1.  Hàng năm, vào tháng 11, tôi thường được mời dự những buổi gặp mặt các lớp học sinh cũ. Những buổi gặp gỡ thường diễn ra nhân 20, 25, 30, … năm ngày ra trường. 
Nhưng có một lớp, từ hơn hai chục năm nay, năm nào chúng tôi cũng gặp nhau. Đó là lớp 10 D trường Phổ thông cấp 3 Quảng Oai, năm 1970.

Đây là lớp học sinh tôi chủ nhiệm đầu tiên từ khi vào nghề. Cái nhiệt tình, lòng say mê nghề nghiệp của tuổi trẻ, những năm tháng khó khăn thời chiến tranh, … khiến tình cảm giữa chúng tôi có một sự gắn bó đặc biệt.

Sau khi tốt nghiệp, học sinh trong lớp tỏa đi khắp nơi mà đông nhất là nhập ngũ. 22 năm sau, chúng tôi mới có dịp gặp lại nhau. Có người đã hy sinh, người tiếp tục đứng trong quân ngũ. Có những người sau khi tốt nghiệp đại học, nhờ phấn đấu, nỗ lực đã thành đạt giữ những vị trí đáng kể. Cũng có những người thầm lặng với cuộc sống trên đồng ruộng ở quê hương, …Nhưng dù ở đâu, làm việc gì, phần lớn đều có mặt, gặp gỡ, ôn lại chuyện cũ.

Như cái “duyên”, sau khi lớp này ra trường, tôi lại được phân công chủ nhiệm lớp tiếp theo gồm học sinh của các xã đã học tôi lớp trước. Nhiều học sinh lớp này là em, là cháu của học sinh lớp ấy. Vì hai lớp cùng do tôi làm chủ nhiệm, nên  từ 3 năm nay họ đã tổ chức họp mặt chung. Thế là cùng thời gian, tôi được gặp gỡ hai lớp học sinh mình đã góp phần dìu dắt.

Nói với họ, những năm gần đây, dù với bao thân thiết, tôi không thể gọi “các em”, cũng không thể gọi “các cô các chú” mà đã phải chuyển thành “các ông các bà”. Dù đã trở thành ông thành bà, nội và ngoại, nhưng hình như cái “nhất quỷ nhì ma…” vẫn chưa hề bị lãng quên.

Một “tiết mục” không thể thiếu trong những cuộc gặp gỡ là cùng nhau hát lại những bài ca từ gần nửa thế kỷ trước. Những Tiếng hát biên thùy của Tô Hải, Sóng cửa Tùng của Doãn Nho, Tổ quốc tôi của Hồ Bắc, …những lời ca điệu hát đã giúp chúng tôi quên đi bao gian nan vất vả của những năm tháng chiến tranh.

Cứ mong tới tháng 11 năm sau để được gặp lại.

 

2.  Trời chẳng cho mà cũng chẳng lấy đi của ai tất cả. Có niềm vui ắt không tránh được nỗi buồn. Sướng và khổ, vinh và nhục, …luôn song hành. Nói theo kiểu tâm linh hiện hành, hình như thế mới là âm dương hòa hợp.

Gặp lại học sinh cũ (những lớp đầu chỉ ít hơn tôi  dăm sáu tuổi, từ lâu đã coi họ là những người bạn) có nhiều niềm vui vì thấy họ thành đạt, hạnh phúc, con cái họ cũng phương trưởng, ăn nên làm ra khiến cha mẹ tới khi nghỉ hưu cũng thấy yên lòng. Nhưng cũng không tránh được việc gặp phải những chuyện buồn. Không hiểu sao, vui nhiều hơn nhưng cái buồn dù ít, nó cứ bám lấy mình dai dẳng.

6 năm trước, năm 2008, một lớp học sinh mời dự cuộc gặp gỡ nhân kỷ niệm 30 năm ngày ra trường. Lớp này tôi chỉ chủ nhiệm có năm lớp 8, sau đó chuyển cho giáo viên khác, nhưng họ vẫn nhớ để mời. Vì dạy có một năm nên không nhớ được nhiều. Một cô học sinh hồi ấy làm tổ trưởng, sau cũng thi vào Sư phạm, trở thành giáo viên. Chồng chết vì ung thư, một mình nuôi hai đứa con dại, cô ấy tới nhờ  giúp xin một suất dạy cho trường dân lập. Tôi phải nói với cô ấy:

– Tôi chắc có thể xin giúp em được, nhưng dạy dân lập tiền thù lao thấp lắm, sợ không thể đủ nuôi các cháu nên cố tìm việc khác. Nếu không thể tìm được thì cho tôi biết.

 Sau không thấy cô ấy quay lại. Hôm gặp, hỏi thăm chuyện gia đình, cô ấy kể:
– Hai cháu nhà em cũng xong xuôi cả rồi thầy ạ. Gay go nhất là một đứa bị thiểu năng trí tuệ. Nhưng em cũng lo cho nó học xong đại học, rồi làm được cái bằng thạc sĩ.
Tôi ngạc nhiên:
– Nó học được thạc sĩ sao lại gọi là thiểu năng trí tuệ?
Cô ấy cười buồn:
– Toàn mẹ đi học hộ thôi, thầy ạ. Rồi cô ấy nói tiếp:
– Em cũng lo được cho nó vào đảng. Rồi cũng có một suất biên chế. Thế là em yên tâm.
Tôi hỏi:
– Biên chế ở đâu?
– Em chạy cho cháu vào phòng văn hóa thể thao, rồi người ta bố trí cho nó phụ trách cái sân ten-nit phục vụ cán bộ địa phương.
Nghe chuyện, 6 năm rồi, mỗi khi nhớ tới, chưa hết buồn.

Đến hôm vừa rồi, lại gặp một chuyện nữa.

Cô học trò này sau khi học xong lớp 10 thì đi bộ đội, trở thành chiến sĩ lái xe trên đường Trường Sơn. Hết chiến tranh, cô học đại học Sư phạm. Hồi đi học, cô cũng thỉnh thoảng tới nhà chơi, hỏi han bài vở. Hơn chục năm sau, vào dịp 20 tháng 11, cô tới thăm, thấy mặc quân phục, mang quân hàm rất trang trọng, hỏi, cô bảo:
– Em vừa đi dự họp mặt giáo viên dạy giỏi do Bộ tổ chức.

Lại gần hai chục năm mới gặp lại. Vừa gặp, cô đã hồi tưởng:
– Em không thể quên bài tập làm văn, em viết “Hiện nay em đang ngồi trên mái trường xã hội chủ nghĩa”, thầy gạch dưới rồi ghi bên cạnh bằng bút đỏ: “Cẩn thận, ngã xuống thì què!”

Hỏi chuyện gia đình, cô rất vui vẻ kể:
– Em về hưu được ba năm rồi. Nói để thầy mừng cho em. Ba cháu nhà em cũng đâu vào đấy cả. Một đứa em cho vào cảnh sát giao thông, một đứa vào điều tra xét hỏi, còn một đứa vào an ninh. Lỡ nhà mình có chuyện gì cũng dễ giải quyết thầy ạ.

Cô bảo mừng cho cô, cũng có thể mừng vì cô chắc đã toại nguyện.

Nhưng không biết nỗi buồn này còn theo tôi đến bao giờ?

9 BÌNH LUẬN

  1. Chuẩn mực ở xã hội này đảo lộn, tệ hại đến mức người ta chấp nhận sự giả dối và xem đó là lý tưởng cuộc đời. Gia đình con cũng có tư tưởng như thế, cố gắng chạy cho con vào những cơ quan nhà nước sau khi học xong. Biết là lương thấp nhưng cũng cố bỏ tiền mà chạy, với hy vọng mong manh rằng sau này có vị trí con sẽ “ăn nên làm ra”? Hay là một sự “ổn định” trong cái xã hội “ổn định” này. Buồn ạ

  2. đời là vậy niềm vui cảu người này là nỗi buồn và đau đớn của người khác .đọc bài thấy cảm thông hơi ít cho 1 số phận ko may mắm .ông giáo ơi ông may mắm thành đạt trong cuộc đời và muốm gì đc nấy sao thấu hiểu cho người ko may mắm như cô học trò nọ .còn gì khổ và vất vả khi 1 phụ nữ tự m nuôi con ko nơi nương tự về vật chất và tinh thần họ chỉ mong dùcon họ dù binh thường hay ko bình thường thì khi họ ko còn trên đời này cũng có 1 tổ chức cho con họ dựa để tồn tại đó là sự an ủi lớn với mẹ đọ bài nây nỗi buồn gấp 2 ko thấy có sự chia sẻ cảu 1 người thầy .CHÚC ông giáo 1 ngày 20 tháng 11 đầy niềm vui và viết nhiều bài hay

    • Nếu như con chị phụ nữ này giỏi nghề vót tăm, đan lát hoặc công nghệ thông tin gì đó thì là niềm vui cho tất cả mọi người. Còn trở thành viên chức nhà nước thì vui cho mẹ con nhà ấy nhưng đáng khóc cho đất nước.

  3. Bay gio ra Mien Trung ma gia dinh nao co con gai la van thu xa hay mau giao mam non gi day, may anh con trai la cong an hay bo doi, co vai tam giay khen trep o trong nha, khong can biet ho dang lam gi, mien bien che NN la niem tu cua bo me voi xom lang. Buon khong!

  4. Em lại mất ngủ nữa rồi khi đọc xong những lời tâm sự của anh trên bài viết này với tâm trạng xót xa và buồn .

  5. em là GV dạy học hơn 30 năm tại TRÀ VINH,cũng gặp nhiều chuyện như thầy kể,cũng đồng tình với suy nghĩ của thầy.cám ơn thầy viết về GIÁO DỤC rất đúng,rất hay,rất có trách nhiệm

  6. Em rất thich những baì viết của Thầy trênfb vì nói đến những người thật , việc thật, trong hoàn cảnh thật…Đặc biệt là nhữg cung bậc cảm xuc thật cuả Thầy trước nhữg hiện thực đó .Trong bài viết này em nghĩ ,hai việc làm Thầy buồn khg phải h/s lớp 10D năm1970 , nhưg dù ai thì cũg là h/s chúng em .

  7. Biết làm sao được Thầy khi cuộc lối sống thực dụng đang đựợc cho là khôn ngoan …Buồn quá

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here