Hồi còn nhỏ, đi học tôi vẫn được nghe các thầy nói  rằng người Việt Nam có truyền thống hiếu học. Còn nhỏ, hiểu biết chưa nhiều, lại thấy đó là nói cái hay, cái đẹp của nhân dân, đất nước nên luôn coi đó là đông lực thôi thúc mình trong chuyện học hành. Lại thêm, những tấm gương của các bậc cha chú trong gia đình, cùng với những tấm gương của các thầy trong suốt cuộc đời đi học đã khiến tôi chăm chỉ học tập và có hứng thú với chuyện học (chưa dám nói là “ham học”, “hiếu học”).

Nhưng sau gần 40 năm đi dạy học, tôi cảm thấy chuyện “hiếu học” ở ta chưa hẳn đã là truyền  thống. Nói sự hiếu học, người ta thường chứng minh bằng những câu chuyện, quen thuộc nhất là chuyện hình như của hai ông Phùng Khắc Khoan và Lê Quý Đôn, một ông người Thạch Thất, Sơn Tây; một ông người Hưng Hà, Thái Bình. Chuyện kể rằng, để học, các ông phải bắt đom đóm cho vào cái vỏ trứng để lấy ánh sáng; học khuya, buồn ngủ, các ông phải buộc tóc lên xà nhà. (Cũng không nhớ ông nào bắt đom đóm, còn ông nào buộc tóc lên xà nhà). Nhưng xem ra, chuyện có thể làm gương cho con trẻ chứ thật ít sức thuyết phục với những người có đôi chút suy nghĩ. Thậm chí, tôi còn nghi ngờ đây không phải là những câu chuyện có thật. Vì mấy con đom đóm có thể cho được bao nhiêu ánh sáng nhất là lại phải qua cái vỏ trứng? Và muốn học thì trước hết cần sự tỉnh táo, buộc tóc lên xà nhà liệu có thể khiến người ta minh mẫn? Mặt khác, những gương ấy tỏ rõ sự  “khổ học”, chứ chưa nói “hiếu học”.

Theo tôi, “hiếu học” là để nói những người học chỉ vì ham hiểu biết. Dù “công đã thành, danh đã toại” nhưng họ vẫn học tới suốt đời, học mọi nơi, mọi lúc chỉ vì không gì ngăn được cái “tò mò” muốn hiểu thêm, biết nữa, luôn luôn cảm thấy những tri thức mình đã có là hạn hẹp. Họ học vì càng học càng thấy mình “dốt”, mà  đã “dốt” thì không thể không  học. Đúng là “cái vòng lẩn quẩn” nhưng rất đáng yêu! Nước ta không thể phủ nhận thời nào cũng có những người học giỏi, phẩm chất đầu tiên để có thể trở thành “hiền tài”, có những người “hiếu học”, tuy thế,  nói dân ta có truyền thống  này e chưa được thuyết phục. Nhưng dù sao, nhờ có “thực học” ngoài tri thức đầy đủ làm việc nước, các vị còn nêu những tấm gương sáng về đạo đức trước hết cho con cháu trong gia đình, rồi mở ra đến họ hàng, làng xóm, hơn nữa là dân chúng các nơi. Cho nên, nói tới quan lại xưa, người ta thường tỏ thái độ kính trọng, ở những mức độ khác nhau, họ vừa có đức, vừa có tài.

Người xưa nói “nhân bất học bất tri lý” tức là ông cha ta rất coi trọng việc học. Nhưng trong hoàn cảnh xưa, có mấy người đủ khả năng theo nghiệp bút nghiên? Tuy  thế không phải người xưa không học. Không có điều kiện học chữ nghĩa thánh hiền một cách chính quy bằng “nấu sử sôi kinh”, những người không được đi học đã có cách học riêng để biết “luân thường đạo lý”, biết “đường ăn ý ở” để có thể trở thành những con người tử tế, biết cách hành xử đúng đắn ở đời. Họ học ngay trong cuộc sống, nhìn mà học theo những tấm gương xung quanh mình. Thậm chí, ngay từ những con người, sự việc không tốt, họ cũng tự rút ra được những bài học hay cho bản thân và con cháu.  Vì thế,  ngay tới thời Pháp, chỉ một số rất ít người dân được đi học, nhưng người tử tế thì gần 100%, số phần tử được coi là “bất hảo” kiểu như Chí Phèo,  không phải làng xã nào cũng có. Từng con người tử tế tạo nên một xã hội lành mạnh, nước có phép, làng có lệ, đời sống dù còn nghèo nàn, lạc hậu nhưng bình an, nền nếp.

Từ sau 1945, việc học được mở rộng khiến dân trí được mở mang, xã hội có nhiều tiến bộ. Nhưng tiếc là giáo dục của ta coi trọng số lượng, xem nhẹ chất lượng, phổ cập giáo dục các cấp trong khi chưa đủ điều kiện vật chất, lại thêm bệnh hình thức, thích được trầm trồ, ngợi khen  nên ngày càng phát triển tràn lan không cần biết đến chất lượng, giáo dục ngày càng xuống cấp nhất là khoảng ba chục năm lại đây.

Xưa, đi học để có cái bằng rồi làm quan hoặc làm việc nhà nước, tức là người ta học có thể chưa phải vì ham học, hiếu học, nhưng do cơ chế tuyển chọn nghiêm chỉnh, chặt chẽ dù không ham học cũng vẫn phải học. Sự chặt chẽ được đảm bảo ngay từ các nhà trường. Lười biếng, kém cỏi sẽ lập tức bị đào thải, nếu không học lại thì chỉ có cách bỏ học. Người tốt nghiệp có bằng cấp đồng thời cũng  đảm bảo có kiến thức vững vàng nên khi làm quan hay làm việc nhà nước họ đủ khả năng làm tròn bổn phận, thêm cái đạo đức, cái tư cách được dạy bảo từ nhỏ  khiến họ làm việc ít nhất cũng tròn bổn phận, nhiều người  mẫn cán xứng đáng là công bộc của dân.

Nay, tỷ lệ số người ham học không nhiều lên so với trước nhưng vì giáo dục chỉ ham số lượng nên không có sự chọn lọc, đào thải. Đã vào lớp đầu tiên sẽ theo học tới lớp cuối cùng suốt 12 năm, ai ai đều nhận được tấm bằng như nhau. Một học sinh trường chuyên cấp tỉnh, có giải trong các cuộc thi quốc gia và quốc tế cũng nhận được tấm bằng y như một học sinh được bố mẹ cho đi học chỉ để nhờ nhà trường quản lý cho bớt đua đòi, nghịch ngợm, phá phách. Tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp ngày càng phổ biến. Nếu Bộ Giáo dục làm một cuộc điều tra nghiêm túc, tôi tin ở nhiều nơi, con số này không dưới 40%, có những môn như  ngoại ngữ có thể tới 80%  nhất là ở cấp PTTH. Hình như quý Bộ đã mặc nhiên thừa nhận đây là chuyện bình thường không có gì phải quan tâm.

Kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng còn tương đối nghiêm túc khiến một số học sinh phải học hành thực sự (tất nhiên cũng còn không ít người lọt vào các trường, thậm chí các trường thuộc “tốp” trên không phải nhờ thực lực). Nhưng sau khi đã đạt điểm chuẩn, vào được một trường, không biết có được bao nhiêu phần trăm tiếp tục tinh thần thái độ học tập nghiêm chỉnh  để có kiến thức vững vàng (dù  phần lớn là kiến thức kiểu “hàn lâm”, rất “oai” nhưng rất “vô tích sự”), còn phần lớn vẫn nhờ “có bác dẫn đường” trong các kỳ thi để có tấm bằng tốt nghiệp.

Đâu đâu cũng thấy Thạc sĩ, Tiến sĩ, nhưng đó không phải là những người ham học. Họ “học” vì cái chức vụ họ muốn đòi hỏi, cho nên có thể biết chắc cái gọi là học hành ấy chẳng ra gì. Họ học vì đang thất nghiệp, ngồi chơi ăn bám cha mẹ cũng cảm thấy khó coi nên bày ra chuyện đi học để bớt phần “mặc cảm”. Với cái động cơ ấy, ai cũng có thể biết kết quả học hành ra sao. Còn trường ư? Nơi cấp bằng ư? Cứ “vô tư” đi, ai muốn học cũng được, muốn bằng cũng được kể cả bằng “đỏ”, miễn là có tiền.

Thế là hoàn chỉnh bức tranh ghi lại chuyện học ở nước ta từ tiểu học đến trên đại học. Hình như tới chức danh Giáo sư cũng không sáng sủa gì hơn vì phần lớn các “ngài” đều không sử dụng được ngoại ngữ (cách đây mấy năm thống kê là 80%, còn giờ không biết là bao nhiêu?)

Thế là lớp trẻ ngày nay (những người vẫn được coi là tương lai của đất nước) gian dối ở đầu vào, gian dối trong quá trình học, dùng tiền để “chạy” lấy cái bằng với “hoài bão” tiếp tục dùng tiền để “chạy” một việc làm, hy vọng ở vị trí ấy có điều kiện bớt xén, bòn rút, đục khoét để “hoàn vốn”;  rồi tiếp tục “chạy” một cái ghế cao hơn … đồng thời sẽ ngày càng giàu lên.  Xưa 5% người được học hành làm gương cho toàn dân trở thành những người tử tế, nay trong một cơ quan 100% số người có học hành, thậm chí có bằng cấp cao nhưng liệu được bao nhiêu trong số đó được coi là người lương thiện?

Càng có học có hành, tư cách con người càng xuống cấp; càng có học hàm học vị, phẩm chất con người càng tệ hại, chỉ có điều nó tinh vi, nhưng vẫn không khó nhận ra.

Giáo dục càng phát triển, đạo đức xã hội càng tha hóa.  Cho nên, nói sự học giờ đây chỉ làm hư hỏng con người cũng không phải là quá đáng!

Bộ Giáo dục có biết những chuyện này không? Chắc là có, vì chuyện này xảy ra ngay ở cái trụ sở nằm trên đường Đại Cồ Việt và trên toàn bộ hệ thống do Bộ quản lý. Nhưng vì sao Bộ không có bất kỳ sự chấn chỉnh nào?

Chưa cần cải cách, chưa cần đổi mới, Bộ Giáo dục chỉ cần chấn chỉnh để nền giáo dục nước ta trở lại sự tử tế, đúng đắn đã là một may mắn lớn cho toàn dân. Còn nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn, những thay đổi, những “cuộc cách mạng”, những “trận đánh lớn” nào có ích gì?

 

13 BÌNH LUẬN

    • Giáo dục đào tạo của Việt Nam là sự dối trá nhưng không thể thay đổi được!

      Vì đó là sự dối trá của hệ thống chính trị!

  1. Kính Thầy Giáo Làng.

    Xin góp chuyện với thầy về cái sự học ở nước ta. Nguyên cháu có một cô cháu họ di du học và có ở tạm nhà cháu mot thời gian .Nghe ở VN cô cháu này đã có học ở một trường Quốc Tế khoảng 5 hay 6 năm gì ấy. Thoạt tiên cháu cũng mừng là thế hệ các em cháu sau này có điều kiện và được giáo dục tốt hơn thời của cháu nên cháu cũng vui vẻ tạo thêm điều kiện thuận lợi và thoải mái ngõ hầu giúp cháu nâng cao trình độ và kiến thức chuyên môn mà cháu không may mắn có được lúc trẻ. Hỡi ơi, trong suốt một năm trời, lần lược cháu mới nhận ra rằng khả năng của một học sinh của trường Quốc Tế tại Việt Nam và được đi du học nước ngoài mà không thể tự mình lo những chuyện vặt vanh như nộp đơn hay đặt mua online mà hầu hết đều phải nhờ các dịch vụ. Cô ấy có biết một ít Anh Ngữ can bản trong sách vỡ nhưng về giao tiếp thì that là kém ( chuyện này có thể thông cảm ) nhưng cách tư cách của một người có giáo dục và được lớn lên trong một môi trường thuộc thành phần khá giả ở VN hiện nay thôi thì thật tệ. Thứ Nhất vô phép tắt trong nhà đi không báo về không biết , sống chung một nhà mà không bao giờ quan tâm đến sự an sinh của nguoi trong một nhà, luôn để người khác phải phiền vì phải dọn vệ sinh và phần nói chuyện ồn ào qua điện thoại di động thì hết thuốc chữa. Ra đường cháu đã phải 2 lần tiếp police vì cách sử dụng phương tiện giao thông công cộng của cô này và chính cô cũng bị phạt vì đã có cảnh cáo rồi mà vẫn tái phạm. Luật lệ đã có mà cứ luôn muốn người ta giúp mình bằng cách luồn lách tránh luật người ta không giúp thì lại kêu là người ta không tốt không giúp thật chả biết nói sao. Từ đấy cháu sinh ra nghi ngờ chất lượng giáo duc ở VN hiện nay lắm. Đọc bài Sự Học Ở Ta của Thầy Giáo Làng cháu nghĩ cháu cũng chỉ được các Thầy Giáo Làng giáo huấn cho một vài bài học công dân giáo dục ở bậc tiểu học đầu đời mà mãi tận đến ngày hôm nay bôn ba trôi dạt xứ người cháu vẫn ngẩng cao đầu hanh diện cháu là người VN mà là một công dân lương thiện và có trách nhiệm với quê hương đã cưu mang lúc mình lưu lạc.

  2. Em cũng gần hoàn cảnh như vậy thầy ạ. Có cảm tưởng học sinh VN rất thiếu tự tin lại hay mặc cảm tự tôn quá đáng, hay ỹ lại và khả năng thích nghi môi trường mới rất kém, nhưng quan trọng nhất là hay nối dối, khg dám nhận lỗi. Nói ra thì giận nhau, nhưng nhiều khi rất bực (cảm giác như gánh nợ vậy). Không nói về mặt CT, nhưng về nhiều mặt quan điểm sống rất khác. 1 thí dụ nhỏ, em nói về chuyện “cò” ở VN, cò bệnh viện, có giáo dục, cò luật pháp, cò nhà đất, v.v…em rất ghét (khinh bĩ) tất cả các loài ấy, nhưng đứa cháu lại bênh, nói là nhờ có “cò” nên mọi chuyện mới dể dàng, hết biết. Không hiểu nếu không có tiền chạy “cò” thi sao? Chính các loại cò đó làm luật pháp, văn hóa, XH đảo lộn. Em nghĩ, nếu mình ở trong nước, mình cũng sẽ có những suy nghĩ, hành động hệt như vậy, nay sống ở nước ngoài (gần 30 năm) nhìn lai, so sánh, thấy mình may mắn hơn (nên ráng chịu đựng nó

  3. Ta cũng muốn êm lời, nhưng gặp việc nghĩa mà không làm, biết Chơn Lý mà không nói thì phải sống với đồng loại hay sống với chim muông !

    Khổng phu tử

    Bây giờ còn mấy ai với sự giáo dục mì ăn liền và sống vội

    Kính bác

  4. Em hồi bé cũng được dạy là người Việt ta có truyền thống hiếu học, truyền thống nhân nghĩa “thương người như thể thương thân”, rồi người Tràng An thanh lịch… Sống và làm việc mới được mấy năm ở HN (đầu những năm 90)đã thấy đó chỉ là cách người Việt “tự sướng”.
    Chuyện này các nhà văn hóa đã nói thời Pháp thuộc. Nhưng em đã không được đọc mà lại chỉ nghe nói xấu về họ (Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi…)
    Sau này mới biết.

  5. Giáo dục là vấn đề quan trọng hàng đầu trong mọi xã hội văn minh, văn hoá. Đào tạo, trang bị một thế hệ kế tiếp tốt đẹp hơn. Trong hỗn loạn, chao đảo của xã hội hôm nay, điều căn bản này có lẽ bị quên lãng, vùi dập. Tiếng kêu của người thiết tha quan tâm đến tình trạng bất định hướng này hình như vô vọng. Rồi sẽ đi đến đâu, nền giáo dục nước nhà ?

  6. Đi dạy ở các trường ĐH tư thục, thấy SV phần lớn vừa lười biếng, vừa cẩu thả, và nhìn chung là dốt.
    Chả hiểu truyền thống hiếu học ở đâu.

  7. Đúng, hồi bé nghe và đọc những chuyện kiểu thế này em cũng có những phản biện trong đầu…hi hì

  8. He he..vậy mà học trò thời nay cũng vài người thành đạt đã và đang giữ nhiều trọng trách quốc gia đó cụ ạh ! Mấy bận đọc báo thấy như ông TĐQ ô VĐH đấy ạh !

Trả lời Vũ Xuân Túc Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here