Trong cuộc sống, trên mọi lĩnh vực, bao giờ cái trung bình cũng chiếm số đông. Từ cái hữu hình như chiều cao, cân nặng, thu nhập bình quân đầu người, … cho tới cái vô hình như chỉ số IQ, như năng lực tư duy, …của người Việt Nam. Vì trung bình là khái niệm chỉ “ở vào khoảng giữa của hai cực trong bậc thang đánh giá, không khá cũng không kém, không cao cũng không thấp” (Từ điển tiếng Việt – Nxb Khoa học xã hội – Hà Nội, 1988, trang 1.082). Trong giáo dục, các loại đánh giá về hạnh kiểm, về học lực cũng vậy.  Từ những năm 90 trở về trước, hàng năm số học sinh tiên tiến (tương đương loại khá) trong mỗi lớp khó có thể đạt trên 20% (đây là chỉ tiêu khó đạt nhất để được công nhận là lớp tiên tiến). Phần lớn học sinh đều đạt mức trung bình (tiêu chuẩn quan trọng nhất để được lên lớp), một số ít (mỗi lớp chừng dăm ba người) bị xếp loại  kém phải ở lại lớp. Khoảng mươi học sinh xếp loại yếu, phải thi lại một hoặc hai môn.

Từ cuối những năm 90, học sinh nước ta tự nhiên “giỏi” một cách bất ngờ. Ban đầu là các lớp cấp tiểu học và trung học cơ sở. Hầu hết học sinh trong lớp đều khá, giỏi, rất ít học sinh ở mức trung bình và hoàn toàn không có học sinh thuộc loại yếu hay kém. Nghĩa là toàn lên lớp trăm phần trăm. Tình trạng này rất nhanh chóng được “lây lan” lên cấp trung học phổ thông và nay đang hoành hành ở ngay bậc đại học. Các trang mạng mấy hôm nay lên tiếng phê phán kết quả học tập của sinh viên một trường đại học sư phạm trong học kỳ một vừa qua.  Theo tài liệu công bố, kết quả đó như sau:

“Số sinh viên xuất sắc là 325 (4,07%), giỏi 1.115 (13,9%) trong khi sinh viên có học lực trung bình của toàn trường là 1.712 (21,4%), yếu 970 (12,1%). Như vậy, số sinh viên được xếp loại khá là 48,53%.”

So với trước đây, con số này có thể nói là rất lạc quan về kết quả học tập. Số sinh viên học giỏi và khá vẫn trên 50%, một con số trong mơ của mọi trường học trước đây. Nhưng dư luận phải lên tiếng vì so sánh với kết quả học tập của những trường khác cũng được công bố trong bản tin này:

“số sinh viên được nhận bằng loại khá, giỏi, xuất sắc trong năm 2011 của Trường ĐH Duy Tân chiếm đến 94,5% (1.346 sinh viên). Tương tự, tại lễ tốt nghiệp của Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) được tổ chức cuối tháng 6 vừa rồi, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc – hiệu trưởng nhà trường – cho biết trên 97% sinh viên của trường tốt nghiệp loại khá, giỏi trong tổng số 271 sinh viên nhận bằng tốt nghiệp”.

“Trong khi đó, dẫn đầu về tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, xuất sắc trong năm nay phải kể đến Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) khi tỉ lệ này lên đến 98,6%. Cụ thể, trong 986 sinh viên có 9 sinh viên đạt loại xuất sắc, 236 sinh viên đạt loại giỏi (23,11%), 771 sinh viên tốt nghiệp loại khá (chiếm 75,5%) và số sinh viên tốt nghiệp loại trung bình chỉ ở mức 0,7% (8 sinh viên).”  (các số liệu này đều dẫn theo Vnexpress.net)

    Hóa ra ở xứ ta, ngành giáo dục đã có bước phát triển tột bậc. Đào tạo đại học giờ còn dễ hơn nuôi con gà con lợn ở nhà quê. Một đàn gà mới nở,  con chết, con què, con diều tha, con quạ cắp, …nuôi vài ba tháng là phải chọn lọc, loại bỏ những con còi cọc, kén ăn, chậm lớn. Quá trình sàng lọc ấy luôn diễn ra, mãi mới chọn được con gà trống chuồng, mấy con gà mái đẻ nhiều, chăm ấp và khéo nuôi con. Lợn cũng vậy. Khoa học bảo bên cạnh chọn lọc tự nhiên còn có chọn lọc nhân tạo. Thế mà trường đại học nay, điểm vào đã thấp,  cứ đến hẹn lại lên, hết năm học thì lên lớp, rồi tốt nghiệp, mà toàn khá, giỏi với xuất sắc, chẳng rơi rớt anh chị nào. Thật là siêu!

Những người công bố số liệu thống kê mà không chút đỏ mặt, các cấp quản lý giáo dục đọc những con số nêu trên mà không hề có chút nghi vấn thì quả sự vô cảm đã ở mức tuyệt đối, chuyện này chỉ có thể có ở “thiên đường”.

        Thông thường, số có trình độ trung bình phải chiếm nhiều nhất. Khi số khá, giỏi chiếm tới một nửa, người ta phải thấy là sự bất bình thường và lập tức tìm ra nguyên nhân để chấn chỉnh. Hoặc có thể cái chuẩn đặt ra quá thấp, đầu bài kiểm tra quá dễ, thí dụ như lấy đề thi của lớp dưới cho lớp trên làm. Ngay trong trường hợp này cũng khó có thể đạt được những con số thống kê ngoạn mục như vậy. Và nguyên nhân thứ hai có nhiều khả năng hơn, đó là việc kiểm tra, thi cử đã tiến hành quá dễ dãi, việc chấm bài kiểm tra hay bài thi quá tùy tiện. Cả hai đều do ông thầy làm việc tắc trách và không ít sự mờ ám. Tất nhiên, sự tắc trách và mờ ám này đều được phép của người quản lý.

     Bình thường, kết quả học tập tốt không phải chỉ là nhu cầu của bản thân học sinh, sinh viên hay cha mẹ họ. Đây còn là nhu cầu của những người làm công việc quản lý các cấp. Kết quả cao chứng tỏ được sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của họ và đó là điều kiện cần (dù chỉ là hình thức, là cái cớ  bên ngoài, còn bên trong  điều kiện đủ là gì thì chỉ có trời biết) để thăng tiến. Đầu thế kỷ 21, ở thủ đô nghìn năm văn hiến, biết một trường nội thành sắp thiếu Hiệu trưởng (do Hiệu trưởng về hưu), người đứng đầu một trường ngoại thành đã lập tức đưa trường mình lập thành tích có tới 20% học sinh giỏi. Và tất nhiên, không ai xứng đáng hơn ông ta về nhận quyền lãnh đạo ngôi trường truyền thống đang khuyết người đứng đầu.

     Người thầy cũng rất có lợi khi kết quả học tập của người học cao. Trước hết là việc coi thi, coi kiểm tra rất nhàn hạ. Sau khi cho họ chép đầu bài, người coi có thể thoải mái ra hành lang hút thuốc, “chém gió”, “buôn dưa lê”,… chỉ khi nào phát hiện có thanh tra từ xa mới cần vào lớp hắng giọng, gõ bàn, … để trình diễn sự mẫn cán. Phòng thi nào khéo tổ chức, có cái phong bì đặt trên bàn trước khi thầy mang đề thi vào thì tha hồ “múa tay trong bị”, lại còn được thầy làm bảo vệ, cảnh giới từ xa.

    Khi chấm bài, cho điểm cao cũng rất có lợi. Người có bài được chấm chỉ thắc mắc khi điểm không tương xứng  (thấp hơn) với kết quả họ đáng được nhận. Biết thế, nên người chấm bài thường chẳng cần mất thời gian xem xét, cho ngay điểm 9, 10 mà ngay những người giỏi nhất cũng khó đạt được. Chẳng ai còn có thể thắc mắc!

    Giờ đây, trước khi thi, thường trò bao giờ cũng tới thăm thầy (không biết có tới trăm phần trăm?). Cũng chẳng có thỏa thuận gì, nhưng nhận quà của học trò rồi (dù cũng chẳng đáng gì nhiều lắm, vấn đề là “tích tiểu thành đại”), khi chấm bài, ngọn bút của thầy cũng không thể vô tư. (mà vô tư để làm gì? Thời gian còn để chạy các “sô” khác).

    Đó là chỉ vài nguyên nhân để kết quả thi cử đẹp như tranh vẽ dường ấy!

     Điểm cao, kết quả học tập mỹ mãn mang lại nhiều cái lợi cho mọi đối tượng (học trò cũng có lợi vì không phải học hoặc học hành chểnh mảng nhưng vẫn có thể đàng hoàng về xin tiền cha mẹ hàng tháng vì có thành tích làm hài lòng các bậc sinh thành). Thế là sinh viên,  học sinh  ta ngày càng học “giỏi” trong khi cái đầu luôn rỗng tuếch.

 

     Người thiệt thòi duy nhất chính là cha mẹ họ, những người đang một sương hai nắng, chân lấm tay bùn, chắt chiu từng đồng tiền lẻ cho con ăn học với hy vọng chúng được đổi đời, cha mẹ cũng được mát mặt, được thơm lây. Có người tính, để có được một tấm bằng đại học, trong 4 năm, trung bình một người đi học phải tốn kém không dưới 100 triệu đồng (nghe trăm triệu thì có vẻ to, nhưng chia ra 4 năm, chia ra 12 tháng, mỗi tháng có hơn hai triệu cả tiền ăn, ở, học phí, sách vở giấy bút, đi lại, tiêu pha, và rất nhiều khoản  không tên khác thì sợ không đủ). Bố mẹ luôn luôn yên tâm, vì hàng năm con cái vẫn lên lớp, vẫn khá giỏi, thậm chí xuất sắc. Nhưng tới khi ra trường, một con số mới công bố mới đây khiến không ít người rụng rời: 72.000  cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp. Mà không biết bao nhiêu trong số này là khá, giỏi, xuất sắc!

    Mặc dù không muốn nhưng cũng khó có thể tìm được từ gì khác trong tiếng Việt để chỉ hành vi này, đó là LỪA.

    Đi chợ, ra phố, bị lừa vài ba chục nghìn bạc đã nổi giận, có khi mấy ngày chưa hết tiếc, chưa khỏi bực mình. Thế mà mất cả trăm triệu, đeo đuổi ròng rã mấy năm trời,  con vẫn thất nghiệp, lại quay về ăn bám, cả ngần ấy gia đình vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Quả lừa này thật ngoạn mục.

     Đạo diễn cũng tài mà chiêu  lừa cũng giỏi!

16 BÌNH LUẬN

  1. Áp lực của thành tích, làm gì cũng có chỉ đạo, thầy, cô cũng chịu áp lực lớn lắm bác Duong Dinh Giao ạ! Cũng chưa hẳn họ thích(muốn) làm trái lương tâm đâu, tại cái..ai cũng biêt đó ạ.

  2. Phải vậy các thầy mới có $ xài chớ. Cũng giống như gia đình, khu phố nào chẳng là GĐ, KP văn hóa. Vậy mà đánh chửi nhau tối ngày, tệ nạn đầy rẫy

  3. Thế nên ngày xưa điểm trung bình môn văn của Thầy được 7.8 (em vẫn nhớ mãi) là thấy mừng mừng tủi tủi lắm thầy ạ. Chả bù môn kỹ thuật công nghiệp (hồi cấp 3), học kì nào cũng được từ 9.8 đến 10 phẩy, chỉ cần chép từ trong sách ra vở, vở sạch chữ đẹp ko tẩy xóa là được 10 phẩy hihi.

  4. Cám ơn thầy Duong Dinh Giao về bài viết rất hay này. Chưa ai gọi ra đúng tên của sự việc như thầy!

  5. ở các trường trong Nam, kết quả nó ko đẹp như thế này thầy ạ. Hồi còn làm chỗ cũ, khi nhận hồ sơ xin việc có rất nhiều bạn học ngoài Bắc nộp hồ sơ vào. Và vô cùng ngạc nhiên khi kết quả học tập của những bạn này toàn là giỏi, trong khi đó nếu học trường trong Nam mà đạt kết quả như thế là thuộc dạng hiếm. Sau này tìm hiểu thì mới biết sự thật như thầy thống kê ở trên.

  6. “Hóa ra ở xứ ta, ngành giáo dục đã có bước phát triển tột bậc. Đào tạo đại học giờ còn dễ hơn nuôi con gà con lợn ở nhà quê. Một đàn gà mới nở, , con chết, con què, con diều tha, con quạ cắp, …nuôi vài ba tháng là phải chọn lọc, loại bỏ những con còi cọc, kén ăn, chậm lớn. Quá trình sàng lọc ấy luôn diễn ra, mãi mới chọn được con gà trống chuồng, mấy con gà mái đẻ nhiều, chăm ấp và khéo nuôi con. Lợn cũng vậy. Khoa học bảo bên cạnh chọn lọc tự nhiên còn có chọn lọc nhân tạo. Thế mà trường đại học nay, điểm vào đã thấp, cứ đến hẹn lại lên, hết năm học thì lên lớp, rồi tốt nghiệp, mà toàn khá, giỏi với xuất sắc, chẳng rơi rớt anh chị nào. Thật là siêu!” – Nghe mà đắng cổ họng quá Bác ạ !

  7. Một bài viết rất hay phản ánh đầy đủ thực tại của của ngành giáo duc bây giờ ,xuống cấp một cách nghiêm trọng ,chỉ chạy theo một ít vụ lợi mà vô cảm với học sinh ,sinh viên đẻ có kết quả là thất nghiệp!

  8. Chúng ta đang phát rồ bởi khẩu hiệu “Xã hội học tập” ! Ai cũng học nhưng học thế nào,học cái gì có ích cho xã hội chẳng mấy quan tâm . Lại nữa: học mà không tập không biết làm ,không làm chủ kiến thức ! Họ trở thành những con vẹt khoe chữ hoặc chẳng có chữ để khoe ,mà chỉ là những cái giá để treo mấy tấm bằng hoặc học vị hoặc biến nó thành những bậc thang danh vọng để leo trên đầu người khác ! Cái học “từ chương” tự ngàn đời đã thấm vào sự học của ta ,chủ trương thực học- thực nghiệp của các bậc tiền bối giờ năm trong sọt rác của lịch sử ! Thiên hạ cứ đua nhau học mà chẳng biết để làm gì ! Mục tiêu mù mờ thì sự lẫn lộn trong dân chúng là điều dễ hiểu . Việc mở trường và khuyến học bừa bãi âu cũng la câu chuyện “Đục nước béo cò” cả mà thôi !

  9. Trươc năm 1975 ở Miền Nam hàng tháng cac hõc sinh đươc xếp theo Điểm các môn hõc.Rât it hoc sinh đat điêm trung binh trên
    16/20.Cac kỷ thi Trung Hoc(cuối lớp 9)Tú Tài I Tú Tài II
    kế quả trên 10/20 điêm mờ ĐẬU .Từ 12-14 đậu Bỉnh Thừ.14-16 BÌNH
    16-18 ƯU .tr6n 18 TỐI Ưu.Toàn Miền Nam trong 20 năm không biêt có đươc 10 anh đỗ UU trong kỳ thi Tú Tài II không

  10. Từ những năm 199x, thầy cô giáo gần như không được cho điểm 0,
    vào sổ chính. Thầy cô nào cho vào gần như phải điều trần với các cấp cơ sở, nên các thầy cô né cả điểm 1 để không phải tự làm khó cho mình. Đó là với đồng nghiệp, đồng ngành, còn với HS, PHHS thì thầy cô càng bị ghét, thậm chí còn bị tẩy chay thầy ạ!

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here