Thời Thương Thang ở ngôi, Hữu tướng Y Doãn là trợ thủ đắc lực của ông. Y Doãn làm việc cần cù, thương xót dân chúng, cai trị ưu việt, được đời sau coi là bề tôi mẫu mực. Thực ra, Y Doãn xuất thân từ rất hèn kém. Ông vốn là một nô lệ, được coi là của hồi môn.

Y Doãn tên là Chí, vốn là nô lệ trong nhà Hữu Tân Thị, nhạc phụ của Thương Thang. Khi Hữu Tân Thị gả chồng cho con gái, đem Y Doãn là nô lệ cho con làm của hồi môn mang về nhà Thương Thang. Y Doãn mới đến, Thương Thang chưa biết Y Doãn là người có tài, cử ông xuống làm việc ở nhà bếp. Để Thương Thang biết khả năng của mình, Y Doãn thường tìm cơ hội đến gần Thương Thang. Có khi ông nấu món ăn rất ngon, có lúc lại nấu quá mặn, có lúc nấu quá nhạt, khiến Thương Thang phải tìm ông hỏi han. Một hôm, Thương Thang ăn rất ngon miệng, liền cho tìm Y Doãn đến hỏi chuyện. Y Doãn thấy đây là dịp may để nói chuyện với Thương Thang, bèn lợi dụng cơ hội, nhân những chuyện nấu ăn để nói những chuyện khác:

– Nấu món ăn không thể quá mặn, cũng không thể quá nhạt, phải nấu cho vừa ăn thì mới ngon miệng. Cai trị quốc gia cũng giống như việc nấu món ăn, không thể quá nhanh, cũng không thể quá chậm, chỉ có phù hợp mới có thể làm tốt mọi việc

 Thương Thang nghe, trong lòng sinh chú ý, thấy người này ăn nói không bình thường, vì thế, gọi Y Doãn lại. Thấy Y Doãn đến bên, tuy rất tôn kính nhưng nhìn thần thái tuyệt nhiên không hèn kém, từ vầng trán đến khuôn mặt đều lộ vẻ tự tin. Thương Thang lúc này mới biết trong người đầu bếp của nhà mình ẩn chứa một nhân tài, ông vui mừng nói:

– Mời ngài ngồi, chúng ta nói chuyện  một lát.

 Y Doãn thấy như gặp được tri âm, đem những kiến giải chính trị của mình giãi bày. Thương Thang nghe rất tán thưởng.

Lúc đó, Thương Thang đang chuẩn bị kế hoạch diệt Hạ, cần có trợ thủ đắc lực, vì thế giải phóng thân phận nô lệ cho Y Doãn, giao cho làm hữu tướng. Sau đó, Y Doãn giúp Thương Thang bày mưu đặt kế quyết tiêu diệt triều Hạ, kiến lập triều Thương. Y Doãn giữ đạo thần tử, dốc sức giúp đỡ Thương Thang, đôn đốc quần thần, cho nên, triều Thương chính trị sáng suốt, xã hội an định, kinh tế phồn vinh. Sau khi Thương Thang chết, Y Doãn tiếp tục giúp đỡ đời vua thứ hai, thứ ba của triều Thương, giup họ sửa chữa sai lầm, cai trị đất nước.

Không lâu sau khi Thái Giáp nối ngôi vua, Y Doãn viết 3 chương cho Thái Giáp đọc, dạy cho ông ta cách làm thế nào để trở thành một ông vua tốt. Hai năm đầu khi mới nối ngôi, Thái Giáp còn tỏ ra khiêm tốn, làm theo những điều Y Doãn dạy, Thái Giáp còn biết phải trái, làm việc tốt, không dám vi phạm những quy tắc của tổ tiên để lại. Đến năm thứ ba, không thể kiên nhẫn được nữa, ông ta nghĩ: “ Ta đường đường là một bậc quân vương, làm điều gì là do ta, sao lại cứ phải nghe lời của Y Doãn?” Từ đó, Thái Giáp tự quyết mọi việc, phá hoại toàn bộ chế độ luật pháp do tổ tiên để lại. Ông ta thích cuộc sống xa xỉ, hàng ngày rong chơi, dần lộ ra là kẻ làm bại hoại gia phong. Thái Giáp đã biến chất, Y Doãn tất nhiên không thể bỏ qua. Ông trước hết khuyên bảo, thức tỉnh Thái Giáp, kiểm điểm lại những hành vi của mình. Thái Giáp giờ đã không nghe lời, trong cung xuất hiện nhiều việc trái đạo, Y Doãn không thể chịu nổi, nói với Thái Giáp:

–         Đất nước mà nhà vua không biết giữ gìn, vì thần sợ làm phụ lòng tin của tiên vương, đành phải vô lễ với người!

 Bèn cho người đưa Thái Giáp tới phần mộ của Thương Thang ở Đồng Cung (nay là huyện Yển Sư, tỉnh Hà Nam).

Trong thời gian này, Y Doãn chưa lập vua khác, ông tạm thời quản lý mọi việc quốc gia đại sự. Thái Giáp bị đuổi đến Đồng Cung, sớm muộn đều nhìn thấy phần mộ  của tổ phụ Thương Thang. Tuy là ông vua khai quốc của triều đại nhà Thương nhưng phần mộ của Thương Thang rất đơn giản, trên mộ chỉ có một cung thất thấp  nhỏ, hàng năm tế lễ một lần. Ông lão giữ phần mộ nghe nói Thái Giáp vì không tuân thủ phép tắc của tổ tông mà bị đuổi đến ở khu mộ này, hàng ngày đều kể lại cho Thái Giáp nghe chuyện Thương Thang làm nên sự nghiệp như thế nào, cho đến những quy tắc mà Thương Thang đã đặt ra, giáo dục Thái Giáp noi theo tấm gương của tổ phụ,không thể là người phá hoại gia phong. Ngày qua ngày, Thái Giáp hối hận, ông ta năn nỉ:

–         Lão thần Y Doãn là người có tấm lòng son, tất cả đều vì giang sơn xã tắc. Ta trước đây thật đã sai lầm với ông ấy!

Từ đó, Thái Giáp noi theo tấm gương của tổ phụ Thương Thang, cẩn thận đối chiếu với những hành vi của mình, quyết tâm sửa chữa lầm lỗi. Trước hết, ông ta làm những việc tốt trong phạm vi nhỏ wor đất Đồng Cung: quan tâm đến người già yếu, góa phụ, làm nhiều việc thiện, quản lý vùng Đồng Cung việc nào ra việc ấy.

Ba năm sau, những việc làm của Thái Giáp ở Đồng Cung đã có người sớm báo cho Y Doãn. Y Doãn cảm thấy rất vui mừng, vì thế cùng văn võ đại thần đi gặp Thái Giáp, thực hành đại lễ với Thái Giáp với tư cách là bề tôi, sau đó đưa Thái Giáp vè kinh đô Hào Thành trân trọng trao lại mọi đại sự quốc gia cho Thái Giáp.

Thái Giáp tiếp nhận những lời giáo huấn tỏng quá khứ, hiểu ra việc sai, chú tâm cai trị đất nước. Triều Thương tiến thêm một bước tới phồn vinh.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here