Hồi ở Tuyên Quang (khoảng năm 1952) thì vui hơn. Ở Tuyên Quang không chỉ có mấy bà cháu. Còn có cô Dung, chú Khôi, cô Kim Anh. Nhà làm trong một khu đất rộng gần đường  quốc lộ số 2 từ Tuyên Quang đi Hà Giang, vẫn còn có mấy cây to vừa đỡ mất công chặt hạ vừa để cho râm mát. Chú Khôi kiếm được sợi dây rừng to bằng cổ tay, buộc trên cành cây làm cái đu. Sau nhà, bà trồng lạc, trồng lúa “lốc” – lúa nương, không cần nước, …

Trước nhà, bà làm một cái quán, bán nải chuối, củ khoai, củ sắn, … cho người đi công tác qua. Chú Khôi thỉnh thoảng lại theo người dân địa phương đi “ruốc” cá (ngăn hai đầu dòng suối rồi lấy một loại hạt màu đỏ tôi không nhớ tên, rang chin rồi giã nát, đổ xuống suối. Cá ăn phải bị say, nổi lên, có lần được con cả quả to bằng bắp chân. Tuyên Quang cùng với Thái Nguyên trong kháng chiến chống Pháp được coi là “thủ đô kháng chiến” . Phần vì các cơ quan trung ương đều đóng ở khu vực này, phần vì ở nơi đó tập trung đông các gia đình từ Hà Nội tản cư. Nhà tôi lúc ấy ở cây số 5 trên đường từ Tuyên Quang đi Hà Giang, thì ở cây số 7 có trụ sở của  cơ quan văn nghệ. Dù chỉ cách có 5 cây số nhưng tôi cũng chỉ được ra thị xã có một lần vì chỉ có thể đi bộ. Thị xã Tuyên Quang lúc ấy đều là nhà tranh vách nứa, nhiều nhà lợp mái cũng bằng nứa, nhưng tối đến cũng hình thành những phố sáng sủa bởi ánh đèn Hoa Kỳ, có cửa hàng thắp cả đèn măng-xông. Có một hàng tạp hóa treo bánh sau của cái xe đạp lên cao rồi cho đứa trẻ con ngồi đạp, lấy đèn xe đạp chiếu sáng. Cũng hàng cà phê, hàng phở, hàng tạp hóa, …Buổi tối, cán bộ mấy cơ quan từ cây số 7 đi bộ hoặc đạp xe ra chơi. Ở Tuyên Quang, chú Khôi và cô Kim Anh học cấp 2 trường Tân Trào, còn tôi lúc ấy học lớp 2. Vì là “thủ đô kháng chiến” nên đời sống tinh thần hơn hẳn hồi ở Phú Thọ. Luôn được nghe, được học những bài hát mới do các nhạc sĩ của ta sáng tác, những bài hát của Liên Xô, Trung Quốc do các đoàn đi nước ngoài mang về phổ biến,  là nơi lần đầu tiên trong đời, tôi được xem chiếu bóng. … Cũng ở Tuyên Quang, lần đầu tiên, tôi được thấy ô tô. Hồi ấy, chú Cận bị bệnh lao, một căn bệnh vô cùng đáng sợ lúc bấy giờ. (Ở gần nhà lúc ấy cũng có một bà bị bệnh lao rồi chết. Nhà có hai mẹ con. Người con gái trạc mười tám, đôi mươi mãi mới nhờ được người khâm liệm và chôn cất cho mẹ. Tôi không rõ tiền công thế nào, nhưng những người làm việc này yêu cầu phải may cho họ mỗi người một đôi găng tay bằng vải trắng, một điều kiện rất khó thực hiện lúc ấy. Nhưng người con gái cũng cố làm được. Đám tang ngoài mấy người làm việc chôn cất, không có ai dám đi đưa. Sau đó nghe nói, người con phải đốt cái nhà ở cũ đi làm nhà ở chỗ khác vì sợ bị lây bệnh.) Chú Cận được cơ quan cho đi Trung Quốc chữa bệnh. Hôm ấy, chú  được báo đến đêm sẽ có một đoàn xe ô tô đi Lạng Sơn và họ sẽ đón chú  khi qua Tuyên Quang. Từ chiều, bọn trẻ con đã háo hức chờ đợi bên đường quốc lộ số 2. Ô tô lúc ấy dù chỉ có xe tải cũng  cực kỳ hiếm và chỉ chạy ban đêm phòng máy bay của Pháp oanh tạc. Cũng chẳng biết chờ bao lâu, lúc ấy làm gì có đồng hồ. Cứ chờ thôi. Bỗng từ phía chân trời bừng lên một quầng sáng chói chang. Mọi người reo lên: Ô tô! Trẻ con thì nhảy cẫng lên hò hét. Nhưng rồi bầu trời lại tối đen,  mãi vẫn chẳng thấy ô tô đâu. Lát sau lại  thấy quầng sáng rực trên bầu trời. Lại reo lên! Cứ thế mấy lần mới thấy ô tô xuất hiện. Thì ra, mỗi khi xe lên dốc, ánh đèn chiếu hắt lên bầu trời, từ xa cũng có thể nhìn thấy. Nhưng khi xe xuống dốc thì bị rừng cây, đồi núi che khuất, tất cả lại tối om. Sau mỗi lần cứ đọc câu thơ của Tố Hữu  trong bài “Việt Bắc” “Đèn pha bật sáng như ngày mai lên”, tôi lại nhớ đến cảnh này.
Khi ô tô đến,  chỉ thấy hai cái đèn pha chói sáng, còn chẳng nhìn thấy hình dáng cái ô tô thế nào. Khi xe dừng lại để chú Cận lên xe mới lờ mờ thấy cả cái xe. Đó là loại xe tải Mô-lô-tô-va do Liên Xô viện trợ. Chú Cận được lên ngồi ở ca bin cạnh lái xe, chỉ nhìn thấy mình đã thấy “tự hào” với mấy đứa trẻ con hàng xóm. Chỉ mấy cái ô tô mà cuộc sống kháng chiến tối tăm đã sáng bừng lên và là đề tài để bọn tôi nói chuyện, bàn cãi với nhau suốt mấy ngày.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here