CHUYỆN CON CHÓ

Theo các tài liệu viết về lịch sử loài người, chó là con vật được thuần hóa đầu tiên, cách nay khoảng 15.000 năm. Vì thế, từ xưa tới nay, khắp năm châu bốn biển, con chó rất  quen thuộc, thậm chí thành thân thuộc với con người ở mọi lĩnh vực. Chó được coi là con “thú cưng” ở  bất kể nơi nào trên trái đất, có những con chó quý hiếm nghe nói có giá hàng triệu đô. Thú chơi này nghe nói từ phương Tây truyền sang và sau ngày đất nước có nhiều thay đổi  đã dần không còn là cá biệt ở nước ta.

Từ xa xưa, người Việt Nam ta đã nuôi chó, Những nhà giàu có như Nghị Quê, Bá Kiến, … dù đã kín cổng cao tường nhưng vẫn  có hàng “tiểu đội” chó để giữ nhà, nhà có quan hệ rộng, giao du nhiều còn nuôi cả chó Tây. Chỉ cần từ xa thoáng nhìn, nghe tiếng sủa “ông ổng” của con chó bec-giê to như con bê, kẻ gian đã phải dừng ngay ý đồ đen tối. Nhà nghèo, căn nhà, gian lều  trống tuềnh trống toàng, chẳng có gì đáng giá để mất cũng vẫn nuôi chó. Mục đích nuôi chó của họ không phải để bảo vệ, để cảnh giới mà để chú khuyển làm chức năng “xử lý chất thải”. Phần lớn trẻ em nông thôn xưa từ mới lọt lòng đến năm sáu tuổi chẳng cần gì đến giấy đến tã, cũng không cần đến nước rửa ráy hay cái “bỉm” hiện đại, chỉ cần một chú chó là giải quyết sạch sẽ, ổn thỏa mỗi khi có nhu cầu bài tiết. Nuôi con chó xưa chẳng tốn kém là mấy,  đến bữa chỉ cần cho ăn bát cơm hớt (phần trên cùng của nồi cơm, do nấu bằng rơm rạ, lá lẩu, … nên thường có lẫn tàn tro, than). Thế mà thỉnh thoảng lại còn được bữa chén. Chuyện ăn thịt chó tôi xin bàn vào một dịp khác.

Bước vào xã hội văn minh, con người không còn sống khép kín trong làng xóm nên sự tồn tại của con chó làm nảy sinh vấn đề cần giải quyết. Theo bản năng, thấy người lạ, con chó sẽ sủa, thậm chí tấn công. Hồi kháng chiến chống Pháp, mỗi khi bộ đội hành quân đêm qua làng, để giữ bí mật, từ vài hôm trước, cả làng đã được lệnh diệt chó. Do lòng yêu nước, do ý thức chấp hành pháp luật, lệnh ban ra được thực hiện rất nghiêm chỉnh. Hết chiến tranh, sự giao lưu giữa các nơi càng mở rộng, để ngăn chặn những con chó tấn công người qua lại, nhất là khi có những con mang bệnh dại gây chết người, chính quyền nhiều nơi cũng ra lệnh cấm nuôi chó, diệt chó, … Nhưng đến lúc này, lệnh không còn mấy hiệu lực. Làng tôi cứ sắp đến mùa hè lại thấy loa phát thanh ra rả kêu gọi diệt chó, đọc lệnh diệt chó. Nhưng chắc chỉ có mấy nhà đang thèm cái món “mộc tồn”  thực hiện. Hễ dân quân đi tới đâu, người ta lại đem chó nhốt trong buồng, có người cẩn thận trong những ngày này còn mang chó đi gửi nhà người quen ở nơi khác. Cuối cùng, có lần, tôi nghe một ông cụ đã từng chứng kiến cách xử lý những con chó của nhà cầm quyền Tây than: Chính quyền gì mà có mỗi con chó cũng không xử lý nổi!

Từ ngày “đổi mới”, kinh tế khởi sắc, rất nhiều gia đình ở nông thôn đã dần có “của ăn của để”. Cùng với việc xây dựng cửa kín tường cao, con chó vẫn là con vật nuôi được ưu tiên hàng đầu của mọi gia đình. Giờ đây, nhu cầu “xử lý chất thải” hầu như không cần đến chó, yêu cầu cung cấp chất đạm cũng đã không cấp bách nhưng đòi hỏi cảnh giới, bảo vệ thì ngày càng cao. Bọn bất lương trước khi dự định đột nhập nhà nào, việc đầu tiên là phải diệt được các “nhân viên bảo vệ” này. Chúng có thể bắt hoặc đánh bả để giết chó. Tôi đã chịu tai họa không chỉ một lần. Sáng phát hiện con chó bị ăn phải bả chết ở góc vườn; y như rằng sáng hôm sau, đã thấy cả đàn gà hơn ba chục con bị “khoắng” sạch; buổi chiều, đi tìm con chó khắp nơi không thấy, sáng hôm sau thì phát hiện mất cái máy bơm nước ngoài giếng, … Cho nên mất chó ngoài việc mất bản thân nó, còn là nguy cơ mất tài sản lớn hơn bội phần. Một con chó giá trị kinh tế không cao, thường có giá khoảng từ một đến gần hai triệu, nhưng với người nuôi, ngoài vai trò trợ thủ trung thành, con chó còn đi liền với tình cảm gắn bó, công phu chăm sóc. Để có thể giữ nhà, chó phải được nuôi dăm bảy tháng. Nuôi từ nhỏ, chó rất hay mắc các loại bệnh và dễ chết. Làng nào cũng có cán bộ thú y, nhưng họ chỉ quan tâm đến trị bệnh cho lợn, trâu, bò, …những loài vật có giá trị cao chứ không mấy người có sẵn kinh nghiệm và thuốc trị bệnh cho chó. Chó ốm phần lớn được “điều trị” bằng riềng mẻ. Cho nên, nuôi được một con chó cũng lắm công phu. Ở nông thôn hiện nay, ngay ở từng thôn cũng có công an. Nhưng khái niệm trị an hình như chỉ nằm trong việc không để đánh nhau gây thương tích, không gây những vụ lộn xộn ảnh hưởng đến an ninh chính trị, … chứ còn việc trôm cắp có xảy ra thì …nhà nào bị thì người ấy chịu. Pháp luật cũng không quan tâm đến những kẻ trộm chó vì hình như mức độ tài sản thiệt hại chưa quá 2 triệu đồng. Thế là người dân đành tự xử. Tôi tin những người bị trộm chó ban đầu, không ai có ý định đánh chết thủ phạm. Họ chỉ muốn cho nó một bài học. Nhưng trong cái cơn giận dữ, cái giận dữ lại được “cộng hưởng” bởi đám đông nên dẫn tới chết người là dễ hiểu. Gần đây, chuyện đánh chết người đã trở thành việc không thể khác, vì nếu không đánh chết thì chính kẻ trộm chó sẽ đánh chết người mất trộm bằng đủ loại hung khí mang theo để thoát thân. Tôi không thật am hiểu về luật, không biết trường hợp này có được coi là phòng vệ chính đáng ?

Có lẽ đã hơn nửa thế kỷ tôi được nghe lời  than về sự bất lực của chính quyền trong việc quản lý con chó. Và đến hôm nay, vấn đề vẫn còn nguyên, lại còn có vẻ cấp bách hơn. Xưa, con chó chỉ liên quan đến những vết cắn, đến bệnh dại cần tiêm phòng. Nay thì con chó đã liên quan tới tính mạng. Tính mạng kẻ trộm và tính mạng người mất trộm.

Thế này thì “cờ hó” thật!

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here