Năm Minh Hồng Vũ thứ 31 tức năm 1398, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương băng hà. Trước phút lâm chung, nhà vua để lại một di chiếu, truyền ngôi cho Hoàng Thái tôn Chu Doãn Văn, sử gọi là Kiến Văn Đế. Năm sau, người chú thứ tư của Kiến Văn Đế là Yên vương Chu Đệ khởi binh ở Bắc Bình, gọi là Tĩnh Nan. Sau 3 năm giao tranh, cuối cùng, Chu Đệ tiến công Nam Kinh. Khi  được Tào quốc công Lý Cảnh Long cùng bộ hạ mở cửa Kim Xuyên môn để Chu Đệ tiến vào thì hậu cung đột nhiên phát hỏa. Ngọn lửa ngày càng lớn, bốc cao ngút trời. Kiến Văn Đế bị lửa vây bốn phía, cuối cùng chết trong đám cháy. Chuyện này cho tới nay vẫn còn là một nghi án.

Trong chính sử, chuyện này được ghi lại trong “Hạp cung tự phần thuyết”.

“Thái Tông thực lục” chép rằng: Khi Chu Đệ đánh phá thành Nam Kinh, đưa quân tới trước cửa Kim Xuyên. “Chư vương, văn võ quần thần nô nức tới cửa nghênh đón, tả hữu biến sạch, chỉ còn lại có vài nội thị xung quanh”. Thấy bên mình chỉ còn mấy tên nội thị, Kiến Văn Đế buồn lòng than rằng: Ta còn gì nữa để mà tiếc nuối? Bèn tới Hạp cung tự thiêu. Sau khi tiến vào cung, Chu Đệ cho người đi tìm Kiến Văn Đế, cuối cùng chỉ thấy một thi thể đã cháy đen trong đám tro than, có người nói đó là Kiến Văn Đế. Vì thế, Chu Đệ đã dùng nghi lễ của nhà vua để mai táng. Sau khi lên ngôi được một năm, trong buổi nhận chiếu thư của Quốc vương Triều Tiên, Chu Đệ nói: “Cao Hoàng đế bỏ quần thần, Kiến Văn nối ngôi, nắm quyền gian ác, nhiễu loạn hiến chương, tàn hại cốt nhục. Vì thế, trẫm phải thực hiện lời dạy của tổ phụ, lập tức khởi binh diệt trừ cái ác. Không ngờ Kiến Văn bị kẻ gian bức bách tự thiêu ở Hạp cung.”. Những lời đó chứng tỏ bản thân nhà vua cho rằng mình hành động hợp lẽ và ông cũng không tin rằng Kiến Văn Đế chủ động tự thiêu.

Người đầu tiên nói tới chuyện tự thiêu là Vương Hồng Tú người đời Thanh. Ông dựa vào những câu chuyện trong “Minh sử cảo. Sử Liệt nghi” để cho rằng Kiến Văn Đế đã tự thiêu. Ngoài ra, học giả đời Thanh Tiền Đại Hân trong “Vạn tư đồng truyện” cũng đã sử dụng giả thuyết này. Cho tới “Thực lục” trong những năm Vĩnh Lạc và “Minh sử” được tu biên vào đời Thanh cũng đều nhắc lại giả thuyết đó. Kiến Văn Đế tự thiêu mà chết là quan niệm được coi là chính thống.

Nhưng đại đa số mọi người đều cho rằng nói Kiến Văn Đế tự thiêu là điều khó tin. Họ cho rằng Kiến Văn Đế hoàn toàn không chết trong biển lửa. Số người này đã từ trong “Chính sử” không tìm thấy những dấu vết của việc này. Họ còn đưa ra nhiều nghi ngờ về những điều ghi trong “Minh sử”.

“Minh sử. Cung Mẫn đế bản kỷ” đã ghi chép về cái chết của Kiến Văn Đế như sau: “Kinh thành lâm nguy, trong cung lửa bốc, Kiến Văn Đế không biết làm thế nào. Khi Yên vương vào cung thấy một thi thể trong lửa, ngày Nhâm Thân bèn chôn cất.” Những người nghi ngờ đưa ra những lý lẽ như sau: Không biết làm thế nào sao có thể nói là tự thiêu? Làm sao có thể nói cái thi thể trong đám cháy ấy là Kiến Văn Đế? Những điều này bộc lộ mâu thuẫn khiến người ta hoài nghi. Về sau, lại thêm nhiều người dựa vào những điều mơ hồ này, có thể suy ra thi thể chết cháy ấy là của Hoàng hậu. “Minh sử bản kỷ” thời Càn Long còn viết: Đệ cho người vứt xác vào lửa, rồi nói rằng đó là xác của Kiến Văn Đế.” Như vậy, do người ta không tìm được thi thể Kiến Văn Đế nên nói vậy.

Vì thế, ngoài những người đưa ra giả thuyết này, còn có giả thuyết nói trong mấy ngày Chu Đệ tiến công Nam Kinh, Kiến Văn Đế đã dùng dao tự sát nhưng được quần thần cứu, sau đó đã cùng 22 người thân tín bỏ chạy qua đường ngầm hoặc kênh đào. Kiến Văn Đế bỏ chạy về phương nào? Có người nói do trong cung đã có nhà sư cắt tóc cho ông để giả thành hoàng thượng ẩn mình trong một ngôi chùa nào đấy. Đương nhiên, cũng có người cho rằng ông đã bỏ chạy ra nước ngoài.

Giả thuyết cho rằng Kiến Văn Đế đã trở thành nhà sư được truyền bá rộng rãi. Có ghi chép rằng: Khi thành Nam Kinh bị công phá, Kiến Văn Đế đã giả thành hòa thượng bỏ trốn, cuối năm đó đã có lần trở lại kinh sư, khi chết được chôn cất ở Tây Sơn, Bắc Kinh. Trong “Minh sử. Trình tế truyện” có chép: “Khi cửa Kim Xuyên mở, vua bỏ trốn. Vua giả làm nhà sư, không biết đi đâu.” Trong “Minh triều tiểu sử” ghi chép sinh động hơn: “Kiến Văn Đế trở thành nhà sư rồi lưu lạc, mãi tới khi Chu Đệ chết mới trở về. Chuyện Kiến Văn Đế tới khi Chu Đệ chết mới trở về còn được ghi chép trong nhiều sách vở khác và đều thống nhất chi tiết sau khi chết, được chôn cất ở Tây Sơn, Bắc Kinh, được phong hiệu “Thiên hạ đại sư”.

Những ghi chép này được ghi chép bởi Vương Ngao Sinh vào năm 1450, gần với thời điểm xuất hiện giả thuyết nhà vua giả làm nhà sư. Về sau tác giả này đã trở thành Hộ bộ thượng thư, một cao quan trong Văn Uyên các đại học sĩ nên có thể đáng tin cậy.

Chuyện Kiến Văn Đế chưa chết vào thời điểm ấy đã được lưu truyền rộng rãi. Tin Chu Đệ đưa ra lập tức gây chấn động. Chu Đệ đương nhiên biết rằng mình đã phạm hai tội “đoạt đích” và “soán vị” khi giành lấy ngôi báu. Nếu Hoàng đế còn sống đã bỏ chạy, thì đó là sự uy hiếp cực kỳ lớn với ông ta. Vì thế, để ổn định nhân tâm không thể không lập tức đưa ra một chiếu thư nói Kiến Văn Đế đã chết. Chuyện này sẽ rất khó xác định rõ thực hư, và dễ dàng hiểu vì sao Chu Đệ không cho tìm kiếm thi thể của Kiến Văn Đế.

Trong “Minh sử. Diêu Quảng Hiếu truyện”: Năm 84 tuổi, khi mắc bệnh nguy cấp, Diêu Quảng Hiếu đã tới chùa Quảng Thọ gặp Hoàng đế Vĩnh Lạc, nói: “Hòa thượng Phổ Hiệp bị giam giữ đã lâu, mong có thể tha cho ông ta.” Phổ Hiệp là ai? Đây chính là nhà sư đứng đầu trong Hoàng cung, ông ta chính là Kiến Văn Đế cải trang để mọi người tin rằng Kiến Văn Đế không còn nữa. Vị Hòa thượng này bị giam 16 năm, điều đó có thể chứng tỏ Hoàng đế Vĩnh Lạc coi Hòa thượng này nguy hiểm như thế nào. Trong “Minh sử. Hồ Huỳnh truyện” có ghi lại chuyện Hoàng đế Vĩnh Lạc sai Hồ Huỳnh ám sát Kiến Văn Đế. Năm Vĩnh Lạc thứ 21, trong chuyến thăm một người tên là Trương Tam Phong, qua nhiều châu quận, hương ấp đã được Hồ Huỳnh đưa tới gặp Kiến Văn Đế vào đêm khuya, mãi tới canh tư mới chia tay. Chi tiết này đã bộc lộ thêm về Chu Đệ.

Còn có người nói sở dĩ có việc Quách Hòa đi sang phương Tây có mục đích chủ yếu là truy tìm nơi ẩn náu của Kiến Văn Đế. “Minh sử. Quách Hòa truyện” chép: Thành Đế nghi ngờ Huệ Đế (Kiến Văn Đế) bỏ trốn ra nước ngoài, truy tìm tông tích. Điều đó chứng tỏ Chu Đệ hoàn toàn chưa tin vào cái chết của Kiến Văn Đế do hỏa hoạn, ông ta vẫn chưa có kết luận cuối cùng về số phận của ông vua này.

Theo thời gian, những nghi vấn về Kiến Văn Đế dần được bộc lộ đồng thời cũng kèm theo không biết bao nghi ngờ. Nhà sử học nổi tiếng Cố Hiệt Cương trong thời gian Bắc đại cầu học có tới Hồng Sơn ở Di Hòa viên đã tìm thấy “Tiền Minh thiên hạ đại sư chi mộ”, “Nghệ Lâm tuần san” năm 1928 còn nói tới “Minh Kiến Văn Đế y bát tháp” ở một ngôi chùa Phật ở Võ Định, Vân Nam, kèm theo “Minh thiên hạ đại sư tượng” kèm theo ảnh chụp có viết: “Thiên hạ đại sư giả, Minh Kiến Văn Đế dã.” Xem ra câu hỏi về Kiến Văn Đế vẫn vẫn còn  được các nhà sử học tiếp tục tìm hiểu với rất nhiều hứng thú.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here