Trong những chuyến đi, thường sau bữa ăn chiều, chúng tôi đi dạo qua phố xá nơi dừng chân một lát rồi về nơi nghỉ, nằm chuyện trò trước khi dần đi vào giấc ngủ. Hôm ấy, ngồi ăn cơm, nghe chương trình ti vi,  thấy có nói đến một cuộc vận động gì đó của đảng, một anh cất tiếng hỏi:

– Hình như bốn anh em mình ở đây đều trong sạch, không có anh nào là đảng viên thì phải?

Không thấy ai có phản ứng gì, anh nói tiếp:

– Kể cũng thú vị đấy! Lát nữa về phòng, mỗi người nói thử lý do vì sao sống ngần ấy năm trong “bão táp cách mạng” mà lại không thành đảng viên nhé!

Tất cả cười vui vẻ tán thành. Vừa là chuyện vui buổi  tối, vừa qua đó để hiểu thêm về nhau.

Vừa đặt mình lên giường, anh Vũ lên tiếng:

–         Nói thật với các ông, tôi đã trót vào đảng đấy, không được trong sạch như các ông đâu!

Ai nghe cũng bất ngờ, vì Vũ là nhân vật hay có những nhận xét mang tính “vô chính phủ”, thậm chí “phản động”  nhất.

–         Ông vào đảng từ bao giờ?

–      Tôi vào khi ở bộ đội hồi chống Mỹ. Làm cái thằng đàn ông, không thể ngại khổ mà trốn việc khó khăn, không thể sợ chết mà hèn nhát nên người ta kết nạp, mặc dù mình cũng chẳng thích. Phục viên về đi học đại học, rồi đi làm, sống trong cảnh “trong chán ngoài thèm” nhưng không biết làm thế nào. Nhưng tới năm 91, về “một cục” thì tôi bỏ luôn cho nó nhẹ nợ.

Anh Thanh tiếp lời:

–         Tôi thì có muốn vào đảng cũng không được. Đến đại học còn không dám thi, sao vào được đảng.

Hóa ra gia đình anh thuộc thành phần lớp trên, nhà giàu có vào loại được xếp hạng ở Hà Nội trước đây. Cả nhà anh từ cha mẹ đến mấy anh em đều khốn khổ khốn nạn hồi cải tạo khoảng 1958 – 1960. Học giỏi cả nhưng chẳng ai vào được đại học.

Dũng thủng thẳng:

–         Tôi thì đơn giản lắm. Sau khi Thủ đô giải phóng vài năm, hai ông anh tôi học đại học ở Hà Nội. Nghỉ hè về, trong một bữa cơm, hai người nói chuyện đoàn, chuyện đảng. Ông bố tôi nhẹ nhàng bảo: “Đảng phái, phe cánh là chuyện chẳng hay ho gì đâu! Đất nước giờ đã yên hàn rồi, chí thú mà làm ăn, giữ cái tử tế của nếp nhà, các con ạ!”.

Nghe lời cụ, anh em tôi chẳng ai đảng phái gì.

 Không ngờ ba người bạn nói mấy câu đã xong. Tôi thì không đơn giản như thế.

 Gia đình tôi trước 1945 dù không giàu có nhưng cũng thuộc loại khá giả. Thế mà hai bên nội và ngoại nhiều người đã tham gia Việt minh (chỉ vì ghét áp bức, thấy nhục nhã bởi thân phận người dân mất nước). Tới khi kháng chiến chống Pháp cả đại gia đình đã lên Việt Bắc hưởng ứng lời kêu gọi “đi tản cư là yêu nước”. 1954, trở về sau Thủ đô giải phóng, rất nhiều người thuộc thế hệ trước tôi, chú bác cô dì, đều trở thành đảng viên.

Từ khi còn quàng khăn đỏ, sinh hoạt đội thiếu niên, tôi đã được dạy thấm nhuần “lý tưởng”, suốt đời “sáng ngời hai chữ “đê vê” (“đ v”, còn nhỏ là đội viên, lớn lên trở thành đoàn viên và tới khi trưởng thành tất yếu phải thành đảng viên). Hình ảnh những đảng viên hy sinh trong tù ngục đế quốc qua các hồi ký  “Nhân dân ta rất anh hùng”, “Lên đường thắng lợi”, … kể những tấm gương của các chiến sĩ cách mạng xuất bản nhân kỷ niệm 30 năm thành lập đảng (1960) vô cùng hấp dẫn thế hệ trẻ lúc ấy. Trong tâm trí non nớt tuổi thơ ấu, hình ảnh người chiến sĩ cộng sản “những người chiến sĩ vô danh, trong những chiều hoàng hôn rực đỏ, từ giã quê hương ra đi. Anh đã ngã xuống trong ngục tối, hay trên trận tuyến, dưới  ánh sao đêm trên đỉnh núi, hay trên bờ biển xa xôi” (lời một bài hát của Hoàng Vân) luôn hiện lên như những vì sao lấp lánh. Rồi bài hát của một nhạc sĩ quen biết vượt lên nỗi đau riêng,  phổ thơ của A-ra-gông, một nhà thơ cộng sản Pháp vang lên trong giọng hát của Trần Khánh, Trần Thụ náo nức lòng lớp trẻ “Đảng của tôi ơi, người đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”. Rồi những tấm gương ông bà, cha mẹ trước mắt, đều là những con người rất đáng ngưỡng mộ. Con đường của mình sao khác được?

Nhưng từ khi vào đại học, tiếp xúc với nhiều đảng viên học cùng lớp (khóa chúng tôi học năm ấy mỗi lớp chỉ có khoảng hơn chục người là học sinh phổ thông, còn lại đều là cán bộ đi học, đảng viên nhiều người đều là học viên Bổ túc công nông, chỉ cần học 2 năm là từ trình độ biết đọc biết viết, qua cả cấp 2 và cấp 3 để vào đại học, họ cho rằng học  các môn khoa học xã hội dễ, trong khi nhu cầu đang cần nhiều cán bộ tuyên giáo hay đảng viên trong các trường học, nhất là sau vụ Nhân văn – Giai phẩm, Đất mới), hình ảnh đảng viên không còn lung linh như trong óc tôi tuổi thơ dại. Sau này, khi đã trưởng thành, tôi mới hiểu, từ cải cách ruộng đất, đảng viên không còn là những người hiểu biết, giác ngộ lý tưởng,  dám xả thân hoàn toàn vì nước vì dân nữa.

Đến khi ra trường, trở thành giáo viên, trong các nhà trường, đảng viên thường  là những người xuất thân từ bộ đội hoặc giáo viên cấp 1, cấp 2, dù đã qua chuyên tu, tại chức, nhưng tôi luôn thấy họ là những người hiểu biết hạn hẹp, ngoài những nghị quyết, đường lối của đảng họ hầu như không cần biết cái gì khác, sống theo một khuôn phép máy móc vô cùng cứng nhắc. Thí dụ họ coi tất cả các bản nhạc không có lời ca ngợi chiến đấu, sản xuất, thi đua, … đều là nhạc của “địch”; học tiếng Anh, tiếng Pháp là một tội lỗi vì đó là thứ tiếng của thực dân đế quốc, nếu không có ý theo “địch”, làm tay sai cho “địch”  thì học để làm gì?…Trong những đợt học tập chính trị, thật không có gì chán hơn khi phải nghe các vị đảng viên nhắc lại như con vẹt nghị quyết mà có khi họ cũng chẳng hiểu…Thấy tôi xuất thân từ một  gia đình có nhiều người là đảng viên, trong công việc luôn có tinh thần trách nhiệm, cũng có những lần tôi được gợi ý tham gia sinh hoạt “cảm tình đảng” nhưng tôi thường tìm cách né tránh vì còn rất phân vân. Có một câu hỏi mà chưa đảng viên nào thuyết phục được tôi: Vì sao cần vào đảng mới có thể phấn đấu cho lý tưởng? Chẳng lẽ thực hiện lý tưởng cộng sản là đặc quyền của đảng viên?  Mỗi lần về thăm  nhà, Ông ngoại tôi đều hỏi chuyện vào đảng. Thấy tôi đi công tác đã năm năm mà chưa có kết quả, ông tôi nhắc phải quyết tâm phấn đấu để  vào đảng, vì theo ông đảng viên chính là biểu hiện của người có phẩm chất tốt. Ông còn nói: “Ông là một viên  chức cũ thời Pháp, sinh ra và lớn lên dưới chế độ cũ, ảnh hưởng rất nhiều cái xấu xa của thực dân phong kiến  mà chỉ tham gia kháng chiến có hơn một năm đã được kết nạp vào đảng”. Ông đã về hưu nên không hiểu cũng là đảng viên nhưng thời kháng chiến chống Pháp và giờ đây đã khác nhau nhiều lắm.

Nhưng sau chuyện này thì tôi hoàn toàn từ bỏ ý định vào đảng:

Năm ấy mới ở khu sơ tán về. Không phải phân tán, điều kiện dạy và học được đảm bảo, giờ giấc không bị cắt xén vì nhiều chuyện,  trường tôi có tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp khá cao (tới gần 80%). Đó là sự cố gắng rất lớn của giáo viên nhà trường. Thời gian hơn một tháng ôn tập trước khi thi, học sinh trọ học ở quanh trường được tập trung học buổi tối ở trường để quản lý giờ giấc. Giáo viên các môn thi thường xuyên có mặt để giải đáp thắc mắc, giải các bài tập khó cho học sinh. Một trường ở nông thôn mà thi đỗ không thua kém trường thị xã là một điều đáng phấn khởi. Buổi gặp nhau đầu tiên sau kỳ nghỉ hè, chuẩn bị bước vào năm học mới, nhà trường  tổ chức một bữa liên hoan. Khổ, nói là liên hoan nhưng nào cũng có “sơn hào hải vị” gì đâu! Cả trường gần bốn chục giáo viên xin phòng thương nghiệp huyện duyệt cho mua được đâu vài bộ lòng lợn, ít đậu  phụ và  thịt lợn không phải tem phiếu. Mọi người phần khởi lắm. Mấy bà mấy cô (lúc này giáo viên nữ còn ít), thường ngày chỉ quen luộc rau và rang lạc, hôm nay được dịp trổ tài nấu nướng. Chuyện trò rất rôm rả vừa là do lâu ngày mới gặp nhau, vừa là có bữa ăn tươi hơn bình thường. Ông Hiệu trưởng còn đưa ra chai rượu cam để dành từ hồi Tết. Đang ăn thì nghe có tiếng khóc thút thít, rồi nức nở. Ai cũng ngạc nhiên. Đang vui vẻ mà sao….? Người đang khóc là một giáo viên dạy môn Sinh vật. Mấy người ngồi gần xúm lại hỏi nguyên nhân. Anh ấy gạt dòng nước mắt đang dàn dụa, nức nở:

–         Tôi thương đồng bào và chiến sĩ miền Nam đang hy sinh trong lửa đạn…. Thế mà chúng ta lại đang tâm ngồi ăn uống sung sướng thế này!

Ối giời ơi! Mấy anh em “bạch vệ” chúng tôi (từ chỉ những người chưa phải và cũng ít có ý muốn trở thành đảng viên) ngồi phía xa chẳng biết nên khóc theo hay nên cười?

Hóa ra anh này đang chuẩn bị được kết nạp đảng. Chi bộ đã cử người thẩm tra lý lịch, nhưng hình như vẫn có đảng viên chưa tán thành.

Thì xảy ra chuyện này.

Mấy tuần sau, buổi sáng trước giờ lên lớp, thấy anh ta cầm bao thuốc lá mời hết lượt. Hóa ra tối qua anh mới được kết nạp. Tới năm học sau thì anh có quyết định đề bạt  làm Hiệu phó.

Tôi đã hiểu, xưa, trong kháng chiến gian khổ, trong chiến tranh máu lửa, người vào đảng là những người tiên phong, sẵn sàng hy sinh kể cả tính mạng cho sự tồn vong của đất nước. Họ coi danh dự lương tâm là thiêng liêng, “Phải giữ gìn tỉ mỉ, Như tròng mắt con ngươi” (thơ Tố Hữu). Họ là những người xứng đáng được tôn kính, noi gương. Còn trong đời sống bình thường, người vào đảng chỉ trừ một số ít quá ngây thơ, phần lớn đều  là những kẻ cơ hội, họ sẵn sàng hy sinh lương tâm, danh dự mong được tiến thân, tranh cướp phần hơn trong cuộc sống còn nhiều thiếu thốn với mọi người. Mà mình thì từ nhỏ đã được dạy danh dự, lương tâm là  những cái không thể xem thường. Sao có thể “đồng chí” được?

Quả thật, đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng.

20 BÌNH LUẬN

  1. Bác vẫn bị cái chấp Nhị Nguyên làm vướng lòng. Cứ thích cái này lại ghét cái kia. Bao giờ bác nhìn thấy Đạo trong núi, sông, trong cái bát vỡ, trong cả cục phân thì lúc ấy Bác hết phân chia mọi thứ theo kiểu sợi tóc chẽ làm tư. Cái lối trọng hiền, hữu vi đang làm khổ chúng ta đấy Bác ạ

  2. “Còn trong đời sống bình thường, người vào đảng chỉ trừ một số ít quá ngây thơ, phần lớn đều là những kẻ cơ hội, họ sẵn sàng hy sinh lương tâm, danh dự mong được tiến thân, tranh cướp phần hơn trong cuộc sống còn nhiều thiếu thốn với mọi người” ===> Em biết có những người rất giỏi, có đạo đức, có lương tâm, danh dự là Đảng Viên. Họ vào Đảng vì họ tin vào lý tưởng tốt đẹp của Đảng, và muốn đóng góp tâm sức được nhiều hơn cho Đảng, cho cơ quan, tổ chức. Họ có nằm trong “số ít quá ngây thơ”?? Nhưng chắc chắn họ không phải là những người sẵn sàng hy sinh lương tâm, danh dự mong được tiến thân. Như vậy, trong Tổ chức Đảng, vẫn có một lớp người giỏi và tốt như em bảo. Số lượng những người ấy có nhiều bằng những người cơ hội hay không thì em vẫn đang theo dõi, và cũng chưa có số liệu thống kê chính xác…

  3. Phàm là con người, thường vướng vào hai chữ Danh và Lợi. Kể cả những người có tư cách tốt, đạo đức, có lương tâm và danh dự, họ cũng không nằm ngoài mong muốn được thăng tiến, được “Làm lãnh đạo”. Bởi khi làm lãnh đạo, ngoài những cái “Lợi”(về vật chất, về mối quan hệ, về quyền lực…), thì suy nghĩ, lời nói, việc làm của họ sẽ có tầm ảnh hưởng hơn, dễ thực thi hơn. Một người sếp khi đưa ra 1 cải cách tốt và tổ chức thực hiện cải cách đó – sẽ dễ dàng và có hiệu lực hơn rất nhiều một nhân viên đưa ra một ý tưởng cải cách. Tuy nhiên, đã trở thành “thông lệ”- để mong muốn đó trở thành hiện thực – trong các cơ quan nhà nước – họ phải là Đảng viên. Họ vào Đảng với một mong muốn “rất đỗi con người” (mong muốn được làm Lãnh đạo quả tình là “không xấu”). Họ muốn phấn đấu “nâng tầm” mình lên để các cống hiến của mình “có hiệu quả hơn”. Liệu có nên gọi mong muốn và suy nghĩ của họ là “cơ hội”??? (khi việc vào Đảng của họ là có mục đích, có tính toán rõ ràng!).
    Đảng là một tổ chức gồm rất, rất nhiều Đảng viên. Mỗi Đảng viên, khi vào Đảng đều có một mục đích của riêng mình. Không thiếu những “người xấu”(theo đúng nghĩa) là Đảng viên. Cũng không ít những “người tốt” (theo đúng nghĩa) cũng là Đảng viên. Quan trọng nhất là phải nhận diện “đúng người, đúng tội” kẻo lỡ trách nhầm người tốt.
    Trong Đảng, chắc chắn là có sự “thống nhất và đấu tranh” giữa nhóm “người xấu” và nhóm “người tốt”. Hi vọng rằng, nhóm “người tốt” sẽ thắng, và người dân sẽ tin tưởng Đảng hơn. Nếu không thì…

  4. Lý thuyết về XHCN và đảng CS cũng chỉ là công cụ giống như con dao. Nếu con dao ở trong tay người đầu bếp thì nó sẽ giúp tạo ra những món ăn ngon. Nếu con dao ở trong tay thằng cướp thì nó sẽ trở thành vũ khí gây nguy hiểm cho người khác.

    • Ý này mới nghe thì cũng có lý. Tuy nhiên, cái học thuyết “siêu đẳng” và cái đảng “duy ngã độc tôn” ấy không được như con dao đâu bạn! Nó là cái thứ không thể và do đó không nên sử dụng. Bởi vì nếu sử dụng nó thì chỉ hại dân, hại nước, hại cả loài người và rồi là tự hại thôi! Thực tiển đã chứng minh sờ sờ ra đó rồi mà.

      • Nếu nói như vậy thì nó lại hoàn toàn hợp lý trong thời điểm đó (mình nhấn mạnh là thời điểm đó chứ ko phải là bây giờ). Vì nó là một giấc mơ màu hồng, một thiên đường cho một dân tộc đang bị nô lệ có 90% dân số là nông dân. Một xã hội mà công dân và nông dân làm chủ là một điều quá đẹp. Trong khi cả xã hội đã ai biết đến dân chủ là gì đâu thì cái “duy ngã độc tôn” lại giống như chế độ phong kiến vừa sập lại là một sự quen thuộc.
        Mình không bàn đến học thuyết CNXH có thể tồn tại và nên sử dụng hay ko nhưng nó cũng giống như CNTB cũng chỉ là công cụ mà thôi.
        Con người mới là nhân tố chính.

        • Công nhân và Nông dân làm chủ ? Vì tin vào cái lý thuyết bịp bợm ấy mà kg ít người bị lừa.Và hiện nay, nhiều người vì TƯ LỢI nên dù biết nó(xhcn) là bịp nhưng vẫn thích tự nguyện BỊ lừa.

      • Mà những thứ đó đã là quá khứ rồi. Ngồi trách mắng cũng ko thay đổi đc lịch sử. Tốt nhất là ngồi nghĩ xem cách gì để thay đổi cho xã hội tốt đẹp hơn

  5. Không dấu gì mọi người, tôi là đảng viên hơn 40 tuổi đảng.Vào đảng giữa 2 trân đánh ở chiến trường Trên thế giới ngày nay không có quốc gia nào mà không có đảng cầm quyền. Mỗi một đảng đều có mục đích của nó. Trong một đảng mỗi một thời kỳ, một thế hệ đảng viên cũng có những biểu hiện của mục đích khác nhau do nhiệm vụ của quốc gia đó đặt ra cho thời kỳ lịch sử quốc gia đó. Dưới các chế độ xã hội trước đây không có đảng nhưng có vua. “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung”. Thời ta đang sống này chủ nghĩa cơ hội đã thấm sâu vào đảng vì thế đám cơ hội nó tìm cách để thỏa mãm danh và lợi nên nó không đăt lơi ích dân tộc lên trên. Nhìn lại lịch sử dân tộc, ta thấy rõ một điều: mỗi một triều đại dù hiển hách đến đâu thì cuối triều đâị đó đều có những kẻ khốn nạn. Lê Chiêu Thống là ông vua điển hình của sự thối tha nhất trong lịch sử.

  6. Chuyện Ông Giáo Làng kể mang tính cá biệt, thậm chí rất cá biêt, không nên khái quát hóa nó.

    • Khong ca biet dau, nhat la truoc day, o nhieu noi, o tap the ma co nhieu nguoi viet nhat ki “tu duong tu tuong” ma cu de phoi ra tren ban, tren giuong cho moi nguoi doc va con rat nhieu co tinh dien kich mot cach vung ve, lo lieu nua co!

  7. Xưa kia vẫn thế thôi , Ngày xưa ta cho con cái học hành , thậm chí vợ nuôi chông ăn học để biết mà đi thi cử để đỗ đạt rồi ra làm quan để hưởng lợi lộc ấy mà . Nó chỉ khác là họ không tự lừa dối , họ không mị dân như bây giờ . Hay họ không đểu cáng như bây giờ , Đảng ư ? Nó là công cụ để hợp thức hóa , là một công cụ , là một tổ chức hợp pháp để không ai làm gì được cho một chế độ . Vậy nên ai có điều kiện hãy tranh thủ vào không lỡ mất cơ hội thì uổng công .

  8. Ngày trước mình cũng háo hức vào Đ lắm. Nhưng sau 1975, mình đã “sáng mắt sáng lòng” rồi !

  9. Năm 1976 ở một khu công nghiệp ” to nhất Đông Nam châu Á ” ở Bắc Thái có một ông viện trưởng đi ô tô Lada lên khu công nghiệp đó. Đường xá khi đó rất xấu, lầy lội ông phải bỏ xe đi bộ quãng gần cây số, mắt ông kém, bị bệnh thị trường hình ống, đi phải có hai đệ tử kèm xốc nách. Ông đến làm gì ? Ông đến bởi ông sắp về hưu, ông đến để xin với ban Giám đốc bồi dưỡng, giác ngộ cho con ông hiện đang làm trưởng một ban tại một nhà máy trong khu CN vào Đảng CS. Thời gian sau con ông được vào rồi được chuyển về Hanoi làm, được lên làm thứ trưởng, được trông coi, quản lý một ngành được coi là mũi nhọn của đất nước. Ấy thế mà đến bây giờ ngành ấy tắc tỵ, các nhà máy ở khu CN ấy toàn gia công sản phẩm thô cho Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan…!

  10. Đó là những câu chuyện có thật, rất chân thật mà họ nói rất thật lòng. Em cảm nhận được sự chân thật của họ.

  11. Đảng có nhiều chiến công hiển hách nhưng cũng có nhiều khuyết điểm trầm trọng. Không hiểu sao các đảng viên hễ cứ nghe nói đến khuyết điểm của đảng là sợ vãi đái ….!.

  12. Thủ thuât lừa dối,phỉnh phờ của Đảng CS đã đat đến mức tuyệt vời.Một chú bé 18 tuổi là công nhân vệ sinh khi phát biểu được
    phép nói “Đồng Chí Lê Duẩn ,Dồng Chí Xit Ta Lin ,Đồng Chí Mao Trạch Đông .Khi được gọi các ông Lãnh tụ Tối Cao là Đồng Chí
    chú công nhân cứ tương mình được ngang hàng với các đấng bề trên.Lòng sung sướng vô bờ .

  13. nếu chủ nghĩa Mac-Lê đúng thì việc vào đảng là điều tốt, nhưng nó sai, sai ngay từ triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử,nên đảng viên là cái họa của nhân dân.

  14. Giáo Sư Đạng văn Chung (co bằng Thạc Sĩ Y Khoa của Phap)
    co nói:nhiều lân người ta mời tôi vào ĐẢNG nhưng Ông từ chối
    vì nếu vào ĐẢNG hi họp Chi Bộ ông phải nghe và làm theo sự
    Chỉ Đạo của 1 chi Hộ Lý 20na8m thuổi ĐẢNG

Trả lời trần nguyên Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here