Năm 1985, không dám gọi là may, nhưng mình  có một cớ hay để thoát cái nạn khách không mời. Năm ấy, dịp 20 tháng 11, vẫn cảnh học trò các lứa tuổi đua nhau đi lại như mắc cửi khắp các phố phường.

Mình  có việc đi qua ngã tư Hùng Vương – Nguyễn Thái Học thấy một vụ tai nạn. Không nhìn thấy gì vì người  vòng trong vòng ngoài,  nhưng nghe nói một học sinh bị tai nạn giao thong. Do còn nhỏ, tay lái không vững, lại mấy đứa cùng đi, đứa nọ va vào đứa kia, nên xe đạp của cháu va vào xe điện, bị cán chết. Năm nào cũng nghe có tai nạn vào dịp này, nhưng chỉ nghe. Năm nay thì thấy rõ, có nói cũng  không sợ bị quy là “phao tin đồn nhảm”. Ăn nói lúc này vẫn phải coi chừng lắm!

Từ đó, sắp tới ngày 20 tháng 11 là mình nói với học sinh, đại ý: Thầy không dám coi thường tình cảm các em, nhưng đến chơi nhà thầy có nhiều lúc  không nhất thiết vào dịp này khi người đi lại quá đông, dễ gây tai nạn. Các em nghĩ, nếu không may, có ai gặp  nạn, nói rằng do đi thăm thầy cô, có khác nào bảo do thầy cô mà bị. Và mình nói dứt khoát: Vào dịp này, tôi  xin phép (phải nói xin phép, không dám nói cấm) không tiếp học sinh và cha mẹ học sinh. Nhờ các em nói với cha mẹ giúp tôi.

Thế là thoát! Ban đầu cũng có một vài nhóm học sinh nghĩ chắc thầy chỉ nói thế cho có vẻ “cành cao”, vẫn đến như thường. Nhưng mình kiên quyết mời về. Sau dần  thành quen. Suốt gần hai chục năm, cho tới khi về hưu, hoàn toàn không phải mất thời gian vì những vị khách không mời này nữa.

Nghe chuyện một số bè bạn nói mới thấy mình may mắn. Học trò hư, dốt nhất là cha mẹ họ bây giờ rất lắm “chiêu”, nhiều người vì thiếu sự dứt khoát mà tự lâm vào tình cảnh “há miệng mắc quai” khó gỡ.

 

    Nhưng mình vẫn có những người khách không mời rất đáng mến, những người mang lại niềm vui, an ủi những thiệt thòi vì nghề nghiệp. Đó là học sinh cũ, những người mới  hoặc ra trường từ lâu. Tất cả mình đều coi là những người bạn đã may mắn gặp được trong đời. Mà có bạn quanh năm không chỉ trong một hai ngày. Những tin nhắn, những cuộc điện thoại và những  lần thăm viếng đều thể hiện trước hết sự chân tình không ai có thể nghi ngờ. Có người từ khi điện thoại trở thành phổ biến (trước kia là điện thoại bàn), năm nào vào hai ngày mồng một Tết và 20 tháng 11 đều điện thoại thăm hỏi. Có người năm nào cũng tới vào tối ngày 19. Có nhóm năm nào cũng ngần ấy người cùng nhau tới thăm. Bây giờ mới là lúc nhớ lại những chuyện buồn vui của quá khứ, chia sẻ những suy tư, tình cảm hiện tại…Dù chuyện gì cũng đầy ắp tiếng cười.

 Những cuộc thăm hỏi ấy thật quý hóa.

Năm mới về hưu, ngày 20 tháng 11 được tiếp một tốp cha mẹ học sinh của lớp chủ nhiệm cuối cùng. Mấy ông bà (cha mẹ học sinh nhưng cũng kém mình tới chục tuổi) mang theo một lẵng hoa. Một bà thay mặt cả nhóm:

–         Mọi năm, đến dịp lễ Tết,  chúng em cũng muốn tới thăm chúc mừng thầy, nhưng nghe các cháu bảo thầy không đồng ý. Năm nay, các cháu học xong rồi, thầy đã về hưu nên chúng em bảo nhau chắc thầy không thể không đồng ý được. Từ sang năm, chắc chúng em chẳng thể hẹn nhau tới được, nhưng chúng em và các cháu luôn nhớ tới thầy.

Những lời nói giản dị, nhưng mình tin vào sự chân thành của  họ.

Từ khi về hưu, lên ở Ao Cò, vẫn có nhiều khách tới thăm, nhưng là rải rác quanh năm, không có ngày nào nhất định. Nhiều người chỉ là nhân có việc đi qua ghé vào chơi. Có người gọi điện thoại báo trước. Tết Trung thu, vừa rồi, nhận được hộp bánh từ  một cô học trò “của nhà trồng được” (tự làm).

Càng những người không được thành đạt, không gặp may mắn trong cuộc đời mình càng trân trọng. Hình như họ cũng cảm thấy tìm được ở mình sự đồng cảm nên hay lui tới. Một hôm. nghe có người gọi, ra mở cổng, thấy một ông già râu tóc bạc phơ chào thầy. Mình ngạc nhiên, không nhận ra, mời vào. Đi mấy bước, nhìn dáng đi tập tễnh, nhớ ra người học sinh cũ đã 40 năm. Ít hơn mình dăm sáu tuổi nhưng vì cuộc sống làng quê lam lũ nên chóng già.  Học hết lớp 10, do bị tật ở chân, không thể đi bộ đội, ông ấy ở nhà làm nông nghiệp. Hóa ra mấy hôm trước gặp gỡ  cả lớp nhưng ông ấy mặc cảm, không tới. Nhiều tuổi, không biết đi xe máy, ông đạp xe hơn hai chục cây số tới thăm, mang cho một cân gạo nếp và chai mật ong. Cùng ngồi hồi tưởng lại bao chuyện cũ. Năm ấy ở nơi sơ tán, bếp ăn tập thể có hơn chục người quy định để cải thiện bữa ăn, mỗi anh  phải cung cấp rau cho bếp một bữa trong tuần. Bà cấp dưỡng sẽ là người lên lịch thu rau. Thế là mỗi người phải trồng vài ba luống. Thấy rau của mình không được tốt, anh lúc bấy giờ tập tễnh gánh tới cho mình một gánh phân. Rồi một buổi tối, anh lại mang cho mình một vốc phân đạm gói trong mảnh lá chuối. Nhờ gánh phân và chút ít phân đạm, rau của mình tốt hẳn khiến mọi người ở khu tập thể cùng bà cấp dưỡng phải ngạc nhiên.

Giữ lại ăn cơm, ông ấy từ chối, không ở vì “còn có việc khác”. Trước khi chia tay, vẫn cứ áy náy:

–         Thôi thì cây nhà lá vườn, thầy đừng chê. Mấy đứa con em nó cười bảo bố dở hơi, bây giờ ai người ta còn biếu gạo nếp với mật ong. Nhưng nhà nông chúng em đồng tiền cũng eo hẹp, không được như các bạn làm nhà nước.

Tôi vội gạt đi:

–         Ông tới thăm tôi thế này là quý hơn mọi thứ rồi. Những thứ ông cho tôi là thứ người ta mơ ước đấy.

Mà nói thật, không phải là khách sáo.

2 BÌNH LUẬN

  1. Những vị khách đến thăm mình (PHHS , học sinh) khi mình đã về hưu, là những vị khách thật đáng quý. Nhất là những học trò mà cuộc đời lắm nỗi đa đoan, lại càng đáng trọng.

Trả lời Vũ Xuân Túc Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here