Những năm ấy, đi học và nghỉ hè là hai trạng thái hoàn toàn khác nhau. Sau ngày bế giảng năm học trước, học sinh chia tay với mái trường, với thầy cô . Bè bạn cũng chỉ có những người ở gần nhà hoặc chơi thân còn thường xuyên gặp gỡ, bạn trong lớp nhiều người suốt ba tháng hè không nhìn thấy nhau: các bạn ở ngoại thành đã đành mà ngay bạn bè trong thành phố cũng thế vì lúc ấy, ngay trong một lớp, bè bạn cũng rải rác khắp nơi, mà đi lại phần lớn đều đi bộ.

      Nghỉ hè lúc ấy, việc học tập của từng học sinh hoàn toàn do gia đình lo liệu. Học sinh con nhà nghèo thì hầu như chẳng ngó ngàng gì đến sách vở, vì nghỉ hè đúng vào dịp công việc nhà nông khá bận rộn: gặt lúa chiêm, rồi sau đó chuẩn bị làm vụ mùa. Còn ở thành phố, con nhà nghèo thì tùy lứa tuổi, sức vóc  mà chọn công việc cho phù hợp để đỡ đần cha mẹ, chuẩn bị tiền mua sách vở cho năm học mới. Còn bé thì bán kem, bán báo, làm hàng gia công, …, lớn hơn một chút thì đi làm phụ nề hay những công việc cần sức khỏe. Nhiều người con nhà khá giả cũng tham gia vì cảm thấy được tự lập, thể hiện được nghị lực, ý chí ở tuổi mới lớn. Còn nhớ hè năm 1960, một số học sinh Hà Nội đi “đào mả Tây” kiếm tiền. Vốn khu tập thể trên  phố Nguyễn Công Trứ bây giờ là cái nghĩa địa chôn cất lính Tây chết trận. Năm ấy người Pháp đưa hài cốt lính Tây về nước, họ thuê đào, chỉ đào thôi, còn sau đó có người lo những việc tiếp theo. Bọn tôi vừa học xong lớp 8 (tương đương lớp 10 bây giờ), rủ nhau tới nhận việc. Cứ mỗi ngày  hai hoặc ba đứa nhận một mộ, đào xong thì về, tiền công 5 đồng chia nhau. Năm sau đi làm phụ công trường xây dựng, tiền công một ngày một đồng ba hào bảy (1 đ 37). Trong khi, theo cái cách lấy phở làm “bản vị” của tôi thì những năm đó 3 đến 4 hào một bát phở. Có năm, đoàn thanh niên tổ chức đi lao động thu hoạch dứa cho nông trường Đồng Giao (Ninh Bình). Chẳng thấy ai nói tới kỹ năng sống với trải nghiệm nọ kia, nhưng sau mỗi vụ hè, đứa nào cũng thấy mình lớn lên không phải chỉ thể xác.

      Còn chuyện học thì chủ yếu của mấy người phải thi lại và hè năm chuẩn bị bước vào lớp 10 (cuối cấp), mới có một số xem trước sách giáo khoa.

Nhưng dù làm ở đâu, khoảng cuối tháng 8 là chúng tôi đều nghỉ. Một số bớt chút tiền kiếm được rủ nhau đi chơi. Nơi vui chơi, du lịch khi ấy chưa nhiều nhưng Bãi Cháy hay Sầm Sơn, Ba Vì hay Tam Đảo đều là những điểm đến vô cùng thú vị. Thú vị vì được mở mang tầm mắt, thú vị vì mình hưởng thụ bằng chính những đồng tiền do mồ hôi đã đổ dưới cái nắng lửa của ngày hè.

     Việc chuẩn bị cho năm học mới thông thường nhất là mua sắm sách vở. Những năm trước chiến tranh phá hoại (1965), mọi thứ chưa được đầy đủ, phong phú như ngày nay nhưng cũng không đến nỗi thiếu thốn.

     Với những nhà đông con đi học, cha mẹ đã phải có kế hoạch dành dụm từ trước. Những năm ấy, hầu như chưa có loại vở đóng sẵn, giấy ô li cho học sinh tiểu học cũng chưa có nơi nào sản xuất. Chỉ có hai loại giấy tập, mỗi tập gồm 20 tờ, mỗi tờ là 4 trang vở. Một loại “năm hào hai” (0 đ 52), giấy khổ rộng và  một loại “ba hào sáu” (0 đ 36) khổ hẹp hơn, cả hai đều có dòng kẻ ngang. Bìa thì chung một loại khổ rộng như tờ giấy vẽ (croquis), mua về rọc ra làm bìa cho nhiều cuốn vở. Những ngày đi mua giấy vở, bút mực, … rồi về đóng bằng kim chỉ, bọc (bằng báo cũ, ai có họa báo mà bọc thì “sang lắm”), rồi làm nhãn vở,  rồi lọc lại các cuốn vở cũ lấy giấy trắng còn lại, những tờ còn trắng một mặt dùng làm nháp, những tờ còn trắng cả hai mặt dùng làm giấy kiểm tra, .. như những công việc có tính chất khởi động bước vào năm học mới. Trai cũng như gái, ai cũng chăm chút cho những cuốn vở của mình và khiếu thẩm mỹ được hình thành và nâng dần từ những công việc tưởng chừng đơn giản này. Chỉ nhìn những cuốn vở, cái nhãn dán bên ngoài có thể đánh giá phần nào chủ nhân của nó. Dần dần, cái thú vui chơi, bát phố “loãng” đi, cái niềm hứng khởi với sách vở, học hành trở lại.

Trước ngày khai giảng, chúng tôi cũng chỉ phải tới trường một vài buổi, để xếp lớp với học sinh phải lưu ban, sắp xếp lại các tổ học tập cho hợp lý và quan trọng nhất là chép Thời khóa biểu chờ ngày gặp lại các thầy cũ và đón các thầy mới. Gặp nhau là trò chuyện râm ran, ai cũng thấy bè bạn lớn hẳn lên. giọng nói cũng khác đi  sau những ngày hè xa cách.

     Khai giảng thường vào ngày 20 tháng 9. Lúc này ăn Tết độc lập,  vui Tết Trung thu cũng đã xong. Những năm ấy, số lượng học sinh chưa nhiều, sự chú ý của xã hội với ngày khai giảng chưa lớn, nhưng không khí hồ hởi của đèn hoa rực rỡ ngày Quốc khánh chưa phai; những sắc màu của các loại đèn đủ loại, vị  đậm đà của bánh nướng bánh dẻo trong Tết Trung thu còn vương vấn khiến ngày Khai giảng như nối dài niềm vui trong cả tháng 9. Cái cảm giác được nghỉ ngơi đã bão hòa. Ai cũng chờ đợi ngày Khai giảng để gặp Thầy, gặp bạn cũ, để sẻ chia giãi bày những chứa chất trong lòng sau 3 tháng nghỉ, để bước vào năm học mới với bao khao khát hiểu biết ở phía trước. 

       Chưa có đồng phục, cờ hoa cũng thưa vắng, chẳng có những buổi tập để trình diễn theo những kịch bản nhàm chán đã định sẵn, không có những diễn văn chúc tụng, chào mừng rỗng tuếch, những lời hứa hẹn cũng không đậm đà khuôn sáo như ngày nay, nhưng cảm giác hồ hởi đón chào năm học mới của chúng tôi ngày ấy là có thật.

Đơn giản vì đó là ngày học sinh tựu trường, là ngày gặp gỡ hồn nhiên của bè bạn, là ngày cuộc đời mỗi người học trò chính thức bước sang một trang mới, chuẩn bị  viết những dòng chữ đầu tiên trên cuốn vở trắng tinh với biết bao dự định và ước muốn cháy bỏng  chứ không phải ngày lễ phù phiếm để phô diễn bao điều giả dối trước các cấp trên của những người lớn đầy toan tính.. 

7 BÌNH LUẬN

  1. Ơ Bang Hawai (Mỹ)kỳ nghỉ hè trùng với mùa thu hoạch Càphê.Học sinh đi hái càphê được trả lương theo sản phâm.Trước Chính quyền Bang thuê công nhân Puerto Rico phài lo tiền máy bay ,chỗ ăn ,ở ,ngôn ngữ bất dồng ,say sưa đánh nhau.Khen người Mỹ thực dụng.
    Họ bắt chươc người Việt Nam ta đó.Năm 1908 ở Quảng Nam cụ Phan Chu Trinh d62 xuât:khi bắt đầu làm mùa,thày trò nghỉ về cày bứa,xong nhập trường ,đến mùa vê nhà găt đập ,phơi,xong hoc tiêp.Mong sao kỳ nghỉ học sinh cung lao động giup cha mẹ

  2. Thầy ơi,ngày xưa không có cờ hoa chào đón năm học mới nhưng học trò ai cũng mong tới ngày khai giảng sau ba tháng nghỉ hè dài đằng đẵng.được gặp lại Thầy Cô được thấy lại bạn bè,biết bao điều muốn nói.Những ngày này thật tuyệt.Bao giờ cho đến ngày xưa…

  3. Songviet Luu Người ta làm giả ngày khai giảng từ lâu rồi nên không còn cái không khí và cảm giác ấy nữa thầy ôi….trước khai giảng 1 vài ngày người ta cho hoặc bắt học sinh tập khai giảng…đây là bệnh hình thức và giả dối phụ huynh học sinh rất bất đồng với cách làm này…chưa nói đến chuyện học trước khai giảng sau…

  4. Khai giảng ngày nay,, tất cả chỉ là trò diễn. thích khoe trương với câp trên thôi mà.., bởi các cháu đâu có biết các ông quan chức nói gì, chúc gì đâu ? Khổ các cháu thôi.. ngày trước đâu có vậy; mà ngày nay các thầy cứ bày vẽ ra mãi thế. Năm 2015 tôi có dịp đi sang nước CH Séc thăm con, thăm cháu, lại có dịp được dự lễ khai giảng của các cháu. Tôi thấy họ tổ chức rất hay, rất trang trọng mà đơn giản nhưng mang đầy ý nghĩa với các cháu học sinh và các bậc phụ huynh khi đưa con, cháu mình tới dự lễ Khai giảng năm học mới.

  5. Từ nhỏ, học sinh của chúng ta đã được tắm trong những không gian lễ hội. Vì CM là “những ngày hội lớn” mà. Chả trách …

  6. Những năm ấy nghỉ hè hoàn toàn 3 tháng k có học thêm gì cả. Trước khai giảng vài ngày chuẩn bị bọc sách vở ,bút và dụng cụ học tập cá nhân để đến 5/9 đến trường khai giảng song vào học luôn.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here