Coi Phật giáo là Quốc giáo nên Thái Lan ăn Tết theo Phật lịch, gọi là Tết Songkran. Theo đó, ngày đầu năm mới là ngày đản sinh của Đức Phậtt (15 tháng 4 theo dương lịch). Từ năm 1941, Hoàng gia Thái Lan quy định, ngày Tết bắt đầu từ 13 tháng 4. Mở đầu, sau nghi lễ tắm Phật, mọi người mang hoa quả cùng các món ăn chay lên chùa dâng các vị sư rồi về nhà, chúc mừng ông bà, cha mẹ. Sau đó, họ lấy nước thơm phun lên người nhau để chúc phúc. Người được phun càng nhiều nước theo quan niệm sẽ càng gặp may mắn trong năm mới. Ban đầu, chỉ người già được phun nước, nhưng sau đó, chắc thấy thế là bất công, tất cả mọi người, trai gái già trẻ, nam phụ lão ấu,… ai ai cũng được phun cả.

Tôi đã tới Chiang Mai, thành phố được xếp hạng năm của Thái Lan, nhưng là nơi được coi là “thủ đô của Songkran”, đúng ngày mở đầu của Tết lớn nhất hàng năm này.
Cho tới tận đầu giờ chiều, không thấy không khí Tết trên đường phố. Trái hẳn với ở ta, khắp nơi không có băng, cờ, khẩu hiệu, đèn màu nhâp nháy, người trên đường phố cũng không thấy tấp nập, chen vai thích cánh. Đôi nơi, nhất là trước cổng chùa được trang hoàng rực rỡ, có vài quầy bán hàng trên hè phố. Chỉ thoáng qua cũng biết đó là các mặt hàng phục vụ cho Tết té nước: các loại súng bắn nước từ loại súng ngắn đến trung, đại liên, các loại xô, chậu đủ cỡ to nhỏ và màu sắc nổi bật trên những thứ quà bánh và hàng tạp hóa quen thuộc. Đường phố vắng vẻ, thỉnh thoảng mới thấy một chiếc xe bán tải chở năm bảy người vụt qua.
Nhưng chỉ một thoáng sau, đi thêm trăm mét đã thấy không khí lễ hội xuất hiện và nhanh chóng bao trùm các đường phố. Người ta đua nhau phun nước, té nước, xịt nước, dội nước, hắt nước, xối nước, đổ nước vào bất cứ ai đi trên đường. Vài cô cậu khoảng trên chục tuổi trong tay lăm lăm khẩu súng phun nước bên cạnh cái xô đầy nước, một tốp thanh niên ướt đầm đìa người xô, kẻ chậu, đứng cạnh một thùng “phuy” chứa nước, có người “chuyên trách” bơm nước luôn đầy, có ông tay cầm luôn cái vòi rửa xe máy chĩa thẳng vào người trên đường, cũng may áp lực nước đã được giảm bớt; một tổp khách du lịch chiếm lĩnh được cái đài phun nước, thế là họ mua luôn mấy cái xô lớn, hắt vào người đi đường. Không biết trò chơi đến khi nào mới kết thúc vì họ có nguồn nước vô tận. Những chiếc xe bán tải giờ mới là lúc “phát huy tác dụng”, họ có nhiều “phuy” nước trên thùng xe, thay nhau vừa “trống giong cờ mở”, vừa dội từng xô nước lớn khiến “khổ chủ” lĩnh trọn xô nước từ đầu đến chân, không còn đường thoát.

Ban đầu, tôi cũng tránh được, thấy ai nhắm mình làm mục tiêu, tôi đều đưa tay xin tha thứ nên cũng chỉ ướt gọi là cho thêm phần thi vị. Nhưng sau khi từ trong chùa Chiêng Nam ra thì tình hình xoay chuyển thật bất ngờ. Đứng trên hè, đangg dơ tay và nở nụ cười xin xỏ với anh chàng đang cầm gáo nước trước mặt, cả một xô nước lạnh toát đã kịp đổ lên người. Vừa quay sang để “xác định thủ phạm” thì một chậu nước lại ập tới. Thế là nước với đủ loại cường độ ào ạt, xối xả vào người. Thấy khổ chủ tối tăm mặt mũi, vuốt mặt không kịp, ai ai cũng reo lên thích thú với những tràng cười bất tận. Thật là “trẻ không tha, già chẳng thương”. Thế là lâu lắm mới nếm cảnh “ướt như chuột lột”. Và cứ thế, không biết bao giờ mới chấm dưt. Thấy sức khỏe khó có thể chịu cảnh lướt thướt kéo dài, cả nhà quyết định “bỏ chạy”. Nhưng ngôi trên xe “tuk tuk” cũng không thoát, thậm chí, những người muốn di chuyển nhanh hòng “thoát thân” còn có vẻ “khiêu khích” hơn nên tất phải ăn nhiều “đòn” hơn. Ban đầu, còn đếm được số lần “dính chưởng”, nhưng sau thì không thể tính xuể. Từ mái đầu tóc bạc đến đôi giày thể thao dưới chân đều sũng nước.
Giờ đã hoàn hồn, nghĩ lại vẫn còn may mắn. Vì nước có khi lạnh toát, có lúc âm ấm hay khá nóng, nhưng sau mỗi lần, khi đưa tay lên vuốt mặt đều không thấy cảm giác “nhờn nhờn”, cũng không phát hiện sợi bún, lá rau hay cái gì tương tự. Hình như đều là nước sạch.
Đúng là trò chơi, đôi khi hơi quá đà, nhưng vẫn là của những người tử tế.

P/S: Lễ té nước còn kéo dài thêm hai ngày 14 và 15 tháng 4, trong đó, ngày 15 là “cao trào”. Nói là 3 ngày nhưng thường mọi người chỉ náo nức, hào hứng té nước vào buổi chiều, nhất là từ khoảng 4 – 5 giờ chiều trở đi. Rút kinh nghiệm hôm đầu, từ ngày hôm sau, chúng tôi đi đâu đều phải tìm loại xe có mái che, cửa kính lùa hai bên, phía sau có bạt ni-lông che chắn (ở Chiang Mai gọi taxi, ô tô loại nhỏ nhưng phía sau có hai băng ghế dài để khách ngôi). Tuy thế, thỉnh thoảng vẫn thấy “ào” một tiếng của xô nước dội và nước lọt qua khe hở. Khi đi tới các vùng xa thành phố, dân cư thưa thớt, nhưng việc té nước vẫn diễn ra. Từng tốp dăm bảy người với các “phuy” đựng nước cùng các loại gáo, xô, chậu, … vẫn chờ đợi để dội nước vào các xe đi trên đường. Mỗi khi có xe chạy qua, dội được mấy xô, chậu, … nước, tất cả đều nhảy lên, reo hò vô cùng thích thú.

1 BÌNH LUẬN

  1. Chia vui với bác bị té nước. Tôi đã tham dự lễ hội Holy của Ấn Đô. Trong ngày hội, các loại bột màu được tung vào người, nước màu được đổ vào người và quần áo. Mặt mũi tay chân thì bị bôi đủ thứ màu sắc. Trông ai cũng như anh hề nhưng ai cũng vui vẻ, không tỏ vẻ cấu giận vì bị bôi bẩn. Theo quan niệm của người Ấn thì được bôi nhiều màu sắc lên người sẽ càng được gặp nhiều may mắn.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here