(Nhớ Chú Khôi và những ngày kháng chiến)
Sau khi lên Việt Bắc, mấy anh em chúng tôi ban đầu được ở với Bố Mẹ khi hai người cùng làm ở Tòa án tỉnh Phú Thọ. Lúc thì ở Yên Kỳ, khi thì ở Yên Luật, rồi Thanh Cù, cơ quan chuyển đi đâu thì theo đấy. Hồi ở Yên Luật, một hôm chú Hùng đi đâu rẽ qua. Chú cho tôi một quyển sách. Đó là một quyển truyện cổ tích, trong đó có những truyện như “Cây tre trăm đốt”, “Cây khế”, Thạch Sanh”, …Giấy in không được trắng, chữ to. Có lẽ đây là cuốn sách đầu tiên tôi đọc trong đời. Nhưng khi Bố chuyển sang làm ở Ty Tài chính, còn Mẹ làm ở Ty Giao Thông, hai cơ quan ở hai nơi thì về ở với Bà Ngoại ở thôn Phụ Khánh, xã Tứ Hiệp, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ (bây giờ là xã Phụ Khánh, huyện Hạ Hòa).
Đây vẫn còn là đất trung du, nhiều đồi, chưa có núi. Làng bên một cái đầm nước lớn, thông với sông Hồng nên mùa nước lũ, đầm rất rộng, buổi sáng thường có những con thuyền nhỏ của người đánh cá. Tiếng gõ mái chèo vào mạn thuyền vang động càng làm cho không gian thêm hoang vắng. Tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai chạy qua làng. Bên trái đường tàu là vùng đất giáp sông Hồng, nhiều phù sa, thường trồng ngô, đậu. Gần nhà tôi ở có miếu Ểu, chẳng biết thờ thần thánh nào, nhưng nghe nói thiêng lắm. Nghe người ta nói thời Pháp, có lần tàu hỏa qua đây, bánh xe vẫn quay tít nhưng trượt trên đường ray, không thể chạy được. Phải có người vào thắp hương trong miếu, một lúc tàu mới chuyển bánh. Nghe kể thì biết thế thôi, chứ khi gia đình tôi đến ở đây thì đường sắt đã bị phá (lúc ấy gọi là “tiêu thổ kháng chiến”), các thanh ray, “tà vẹt” vứt mỗi nơi một ít, chỉ còn có nền đường, cỏ mọc đầy. Miếu Ểu càng thiêng hơn khi xảy ra một chuyện: Hôm ấy, trong cái thanh vắng của đêm khuya, tôi tỉnh giấc, nghe thấy tiếng kèn trống đám ma, cứ rờn rợn. Hôm sau, hỏi ra mới biết, một cậu học cùng lớp với tôi, nhưng hơn tôi ba bốn tuổi, nhà ở bên kia đầm bị thánh miếu Ểu “vật” chết. Mấy hôm trước đi chăn trâu, cậu ấy dám leo lên ngồi vào cái ngai trong miếu, về nhà được đâu có hai ba ngày thì bị đau bụng, quằn quại, lăn lộn có hơn một ngày thì chết. Nghe nói thế, thầy giáo tôi bảo: “Chắc là đau ruột thừa đấy, chứ làm gì có thánh thần nào!” Lạ thế! Thày dạy lớp 4 thôi, nhưng giải thích rất khoa học! Chứ cứ như bây giờ, mấy ông giáo sư tiến sĩ, thế nào cũng lại cho rằng cậu ấy bị sao nào chiếu; rồi muốn “giải hạn” thì phải mời thầy cúng ra làm sao! Lễ tạ thế nào! Nghe thầy nói thế, dù là thấy đúng nhưng mỗi khi đi qua, chỉ dám he hé mắt nhìn. May là miếu không nằm trên đường đi học hàng ngày. Ban đầu, mấy Bà cháu ở nhờ nhà cụ Khuyên. Gọi là “cụ” nhưng tuổi chắc còn kém tuổi Bà tôi nhiều. Khi ấy chúng tôi được dạy, người trạc tuổi với cha mẹ thì phải gọi là “ông, bà”, người trạc tuổi ông bà thì phải gọi là “cụ” để tỏ lòng kính trọng. Khuyên là tên người con gái lớn. Cụ là vợ hai của cụ Khế – Khế cũng là tên của người con trai lớn con bà cả. Tục ở nhà quê lúc ấy, khi đã có con thì gọi thay bằng tên con). Cụ Khuyên có người con trai út tên Khiết hơn tôi độ dăm tuổi, đi học lớp 1 cùng với tôi nhưng Bà vẫn bảo tôi gọi là “chú” xưng “cháu”. Sau một thời gian, Bà nhờ người dựng nhà trên một quả đồi. Nhà 3 gian lợp lá cọ, vách nứa, xung quanh có rất nhiều cây dọc. Trước sân có một cây mỡ, cánh hoa tựa như cái thìa sứ, mấy anh em vẫn lấy chơi đồ hàng. Từ khi có nhà riêng, rộng rãi hơn, Bà cũng nuôi gà, nuôi lợn, trồng rau. Một hồi, hổ, ở đấy gọi là con “beo” về bắt lợn trong làng, buổi tối trước khi đi ngủ, phải lấy cành rong – ngọn tre bỏ đi sau khi lấy cây tre, rấp quanh chuồng lợn. Có đêm nằm trong nhà mà có cảm giác như có hổ về rình ở gốc dọc sau nhà. Thoa lúc ấy bập bẹ tập nói, cứ thỉnh thoảng lại gọi: “Giao ơi! Bao (beo) về đấy!”
Cái khổ nhất có lẽ là phải xa Bố Mẹ, chỉ có bốn anh em, có khi thêm cả Thắng, Tuyên con chú Cận và đến năm 1953 thì thêm Sáo con cô Đạt. Tất cả đều do Bà trông nom. Mà Bà có phải nuôi trẻ con bao giờ! Bảy người con Bà sinh đều có vú nuôi. Thế mà bây giờ Bà phải chăm một đàn cháu. Thoa mới 8 tháng Mẹ đã để ở nhà cho Bà đi công tác, còn Sáo mới 2 tháng cô Đạt đã phải để ở với Bà để đi chỉnh huấn. Hàng ngày Bà phải bế Sáo đi khắp làng xin sữa. Hôm nào đi học về cũng chăm chú nhìn trên đường vào ngõ xem có vết bánh xe đạp không, vì đã có lần thấy vết xe đạp, chạy vội vào thì thấy Bố Mẹ đã về. Thỉnh thoảng Bố Mẹ mới về thăm. Mỗi lần được khoảng hai ba ngày. Lần nào về, Bố Mẹ cũng cho uống thuốc giun. Mà uống thuốc giun lúc ấy sao khổ thế! Hình như là loại “Xăng tô nin Ca lô men”, viên thuốc nhỏ nhỏ hồng hồng, phải uống 3 ngày liền. Buổi chiều chỉ được ăn ít cơm, nửa đêm thức dạy uống, sau đó mãi đến trưa mới được ăn cháo. Đói cồn cào, mắt hoa hết cả lên, chỉ có nằm thiếp đi. Cho nên những ngày Bố Mẹ về chơi thì thích, nhưng cứ nghĩ đến uống thuốc giun lại sợ. Sợ nhất là mấy ngày Bố Mẹ mới đi. Khổ nhất có lẽ là Thoa. Mới 8 tháng đã phải xa Bố Mẹ, hàng ngày đến bữa, Bà phải mớm cơm. Một hai ngày đầu, khi Bố Mẹ mới về thì không chịu theo vì lạ. Đến ngày thứ ba, đã quen dần, Bố Mẹ lại phải ra đi. Thế là khóc từ khi Bố Mẹ chuẩn bị ba lô. Bà phải bảo bế em đi chơi để Bố Mẹ đi. Nhưng tôi chỉ bế em ra sau nhà. Cả hai anh em đều khóc. Cảm giác hụt hẫng, trống trải kéo dài suốt mấy ngày. Nhiều hôm, đi làm cỏ khoai, đi vun ngô hay trên đường đi học, nhớ Bố Mẹ mà cứ khóc thầm. Ở nhà thì không dám khóc vì sợ Bà mắng là “đầu têu” để các em khóc theo. Một lần, Bố Mẹ về cho tôi uống thuốc phòng sốt rét vì nhiều lần tôi đã bị sốt rét. Đó là thuốc kí-ninh (Quininne), viên nhỏ màu vàng rất đắng, gần giống viên bec-bê-rin (berberine) bây giờ. Hình như thuốc phải uống liên tục một tuần. Hôm đi, vì chưa uống hết, sợ tôi quên, Bố viết lời nhắc nhở lên mấy mảnh giấy nhỏ dán trên cột, trên vách “Đã uống thuốc chưa?” Hôm cuối cùng, từ sáng mới ngủ dậy tôi đã vội uống nốt mấy viên thuốc rồi xé ngay mấy mảnh giấy đó đi để khỏi nhớ Bố Mẹ mỗi khi nhìn thấy. Có lần, nhớ Bố Mẹ quá, tôi viết một cái thư, chỉ để cho đỡ nhớ thôi. Thư viết xong, không có tiền mua tem. Tôi đề trên phong bì sau dòng địa chỉ người nhận “không mua được tem, người nhận chịu tiền phạt”. Thế mà Bố tôi cũng nhận được. Lúc ấy, nếu là bộ đội khi gửi thư chỉ cần viết TBS/MBP (thư binh sĩ, miễn bưu phí), không dán tem, thư cũng được chuyển.
Dù đi tản cư, hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng ở đâu, Phú Thọ hay Tuyên Quang, ở với Bà hay đi theo cơ quan, Bố Mẹ đều chú ý cho tôi đi học. Chỉ có khái niệm lớp học chứ chưa bao giờ thấy nhiều lớp, thấy trường, vì đều phải phân tán phòng máy bay. Lớp học trong rừng, rừng sặt, rừng cọ, có khi trên đỉnh đồi, lối lên rất dốc, hôm nào mưa, đứa nào đứa ấy lấm bê bết vì ngã. Lúc ấy không biết xa bao nhiêu, chỉ biết phải đi học từ khi trời mới tờ mờ sáng. Những hôm trời mưa rét thì thật khổ. Thầy dạy hết bài thì về, chẳng biết là mấy giờ. Trong lớp, tôi thường là đứa bé nhất vì học sinh nông thôn thường đi học muộn. Năm học lớp 1 đã có học sinh có vợ, đang học đã có học sinh nữ nghỉ học để lấy chồng. Lên các lớp trên, số học sinh quá nhiều tuổi đã ít đi. Có lẽ những người nhiều tuổi chỉ cần học qua lớp 1,lớp 2 để biết đọc biết viết. Nhưng phần lớn học sinh trong lớp cũng đã 13, 14 tuổi trong khi tôi mới 7, 8 tuổi. Hồi học lớp 1, đi học phải qua một con ngòi. Bình thường thì tôi lội qua được, nước chỉ ngang đầu gối. Nhưng những hôm mưa lũ, những học sinh lớn lội cũng phải đến bụng, tôi đứng tần ngần trên bờ, nhìn dòng nước chảy xiết rồi đành phải quay về, vì tôi mà lội, nước phải đến cổ, mà nước chảy xiết như thế, lội làm sao được! Trên đường đến trường còn phải qua một đoạn gọi là “hố thuồng” (không biết tại sao lại gọi thế). Đoạn đường này hai bên là vách đất cao, cây mọc um tùm, hầu như không bao giờ có ánh nắng chiếu tới. Do trâu bò đi lại nhiều, vết chân trâu bò tạo thành những hố ngày càng rộng, càng sâu, mỗi hỗ phải bằng cái thúng, luôn đầy bùn nước. Có lần bị trượt xuống, bùn ngập đến đầu gối. Những học sinh lớn có thể nhảy từ mép hố này sang mép hố kia. Họ càng nhảy càng có đà nên vượt qua đoạn đường đó rất nhanh. Nhưng tôi còn bé, chân ngắn, sức yếu, không thể nhảy được, phải men theo mép hố, nơi ít bùn đất, qua từng hố một nên đi rất chậm. Lúc đi học, thỉnh thoảng lại có người đi qua nên đỡ vắng vẻ, nhưng trên đường về, chỉ một loáng, mọi người đã đi hết, chỉ còn một mình trên đoạn đường âm u. Ngày nào cũng đi mà vẫn thấy sợ, nhìn phía trước cứ thấy hun hút. “Hãi” nhất (ở đấy người ta thường nói “sợ” là “hãi”) là thỉnh thoảng gặp một người “rồ”. Thật ra, trong suốt thời gian dài, tôi chưa từng thấy ông ấy làm gì ai. Chỉ thấy cứ lầm lũi đi. Nhưng thoáng nhìn đã thấy sợ. Râu tóc xồm xoàm, quần áo tơi tả, vai khoác một cái bị. Lúc thì đầu trần, lúc thấy đội cái nón rách. Có hôm chẳng thấy mưa gió gì cũng khoác cái áo tơi. Nhìn thấy ông ấy là cả lũ bỏ chạy bán sống bán chết. Một lần, đang lần mò đi qua đoạn “hố thuồng”, tôi thấy ông ấy đi ngược lại. Thật là hồn vía lên mây. Không biết làm thế nào, quay lại thì đã muộn, đi tiếp thì không dám, tôi đành đứng nép vào bờ đất, úp mặt vào đám tế, guột trên vách đất, mắt nhắm nghiền lại để không nhìn thấy gì. Cái bờ đất chỗ ấy ướt nhớp nháp mà không dám dịch sang chỗ khác. Mãi không dám mở mắt ra. Lâu sau, mới hé mắt nhìn, không thấy gì, quay lại thì thấy ông ấy đã đi mãi đến đầu kia rồi. Thật là hú vía! Sau này tôi mới thấy, chẳng phải trẻ con, ngay người lớn nhiều khi cũng sợ vớ sợ vẩn, chẳng qua là “thần hồn nát thần tính” thôi!
So với Tuyên Quang thì ở Phú Thọ buồn lắm. Nhà chỉ có mấy Bà cháu. Nhà hàng xóm cũng xa, cách sống lại khác nhau nên ít quan hệ. Sáng đi học, chiều sau khi học, làm bài, những hôm không phải làm gì thường dẫn các em đi chơi. Tha thẩn ngoài đồi, xuống dưới bờ đầm, nhặt quả dọc chín rụng dưới đất, hái quả mâm xôi, quả sim ăn. Chiều, lúc trời chạng vạng, vác cuốc từ ngoài ruộng về, cứ vọng lên câu hát không biết của ai, ai dạy cho “Chiều ơi, lúc chiều về rợp bóng nương khoai, trâu bò về nhịp mõ xa xôi, ơ..i chiều”. Sao buồn thế!
Vì thế rất thích nhà có khách. Mỗi lần khách đến là được nghe rất nhiều chuyện ở các nơi, có khi được học các bài hát mới. Đầu năm 1954, Ông lên Việt Bắc họp. Tháng Giêng năm ấy có “tháng hữu nghị Việt – Trung – Xô”, Ông cũng dạy cho bài Quốc ca Liên Xô “Ngàn năm vững bền nơi đây Cộng hòa quốc kết liên tự do đời đời Nga Liên bang Xô viết chung một khối, …” Một lần, bác Khái – anh trai Bố đi công tác qua vào thăm. Bác bảo không biết mua quà gì, cho mấy anh em 5 hào (hay 5 đồng, không nhớ). Bác đưa cho Bà. Bà đi mua được một thúng quýt. Ăn mãi mới hết. Bác cũng dạy cho một bài hát. Một hôm đang vun khoai, thấy có hai anh bộ đội đi vào ngõ. Lúc này Bà đã về trước nấu cơm. Tôi chạy vội về, thì ra là chú Hùng và một người bạn. Chú sau khi học xong trường Trần Quốc Tuấn, trên đường vào miền Trung nhận nhiệm vụ ghé qua thăm nhà. Tối hôm ấy, Bà nấu một nồi chè khoai hương – một loại khoai sọ nhưng hương thơm lắm. Chè nấu với mật thôi, nhưng cũng chẳng mấy khi được ăn. Vui lắm. Đêm ấy, chú Hùng dạy cho tôi bài hát “Trường Lục quân đang cần lính đánh Tây, …” Đến bây giờ vẫn nhớ cả giai điệu lẫn lời. Lúc bấy giờ, gặp nhau làm quà thường là dạy bài hát, chép tặng bài thơ hay (dĩ nhiên là thơ của người khác làm). Dạy hát là dạy theo lối truyền khẩu. Rất nhiều bài được dạy từ hồi ấy mà bây giờ vẫn thuộc. Hồi đọc xong “Hồi ký của một thằng hèn” của nhạc sĩ Tô Hải, trong đó thấy nói ông ấy cũng có thời gian học trường Trần Quốc Tuấn, tiện có email của ông ấy, tôi viết mấy chữ hỏi ông có biết ai là tác giả của bài “Trường Lục quân đang cần lính đánh Tây, …” không. Tiện thể, chép lại nguyên xi toàn bộ lời bài hát. Hôm sau được mail Tô Hải trả lời: “Bài ấy của tớ đấy! Cậu học khóa nào?” Lần ấy trước khi đi, chú Hùng để lại cho mấy anh em một cái “thìa cụt”. Cái thìa canh bằng nhôm nhưng gãy cán. Cứ đến bữa là mấy anh em tranh nhau. Thắng, con chú Cận luôn nhận là chú Hùng cho mình. Bà phải phân xử bằng cách mỗi đứa dùng một bữa, luân chuyển. Có lần anh Yên (con rể bác Khái, chồng chị Bích) đi qua vào chơi. Chỉ nhớ anh ấy dạy cho hai bài hát. Một bài về tình quân dân, một bài về dân công đi tải đạn. Bây giờ vẫn thuộc. Chỉ buồn cười là vì học truyền khẩu, nên cứ học theo. Lại còn trẻ con nên nhiều khi không hiểu nghĩa. Đến khi người dạy đi mất rồi, không hiểu nghĩa là gì, cứ hát bừa. Bài “Bao chiến sĩ anh hùng của Văn Cao, lời 2 có câu : Bao chiến ma lên đường…”. Cứ thế hát. Mặc dù không hiểu tại sao lại “chiến ma”, “chiến ma” có nghĩa gì? Mãi sau mới biết là “chiến mã”, chiến sĩ cưỡi ngựa, tức là kỵ binh. Nhiều bài chỉ thuộc giai điệu, thuộc lời, nhưng chẳng biết tên là gì. Có bài sau này mới thấy cũng chẳng hay ho gì, chỉ toàn nói chuyện chính trị, nhất là mấy bài sáng tác trong cải cách ruộng đất. Nào là “Bọn địa chủ ác bóc lột dân cày, …”Nào là Vùng lên nông dân tiến theo lá cờ cách mạng,…” Rồi “Nông dân là quân chủ lực, khả năng tiềm tàng, không có nông dân thì kháng chiến ta không thể thành công,…”. Nhưng vẫn thuộc, vẫn hát rất say sưa. Có lẽ chỉ để khuấy động phần nào cuộc sống quá lặng lẽ, nhàm chán.
Vui nhất là dịp nghỉ hè và Tết. Vì lúc ấy có chú Khôi và cô Kim Anh về (mấy năm đầu có cả cô Dung, sau cô Dung học hết lớp 7 đi học ở Khu học xá Trung Quốc). Hai người ở “thủ đô kháng chiến” về cũng khác. Thường là đi bộ từ Tuyên Quang về đến nhà lúc đã nhá nhem tối. Rất nhiều chuyện được kể, nào đi cắm trại trong rừng cà phê, nào họp đội thiếu niên quàng khăn đỏ (bấy giờ còn gọi là đội thiếu nhi tháng Tám), rồi chuyện Liên Xô, Trung Quốc, Lỗ Mã Ni (Rumani), Bảo Gia Lợi (Bungari), Hung Gia Lợi (Hunggari) do những người đi sang bên ấy công tác về kể lại. Và đặc biệt là tôi được học rất nhiều bài hát. Của ta, của Liên Xô, Trung Quốc, …bài hát về cải cách ruộng đất, bài hát vể đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới, bài hát về thanh niên xung phong, … Bây giờ vẫn thuộc. Mỗi lần nhớ lại những bài hát ấy lại nhớ lại những năm kháng chiến da diết. Những bài hát như Thiếu nhi thế giới vui liên hoan của Lưu Hữu Phước, Chiếc đèn ông sao, Đếm sao của Phạm Tuyên, … đều do cô, chú dạy cho. Cũng vẫn chỉ là lối dạy truyền khẩu thôi, nhưng thuộc rất nhanh. Hè năm học hết lớp 2, theo chương trình học cũ, phải thi vào lớp 3. Cuộc thi quan trọng lắm vì thi cả huyện. Nếu trượt là không được đi học nữa. Cô Kim Anh, lúc ấy học lớp 6 trường Tân Trào, Tuyên Quang, để cả kỳ nghỉ hè hướng dẫn tôi học. Ngoài Toán, Chính tả, còn có Lịch sử. Cô tóm tắt các bài lại cho tôi học. Vẫn còn nhớ mấy câu của bài Sử: “Chị Minh Khai quê ở Hà Đông, năm 17 tuổi, chị sang Hồng Công hoạt động cách mạng….” Hôm đi xem kết quả, tôi đỗ thứ ba. Sướng quá! Nhớ hôm ấy đội cái nón, cứ xoay cái nón trên đường như con quay. Không biết khoe với ai, cô Kim Anh đã về Tuyên, Bố Mẹ thì không biết bao giờ mới về. Khoe với Bà thì Bà chỉ ừ hữ, như không để ý.
Chú Khôi thì dạy cho rất nhiều trò vui. Nào là làm súng cao su, súng “phốc”, khoét sáo, đánh trận giả. Chú Khôi đặc biệt có tài vẽ. Nhất là vẽ các loại máy bay, “Bê vanh cát” (B.24), “Bê vanh xít” (B.26), rồi “Gioong-ke”, “khu trục”, “bà già”, … Cứ ngồi bên cạnh mà trầm trồ. Có hôm ngồi xem, không hiểu chú vẽ cái gì. Hỏi, chú bảo “cứ từ từ”, sau một số nét vẽ, chú “đố biết là cái gì”, nghĩ mãi, không nhận ra. Chú cứ cười cười, bảo “Có thế mà không biết!” Một lát sau, chú vẽ thêm mấy nét. Hóa ra là một người đang ngồi hai tay bó gối ở ngoài bờ ruộng.
Tháng 8.2013