Sau khi đã kịp cho rất nhiều trường đại học ra đời (chẳng biết mang lại những lợi ích gì), bác Nhân quất ngựa truy phong mặc kệ  biết bao lời hươu vượn “ba voi không được bát nước sáo” để lại Bộ Giáo dục cho bác Luận. Cũng có hơi hướng họ Vũ Phạm danh giá, nhưng bác Luận lại có máu võ biền. Công việc giáo dục vốn gắn liền với sách vở, phòng thí nghiệm với giảng đường nhưng bác thích nói và làm theo kiểu “trận đánh lớn”, “tư lệnh”, |đòn quyết định”, … cho nên tất nhiên bác ra đi phải chịu nhiều lời đàm tiếu vì giáo dục đã gần chạm đáy (nhưng chắc chắn có thắng lợi nếu xét theo góc độ cá nhân). Khi bác Nhạ tiếp quản, nghe nói bác vốn là Giám đốc của Trường Đại học Quốc gia, rất nhiều người, trong đó có tôi đã nhen nhóm biết bao hy vọng.

Hôm xem ti vi, nghe bác nói ngọng, tôi không tin vào tai mình; đọc tin, thấy nhiều người cũng chê cười bác không phân biệt được l/n, tôi không tin ở mắt mình. Tìm vào cái lý lịch trích ngang, thấy ghi bác sinh năm 1963 thì không còn bất ngờ nữa. Những năm 1965 đến 1975, chiến tranh ác liệt, thanh niên trai tráng đều lên đường nhập ngũ. Ở trường học, các thầy giáo không thể tránh khỏi cái “cối xay” ấy. Để bù đắp phần thiếu hụt, nhất là để thể hiện quyết tâm “dù bom đạn ác liệt, giáo dục vẫn phát triển”, các lớp “sư phạm gốc mít” được mở ra khắp nơi nhằm đào tạo cấp tốc các cô giáo. Có dùng thành ngữ “vơ bèo gạt tép” cũng không ngoa, có những cô mới học lớp 3, lại đã bỏ học mấy năm cũng được tuyển chọn tham gia các lớp cấp tốc này, và chỉ sau ba tháng hè, tất cả đều bước lên bục giảng. Ông Nhạ sinh vào cái năm ấy, tất không thể thoát khỏi số phận trở thành học trò của các cô giáo bất đắc dĩ. Và chuyện ông chưa sửa được tật nói ngọng mà vẫn “mỗi năm một lớp” là điều không có gì khó hiểu.

Nhưng “ngọng” chỉ là một khuyết tật trong phát âm, không gây nhiều tác hại, trong thời gian gần đây, ông Nhạ đã có những quyết sách rất lạ nhất là sự ưu ái với lối học tại chức. Trước hết không thể phủ nhận, trong những năm đầu của thập kỷ 60 thế kỷ trước, học tại chức đã giúp chúng ta nhanh chóng có một đội ngũ cán bộ có trình độ đại học trên nhiều lĩnh vực. Trước đó, số người có bằng đại học rất hiếm. Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh mà bệnh viện trưởng chỉ có bằng y sỹ; không ít các thầy dạy cấp 3, thậm chí dạy đại học cũng chưa có bằng cấp tương xứng. Nhờ đào tạo tại chức công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ này đã có những bước phát triển mau chóng. Nhưng cũng phải nói rõ, những cán bộ được đào tạo tại chức lúc này đều có học vấn vững vàng làm nền tảng do giáo dục thời thuộc Pháp. Không chỉ thế, nhà trường Pháp đã truyền cho họ cảm hứng ham học hỏi khiến họ không dừng việc học sau khi nhận tấm bằng. Thêm vào đó, đạo đức của họ cũng không khác phần lớn những người có học đương thời, trong đó có ý thức về bổn phận của một công dân với đất nước, trách nhiệm của một người nhận đồng lương từ tiền thuế của nhân dân nên hiệu quả công việc của họ không ai có thể nghi ngờ. Nhưng sau đó, từ khi chiến tranh kết thúc, nhất là bước vào thời kỳ “đổi mới”, cái bằng tại chức hoàn toàn không còn có giá trị gì nữa.  Người ta đã phải tổng kết “dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”. Tham gia học tại chức phần lớn đều là những người có học lực hạng hai, không đủ trình độ để vượt qua kỳ thi tuyển sinh vào đại học hàng năm. Gọi là học nhưng thực chất là dùng tiền mua điểm và cái bằng tại chức chung quy chỉ chứng tỏ chủ nhân của nó là người không thuộc diện nghèo. Lẽ ra, hình thức đào tạo tại chức phải được hủy bỏ từ lâu, nhất là những năm gần đây khi đang có tới hai trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ được đào tạo chính quy  (nghĩa là được lựa chọn và đào tạo một cách bài bản) vẫn thất nghiệp. Thế mà Bộ Giáo dục đã liên tiếp có hai quyết định lạ lùng: tháng 6 năm 2017, ra quyết định không tổ chức thi mà chỉ xét tốt nghiệp cho người học tại chức và vừa rồi không phân biệt bằng tốt nghiệp giữa hai hệ chính quy và tại chức. Thế là, cái cống chứa nước thải được mở cửa xả thẳng vào nguồn nước tương đối trong lành cùng phục vụ quốc kế dân sinh. Trước chẳng mấy khó khăn, có thể phân biệt thứ nước nào có thể dùng trong sinh hoạt, thứ nước nào chỉ dùng để bón ruộng, tưới cây. Giờ thì ù xọe, lập lờ đánh lận con đen. Lợi cho ai chắc khỏi phải bàn.

Có phải: sau nhiều tố cáo các quan chức hàng tỉnh đưa con em, họ hàng của mình chỉ có bằng tại chức vào ngồi ghế lãnh đạo những cơ quan ban ngành ở địa phương, ông Nhạ muốn giúp các quan tham địa phương che giấu hành vi đen tối đó  (vì không ai còn có thể phân biệt đâu là chính quy, đâu là tại chức)?

Hay là để chuẩn bị đầu vào  cho đề án 9.000 tiến sĩ vừa được Quốc hội thông qua. Những kẻ có được bằng qua lối học tại chức lại được đưa vào các lò ấp tiến sĩ  của cái ông họ Võ nọ thì họ sẽ làm hại đất nước đến nhường nào nhất là khi với quy trình hiện nay, cứ có bằng đại học, bằng tiến sĩ, họ sẽ đủ điều kiện ngồi vào những cái ghế cao ngất ngưởng để hưởng mọi thứ bổng lộc và tha hồ đục khoét công quỹ.

Hay là ông Nhạ muốn làm hậu thuẫn cho các con ông cháu cha sau khi học xong Phổ thông, chẳng cần mất thời gian công sức ôn thi đại học, rồi cặm cụi trên giảng đường, cứ việc ăn chơi nhảy múa cho khỏi lãng phí tuổi thanh xuân và tiền của do cha mẹ đã “lao động thối cả móng tay” kiếm được, sau vài ba năm, “làm” một suất tại chức sẽ có tầm bằng y như những người đã đổ bao tiền của, công sức và thời gian mới đạt được rồi cứ thế mà thẳng tiến trên quan lộ?

 

12 BÌNH LUẬN

  1. Tại chức là “nồi cơm của các trường” Ông Nguyễn Thiện Nhân đã nói như vậy. Thực tế thì ngày nay tại chức là tổ chức bán bằng một cách đúng qui trình, là lợi ích nhóm cho một số người nào đó mà thôi ! Bài viết của thầy quá hay, quá đúng, chỉ tiếc là những người có trách nhiệm họ không đọc !

  2. Vàng, anh viết rất hay. Xin lỗi hỏi, có phải anh có bài viết về chuyến đi Mianma gặp nạn cách đây 5-6 năm gì đó?

  3. Hết ông này đến ông khác thay nhau làm Bộ trưởng Bộ GD ; hết cải cách kiểu này đến cải cách kiểu khác ; Hết học tập mô hình GD của nước này đến mô hình GD của nước khác , nhưng càng ngày càng tệ . Đúng như một em học sinh lớp 8 của Trường Amsterdam đã nói tại Hội thảo sách GK ở Trung tâm Văn hóa Pháp ngữ 24 Tràng Tiền : ” Con thấy GD VN quá thối nát rồi ” .

  4. Hậu quả là có những kĩ sư kinh tế xây dựng học trường đại học giao thông hệ tại chức không đọc được bản vẽ và tính dự toán.
    Đổi mới giáo dục liên tục tạo cơ hội cho tham nhũng và phá hoại đất nước bởi trình độ yếu kém.
    Ông Nhạ nên từ chức bởi nói ngọng và bằng tiến sĩ ma, việc đó càng sớm càng tốt tránh cho môi trường nói ngọng lan rộng toàn quốc và thảm họa mua chứng chỉ , bằng đại học tại chức.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here