Hoàn Ôn năm thứ 10 đời Vĩnh Hòa (354) vào Quan Trung, từng đóng quân ở Bá Thượng. Một hôm vào tháng 5, có một người lạ tới muốn gặp Hoàn Ôn.

Người này mặc cái áo ngắn, tóc tai rối bù, tướng mạo không phải người bình thường, trên khuôn mặt có những nét tỏ ra thông tuệ. Anh ta tên Vương Mãnh. Vương Mãnh vừa nói chuyện với Hoàn Ôn, vừa bắt rận trong cái áo ngắn, cứ bắt được con nào lại đem giết đi, hình như cả hai việc chuyện trò và bắt rận đều là những công việc anh ta ưa thích.

Hoàn Ôn thấy người lạ, trong lòng đã có ý coi thường. Ông hỏi Vương Mãnh:

– Ta phụng mệnh thiên tử đưa quân vào Quan Trung, trừ hại cho dân chúng, cớ sao hào kiệt ở đây không thấy ai tới gặp ta?

Vương Mãnh đáp:

– Tướng quân hành quân nghìn dặm, tới mảnh đất này cách xa Trường An như thế, lại án binh bất động, mọi người không hiểu ngài suy nghĩ thế nào nên không có ai tới chào đón.

Lời nói của Vương Mãng đã tỏ rõ được tính toán của Hoàn Ôn. Vì Hoàn Ôn là người có tính toán tư lợi. Ông ta “bắc phạt” nhưng không giống như Tổ Địch chỉ mong khôi phục lại Trung Nguyên. Ông ta chỉ mong khuếch trương thế lực, cho nên tới Bá Thượng thì dừng lại.

Hoàn Ôn tính toán rằng: Nếu có tiêu diệt được Tiền Tần, đánh tới Trường An, triều đình Đông Tấn của dòng họ Tư Mã sẽ cử người tới tiếp nhận tất cả những tài vật giàu có của Quan Trung, còn Hoàn Ôn chỉ được cái danh hão. Nếu cứ đóng quân ở Bá Thượng, trong cái tình trạng có thể tiến, cũng có thể thoái, ông ta sẽ có thể yêu cầu triều đính cho quyền, cho tiền, cho lương, cho quân, rõ ràng tính toán ấy là đúng. Triều đình Đông Tân cũng sợ ông ta, cho nên yêu cầu ông ta dừng việc “bắc phạt”, mấy lần đã gọi ông ta mang quân trở về phía nam.

Vương Mãnh tự là Cảnh Lược, người huyện Bắc Hải (phía nam Thọ Quang, tỉnh Sơn Đông ngày nay), là một thiên tài quyết xuất thân từ bình dân. Ông tự tìm tòi, đọc binh thư, chí hướng cao xa, tính tình không thích giao tiếp với mọi người, bản lĩnh hơn người, không lộ tài năng và đức hạnh ra bên ngoài. Vì ông coi thường thói tục, không hợp với người đời nên từ hành vi tới lời nói đều khác người, xem thường những cái phù hoa.

Khi tài năng chưa ai biết đến, ông phải bán đồ đan lát kiếm sống.

Hoàn Ông thấy người vừa nói chuyện vừa bắt rận kia rõ là người có mưu lược, có bản lĩnh nên về sau, khi quyết định quay về phương nam ban xe ngựa cho Vương Mãnh, rồi mời Vương Mãnh cùng về nam với mình. Vương Mãnh vốn cũng đã dự định đi cùng Hoàn Ôn. Trước khi đi, ông hỏi ý kiến ông thầy của mình. Ông thầy khuyên rằng, hai người không thể đi chung một con đường, không thể thành công trong một sự nghiệp nên khuyên Vương Mãnh ở lại phương bắc, chờ cơ hội. Vì thế, Vương Mãnh đã quyết định ở lại.

Năm 357, có người tiến cử Vương Mãnh với Đông Hải vương Phù Kiên nhà Tiền Tần, mới gặp gỡ, Phù Kiên đã nhận thấy cái tài hoa của Vương Mãnh. Gặp được Vương Mãnh, Phù Kiên thấy chẳng khác nào Lưu Bị gặp được Gia Cát Lượng. Vương Mãnh lập tức trở thành mưu thần số một của Phù Kiên.

Tháng 6 năm ấy, Phù Kiên giết Phù Sinh, vua của Tiền Tần tự lập làm vua, phong cho Vương Mãnh làm Thư thị lang, nắm các việc quan trọng. Sau đó, Vương Mãnh còn được phong Sứ bộ thượng thư, Tư lệ hiệu úy, Thượng thư lệnh, Lục thượng thư sự, Đô đốc ngoại chư quân sự và nhiều chức vụ khác.

Vương Mãnh ở địa vị cao, được sự tín nhiệm của Phù Kiên nên bị nhiều người ghen ghét. Một hôm, Phàn Thế, người đã từng chinh chiến có nhiều công lao cùng với Phù Kiên, gặp Vương Mãnh, trách mắng:

– Ta là người đổ mồ hôi cày ruộng, cớ sao nhà ngươi là kẻ quê mùa lại tọa hưởng kỳ thành?

Vương Mãnh không thay đổi nét mặt, nói:

– Không những phải cày ruộng, ông còn phải nấu sẵn thức ăn cho ta nữa.

Phàn Thế nghe nói cả giận, nói sẽ cắt đầu Vương Mãnh treo  trên cửa thành Trường An.

Lại một lần, Phàn Thế nghe Phù Kiên hỏi Vương Mãnh trong buổi chầu rằng:

– Ta muốn để Dương Bích làm phò mã, vậy Dương Bích là người thế nào?

 Phàn Thế nghe vậy nổi giận nói:

– Dương Bích là con rể của thần, việc hôn nhân đã đặt từ lâu, sao bệ hạ lại có thể để Dương Bích làm phò mã.

Vương Mãnh vội trách Phàn Thế rằng:

– Đất trời đều là của hoàng thượng, ông dám cướp rể với hoàng thượng là muốn làm ông vua thứ hai ư? Thật chẳng ra thể thống gì nữa.

Phàn Thế nổi giận đùng đùng toan xông vào đánh Vương Mãnh, các thị vệ vội ngăn lại, Phàn Thế tức tối chửi toáng lên. Phù Kiên không thể nhịn được nữa liền quát lôi Phàn Thế ra chém. 

Em của Hoàng hậu, Cường Đức là một kẻ vô lại, thường làm nhiều điều bạo ngược ở kinh thành. Khi mới nhậm chức Cảnh thiệu doãn, Vương Mãnh ra lệnh bắt giam Cường Đức rồi đưa tới trước mặt Phù Kiên. Phù Kiên chưa kịp nói gì, Vương Mãnh đã giết Cường Đức. Trong có mấy tháng những kẻ quyền quý trong họ của Hoàng hậu đã có hơn hai mươi người bị giết. Từ đó, những kẻ quen lộng hành, chỉ nghe tới tên Vương Mãnh mặt đã biến sắc. Khống chế được thế lực của quý tộc, công việc của Vương Mãnh thêm thuận lợi.

Vì sao Vương Mãnh xuất thân nghèo hèn lại được Phù Kiên tín nhiệm và trọng dụng?  Vì Vương Mãnh đánh mạnh vào thế lực của quý tộc, hạn chế quyền hành của họ, tăng cường địa vị trung ương tập quyền của Phù Kiên, củng cố sự thống trị của nhà vua. Một số quý tộc có chút công lao thường tỏ ra kiêu ngạo, không ngừng bành trướng thế lực lấn át ngôi vua. Vương Mãnh đã đoán được ý của Phù Kiên, dùng tài năng trác việt của mình góp phần củng cố địa vị thống trị của Phù Kiên.

Thủ đoạn để khống chế thế lực quý tộc của Vương Mãnh là tăng cường pháp trị khiến những đặc quyền của quý tộc bị hạn chế. Khi Phù Kiên mới lên ngôi, cử Vương Mãnh làm Huyện lệnh Thủy Bình (đông nam Hưng Bình, Thiểm Tây ngày nay). Khi tới nhậm chức, Vương Mãnh đã dùng roi đánh chết một viên quan không tôn trọng pháp luật, khiến các quý tộc đua nhau dâng thư lên Phù Kiên yêu cầu trừng trị kẻ thô lỗ to gan. Phù Kiên hỏi Vương Mãnh:

– Làm việc trước hết phải dùng đức, vì sao mới nhậm chứcđã giết nhiều người như thế?

Vương Mãnh đáp:

– Trị  nước thái bình phải dùng lễ, trị nước đang loạn phải dùng pháp.

Phù Kiên nghe xong, gật đầu, đồng ý chủ trương pháp trị của Vương Mãnh.

Trước sau Vương Mãnh nhậm chức 16 năm, chết vào năm Tiền Tần Kiến Nguyên thứ 11 (375). Trong khi Vương Mãnh chấp chính, chính trị Tiền Tần minh bạch, người tài được trọng dụng, nông nghiệp được khuyến khích, nước giàu binh mạnh, không kẻ nào dám xâm phạm, trong nước thanh bình, đất nước yên ổn.

“Tấn thư” (2) ghi chép, lúc đó, trật tự ở Quan Trung yên ổn, dân chúng an lạc, từ Trường An tới các châu, men theo đường đi đều trồng cây liễu, cách nhau 20 dặm có trạm dừng chân để người đi lại nghỉ ngơi, cách nhau 40 dặm có dịch trạm (3), người đi lại có thể ở qua đêm, ven đường còn có cửa hàng buôn bán.

Vương Mãnh ngày đêm lo lắng cho sự nghiệp của Tiền Tần, do lo nghĩ thành bệnh. Phù Kiên thấy Vương Mãnh bệnh nặng, vô cùng lo lắng, thường tự mình tới thăm nom. Trước khi chết, Phù Kiên hỏi ý kiến Vương Mãnh việc quốc gia đại sự, Vương Mãnh đáp:

– Đông Tấn tuy chỉ chiếm giữ một phần đất Giang Nam, nhưng danh nghĩa triều Tấn của nó có tính chất kêu gọi, nhân tâm đều hướng về nó. Khi tôi chết đi, ngài đừng vội đánh Đông Tấn mà phải lo cai trị nước mình sao cho tốt đẹp, lâu dài sẽ tính tới chuyện đó.

Nói xong, ông mất, năm ấy 51 tuổi.

Phù Kiên nghe lời Vương Mãnh, lo việc trị nước, đồng thời, ra sức phát triển quân sự, sau khi Vương Mãnh chết một năm đã thống nhất được lưu vực sông Hoàng Hà.

 

Chú thích:

 

(1)   Kinh triệu doãn: đời Tây Hán đổi thành Hữu nội sử trị, đất thuộc kinh kỳ, chức tương đương với Thái thú quận. Nước Ngụy đời Tam Quốc từng đổi thành Thái thú, sau dần trở thành tên gọi chức quan coi việc hành chính ở kinh thành.

(2)   Tấn thư: viết đời Đường, ghi chép sử thời Tây Tấn và Thập lục quốc đời Đông Tấn gồm 130 quyển.

(3)   Dịch trạm: nơi quan coi việc truyền đạt công văn dừng chân, nơi sứ thần nghỉ ngơi trên đường, đổi ngựa, có từ thời Chiến Quốc. Thời cổ mỗi ngày đi được khoảng 40 dặm, vì thế đó là khoảng cách giữa hai dịch trạm.

1 BÌNH LUẬN

  1. – Vương Mãnh là người biết thời thế và năng lực của mình,dù rất muốn làm lên sự nghiệp lớn là thống nhất TQ nhưng vẫn chưa thực hiện hoài bão của mình.

Trả lời Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here