Từ sau cách mạng tháng 8, Nho giáo bị phê phán vì gắn với “chế độ phong kiến thối nát”. Đền chùa, miếu mạo bị đập phá, hoành phi, câu đối và tất cả những gì gắn với chữ nho bị thiêu hủy để chứng tỏ con người mới xã hội chủ nghĩa không thể còn chút “dây mơ rễ má” với tàn dư lạc hậu, đúng như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết với thái độ đầy ngạo nghễ:
Rồng năm ngón vua quan thành bụi đất
Mỗi trang thơ đều dậy tiếng ta cười.
Nhưng từ khi muốn noi theo những con hổ, con rồng châu Á, người ta cho rằng, những Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Xin-ga-po ấy đều thành rồng thành hổ vì có mối liên hệ khá khăng khít và kế thừa được nhiều truyền thống tốt đẹp từ Nho giáo (chẳng hiểu đúng sai thế nào). Thế là quay ngoắt 180 độ, Nho giáo cũng như nhiều thứ giáo khác được hồi sinh, trở lại chiếm giữ vị trí cao trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Cùng với việc quảng bá tư tưởng Khổng Mạnh một thời bị lãng quên, những lời răn dạy của các bậc hiền thánh cũng được tôn vinh. Nhà trường xưa chỉ nêu cao câu khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu”, thì nay được kẻ vẽ thêm câu “Tiên học lễ, hậu học văn” để đập vào mắt mọi người ngay từ khi bước chân vào cổng trường.
Lời dạy này được nêu cao đúng vào dịp giáo dục Việt Nam đang muốn hồi phục sau nhiều năm tháng đi xuống. Cuối thập niên 70 và thập niên 80 của thế kỷ trước, do kinh tế khủng hoảng, giáo dục cũng xuống cấp nghiêm trọng Đời sống cơm áo sa sút khiến thầy không thiết dạy, trò chẳng thiết học. Chất lượng dạy học văn hóa cũng như đạo đức trong nhà trường đều tới mức không thể chấp nhận, quan hệ thầy trò nhiều khi như ở buổi hỗn mang. Một nhà lãnh đạo có nhiều quan tâm đến giáo dục đã phải ra lời kêu gọi làm sao để “Thầy ra thầy, trò ra trò”. “Tiên học lễ…” như một lời cảnh tỉnh học trò phải chú ý rèn luyện đạo đức tư cách khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Xưa, “Lễ” là điều thứ ba trong “ngũ thường”. Ngoài ý nghĩa là nghi lễ, là bổn phận của con người với Trời Đất, Tổ tiên, “Lễ” còn là luật lệ, là phép tắc ứng xử giữa con người với con người. “Lễ” không phải chỉ là nghi thức trong cuộc lễ, mà còn bao hàm cả cách cư xử, đối đãi trong cuộc sống, từ lời chào hỏi, cách nói năng đén thái độ không thờ ơ trước nỗi đau của người khác. Mở rộng ra,”Lễ” còn là ý thức tuân thủ pháp luật, những nguyên tắc đạo đức trong quan hệ xã hội. Đây là quan hệ giữa con người với con người, ai cũng phải giữ “Lễ”, không phân biệt sang hèn, trên dưới. Không phải chỉ bề tôi phải giữ “Lễ” với vua, con cái phải giữ “Lễ” với cha mẹ, trò phải giữ “Lễ” với thầy. Nhà vua được coi là đáng minh quân cũng phải biết giữ “Lễ” với quần thần, cha mẹ chỉ được coi là nhân từ hi cũng biết giẽ “Lễ” với con cháu, và người thầy được tôn kính cũng cần biết giữ “Lễ” với học trò. Chẳng thế, tục ngữ đã có lời khuyên cho mọi người,”trên kính dưới nhường trong quan hệ xã hội. Giữ “Lễ” là một phẩm chất không thể thiếu ở những con người được coi là tử tế. Người biết giữ “Lễ” sẽ được coi trọng, phẩm giá được tôn quý; thất “Lễ”, con người trwor nên vô phép, mất tư cách, bị mọi người coi thường, thậm chí khinh bỉ.
Trong nhà trường, tiếc là người ta đã chỉ hiểu một cách phiến diện chữ “LỄ” trong câu nói “Tiên học lễ…”. Những người tô đậm nét chữ “LỄ” trong nhà trường chỉ hiểu ý nghĩa duy nhất “LỄ” tức là lễ phép, nghĩa là học trò phải tôn trọng ông thầy, cư xử với thầy cho đúng phép tắc “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, phải coi ông thầy trên cả bậc sinh thành theo trật tự xưa “quân, sư, phụ”. Nghĩa là thầy nói gì, trò phải răm rắp tuân theo, luôn luôn coi thầy là khuôn vàng thước ngọc không được mảy may nghi ngờ. Vì thế, câu nói này cũng bị không ít người phản bác vì cho rằng nêu “Tiên học lễ…” trong nhà trường là biểu hiện sự hạn hẹp. “Chữ lễ xưa, xưa lắm rồi, bây giờ không còn phù hợp nữa”.
Vì chỉ coi học trò là người phải giữ “Lễ” nên các thầy thiếu ý thức mình cũng phải giữ “Lễ với học trò và cha mẹ họ, tạo nên sự bất công trong môi trường giáo dục lẽ ra dân chủ, bình đẳng phải được đề cao.
Tự cho mình vai trò của bề trên, vừa lớn tuổi, vừa được làm chức trách do nhà nước giao phó (mặc dù cái chức trách này nhiều khi được chạy bằng tiền), lại với tư cách người dạy dỗ, làm thầy thiên hạ nên ông thầy thất lễ có thái độ hợm hĩnh, tự cho mình cái quyền muốn làm gì cũng được, không những không chú ý tới vai trò làm gương cho đám học sinh sắp bước vào đời mà nhiều thầy cô từ trong cách ăn mặc, nói năng, cử chỉ, điệu bộ đến trang phục, lối sống, quan hệ xã hội … không đạt được những chuẩn mực tối thiểu. Để lập thành tích đủ các loại, thầy luôn “vẽ đường cho hươu chạy” xui học trò dối trá mọi nơi mọ lúc. Nhưng học sinh vẫn phải giữ “LỄ”, không được phê phán (mặc dù ai có thể ngăn cấm lời chúng đàm tiếu).
Nhà trường thất lễ, nên chỉ coi học trò là cái nơi để tận thu nhằm thỏa mãn những nhu cầu riêng của mình, bằng nhiều cách ép buộc cha mẹ học sinh “tự nguyện” đóng góp những khoản tiền luôn luôn vượt khả năng của họ, trong khi việc sử dụng nó lại luôn nằm trong cái hộp đen mà không có ai được quyền giải mã. Phụ huynh đành ấm ức “tự nguyện” vì họ hiểu cái luật rừng “qua sông thì phải lụy đò”.
Nhiều thầy cô thất lễ, ỷ vào quyền cho điểm, xếp hạnh kiểm, cho lên lớp… đã bằng mọi cách bắt học sinh phải làm đơn “tự nguyện” học thêm với những khoản học phí không nhỏ khiến chính vị nguyên Bộ trưởng cũng phải thấy xấu hổ…Học sinh tới lớp học thì ít, chơi thì nhiều, (vì cái thầy cần không phải là dạy học trò những gì) kiến thức chẳng thêm được bao nhiêu nhưng ngay từ khi còn nhỏ đã thấm nhuần “chân lý” “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”..
Các cấp quản lý giáo dục thất lễ nên mặc dù biết cách làm hết sức tùy tiện ở các trường, của các thầy, nhưng không hiểu vì lý do gì chỉ lớn tiếng kêu gọi, nhắc nhở chứ hoàn toàn không có bất kỳ một động thái nào dù nhỏ để giúp học sinh và cha mẹ họ thoát khỏi kiếp nạn nai lưng ra tự nguyện hết năm học này qua năm học khác.
Thế là các vị (các cấp quản lý giáo dục, lãnh đạo các trường và bộ phận không nhỏ các thầy cô giáo) đã chưa biết giữ chữ LỄ với học sinh. Làm sao yêu cầu học sinh “Tiên học LỄ…” trong khi những người khác không biết làm gương giữ chữ LỄ với họ?
Gần đây, trong đề án đổi mới giáo dục, Bộ Giáo dục nói sẽ rất chú trọng chuyển mạnh từ dạy chữ sang dạy người. Đó là đòi hỏi cấp thiết của cả xã hội. Nhưng sao các vị có thể dạy người cho học sinh trong khi những người làm công việc giáo dục chưa có đủ những phẩm chất cần thiết của người tử tế, chưa biết giữ LỄ?
Mong rằng “Tiên học LỄ…” không chỉ là lời nhắc nhở với đông đảo học trò.
Đọc bài của thầy Giao, tôi có cái suy nghĩ như thế này: ta nên xem nền giáo dục của ta đang bệnh hoạn, nhưng không biết có nặng không. Các thầy thuốc Hoàng Tuỵ, Văn Như Cương, Bà Bình, và nhiều người khác cũng đã kê toa lâu rồi, mà con bệnh ngày càng nặng hơn. Theo tôi, khi đã bị bệnh, thì phãi biết con vi trùng nào gây bệnh. Theo ngành vi trùng học, thì vi trùng nào có môi trường cấy nấy. Vi trùng sinh sôi nẫy nở là nhờ đúng môi trường thích hợp. Do đó, ta phãi biết rõ môi trường nào đã làm chi vi trùng giáo dục sinh sôi nẩy nở. Một câu thần chú nho giáo:”tiên học lễ, …” không rlàm gì được đâu. Ta phãi nghiên cứu những yếu tố nào, lửu lượng ra sao, hình thành môi trường này. Và ta sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng có thể ta là một trong những yếu tố hình thành môi trường cho vi trùng. Thay vì những chưỡi rũa bâng quơ, ta thữ nghiên cứu đi cho bà con nhờ.
Căn bản của nền giáo dục phương Tây là tính trung thực. Những ai hoạt động trong bất cứ lĩnh vực nào, thì tính trung thực là yếu tố then chốt. Một ông bộ trưởng ngân sách Pháp, tên Cazuhac, vừa bị cách chức và sắp bị lôi ra toà vì một lý do rất đơn giản: khi kê khai tài sản, ông ta không kê khai một tài khoản 700.000 euro (vào khoảng 20 tỉ đồng VN) ở Thuỵ Sĩ. Ông không trung thực với chánh phủ. Chính sự thiếu trung thực của người VN đã đưa đẫy tình thế này. Bạn thử suy nghĩ xem cỏ đúng không.
Mình nghĩ đến lúc phải đặt vấn đề này ra. “Tiên học lễ, hậu học văn” là truyền thống đẹp của văn hóa Việt từ thế kỷ trước, có ảnh hưởng từ đạo Khổng. Ngày nay khác rồi. Có giáo dục thì phải thể hiện ở cái tử tế trong ứng xử, chứ không phải chỉ lời nói sáo rỗng. Thời nay nhiều câu nói châm ngôn bị hiểu sai đi, thậm chí trở thành phương tiện hành động làm xói mòn đạo đức. Ví dụ câu: “Tiền là tiên là Phật…”
Câu “Tiên học lễ… ” người ta chỉ nhớ mỗi vế đầu, hiểu sai đi trở thành lễ lạt cho thầy cô, rồi mua điểm…
He he, “tiên học lễ”, ở xứ nầy, từ lâu đã được hiểu rằng, học gì thì học, chứ trước tiên là phải học cách… lễ lạt biếu xén cái đã!
Học có giỏi đủ trò, dưng mờ đi đến đâu, mần cái việc giề mờ hông giỏi quà cáp lễ lạt, thì cũng… vứt! Há há há!