Khoảng 5.000 năm trước, ở vùng lưu vực sông Hoàng Hà Trung Quốc có rất nhiều dân tộc sinh sống. Bộ lạc do Hiên Viên Thị Hoàng Đế đứng đầu ở vùng bắc tỉnh Thiểm Tây ngày nay, sau chuyển đến phía nam Lạc Thủy, phía đông của Hoàng Hà, định cư ở gần Trác Lộc, Hà Bắc, từ cuộc sống du mục chuyển sang trồng trọt.

Theo truyền thuyết, Hiên Viên Thị xuất thân từ thần Sấm sét. Mẹ ông trước khi sinh ra ông thấy ngôi sao Bắc Đẩu có ánh hào quang liền rung động rồi mang thai. Mang thai suốt hai năm mới sinh một đứa trẻ. Vì sinh ở đất Hiên Viên nên gọi là Hiên Viên Thị (Hiên Viên vốn có nghĩa là cái càng của xe ngựa).

Tương truyền, Hiên Viên Thị có bốn mặt, từ nhỏ đã biết đủ điều, rất thông minh. Sau khi làm thủ lĩnh bộ lạc, ông cho xây dựng cung điện ở gần Trác Lộc, sáng lập đế nghiệp, xưng là Hoàng Đế, ý muốn nói “Thần đế của vùng đất hoàng thổ”. Một bộ lạc khác cùng  với bộ lạc của Hoàng Đế có thủ lĩnh là Viêm Đế, ban đầu cũng ở vùng tây bắc Trung Quốc, theo truyền thuyết có quan hệ thân thuộc với bộ lạc của Hoàng Đế. Sau khi Viêm Đế chỉ huy bộ lạc của mình phát triển về phía đông, gặp một kẻ thù hung ác gọi là Xuy Vưu, thủ lĩnh của bộ tộc Cửu Lê ở phương nam vô cùng hung hãn. Truyền thuyết nói Xuy Vưu có 81 anh em, toàn là đầu đồng trán sắt, hung ác không ai bằng. Hắn rèn dao đúc kiếm trang bị cho người trong bộ lạc, quấy nhiễu khắp nơi, các bộ lạc xung quanh không ngừng kêu khổ. Bộ lạc của Viêm Đế thường bị bộ lạc của Xuy Vưu quấy nhiễu, Viêm Đế mang quân chống lại, nhưng không phải là đối thủ của Xuy Vưu, bị Xuy Vưu đánh bại, phải bỏ chạy. Sau khi bị đánh bại, Viêm Đế đưa bộ lạc của mình chạy đến Trác Lộc nhờ Hoàng Đế giúp đỡ. Hoàng Đế từ lâu đã muốn diệt trừ Xuy Vưu, đây là kẻ địch rất hùng mạnh nên đã liên kết cùng bộ lạc của Viêm Đế rồi mở trận đánh nhau với Xuy Vưu ở Bản Tuyền, một nơi gần Trác Lộc. Hoàng Đế chỉ huy lũ hổ báo gấu hùm do mình nuôi dưỡng (bốn loại dã thú hung dữ) và được quỷ thần bốn phương giúp đỡ. Xuy Vưu cùng 81 anh em đầu đòng trán sắt và “miên dân” chống cự.

Khi cuộc chiến bắt đầu, Hoàng Đế chưa phải là đối thủ của Xuy Vưu bị đánh cho đại bại. Xuy Vưu không biết dùng phép thuật gì khiến sương giăng mờ mịt làm cho quân của Hoàng Đế tối tăm mặt mũi. Sự chỉ huy của Hoàng Đế trở nên hỗn loạn, bộ hạ của Hoàng Đế quay đầu chuyển hướng. Chỉ toàn thấy những kẻ đầu đồng trán sắt, những quái vật với đôi sừng dài trên đầu xung trận. Đội quân của Xuy Vưu ra sức hoành hành khiến Hoàng Đế bị vỡ trận.

Thấy Hoàng Đế thảm bại, một mưu thần của ông tên là Phong Hậu từ vùng biển đến. Phong Hậu là người có khả năng nổi gió tuôn mây. Tới nơi, Phong Hậu múa hai tay, gió nổi cờ bay, lập tức đất bằng bỗng nổi trận cuồng phong khiến cát bay đá chạy. Giữa lúc ấy, sương mù bao phủ trời đất. Hoàng Đế ngẩng lên nhìn trời, thấy bầu trời sao rối loạn, thấy sao Bắc Đẩu chỉ hướng phương bắc nhưng không thể thấy các hướng nam, đông tây ở đâu. Hoàng Đế dùng Khải Thị, phát minh ra xe chỉ nam chỉ huy quân của mình từ hướng nam phá vỡ vòng vây. Xuy Vưu thấy kế không thành liền lập mưu khác. Hắn cho quân lính gào khóc. Bốn bề đen kịt bỗng vang tiếng ma kêu quỷ khóc, đất trời hỗn loạn, thần bí khôn lường. Quân của Hoàng Đế không kìm được dao động, bỗng hoảng loạn, chỉ nghe thấy tiếng chỉ huy, nếu không đã vỡ trận. Hoàng Đế lập tức hạ lệnh dùng sừng trâu, dê thổi hiệu. Âm thanh trầm bổng vang xa khắp nơi. Thật kỳ lạ, nghe hiệu sừng trâu, dê, quân Xuy Vưu hoảng sợ. Hoàng Đế bắt đầu tiến công. Ông hạ lệnh cho quân sĩ thúc trống sấm, quân  do Ứng Long chỉ huy xông vào giết bọn mình đồng trán sắt. Hoàng Đế xuất thân từ Thần sấm, đây là món võ đặc biệt của ông. Trống sấm nổi lên, thanh âm vang động cả sông núi, trời đất như biến sắc.

Xuy Vưu đến từ phương nam, không sợ mưa gió. Hắn đã mời được Phong Bá vũ sư, chuẩn bị lửa để chống lại Hoàng Đế. Phong Bá Vũ Sư cùng Ứng Long giao đấu trên không trung. Chỉ thấy chớp nổi sấm vang. Phong Bá Vũ Sư càng nổi cho mưa gió thêm cuồng bạo, tấn công quân của Hoàng Đế. Quân của Hoàng Đế như cánh hoa rơi trên dòng nước xiết. Những cơn mưa như trút mãi không ngớt. Hoàng Đế nổi giận, mời Sửu Nữ Bá giúp sức. Đầu của Sửu Nữ Bá trọc lốc, không có một sợi tóc, thật chẳng giống ai. Bà có bản lĩnh như thần. Bà tới đâu, nơi đó nóng vô cùng, nước đổ vào bao nhiêu cũng khô đi bấy nhiêu. Quả nhên, bà mới vào trận, mưa to gió lớn lập tức tạnh hẳn. Bà xông vào giữa đám quân lính của Xuy Vưu như đi vào chốn không người. Đại quân của Xuy Vưu bị nắng gắt làm cho kiệt sức, quên hết tất cả. Rất nhanh chóng, Xuy Vưu đại bại ở Bản Tuyền, chạy về hướng tây nam. Chạy đến Ký Châu, phía nam tỉnh Sơn Tây ngày nay, Xuy Vưu bị Hoàng Đế bắt được. Hoàng Đế hạ lệnh đem Xuy Vưu giết. Xuy Vưu bị chặt đầu, phân thây, về sau, nơi ấy gọi là Giải Châu. Đến nay vùng Giải Châu ở Tế Nam còn có hồ Hàm Thủy, chu vi 120 dặm, gọi là Diêm Trì. Diêm Trì sản xuất nước muối cặn, tương truyền do máu của Xuy Vưu biến thành. Ngoài ra, vào đời Hán, ở Ký Châu, người ta đã đào được tượng bằng đồng giống như cái đầu rắn chắc, còn có hai cái nanh dài, cứng đập không vỡ, tương truyền đó là xương và răng của Xuy Vưu.

Loại  bỏ những yếu tố thần thoại và truyền thuyết, ít nhất câu chuyện này cũng chứng minh trong lịch sử, liên minh bộ lạc ở lưu vực sông Trường Giang và liên minh bộ lạc ở lưu vực sông Hoàng Hà đã phát sinh những xung đột nam bắc, chứng minh sức sản xuất phát triển đã dần phá vỡ xã hội thị tộc và giới hạn đất đai, lịch sử bắt đầu bước vào thời kỳ đại hòa hợp dân tộc.

Thắng lợi trong cuộc đại chiến ở Bản Tuyền đã xác lập vai trò thống trị của Hiên Viên Hoàng Đế ở Trung Nguyên. Hoàng Đế đã trở thành ông vua và tổ tiên của dân tộc Trung Hoa theo quan niệm tín ngưỡng chung.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here