Cách đây trên nửa thế kỷ, bọn học trò chúng tôi, trừ một số con nhà khá giả chẳng có ai được dành toàn bộ thời gian cho việc học hành.
Một số ít dù tuổi chưa nhiều, vẫn là lao động chính của cả gia đình, một buổi tới trường, còn một buổi làm ruộng hoặc rất nhiều công việc khác để kiếm sống, ít nhất để tự nuôi mình. Phần lớn không phải lao động kiếm tiền (trừ thời gian nghỉ hè), nhưng phải đảm nhận những công việc trong nhà như đi chợ, nấu cơm, gánh nước, giặt quần áo, kiếm củi, quét dọn,…và rất nhiều những việc không tên khác. Bây giờ, với sự phát triển của nhiều mặt, những việc trong nhà ấy tương đối đơn giản, nhưng trước đây, khi đời sống còn lạc hậu, để làm hết những việc gọi là lặt vặt ấy cần không ít thời gian. Nói chung, ngoài một buổi đi học, học sinh chỉ còn thường là một buổi tối để học và làm bài ở nhà. Đó là chưa kể ở trường luôn luôn có những buổi sinh hoạt tập thể, tuần nào cũng có một buổi lao động (lao động thực sự, đường Thanh Niên, công viên Thống Nhất, .. ở Hà Nội đều do mồ hôi của học sinh Hà Nội những năm cuối 50, đầu 60 thế kỷ trước tạo nên).
Nhưng nhờ có phương pháp học tập tốt, chúng tôi vẫn có thời gian tham gia các hoạt động thể thao, văn nghệ, cắm trại, vui chơi, … để có sự phát triển tương đối toàn diện. Có được điều ấy vì ngay từ khi vào học cấp 2 (THCS ngày nay), các thầy cô giáo đã luôn hướng dẫn và nhắc nhở học sinh áp dụng phương pháp học tập đúng cách. Xin ghi lại vắn tắt để các bậc cha mẹ học sinh và các em tham khảo:
Theo phương pháp này, việc học tập được chia ra làm nhiều bước để học sinh tiếp cận với tri thức mới không chỉ một lần, tránh tình trạng “nước đổ lá khoai”, chỉ sau giờ học là “chữ thầy lại trả thầy”.
1. Bước đầu tiên là đọc sách giáo khoa trước khi tới lớp. Kết thúc tiết học trước, thầy cô giáo đã dặn học sinh nội dung của tiết học sau. Dựa vào thông báo này, chuẩn bị cho tiết học, chúng tôi đều đọc trước bài học đó trong sách giáo khoa. Việc đọc trước giúp chúng ta biết tiết học tới sẽ học gì để có thái độ tiếp thu một cách chủ động. Những điều dễ, chỉ cần đọc một lần là hiểu, sau này tới khi nghe giảng ở lớp, sẽ được ghi nhớ thêm một lần nữa. Mặt khác, qua việc đọc trước, biết được trong bài mới, có phần nào khó, chưa hiểu hoặc chưa hiểu kỹ. Ngồi trong lớp học sinh khó có thể tập trung tư tưởng suốt 45 phút của tiết học. Khi đã biết phần nào chưa thật hiểu, ta sẽ chú ý hơn để nghe lời thầy giảng phần đó, và nếu cần có thể thắc mắc, nhờ thầy giải đáp.
2. Bước tiếp theo là nghe thầy giảng ở lớp. Những phần nào đã hiểu khi thực hiện bước một thì tới bước này sẽ nhớ. Chỗ nào chưa hiểu, nhờ tập trung tư tưởng cao độ, lại thêm thầy giải đáp thắc mắc sẽ nhớ kỹ hơn. Nhiều khi, lúc thầy giảng những phần đã hiểu, chúng tôi có thể làm ngay các bài tập tương đối dễ tại lớp, về nhà, thời gian chỉ dành cho các bài tập khó.
3. Ôn lại bài giảng là bước thứ 3. Việc ôn lại cần tiến hành càng sớm càng tốt khi học sinh vẫn còn ghi nhớ nhiều điều trong bài giảng ở lớp.Việc này thường được chúng tôi thực hiện sau khi tan học hoặc ngay tối hôm đó. Nhiều người, nhất là những người đi bộ hoặc tàu điện thường ôn lại bài ngay trên đường về nhà. Chỉ cần vừa đi, vừa nhớ lại những điều thầy vừa giảng. Gặp đoạn nào quên, có thể dừng lại, mở vở, sách xem lại. Vì đã nhớ được những kiến thức qua hai bước đầu tiên nên tới đây, hầu như toàn bộ bài giảng đã thuộc. Thời gian học ở nhà chủ yếu là để giải các bài tập khó. Nếu hai hay ba người cùng đi, từng người sẽ lần lượt trình bày lại bài giảng, người khác nghe rồi bổ sung.
Cũng cần nói thêm, mỗi người chúng tôi luôn có một đến nhiều đề bài chưa giải được các môn ở trong đầu. Đi trên đường hay nấu cơm, làm vườn, … chân tay có việc của chân tay còn đầu óc vẫn không quên việc học hành. Không ít những đề toán hay vật lý khó đã được giải trong những lúc này. Chỉ khi nào có cái “phút lóe sáng” mới cần tới giấy bút, nhiều khi, chỉ một cái que vạch trên nền đất cũng đủ để giải một đề toán “hắc búa”. Những dàn bài của bài làm văn thường xuyên phải suy nghĩ để thêm, bớt hay sắp xếp lại các ý cũng được tiến hành vào những lúc này. Việc thuộc sẵn một số đề bài khó cũng giúp chúng tôi trao đổi với nhau bất cứ lúc nào, trên đường tới trường hay trong giờ ra chơi.
4. Bước cuối cùng được thực hiện trước khi có tiết học. Sau mấy ngày (nhiều nhất là một tuần lễ), bài học lần trước có thể quên đôi chút. Việc xem lại để thuộc bài không mất nhiều thời gian, cái quan trọng nhất chúng tôi phải làm thường là giải nốt các bài tập. Chúng tôi luôn luôn làm hết các bài tập trong sách giáo khoa, chưa kể tới năm cuối cấp, chuẩn bị thi vào cấp 3 hoặc đại học, việc tìm tòi, trao đổi với nhau nhiều bài tập được sưu tầm khắp nơi khiến lý thuyết được thuộc kỹ. Đôi khi tới lúc này, có bài tập vẫn chưa tìm ra lời giải. Chỉ cần tới trường sớm hơn thường lệ một chút, chắc chắn trong lớp thế nào cũng có bạn giải được vì họ hỏi được các anh chị học lớp trên. Còn nếu tất cả đều bất lực thì đành đợi thầy giảng trong giờ kiểm tra miệng.
Do được học nhiều lần nên những bài trên lớp chúng tôi luôn ghi nhớ được phần lớn. Cuối học kỳ hay cuối năm học, việc ôn tập lại trước khi thi cũng không mất quá nhiều thời gian. Còn nhớ tới tuần cuối trước kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, chúng tôi mới phải nghỉ buổi đá bóng định kỳ hàng tuần ở sân Ba Đình. Nghỉ không phải vì cần thời gian ôn thi mà chủ yếu là do sợ gặp sự cố gãy chân gãy tay sẽ ảnh hưởng tới việc thi cử.
Từ khi đi làm nghề dạy học, hiểu rõ tầm quan trọng của phương pháp học tập, lại đã được trải qua suốt những năm học cấp 2 và cấp 3, ngoài việc hướng dẫn cho con em trong gia đình , tôi luôn luôn hướng dẫn phương pháp này cho học sinh và cha mẹ họ (nếu năm ấy làm chủ nhiệm lớp) ngay từ những lần tiếp xúc đầu tiên để họ áp dụng hoặc nhắc nhở con em áp dụng.
Tất cả đều cho rằng đây là một phương pháp đơn giản và có hiệu quả. Chỉ có điều, muốn thực hiện được, cũng như việc học nói chung, phải kiên trì trong suốt quá trình học tập. Chẳng ai có thể tránh được những trục trặc không thực hiện được bởi nhiều lý do, nhưng sau một vài ngày, thậm chí một vài tuần, phải lập tức nhanh chóng trở lại thực hiện một cách nghiêm túc.
Khó khăn lớn nhất khi thực hiện phương pháp học tập này là ở sự tự giác. Thầy giáo hay cha mẹ cũng chỉ có thể hướng dẫn, có thực hiện hay không là ở bản thân học sinh, không ai có thể kiểm tra được. Nhưng nếu có nghị lực và quyết tâm, hiệu quả là điều không thể nghi ngờ.
Cảm ơn bác nhiều ạ
Đây chính là biện pháp để dạy cho các em kỹ năng tự học , chỉ em nào có kỹ năng tự học mới học giỏi được , phương pháp thầy đưa ra giống như thời thập niên 60 tôi đi học ở miền nam mà chẳng thấy thầy cô nào dạy thêm cả !
Đúng là cho học trò cái cần câu hơn là cho những con cá
Phương pháp học của người MỸ :PQ R S T
P(preview,đọc trươc) Q(question:đătcâu hỏi)R reaading đõc lai)S(summerize:tóm luợc )T(test:trà lời )
Ngủ sớm ,thức dậy sớm(early to bed,early to raise)
thay đổi môn hóc không môn nào hóc quá 50 phút
VĂN ÔN VÕ LUYỆN
cách người