Triều Thương là thời kỳ phát triển của xã hội nô lệ ở Trung Quốc, từ Thành Thang tới Thương Trụ, tất cả 17 đời, 31 vua, trước sau cả thảy 496 năm. Thời triều Thương, đất đai rộng lớn, thế lực rất mạnh, đông tới biển Đông, nam tới lưu vực sông Trường Giang, tây tới phía tây Thiểm Tây ngày nay, đúng là một nước lớn lúc bấy giờ. Dưới triều Thương, những cuộc đấu tranh chính trị nội bộ cũng vô cùng quyết liệt, các thế lực bên ngoài cũng không ngừng xâm chiếm. Để bảo vệ sự an toàn cho đất nước vua Thương Bàn Canh đã dời đô tới Ân. Từ đó, vương triều Thương mới ổn định, vì thế, triều Thương còn xưng là Ân Thương. Tuy thế, có thực Bàn Canh là người đã dời đô đến Ân Khư tức vùng An Dương hiện nay hay không vẫn còn nhiều tranh cãi.

Đa số các nhà sử học đã cho rằng Bàn Canh dời đô đến Ân Khư là xác thực. “Thượng thư. Bàn Canh” đã ghi chép không ít về hoàn cảnh dời đô này.

Thời Thương Thang lập quốc,  kinh đô ban đầu ở đất Bạc, chính là vùng Thương Khâu, Hà Nam ngày nay. Đây là vùng đất thuộc hạ du sông Hoàng Hà, thường xảy ra lụt lội, thiên tai thường xuyên ra nhiều tổn thất nghiêm trọng. Nội bộ Hoàng cung, các vương công đại thần cùng tầng lớp quý tộc cũng hay xảy ra nhiều mâu thuẫn, phát sinh những cuộc nội loạn. Đến khi ngôi vua truyền tới đời Bàn Canh, vua quyết định thay đổi tình trạng rối loạn liên miên này để tiến hành ổn định và phát triển quốc gia. Vì thế, ông quyết định một lần nữa dời đô. Nhưng quá trình dời đô đã gặp nhiều điều bất lợi, chủ trương này của nhà vua gặp sự phản đối của các vương công đại thần và tầng lớp quý tộc, Bàn Canh đành phải dùng biện pháp cứng rắn đối với họ, nói vì việc này không phải vì quyền lợi một số người mà vì lợi ích của nhân dân, dời đô để vương triều Thương ngày càng được củng cố trở nên vững mạnh. Với những người phản đối, không chịu dời đi, Bàn Canh đã uy hiếp bằng cách ra lệnh chém đầu, không để lại nguôn gốc của tai họa ở Tân Ấp. Tuy thế, đại đa số quý tộc vẫn ngoan cố không chấp nhận việc dời đô. Bàn Canh vẫn kiên định thể hiện lập trường của mình: “Ý ta đã quyết, không thể thay đổi được nữa.” Các đại thần không thể thi gan với Bàn Canh, cuối cùng cũng phải chấp nhận dời đô. Từ đó, Bàn Canh đưa tầng lớp bình dân và nô lệ, vượt sông Hoàng Hà đến đất Ân (nay là thôn Tiểu Đồn, An Dương, Hà Nam). Sau khi Bàn Canh dời đô tới Ân, tiến hành chấn chỉnh triều chính, hóa giải các mâu thuẫn trong nội bộ vương thất, tiến hành các hoạt động phát triển kinh tế xã hội khiến triều Thương từ tình trạng suy thoái phồn vinh trở lại, sau hơn hai trăm năm không có lần dời đô nào nữa. Cũng nhân việc này, Bàn Canh được suy tôn “trung hưng chi chủ”, làm cơ sở cho thời Vũ Đinh thịnh thế về sau.

Sau hơn ba nghìn năm vật đổi sao dời, kinh đô của triều Thương nay đã hoang phế. Gần đây, ở thông Tiểu Đồn, An Dương người ta phát hiện một số lượng rất lớn các di vật cổ. An Dương nằm ở cực bắc của tỉnh Hà Nam, phía bắc gần sông Chương Hà, phía tây dựa vào núi Thái Hàng, vùng đất có vị trí quan trọng của văn hóa cổ đại Trung Hoa. Ân chính là Ân Khư nằm ở tây bắc An Dương. Các di vật ở Ân Khư có hơn mười vạn quy giáp (chính là mai rùa) và xương thú, trên đó có khắc các văn tự rất khó để hiểu được, ghi chép lại tình hình chính trị xã hội, kinh tế và nhiều hoàn cảnh khác đương thời. Những văn tự này chính là cái mà chúng ta ngày nay gọi là giáp cốt văn. Ngoài ra ở thôn Tiểu Đồn, người ta còn phát hiện được rất nhiều chủng loại, đồ gốm, đồ đồng và binh khí được chế tác rất tinh xảo. Đại phương đỉnh phát hiện hồi năm Mậu Tuất cũng ở đây, nó cao 130 thước, nặng 875 cân, trên mặt khắc rất nhiều hoa văn tinh tế đẹp mắt, thể hiện trình độ kỹ thuật và nghệ thuật tuyệt vời. Ở đây cũng có những di chỉ thuộc kiến trúc cung điện, tông miếu, lăng tẩm, bia mộ, … dày đặc, chi chít những sản vật thể hiện tài năng của những bàn tay và sự phong phú của các sản vật ở đời Thương.

Nhưng cũng có một số các nhà sử học và chuyên gia vẫn cho rằng Bàn Canh không phải là người đã dời đô về Ân Khư. “Ân bản kỷ” đã viết: “Đế Bàn Canh chi thời, Ân dĩ đô Hà Bắc, Bàn Canh độ Hà Nam, phục cư Thành Thang chi cố cư … nãi trục thiệp Hà Nam, trị Bạc”. Họ cho rằng Bàn Canh trở về đất cũ đó là Thương Khâu. Năm 1711 trước Công nguyên, Thành Thang diệt Hạ, kiến đô ở Bạc, nam Thương Khâu. “Sử ký” còn ghi: Cháu năm đời của Thành Thang là Trọng Đinh dời đô đến Trịnh Châu, Hà Nam, em của Trọng Đinh là Hà Đản (Thiệp?) Giáp dời đô đến vùng nay là đông nam Nội Hoàng, Hà Nam; cháu đời thứ 6 là Tổ Ất lại dời đô tới vùng nay là phía đông huyện Ôn, Hà Nam; cháu đời thứ 8 là Nam Canh lại dời đô tới vùng nay là Khúc Phụ, Sơn Đông, cháu đời thứ 9 là Bàn Canh “vượt sông về phía nam, trở lại nơi ở cũ của Thành Thang”. Cái gọi là “độ Hà Nam” chính là từ phía bắc dời về phía nam của Hoàng Hà. Cái gọi là “Thành Thang chi cố cư” chính là chỉ Bắc Bạc phía bắc của huyện Thương Khâu nơi Thành Thang kiến đô trước đây, cũng chính là Bàn Canh trở về Thương Khâu, nơi cư trú của tổ tiên nhà Thương. “Trúc thư ký niên” viết: “Bàn Canh thập tứ niên, tự quy thiên vu bắc Mông, viết Ân, thập ngũ niên doanh Ân ấp.” Các học giả cho rằng  Bàn Canh đã ở tại Ân của Bắc Mông, nói thành Ân Khư là An Dương ngày nay là sai lầm, vì: thứ nhất An Dương chưa bao giờ được gọi là Bắc Mông và Bạc; thứ hai, Thành Thang và Đế Khốc chưa bao giờ đóng đô ở An Dương. Cho nên, “độ Hà Nam ….” Không phải là An Dương. Những di chỉ và văn vật được phát hiện ở thôn Tiểu Đồn An Dương chính là có từ đời Vũ Ất, cháu đời thứ 13 của Thành Thang đã dời đến Tiểu Đồn, An Dương. Sau đời Tấn, có một số nhà sử học nhầm lẫn giữa Ân của Bắc Mông và Ân Khư, cho nên các đời sau mới có người nhầm là An Dương, sai lầm ấy cứ tiếp tục tryền hết đời này sang đời khác nên dẫn tới “Ân Khư chi thuyết” ngày nay.

Bàn Canh có phải là người dời đô về Ân Khư hay không, cho tới nay chưa thể xác định, phải chờ các chuyên gia học giả dựa vào các sử liệu và chứng cứ để chứng minh. Nhưng bất kể sự thực lịch sử như thế nào, việc dời đô của Bàn Canh đã khiến xã hội triều Thương ổn định và phồn vinh là sự thực dễ thấy, nó đồng thời cũng góp phần to lớn vào sự củng cố và phát triển  của triều Thương trong lịch sử.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here