Trước khi Sài Gòn giải phóng, với người miền Bắc, cái xe đạp là cả một gia tài. Phần lớn xe đạp mà người ta sử dụng trước đó đều là từ thời Pháp còn lại. Đủ các nhãn mác, nào Pơ-giô, Lanh-côn, nào Stec-ling, Mec-xi-ê, Pac-ke, …Pháp rời khỏi miền Bắc từ tháng 5 năm 1955, nhưng 20 năm sau, những cái xe đạp của họ vẫn còn dùng tốt. Thỉnh thoảng, có những gia đình có người nhà ở Pháp gửi cho hay cán bộ đi công tác ở Pháp mang xe đạp về nhưng số này rất hiếm.
Xe đạp lúc ấy thường không có chắn bùn, chắn xích. Trông thì không đẹp, khi đi mưa còn bị nước mưa bắn tứ tung, nhưng rất tiện nếu bị đứt phanh (chỉ cần dùng đế dép đặt sát vào lốp (trước hay sau đều được) là xe sẽ đi chậm lại). Bố tôi mua một cái xe của Pháp cũ (còn nhớ xe Lanh-côn, biển dăng ký DF 392) từ năm 1952 mãi tới cuối những năm 70 mới lắp được chắn bùn chắn xích. Xe nào có đủ được gọi là loại sang.
Sau hòa bình, ta cũng có nhập xe của Tiệp Khắc, của Ba Lan, của Đức. Nhưng lượng xe không nhiều, chủ yếu chỉ được dùng ở thành phố.
Anh nào có cái xe đua của Liên –xô hiệu Sput-nhich thì vừa giàu (có xe đạp) lại vừa sang (vừa đi học nước ngoài về).
Kể một chuyện vui: Hội nhà văn Cộng hòa dân chủ Đức tặng cho các nhà văn Việt Nam mấy cái xe đạp Đi-a-măng (Diamant) thông qua Hội nhà văn Việt Nam. Hội nhà văn bèn chia cho một số nhà văn. Một hôm, ông Nguyên Hồng (mặc dù Nguyên Hồng đã bỏ Hà Nội về Nhã Nam (Bắc Giang) được mời về Hà Nội nhận xe. Nhà văn của những người khốn khổ sung sướng quá, ngờ đâu họ còn nghĩ đến mình, lặn lội từ Nhã Nam về, lại được chụp ảnh đàng hoàng. Ảnh chụp ông tay đang sờ vào cái xe đạp Đi-a-măng do một ông ở Hội trao cho. Nhưng sau khi chụp ảnh (để gửi sang Đức làm bằng là xe đã tới tận tay các nhà văn) thì người ta xin lại cái xe, không biết để làm gì. Tác giả Bỉ vỏ giận quá vì hóa ra họ cư xử với ông còn kém xa cách hành xử trong xã hội của những Năm Sài Gòn, Tám Bính, …Sau không biết thế nào.
Sau hòa bình, ta có nhà máy xe đạp Thống Nhất (tất nhiên rất nhiều thứ phụ tùng vẫn phải nhập ngoại) nhưng lượng xe đạp do nhà máy sản xuất ra không nhiều, không thỏa mãn được yêu cầu nên chỉ có thể được mua xe đạp qua những cuộc bình xét vô cùng rắc rối. Mỗi quý, hoặc có khi nửa năm, mỗi cơ quan được phân một cái xe đạp. Cả “bộ tứ” phải họp hành tất nhiên không chỉ một lần để xét xem chiếc xe đạp ấy phân cho ai. Năm nào, ở trường cũng diễn ra hai cuộc “chiến tranh”, “chiến tranh tăng lương” và “chiến tranh xe đạp”. Tất nhiên chẳng có “đầu rơi máu chảy”, nhưng sứt mẻ tình cảm, thậm chí trở thành “quân hằn quân thù” là “chuyện thường ngày ở huyện”. Ở mỗi huyện, thị xã, trường cấp 3 cũng được coi như một đơn vị để phân phối. Các cơ quan khác số nhân viên không nhiều, chỉ khoảng chục người. Nhưng giáo viên, nhân viên trường cấp 3 ngày càng nhiều lên cùng với sự phát triển giáo dục, mỗi trường cũng tới năm sáu chục giáo viên, nhân viên. Thế mà cũng chỉ được coi ngang với các cơ quan khác, mỗi lần cũng chỉ được một xe. Cho nên trong khi nhân viên các nơi đều đã được mua xe đạp, thậm chí có người được mua tới lấn thứ 2, hoặc lần thứ 3, nhưng giáo viên thì số người được mua xe rất ít. (Hai vợ chồng tôi cùng dạy học mà cho tới khi nghỉ hưu, được mua xe đạp giá cung cấp vẫn chỉ là một giấc mơ đẹp). Từ khi chống Mỹ, có thêm xe đạp của Trung Quốc viện trợ với các nhãn hiệu phổ biến là Phượng Hoàng hay Vĩnh Cửu, nhưng tình trạng phân phối cũng không có gì thay đổi.
Dù được phân phối, mua với giá quốc doanh, nhưng tiền một cái xe đạp so với tiền lương lúc ấy hoàn toàn không nhỏ. Tôi học cách của Nguyễn Tuân, nói đến tiền thường lấy phở làm “bản vị” (đơn vị gốc), vì có bao giờ sở hữu vàng hay đô-la? Trong những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, giá hàng công nghiệp cực đắt so với giá cả tiêu dùng hàng ngày. Phở khi ấy loại ngon, bán “chợ đen” giá 1 đồng một bát. Như vậy, một cái xe đạp Thống Nhất giá gần 300 bát phở, một cái quạt “con cóc” (đường kính cánh quạt nhựa chỉ khoảng hơn chục phân) giá 35 bát phở. Sau khi ra trường đã 10 năm, tôi cần 6 tháng tiền lương mới mua được một cái xe đạp cung cấp. (Lương tháng của tôi được 55 bát phở).
Trong cuộc sống bình thường, cái xe đạp vô cùng quan trọng. Trước hết nó là cái có thể chứng tỏ sự phong lưu. Chiếc xe đạp được lau chùi khi nào cũng bóng loáng, phía trước còn được chủ nhân trang điểm cho bằng đủ các loại dây dợ, búp bê tết bằng len xanh đỏ sặc sỡ, cái líp được chú ý thay “râu tôm” (một sợi dây bằng thép) mới khiến chủ nhân dắt xe tới đâu là nghe tiếng kêu tanh tách rộn ràng, …Rồi nó có thể là phương tiện cho cả một gia đình 4 người (hai vợ chồng và 2 đứa con) di chuyển. Rồi đi mua gạo, mua dầu, thậm chí có thể dùng để chở vài cây tre, mấy cây nứa, …Chức năng xe thồ được phát kiến trong chiến dịch Điện Biên đã phát huy tác dụng và trở thành phổ biến trong cuộc sống của người Việt Nam. Lúc đi sơ tán, dù xa mấy chục, thậm chí cả trăm cây số, chiếc xe đạp là con thoi để chuyên chở đủ mọi thứ lỉnh kỉnh đi tiếp tế vào những ngày chủ nhật.
Có người sau khi đi đâu bằng xe đạp về, lau chùi rất cẩn thận (nhất là sau khi trời mưa). Có người sau đó còn treo lên vì sợ cái ẩm ướt của nền đất làm han rỉ.
Cho nên mượn xe đạp cũng không phải chuyện dễ. Có những anh từ chối khéo bằng cách khi nào có người hỏi mượn xe đạp, anh bèn đưa cho người mượn ít tiền, nói: “Thôi, cậu cầm tiền đi tàu điện hay xích lô đi!” Bố ai còn dám mượn nữa!
10 năm sau khi đi dạy học, tôi vẫn chưa có xe đạp. Đi đâu cũng chỉ có đi bộ.
Sang năm học sau, trường vẫn phân công tôi dạy lớp BTVH ở Thị ủy. Tôi không dám từ chối mặc dù quả thật là không thích. Nhưng sợ người ta bảo “khỏi vòng cong đuôi”, thuê được nhà rồi thì “ngãng” ra nên vẫn đành phải “vui vẻ”.
Một lần, trên đường đi dạy học buổi tối, gặp ông Bình, trưởng phòng Thủ công cũng đang tới lớp. Ông ấy đèo tôi đi cùng. Trên đường đi, ông ấy hỏi:
– Sao thầy cứ đi bộ?”
Nghe tôi trả lời là không có xe đạp ông ấy ngạc nhiên lắm. Mà đúng là tôi không có xe đạp thật. Ông ấy không nói gì.
Giờ nghỉ trong buổi học ấy, ông ấy nói với bà Cúc, trưởng phòng Thương nghiệp:
– Này chị Cúc ơi, sao chị quan liêu thế, bao nhiêu xe đạp trong tay mà cứ để thầy giáo phải đi bộ.
Chắc chưa tin, bà ấy hỏi lại:
– Anh bảo gì cơ?
– Tôi bảo là nhân viên nhà chị chẳng ai không có xe đạp, có cô còn mua được cả xe cho chồng. Thế mà chị để thầy giáo phải đi xe “căng hải”.
Bà ấy quay sang hỏi tôi:
– Có thật không thầy?
Tôi cười không nói gì.
Vài tuần sau, bà Cúc, cũng trong một buổi học bảo tôi:
– Đợt này không có xe đạp để phân phối cho thầy, nhưng vừa có đợt phụ tùng xe đạp về. Nếu thầy đồng ý, tôi sẽ viết giấy cho thầy mua phụ tùng đủ lắp xe. Khung xe bây giờ ở miền Nam mang ra nhiều lắm, mà cũng không đắt lắm đâu! Có thiếu một vài thứ nhưng chắc có thể mua ngoài được. Còn nếu thầy đợi được thì vài ba tháng nữa, có xe về, tôi sẽ phân cho thầy.
Tôi đồng ý ngay. Vì mua cả cái xe đạp thì tôi không có tiền (lương tháng hai vợ chồng có 115 đồng mà một cái xe đạp phải mất gần 300 đồng), thứ hai là mẹ tôi có một cái khung xe Trung Quốc cũ của bà dì cho, còn để đấy, tôi xin mẹ chắc là được. Và thứ ba là nghĩ đến việc có cái xe đạp thì sướng quá, nói theo kiểu bây giờ là “không nên hoãn cái sự sung sướng ấy lại”.
Buổi học sau, bà ấy đưa cho tôi cái giấy viết tay, yêu cầu Cửa hàng bách hoá Chợ Nghệ Sơn Tây bán cho tôi đủ mọi thứ, từ mấy chục cái nan hoa đến xích, líp, săm, lốp, … đủ lắp xe đạp. Mua tất cả cũng chỉ mất đâu có mấy chục đồng.
Thế là chỉ trong vòng một tháng, tôi đã có cái xe. Mặc dù cái khung cũ, sơn đen nhom nhem, nhưng không sao, vì toàn bộ phụ tùng là mới của Trung Quốc. Chỉ có đôi vành, chắn bùn và chắn xích là phải mua ngoài. Nó bằng nhôm do thợ thủ công Việt Nam sản xuất.
Nghĩ thật thảm hại. Bây giờ, chỉ cần 10 bát phở là có thể có một cái xe đạp cũ. Tôi đang dùng một cái xe như thế. Bốn năm rồi, vẫn tốt!
Bác ơi,cháu thấy có cả bố mẹ cháu và chị em cháu trong bài này. Bố cháu có xe Sputnik khung nam và mẹ cháu có xe Phượng Hoàng màu rêu. Cứ thứ 7,cháu và em được bố đón ở mầm non B. Chị ngồi sau,em ngồi trước và bố lai ra kem Tràng Tiền. Sau này cái xe nam của bố cháu mang đi “hạ khung” cho dễ đi. Năm sau này có xe Lixeha,mà nhiều người vẫn hỏi mua khung xe Phượng Hoàng về làm xe thồ rau,nông sản. Đến năm 2005 thì cái xe Phượng Hoàng của mẹ cháu bị mất cắp. Mẹ cháu tiếc mãi ạ.
Anh Giao ơi.. Những năm đó tôi đã “Dựng xe ” rồi… Nhưng có một cái xe” Ngon” cho vợ đi chợ còn lấm sự lo…Ông già tôi có cái Stec-ling, từ 1954 sau bị thu… năm 1970 cụ còn bảo có xe thì không cần xếp hàng đi xe khách…
Được mua xe sẽ được mua săm lốp, phụ tùng. Còn đã không được thì cứ mua tự do ở ngoài