đi, không cần nói thêm gì nữa, ta tuyệt nhiên không van xin.

Bị Nhan Cảo Khanh mắng nhiếc, An Lộc Sơn nổi cơn thịnh nộ, cho người trói ông vào cột, dùng dao cắt lưỡi ông. Những lời mắng chửi của ông vẫn không dừng lại cho tới khi tắt thở. Năm ấy, Nhan Cảo Khanh 64 tuổi.

Nhan Cảo Khanh bị giết, 30 người họ Nhan cũng bị giết theo. Nhưng Nhan Chân Khanh vẫn không dao động giữ vững tinh thần chống An Lộc Sơn thể hiện ý chí chiến đầu và lòng trung thành với triều đình. Do có công lao giữ thành, Nhan Chân Khanh được phong Lư bộ thị lang kiêm Trung bộ phòng ngự sử. Không lâu sau, ông lại được phong Chiêu thảo thái phòng sứ Hà Bắc.

Sau đó, Nhan Chân Khanh còn nhiều lần chiến đấu thắng lợi, cùng với Quách Tử Nghi chỉ huy quân Đường có những cống hiến to lớn trong cuộc chiến đấu chống quân An Lộc Sơn.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here