So với Việt Nam, đường sắt ở Thái Lan không có nhiều khác biệt về mức độ hiện đại. Mặc dù cả nước có tới hơn 4.000 km đường xe hỏa từ Băng-cốc chạy đủ 4 hướng trên 8 tuyến đi các tỉnh, nhưng đường xe hỏa ở đây vẫn có khổ đường hơn 1 m như Việt Nam. Cơ quan quản lý hệ thống đường sắt Thái Lan (SRT), luôn bị đánh giá làm ăn thua lỗ và không chịu thay đổi. Từ Băng-côc  đi Chiang Mai, với khoảng cách hơn 700 km, xe hỏa vẫn cần tới gần 12 giờ trên lịch trình (xuất phát 19.30 và tới đích vào 7.00 giờ sáng ngày hôm sau), nhưng thực tế, phải tới 10.00 giờ, khách mới có thể xuống tàu ra khỏi sân ga. Đây là tuyến đường có rất nhiều khách du lịch, nghe nói  các tuyền khác cũng không khác biệt là mấy.

Tuy thế, theo quan sát, cách vận hành, quản lý tàu hỏa ở Thái Lan đúng là ở một đất nước tử tế. Nhà ga trung tâm ở Băng-cốc (ga Hualamhong), nơi xuất phát của tất cả các tuyến đường được xây dựng từ năm 1916 (đường sắt Thái Lan có từ năm 1897) theo phong cách Phục hưng Ý do kiến trúc sư người Anh Annibal Rigotti (1870 – 1968) thiết kế. Từ đó đến nay, sau hơn 100 năm, kiến trúc về cơ bản vẫn không hề thay đổi nên không tránh khỏi cảm giác cũ kỹ cho khách du lịch. Tuy thế, đi khắp nhà ga, từ phòng chờ, các cửa bán vé (26 cửa), cửa hàng ăn uống, cho đến sân ga hay 2 nhà vệ sinh đều sạch sẽ. Không có phòng Y tế, thay vào đó là một bàn làm việc có hai nhân viên y tế với trang phục đầy đủ cùng các thứ thuốc và máy móc thông thường đặt ngay trong phòng chờ. Không chờ người cần cấp cứu tìm đến, thầy thuốc sẽ nhanh chóng phát hiện người đang cần sự trợ giúp của mình. Hành khách luôn đông đúc, những hàng ghế ở phòng chờ  hầu như không có chỗ trống, nhiều hành khách phải ngồi trên sàn hay sân ga nhưng vẫn không có cảm giác “bệ rạc”.

Điều tôi vô cùng ngạc nhiên khi đi tàu hỏa ở Thái Lan là hành khách khá tự do, có cảm giác hoàn toàn không có sự kiểm soát. Tàu hỏa Việt Nam, từ khi bước vào ga lên tàu cho tới khi dời ga cuối cùng, hành khách thường không thể gặp ít hơn 4 lần qua cửa soát vé. Ở Thái Lan, tôi hoàn toàn không phải qua cửa nào. Người ra vào sân ga hoàn toàn tự do. Khách có thể vào sân ga từ phòng chờ, sau khi mua vé hoặc thẳng từ ngoài đường phố nếu đã mua vé trước. Sau đó, theo thông báo của nhà ga, khách tự tìm đến chuyến tàu, số toa ghi trên vé. Bước lên toa, nhân viên phụ trách toa sẽ chỉ dẫn cho khách ghế của mình (nếu ai đã quen có thể tự tìm chỗ ngồi thì hình như chẳng cần đến sự trợ giúp này). Suốt hành trình, hoàn toàn không thấy các tổ kiểm tra vé của hành khách (Ở Việt Nam, gần đây, đi từ Hà Nội vào Đà Nẵng với khoảng cách tương đương từ Băng-cốc tới Chiang Mai, ngoài các cửa kiểm tra ở sân ga hai đầu, tôi còn hân hạnh được hai tổ kiểm soát trên tàu đòi hỏi xuất trình vé.) Và khi tàu tới ga, hành khách đã đi hết chặng đường có thể xuống tàu, ra khỏi ga mà không có ai kiểm tra. Nghĩa là không có chuyện lậu vé ở đây, con người trung thực đến mức người ta có thể tin tưởng tuyệt đối, không cần có biện pháp ngăn chặn, đề phòng.

Tôi nghe nói vé hạng ba (ghế ngồi cứng) được hoàn toàn miễn phí cho người dân Thái nhưng chưa có điệu kiện kiểm chứng. Mong được nghe ý kiến của những người am hiểu.

Sự trung thực của hành khách đã tiết kiệm được bao nhiêu nhân công để có thể từ đó góp phần hạ được giá vé? Câu hỏi này xin dành cho các nhà kinh tế.

Sự tử tế trong lối sống đã mang lại những gì cho cuộc sống trong lành của con người? Câu hỏi này xin dành cho các nhà nghiên cứu xã hội học.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here