Từ Phúc có phải đã tới đảo tiên Bồng Lai? Bồng Lai là tên một hòn đảo mà Tần Thủy Hoàng đã sai phương sĩ là Từ Phúc cùng ba nghìn đồng nam và đồng nữ tới tìm thuốc trường sinh bất lão. Từ năm Đường Khai nguyên, nó đã được mang tên Bồng Lai hương, phong cảnh đẹp đẽ thường được gọi là “Cảnh Tiên trên biển”. Theo truyền thuyết, Tần Thủy Hoàng luôn mơ ước có vị thuốc tiên là “Dưỡng thần chi” để mình có thể thọ cùng Trời Đất, khỏe mạnh cùng trăng sao. Vì thế, Vua đã sai Từ Phúc vượt biển đi về phía đông tìm thuốc tiên.

“Sử ký. Tần Thủy Hoàng bản kỷ” đã nói rõ Từ Phúc vốn là một kẻ đọc sách, ngoài sách về Nho, ông còn đọc rất nhiều sách về âm dương ngũ hành, phép thuật luyện đan. Ông cũng là người giao du rộng khắp, tri âm tri kỷ với Hầu sinh ở nước Tề, Lư sinh ở nước Yên.

Tuy thế, việc Từ Phúc vượt biển tới nơi nào cũng có rất nhiều tranh cãi, có người nói đó là Nhật Bản, có người nói đó là Nam Dương, cũng có người nói đó là châu Mỹ, lại cũng có người nói đó là đảo Hải Nam. Trong các ý kiến đó, chiến số đông nhất là những người coi Từ Phúc đã tới Nhật Bản.

“Sử ký” và “Hán thư” là hai bộ sử có uy tín nhất trong lịch sử Trung Quốc. Hai bộ sử này đều ghi chép những câu chuyện về việc Từ Phúc đã tới Nhật Bản và cho rằng độ tin cậy rất cao. Ngoài ra, Hòa thượng Nghĩa Sở thời kỳ Ngũ đại Hậu Chu đã viết trong Nghĩa Sở lục thiếp”: “Nhật Bản còn có tên Oải quốc, trên biển đông. Thời Tần, Từ Phúc đã cùng năm trăm đồng nam và năm trăm đồng nữ tới nước này. Người này đã tới một nơi, phía  đông bắc nghìn dặm có núi tên Phú Sĩ, cũng gọi Bồng Lai. Từ Phúc dừng lại ở đó, tới nay con cháu được gọi là Tần dân.”  Để chứng minh nơi Từ Phúc đã tới là Nhật Bản. Âu Dương Tu và Tư Mã Quang đời Tống trong văn tập của mình cũng có những ghi chép tương tự. Họ cũng cho rằng Từ Phúc đã tới Nhật Bản. Đầu đời Minh, Hòa thượng Nhật Bản Không Hải đã tới Nam Kinh, dâng thơ lên Minh Thái Tổ, trong đó còn nói tới đền Từ Phúc. Truyền thuyết dân gian cũng nói nhiều tới chuyện này.Việc Từ Phúc vượt biển tới Nhật Bản là một hành động vĩ đại những năm trước Công nguyên. Tần Thủy Hoàng đã ba lần cử Từ Phúc tới Nhật Bản tìm thuốc tiên. Việc tìm thuốc không thành, Từ Phúc đã mang trình độ phát triển cao của thời Tần trong chế tạo thuyền bè, chế độ chính trị, văn hóa nghệ thuật, phương thức sinh hoạt, rồi kỹ thuật luyện đúc, canh tác, kiến trúc, y dược, văn tự, buôn bán, tôn giáo, võ thuật, phục trang, đồ gốm và các kỹ thuật khoa học tiên tiến khác tới Nhật Bản. Ngoài ra Từ Phúc còn mang tới hạt giống và các loại lương thực, có tác dụng mở đầu rất có ích cho sự phát triển sức sản xuất ở Nhật Bản. Ba nghìn người đi theo cũng dần sinh sôi, từ đó truyền bá truyền thống văn hóa Trung Hoa ở Nhật Bản.

Ở Nhật Bản cũng có rất nhiều những tài liệu ghi chép sự kiện này. “Phú Sĩ cổ văn thư” viết: “Từ Phúc phụng mệnh Tần Thủy Hoàng, đến núi Phú Sĩ tìm thuốc trường sinh bất lão, nhân đó rồi ở lại.” “Quốc văn thông khảo” có ghi lại: “Nay ở gần Hùng Dã có nơi người Tần cư trú, thổ dân tương truyền đó là nơi đất cũ Từ Phúc đã ở. Cách 7, 8 dặm có đền Từ Phúc….” lại càng thêm sức thuyết phục. Đương thời, điểm xuất phát của Từ Phúc đi về phía đông có hoạt động văn nghệ dân gian gọi là “tín tử” thể hiện cái viễn đại của Trung Quốc thì ở Nhật Bản cũng có, chỉ có điều mang tên “thi tử”; hiện nay, ở đây vẫn có mộ Từ Phúc, đền Từ Phúc hàng năm đều cử hành các lễ nghi cúng bái. Ngoài ra, có người căn cứ vào sự qua lại của người Trung Quốc và Nhật Bản còn phát hiện những con thuyền quy mô lớn hay những văn vật cổ, từ đó, xác định được con đường mà Từ Phúc đã đi qua.

Ở Nhật Bản, Từ Phúc có địa vị rất cao, từ Cửu Châu tới Bản Châu có tới hơn hai mươi địa điểm, lưu truyền rằng đó là nơi mà theo truyền thuyết Từ Phúc đã cập bến, đã hoạt động và các đền miếu thờ ông. Những loại di tích này còn có ở rất nhiều địa điểm khác đã trở thành đối tượng tín ngưỡng dân gian để nhân dân chiêm bái. Ở nhiều nơi, dân chúng còn gọi Từ Phúc là “vương”, tôn ông là người giương cao ngọn cờ văn hóa. Ở Nhật Bản hiện 5 nơi có mộ Từ Phúc, 37 nơi có đền miếu thờ phụng, 13 nơi Từ Phúc đã lên bờ có tên Bồng Lai. Ở những nơi này, người ta còn khai quật được rất nhiều di vật và ở đó có tới hơn 90 tổ chức kỷ niệm và cơ quan nghiên cứu về Từ Phúc, có hơn 50 lần tổ chức kỷ niệm với lễ nghi trang trọng, ở 17 nơi, có người họ Tần và họ Từ cư trú.Trong ba địa phương ở Nhật Bản Tá Hạ, Tân Cung và Phú Sĩ Cát Điền, thờ Từ Phúc là tín ngưỡng rất quan trọng trong dân chúng. Những hoạt động này đã trở  nên quan trọng trong sinh hoạt văn hóa và du lịch. Tham gia vào những hoạt động này có đông đảo thành phần công nhân, thương nhân, học giả, quân đội và các giới  nhân sĩ, chính khách, …

Từ Phúc vượt biển tới Nhật Bản là một sự kiện to lớn trong lịch sử Trung Quốc, cũng được các giới chức Nhật Bản quan tâm. Nó có ý nghĩa lớn trong lịch sử phát triển hàng hải của Trung Quốc, cống hiến lớn trong quan hệ giao lưu Trung Quốc và Nhật Bản. Tất cả đều được đánh giá rất cao.

Tuy thế, vẫn có những học giả Trung Quốc và Nhật Bản hoài nghi việc này. Họ cho rằng, sau khi Tần Thủy Hoàng diệt được 6 nước, rất nhiều người Trung Quốc đã trốn tránh sự tàn bạo của ông ta, phần lớn đã di dân sang Nhật Bản, nhưng trong số những người này không có Từ Phúc và các đồng nam, đồng nữ; chuyện Từ Phúc sang Nhật chỉ có trong truyền thuyết dân gian, trong lịch sử khó có thể tìm được những bằng cứ đáng tin cậy; Cũng có người cho rằng, chuyện Từ Phúc sang Nhật chỉ nằm trong truyền thuyết, những văn vật ở Nhật Bản do người Trung Quốc mang tới chỉ trong khoảng 10 thế kỷ trở lại đây, khi ấy, Từ Phúc chỉ có thể tới một hòn đảo trong biển Bột Hải mà thôi. Những câu chuyện, di tích, lăng mộ, đền miếu đều do người đời sau tạo nên. Cũng có người cho rằng mộ Từ Phúc ở thành phố Tân Cung và những di tích ở nhiều nơi đều do người đời sau ngụy tạo. Có học giả Nhật Bản qua điều tra thực địa còn làm rõ hơn giả thuyết này. Họ cho rằng Từ Phúc vượt biển sang Nhật Bản là những truyền  thuyết có từ sau đời Hán, Đường. Các Hòa thượng Nhật Bản khi tới Trung Quốc đã tán phát những truyền thuyết này, rồi người ta cứ thế truyền đi mà không phân biệt thật giả, cứ thế mãi về sau mà không có sự hoài nghi.

Ngoài ra, cũng có học giả cho rằng, chuyện Từ Phúc vượt biển thực ra là có, nhưng không phải ông đã tới Nhật Bản mà là tới châu Mỹ. Thời gian Từ Phúc vượt biển, nên văn minh Maya ở châu Mỹ cũng khởi nguồn và phát triển. Trên vách núi Đàn Hương còn lưu lại những chữ Hán theo lối “triện”. Ở gần Cựu Kim Sơn cũng khai quật được  những mũi tên cổ trên đó có khắc các chữ “triện”. Người ta nói rằng đây chính là các văn vật do một người Trung Quốc đời Tần là Từ Phúc lưu lại khi qua đây.

Hư hư thực thực, khi đi về phía đông, đích của Từ Phúc có phải là Nhật Bản, cho tới nay, đó vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here