Thời Tùy Đường, quan hệ giữa hai nước Trung Nhật vô cùng mật thiết. Từ năm 630 đến năm 894, Nhật bản đã có tới 14 lần cử sứ thần (1) tới triều Đường, mỗi lần đều có tới trên trăm người, lần đông nhất có tới 650 người. Rất nhiều lưu học sinh người Nhật Bản đã tới học tập tại Quốc tử giám của triều Đường, có người ở lại Trung Quốc tới hơn hai mươi năm, có người ở lại làm quan dưới triều Đường. Triều Đường cũng đã cử không ít học giả tới Nhật Bản, trong đó có một người nổi tiếng là Giám Chân.
Giám Chân vốn họ Thuần Vu, là người Giang Dương, Dương Châu (nay là Dương Châu, Giang Tô). Giám Chân là pháp hiệu sau khi ông xuất gia. Ông sinh năm 688, cha là một nhà buôn, đồng thời cũng là người một tín đồ trung thành của đạo Phật. Từ nhỏ, Giám Chân đã chịu ảnh hưởng của cha, có niềm yêu thích đặc biệt với Phật giáo, năm 14 tuổi đã xuất gia thành hòa thượng. Được sự dẫn dắt của những sư phụ nổi tiếng trong các chùa, tri thức về Phật học của Giám Chân ngày càng được mở rộng. Về sau, ông được tiếp thụ cụ túc giới (2) trong một ngôi chùa ở Trường An. Do học thức uyên bác và đạo đức cao thượng, khi mới 45 tuổi tên tuổi ông đã vang khắp mọi nơi, môn đồ tới thụ giới có tới hơn bốn vạn người.
Thời gian này, Nhật Bản chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc, ra sức quảng bá Phật giáo. Họ theo mẫu của triều Đường xây dựng các ngôi chùa. Chính phủ Nhật Bản còn quyết định cử hai tăng đồ trẻ tuổi là Vinh Duệ và Tấn Chiêu tới Trung Quốc học tập Phật học, đích thân mời cao tăng Trung Quốc tới Nhật Bản truyền thụ giới luật.
Vinh Duệ và Tấn Chiêu học tập Phật pháp ở Lạc Dương, Trường An, họ nghe nói Giám Chân là một cao tăng đức cao vọng trọng, muốn mời ông tới Nhật Bản. Năm 742, Vinh Duệ và Tấn Chiêu tới Đại Minh tự ở Dương Châu thăm Giám Chân, trình bày nguyện vọng của mình. Giám Chân thấy sự thành tâm của họ, bèn hỏi các đệ tử xung quanh:
– Các đệ tử có ai muốn nhận lời mời này, tới Nhật Bản truyền pháp không?
Các tăng đồ không thấy ai lên tiếng. Tới nửa ngày sau, mới có tăng đồ tên Tường Ngạn đứng lên nói:
– Nhật Bản cách Trung Quốc xa lắm, giữa hai nước là biển cả mênh mông, trên đường sợ tính mệnh khó bảo toàn, cho nên không dám đi.
Giám Chân nói:
– Để truyền bá Phật pháp, làm sao có thể tiếc sinh mệnh được? Các trò không ai muốn đi, ta sẽ đi.
Các tăng đồ thấy thái độ của sư phụ kiên quyết, đều rất cảm động đua nhau biểu thị ý muốn cùng sư phụ tới Nhật Bản.
Pháp luật của triều Đường quy định, chưa được phép của chính phủ, cá nhân không được ra nước ngoài. Vinh Duệ và Tấn Chiêu thông qua sự giúp đỡ của tín đồ Phật giáo Lý Lâm Tông, anh Tể tướng Lý Lâm Phủ làm thủ tục giúp Giám Chân xuất cảnh.
Nhưng rất không may, đang lúc họ chuẩn bị lên thuyền vượt biển, ở Chiết Giang xảy ra sự kiện hải tặc, việc kiểm tra ở vùng ven biển rất nghiêm ngặt, các đệ tử của Giám Chân lên thuyền lại xảy ra tranh chấp, tiếng tăm tới tai quan phủ nên tàu thuyền không nhận chở. Chuyến đi lần này thế là không thực hện được. Sau đó, Giám Chân còn tiến hành chuẩn bị ba lần vượt biển nữa nhưng đều thất bại.
Năm Thiên Bảo thứ 7 (748), Giám Chân đã 61 tuổi, chuẩn bị vượt biển lần thứ 5. Một đêm tháng 6 năm ấy, Giám Chân cùng các đệ tử của ông lên một thuyền lớn xuất phát. Không lâu sau gặp sóng lớn, thuyền trôi đến vùng biển Chiết Giang, mấy lần phải lưu lại các đảo nhỏ để ẩn tránh. Đến tháng 10 mới tiếp tục hành trình. Không ngờ, vừa mới lên đường, buổi trưa đã gặp bão lớn. Gió ngày càng mạnh, sóng ngày càng cao, mây đen đầy trời, cuồng phong dậy đất. Người trên thuyền không đủ sức chịu đựng nôn thốc nôn tháo, chỉ có phu thuyền là còn ít bị ảnh hưởng. Nước ngọt trên thuyền cũng cạn, đành phải uống nước biển. Cơn khát không thể chịu đựng nổi. Họ trôi trên biển suốt 14 ngày, cuối cùng thuyền cũng cặp bờ. Lên bờ mới biết tới điểm cuối cùng ở phía nam là Chấn Châu trên đảo Hải Nam (nay là huyện Nhai, đảo Hải Nam).
Sau đó, bất hạnh lần thứ hai và thứ ba liên tiếp xảy ra. Trước hết, Vinh Duệ bị chết trên tàu, sau đó Giám Chân do không hợp khí hậu phương nam, bị bệnh mắt, cả hai mắt đều không nhìn thấy gì. Không lâu sau, đệ tử Tường Ngạn đã theo Giám Chân nhiều năm cũng chết. Những bất lợi này không làm cho Giám Chân chùn bước. Ngược lại, quyết tâm vượt biển của ông càng tăng thêm. Mùa xuân năm 751, Giám Chân về tới Dương Châu, bắt tay vào chuẩn bị cho chuyến vượt biển lần thứ 6.
Năm sau, chính phủ Nhật Bản cử đại sứ Đằng Nguyên Thanh Hà lần thứ 10 tới triều Đường, trước khi trở lại Nhật Bản họ chính thức xin với Đường Huyền Tông mời Giám Chân tới Nhật Bản truyền giới. Đằng Nguyên Thanh Hà còn đích thân tới Dương Châu thăm Giám Chân, ngỏ lời mời. Lúc ấy, các tăng lữ ở Dương Châu đã giám sát Giám Chân một cách nghiêm ngặt, không muốn để ông đi Nhật Bản. Giám Chân và đại sứ Nhật Bản đành phải hẹn gặp nhau ở Hoàng Tư Phố (nay là bến Dương Tử Giang, tây bắc Sa Châu, tỉnh Giang Tô). Nhờ sự giúp đỡ của một đệ tử Giám Chân là Thiền sư Nhân Quản, một đêm tháng 10, Giám Chân cùng 24 đệ tử, lặng lẽ dời chùa, lên thuyền. Tới Hoàng Tư Phố, lên tàu của sứ thần Nhật Bản, bắt đầu chuyến vượt biển lần thứ 6.
Năm 753, thuyền của Giám Chân tới đảo Cửu Châu, Nhật Bản, chuyến vượt biển cuối cùng đã thành công.
Giám Chân nhận lời mời của Vinh Duệ và Tấn Chiêu từ năm 742, quyết tâm vượt biển tới Nhật Bản thế mà sau 12 năm, chuyến đi mới được thực hiện thành công. Suốt 12 năm, năm lần thất bại, hành trình gian khổ hơn nghìn dặm, đã có 36 người hy sinh, khi tới Nhật Bản, Giám Chân đã 66 tuổi.
Tháng 2 năm 754, Giám Chân đã đặt chân tới thủ đô Nại Lang của Nhật Bản, được tiếp đón nồng nhiệt, và ở tại Đông Đại tự (3). Việc Giám Chân tới Nhật Bản làm xôn xao dư luận các giới, từ sớm đến tối, nhiều người đã tới chào và thăm hỏiThiên Hoàng Nhật Bản đã giao quyền truyền thụ giới luật trên phạm vi cả nước cho Giám Chân. Ở Đông Đại tự, Giám Chân đã thiết lập một đàn giới, thực hiện nghi thức thụ giới. Thiên Hoàng, Hoàng hậu, Hoàng thái tử đã lần lượt đăng đàn thụ giới. Từ đó về sau, không kể là ai, nếu chưa qua thụ giới trên giới đàn sẽ không thể được công nhận là tăng đồ.
Trên mảnh đất được Thiên Hoàng Nhật Bản ban tặng, Giám Chân đã xây dựng một ngôi chùa, gọi là “Đường Chiêu Đề Tự”. Ông đích thân tham gia vào việc xây dựng, toàn bộ công trình đều kết cấu tinh xảo, bố cục hài hòa, dáng vẻ hùng vĩ, phản ánh những đặc điểm của kiến trúc triều Đường, là một công trình kiến trúc to lớn nhất được lưu giữ từ thời Nại Lương ở Nhật Bản, có ảnh hưởng to lớn tới việc xây dựng những ngôi chùa ở Nhật Bản sau này. Từ sau đó, Giám Chân đã giảng đạo, thụ giới ở đây. Đường Chiêu Đề Tự trở thành ngôi chùa có ảnh hưởng lớn nhất ở Nhật Bản vào lúc đó.
Giám Chân tinh thông y học, khi tới Nhật Bản, ông mang theo rất nhiều cây thuốc, đích thân khám bệnh cho mọi người, truyền thụ những hiểu biết về thảo dược. Ông còn mang tới Nhật Bản nhiều bức tranh, pho tượng, tác phẩm điêu khắc, sách vở của Trung Quốc, chúng có ảnh hưởng lớn tới mỹ thuật Nhật Bản về sau.
Thời gian lưu lại Trung Quốc của Giám Chân là mười năm, ông đã có những cống hiến to lớn cho tình hữu nghị, cho sự giao lưu về văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa hai nước Trung – Nhật. Năm 763, Giám Chân bị bệnh mất tại Nại Lương khi 76 tuổi. Những người bạn Nhật Bản đã mai táng ông tại Đường Chiêu Đề Tự, để đời đời ghi nhớ ông.
Chú thích:
(1) Đời Đường, sư thần Nhật Bản cử tới gọi là sứ tiết. Từ năm 631 đến năm 638, Nhật Bản đã cử 12 đoàn tới triều Đường, học tập chế độ chính trị và văn hóa tiên tiến. Họ đã thúc đẩy giao lưu kinh tế và văn hóa giữa hai nước.
(2) Giới là những giới điều, giới luật tín đồ đạo Phạt phải tuân thủ. Tiếp thụ những giới điều do sư phụ truyền dạy gọi là thụ giới.
(3) Đông Đại Tự:Hoa Nghiêm Đông Tự Viện ở Nhật Bản, kiến trúc gỗ hiện còn tồn tại tới nay. Bắt đầu xây dựng từ thời kỳ Thánh Vũ Thiên Hoàng (724 – 748). Trở thành Nhật Bản Tổng Quốc Phân Tự.