Mấy hôm Tết, một bạn trên “Phây”  (chắc ở trong nam), có đặt câu hỏi rằng có phải người miền bắc hay nói “ơn đảng ơn chính phủ’? Không biết bạn hỏi có mục đích gì. Nhưng cũng xin nói để bạn rõ theo những hiểu biết của tôi.

Cái “ơn đảng, ơn chính phủ” này ra đời  trong cải cách ruộng đất (1953 – 1956). Ban đầu, nó nói đúng cái tâm trạng của  nhiều nông dân lúc ấy. Đang là người cố nông, không có một tấc đất cắm dùi, chuyên sống bằng làm thuê, làm mướn, đi ở, …đang là bần nông, nhà chỉ có vài sào ruộng, sinh kế phần nhiều cũng trông chờ vào làm thuê cho những nhà có nhiều ruộng (theo tiêu chuẩn phân định thành phần thời kỳ này), nay, trong cải cách ruộng đất, được chia mấy sào ruộng, thêm chân trâu (ba bốn nhà được chia chung một con trâu), mà con trâu với người nông dân miền bắc vốn từ xưa đã được coi là “đầu cơ nghiệp”. Rồi có người cả nhà đang ở trong những túp lều rách vách nát, nay được chia một phần nhà sân gạch, mái ngói của “địa chủ”, rồi còn các loại “quả thực” (tên gọi các loại tài sản của địa chủ đem chia cho nông dân), mặc dù có khi đó chỉ là cái cối đá thủng (chỉ còn có tác dụng  để đập lúa). Tôi không muốn nói tới cái đúng cái sai, cái hay cái dở của “cuộc cách mạng trời long đất lở” này ở nông thôn miền bắc Việt Nam những năm 50 của thế kỷ trước, nhưng phải đặt vào trong hoàn cảnh ấy, mới thấy những người nông dân đói nghèo từ không có một chút tài sản bỗng trở thành có ruộng có vườn, có nhà,  có cửa và có chút ít tài sản dù chẳng nhiều nhặn gì, mới thấy việc họ luôn mở đầu câu trả lời khi có người hỏi thăm về cuộc sống gia đình bằng “ơn đảng ơn chính phủ” là những lời nói chân thành. Những “anh đội, chị đội” (đội cải cách ruộng đất) ở mỗi làng quê trong cải cách ruộng đất chính là hiện thân của đảng. (Cũng có nơi, người ta nói thêm “ơn đội”). Một số ít trường hợp những người giàu có, nhiều ruộng đất ở vùng mới giải phóng (sau 1954), chưa thực hiện cải cách ruộng đất, chưa bị quy là địa chủ nhưng nghe ngóng từ những vùng đã tiến hành cải cách, nhanh chóng nộp toàn bộ ruộng đất và gia sản (chắc chỉ phần “của nổi”) để tránh “tai họa” nhưng sau đấy cũng luôn luôn “ơn đảng ơn chính phủ”. Có thể họ ơn do đã không bị  quy là địa chủ, không bị đấu tố và biết bao tai ương mà những người cùng hoàn cảnh nhưng không thức thời  phải gánh chịu. Cũng có thể đó chính là biểu hiện của sự quy phục để tránh con mắt không mấy thiện cảm của những người vừa được nắm quyền hành, nhằm tìm một cuộc sống yên thân.

Không hiểu cuộc cải cách ruộng đất này nhằm mục đích gì? Giữa mục đích thực hiện “người cày có ruộng” và để người ngoài mặt trận thêm hăng hái chiến đấu hy sinh, thì cái nào lớn hơn? (Vì đọc báo chí, thấy nói rất nhiều tới chuyện những người nông dân mặc áo lính ngồi trong chiến hào Điện Biên Phủ bùn đất nhoe nhoét,  xúc động đọc những lá thư từ hậu phương gửi tới kể chuyện cải cách, đấu tố địa chủ, được chia ruộng, chia nhà mà thêm phấn khởi chiến đấu quên mình).

Cái “ơn đảng, ơn chính phủ” này bắt đầu trở thành hài hước khi nó đi vào vùng đô thị. Sau khi miền Bắc được giải phóng, cuộc cách mạng dân chủ được tiến hành ở cả nông thôn và thành phố. Các nhà buôn, rồi nhà tư sản trong công cuộc cải tạo công thương nghiệp được học tập chính trị, được nghe những bài giảng, trong đó, người ta nói rằng làm ăn buôn bán như thế là bóc lột, đóng thuế, vào công tư hợp doanh (mang tài sản mồ hôi nước mắt của mình nộp vào thành tài sản của nhà nước, danh nghĩa là để bản thân mình và nhà nước cùng làm ăn) là một quyền lợi, là niềm vinh dự lớn lao. Thế là từ đó, người ta nói: “Ơn đảng ơn chính phủ, được đóng thuế”, “Ơn đảng ơn chính phủ, được vào công tư hợp doanh”. Rồi cứ theo cái đà ấy, người ta nói : “Ơn đảng ơn chính phủ, được đi bộ đội” (xưa gọi “đi lính”), “Ơn đảng ơn chính phủ, được đi dân công” (xưa gọi là đi phu). Được hỏi thăm về đời sống cũng trả lời “Ơn đảng ơn chính phủ, nhà em cũng tạm đủ ăn”, “Ơn đảng ơn chính phủ, nhà cháu cũng còn khó khăn lắm”. Thậm chí khi được hỏi “được mấy cháu”, cũng trả lời “Ơn đảng ơn chính phủ, nhà em được ba cháu”,…

Cách nói “ơn đảng ơn chính phủ” lúc này đã bị phân hóa. Một số người do máy móc, nói theo đám đông không có chút gì của riêng mình, nói theo thói quen mà không có suy nghĩ gì về điều mình nói (cũng giống như người ta đi lễ đủ thứ chùa chiền, kéo nhau đi hội,  đi đám tang người này người khác, …như một cái tâm lý chạy theo đám đông). Bên cạnh đó, cũng có một số người nói có ý thức để chứng tỏ mình “có lập trường giai cấp”, “có giác ngộ cách mạng”, “nhận thức sâu sắc về vai trò của đảng trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta” (tất nhiên họ chỉ nói trước đám đông, nói để cho càng nhiều người nghe càng tốt, gần đây thì nói để  được ghi hình phát trên ti vi). Những ai nói với mục đích này chắc không khó chỉ ra. Trước hết là các cán bộ của đảng (nhất là các vị tuyên giáo, bây giờ gọi là dư luận viên), rồi những người đang “lăm le” “xí”  một chỗ trong đảng. (Khoảng giữa những năm 90, tôi đã được một anh học trò cũ  sau khi ra trường đã có chút ít thành đạt, tới thăm.  Khi thấy tôi vẫn ở trong ngôi nhà xập xệ do cha ông để lại, vẫn là một “anh giáo làng” với đồng lương “ba cọc ba đồng” sống dở chết dở, anh đã bằng kinh nghiệm bản thân, “dạy” cho cái triết lý sống: Loài người (chắc anh ấy muốn nói đến loài người hoang dã) bao giờ số đông cũng phải phục vụ số ít, cho nên phải bằng mọi cách len chân vào cái số ít đó. Như thế mình vừa không phải hầu hạ kẻ khác, lại được nhiều kẻ khác cung phụng.

Cũng có một số nói với ý châm biếm, khôi hài. Nhưng số người “bạo mồm bạo miệng” khi ấy ít lắm, phần lớn dù có suy nghĩ thế nào cũng đành phải coi “im lặng là vàng”.

Cuộc sống dần phát triển, qua chiến tranh, nhất là từ sau 1975, đảng và chính phủ là thế nào, mang lại những gì cho dân người ta dần biết cả. Ngọn cờ cách mạng vừa cắm trên dinh Độc lập, dân gian đã xuất hiện những câu:

Ngực anh còn thấm máu đào,

Thì xe bà tướng đã vào đến nơi.

để nói chuyện chiến lợi phẩm sau khi miền Nam giải phóng.

Rồi:

 Mất mùa là tại thiên tai,

Được mùa là tại thiên tài đảng ta.

Rồi:

Đầy tớ đi xe Von-ga

Bố con ông chủ ra ga đợi tàu.

Đầy tớ thì ở nhà lầu,

Bố con ông chủ giấy dầu che mưa.

Bầm ơi có rét không bầm,

Von-ga con cưỡi, gà hầm con xơi!…

 

Nhà thơ Thanh Tịnh, tác giả của một câu nói khá nổi tiếng “Dễ vạn lần không dân cũng chịu, Khó vạn lần dân liệu cũng xong” (nhưng nhiều nơi người ta cứ cố gán cho Hồ Chí Minh), đã trọn đời “ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân” hy sinh cuộc đời vì sự nghiệp chung, hồi những năm 80 có lần đã nói đại ý: “Nói thì “vì nhân dân quên mình”, làm thì vì mình quên nhân dân”.

Hình ảnh đảng, chính phủ không còn huy hoàng, tráng lệ như những năm kháng chiến và được tô vẽ trong sách báo hay cửa miệng của các cán bộ tuyên huấn. Người cứ mở miệng là “ơn đảng ơn chính phủ” không còn nhiều vì sự thật đã bị phơi bày.

Nhưng thời kỳ mới lại có những tín điều mới, kiểu như “nhân dân ta đã lựa chọn chủ nghĩa xã hội”, “học tập theo gương…”, chắc vì không phải ai cũng có một bộ não biết suy nghĩ độc lập. Gần 800 tờ báo lề phải, hàng trăm đài phát thanh, hàng trăm đài truyền hình với mấy trăm kênh phát sóng 24/24 giờ trên cả nước mỗi ngày đã góp sức nhồi nhét biết bao những tín điều phi lý mà không phải ai cũng nhận ra. Nhưng nhiều nhất vẫn chỉ là những anh “cơ hội”, mỗi khi được mời đi họp (nhất là khi có ghi hình, ghi âm) thì ra sức nói “những lời có cánh” theo kiểu “ơn đảng ơn chính phủ”. Nói thế, lần sau lại được mời, mà mỗi lần đều “được nói, được gói (cái phong bì, dù chỉ mươi nghìn bạc) mang về”. Rồi nói mãi, giả dối mãi thành thói quen lúc nào không biết. Những người tử tế, tôi tin chẳng có ai nói những điều sai sự thật như thế.

Hôm mồng 2 Tết vừa qua, giữ cái lệ từ nhiều năm trước, tôi tới chúc Tết các  gia đình  thông gia với các cụ nhà tôi. Sau hồi trò chuyện, chúc tụng, một ông con rể của gia đình đã ngoài 70 vốn là viên chức nhà nước (chắc là đảng viên) về hưu tiễn tôi ra cổng và cất lời chúc:

–         Thôi thì năm mới, chúc ông mạnh khỏe, anh em ta phải quyết tâm noi gương bác Hồ vĩ đại.

Tôi nghe mà bực quá. Năm mới thật là một lời chúc đen đủi. Định ngồi lại để hỏi xem tôi phải học cụ thể là những  gương gì. Nhưng vì nghĩ ngày Tết ngày nhất, nên đành thôi, chỉ quay lại nói với ông ấy:

–   Ơ hay, tôi việc gì phải học ai, tôi thích thế nào thì tôi sống thế ấy chứ!

Cho nên, cái lối nói “ơn đảng ơn chính phủ” vẫn chưa tiệt nọc đâu. Chỉ có điều, nó đã biến tướng. Nó chỉ bị tiêu diệt hoàn toàn khi con người biết suy nghĩ bằng cái đầu của mình, các phương tiện truyền thông đủ các loại không còn “lá cải”, một chiều, nói lấy được bất chấp sự thực khách quan.

Nhưng thôi, cuộc sống là như vậy. Sao có thể bắt mọi người suy nghĩ như nhau!

 

8 BÌNH LUẬN

  1. Cái phần được chia cầm chưa nóng tay thì chú phỉnh lần trước lại phỉnh vào hợp tác xã. Phỉnh hoài phỉnh mãi mà vẫn còn lắm người tin.

  2. Thế mới ra chuyện: muốn khởi tố, điều tra, xét xử 1 đảng viên (bất kỳ cấp nào, kể cả ko phải cán bộ) đều phải sau quyết định khai trừ đảng, để đảm bảo……100% bị cáo, bị can không phải là đảng viên!
    Ác cái, 100% bị cáo, bị can tội danh tham nhũng đều đã từng là đảng viên và quan trọng hơn, nếu họ không phải là đảng viên (lúc phạm tội) thì làm gì có cơ hội bị khởi tố tội danh này!!!

  3. Ngày 5/10/2014 Tại hội trường huyện Thanh Hà HD tổ chức lễ truy tặng và phong tặng cho 127 mẹ VN anh hùng. Một người đại diện cho thân nhân của các mẹ lên phát biểu ý kiến, trong lời có câu: “Cám ơn đảng và nhà nước….”.

  4. Kính gửi cụ Dương Đình Giao
    Em là T ( Bạn với Giác ) em anh , đọc những bài viết của anh , lòng em càng mến và trân trọng anh..Trong ngọi bút của anh hình như có lửa , lửa của tấm lòng như những bùi nhùi rơm ủ bếp ngày xưa , âm ỷ chờ cháy. Trong em cũng có nhiều phản biện về cái thói giả dối , phô trương, nhưng mỗi người có một mắc cỡ mà chẳng dám nói hết mình anh ạ
    Chúc ANH GIÀ khỏe mạnh để em được đọc nhiều bài viết của anh

  5. Cảm ơn ông giáo làng đã nói ra những điều mà nhiều người ở thế hệ của ông muốn nói ra mà không thể nói được …

  6. Đọcbàicủacụgiáolàngnóivềlờicảmơncuảngưỡi xưa mà mình rung động quá.chỉ những người già như cụ mới thấu hiểu nỗi nhọc nhằn,nhục nhã cuarcha ông thời xưa.Tấcđất cắm dui chả có,nay được dăm ba sào ruộng,thật như được hồi sinh.Ai mang lại cho họ,hẳn không phải ông Bảo Đại cụ nhẻ?Cũng chẳng phải ông diệm,hay chính phủ Trần trọng Kim.Cho nên họ hay nhắc tới câu(cảm ơn Đảng chính phủ) có lẽ đấycũng là người biết “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”Còn cụ hay ai đó chắc là không ơn nhờ mưa móc của nhà nước mà thấy chối tai thì âu cũng là lẽ thường.Có điều khó chịu với câu nói đó thì không nên.Hơn nữa cụ là người có học.Có lẽ cụ học thời Tây?
    Cụ Hồ là bậc thánh nhân,cụ không cần học bởi cái đích của cụ là Mỹ là Tây ,đó là đất nước quê hương mà cụ muốn phụng sự.Còn chúng tôi thì nguyện làm nô lệ cho đất nước mình.Mấy lời dông dài mong cụ đừng xóa là tôi mừng lắm.Chúc cụ sức khỏe cống hiến nhieeufcho văn minh nhân loại.

Trả lời Trinh Duong Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here