Trên các phương tiện truyền thông hiện nay (cả lề trái lẫn lề phải), ba đối tượng thường bị kêu ca, thậm chí lên án  nhiều nhất là cảnh sát giao thông, giáo viên và các nhân viên y tế. Chắc chắn đây không phải là các đối tượng tệ hại nhất, đáng lên án nhất trong số những người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước, sống nhờ tiền thuế của dân.

    Chẳng qua, những nguời làm các nghề ấy đang có tác động, ảnh hưởng tới một số lượng người quá lớn trong đời sống. Không mấy ai hàng ngày không tham gia lưu thông trên đường; chắc chắn mọi gia đình đều có con hoặc cháu đang ở độ tuổi đi học; và tình trạng quá tải, hai ba, bốn bệnh nhân nằm một giường bệnh, thậm chí nằm cả dưới gậm giường trong các bệnh viện hiện nay chứng tỏ  rất nhiều gia đình đang có người thân phải tới khám bệnh hoặc điều trị tại các bệnh viện. Còn những ngành nghề khác, từ tòa án, kiểm sát mang biểu tượng “cán cân công lý”, ngành thuế vụ vừa nêu một trong những mục tiêu phấn đấu là liêm khiết mà không biết bao nhiêu phần trăm số thu được nộp vào công quỹ, ngành nhà đất với quyền sinh sát trong chuyện cấp sổ đỏ, sổ hồng, ngành nội vụ với những cuộc thi tuyển công chức đầy mờ ám; …đố ai tìm được ngành nào là trong sạch trong bộ máy công quyền ở nước ta hiện nay. Thật dễ hiểu, vì một khi còn có những nguời lãnh đạo không dám ném  con chuột tham nhũng vì sợ vỡ cái bình (chẳng biết cái bình quý hóa tới mức nào?); còn có những nguời lo kỷ luật, cách chức những kẻ chuyên bòn rút của dân sẽ “không lấy ai làm việc”… thì những hiện tượng chỉ là cá biệt trong một xã hội văn minh sẽ vẫn là “chuyện thường ngày ở huyện” khắp mọi nơi trên mảnh đất Việt Nam này.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, những “tai ương chướng họa” mà mọi người phải gánh chịu  nhiều khi chính không phải chỉ do những nguyên nhân khách quan. Không có điều kiện am hiểu hai ngành cảnh sát giao thong và y tế, chỉ xin nói tới ngành giáo dục.

“Tội” phổ biến nhất của giáo viên là bắt học trò học thêm. Nhưng nhiều khi, mọi người không hiểu việc “học thêm” là nhu cầu chính đáng có thật từ bao đời nay của học trò. Và trong khi đồng lương chưa đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho giáo viên và gia đình họ, thì tăng thêm thu nhập bằng cách dạy thêm tôi nghĩ là cách hợp lý, vừa sử dụng ngay cái vốn sẵn có (về tri thức và nghiệp vụ) của nguời thầy vừa đáp ứng được nhu cầu chính đáng của không ít học sinh. Điều đáng lên án một cách nghiêm khắc hiện nay không phải là việc dạy thêm mà phải chỉ “đích danh thủ phạm” là chiêu trò “trấn lột” học trò mạo danh “dạy thêm” của một số nguời mang danh “thầy cô”. Đó là những kẻ lạm dụng chức trách được Nhà nước trao cho, lợi dụng quyền ra đề kiểm tra, đề thi, quyền cho điểm, cho lên lớp để buộc học trò nộp tiền dưới hình thức “học thêm”. Để giải quyết tai nạn này chắc phải cần đến bộ luật hình sự.

Nhưng quả thật, để cho những kẻ bất lương ấy có thể “tự tung tự tác” có phần trách nhiệm của học sinh và cha mẹ họ. Tôi chắc chắn nếu công khai phản đối, để chút ít thời gian thu thập các chứng cứ và tố cáo với những nguời có trách nhiệm, từ dưới lên trên, những hiện tượng này không dám hy vọng sẽ hoàn toàn chấm dứt nhưng chắc sẽ được hạn chế tới mức thấp nhất. Khổ nỗi, hình như ai cũng sợ các cậu, các cô “quý tử” của mình bị trả đũa (nỗi sợ nhiều khi khá mơ hồ) mà đành “bồ hòn làm ngọt” cam chịu để rồi có dịp là trút hết nỗi niềm cho nguôi ngoai. Làm nghề dạy học, tôi không phủ nhận trong mỗi trường đều có những nguời như thế, nhưng chính sự né tránh của các nạn nhân đã làm con số này ngày càng phát triển và con số nạn nhân ngày tăng thêm.

Ngoài ra, còn phải kể tới những phụ huynh cố tình “đề nghị thầy cô giáo dạy thêm” ngay từ buổi họp phụ huynh đầu tiên, tự đề xuất những đóng góp chỉ có rất ít nguời “tự nguyện” chẳng biết để làm gì khiến cho phần lớn phụ huynh “ấm ức”. Có chăng trong những trường hợp này, các phụ huynh nên tự trách nhau và trách mình vì cũng do nỗi sợ khá mơ hồ kia, chẳng có ai dám lên tiếng phản đối mà cứ đành “bằng mặt mà không bằng lòng”.

Rồi chuyện “quá tải” trong chương trình học. Đúng là chương trình có nhiều phần kiến thức quá hàn lâm, xa thực tiễn khiến con cháu chúng ta khổ sở mà chẳng có ích gì cho cuộc sống sau này. Nhưng nhiều khi sự “quá tải” chính là do bản thân các vị phụ huynh tạo nên. Sức học của con em có hạn, việc học lên không phù hợp vì ngay chuyện tiếp thu những kiến thức bình thường cũng khó khăn, nhưng cha mẹ lại có tham vọng cho con em phải có tấm bằng “danh giá” cho khỏi hổ thẹn với xóm giềng bè bạn khiến chính họ đã đẩy con em mình vào những nỗi khổ bất tận, qua hết lớp học thêm này tới lớp luyện thi khác mà cuối cùng “chữ thầy lại trả thầy”. Cái hại không kém việc “tiền mất” là  “tật mang”, một khi đuổi theo “ảo mộng”, cái tuổi tốt nhất để tiếp thu tri thức, để luyện tay nghề đã qua mau, những thói quen xấu, những chứng tật có hại bị tiêm nhiễm do “nhàn cư vi bất thiện” rất khó từ bỏ khiến cuộc đời của nhiều chàng trai cô gái trở nên vô vọng, cha mẹ họ đành ngậm ngùi tự an ủi chờ ngày “trăng đến rằm trăng tròn”.

Trong 3.254 câu của Truyện Kiều, Nguyễn  Du đã mang tới cho nguời đọc bao triết lý sâu xa, bao đoạn miêu tả cảnh vật, tâm lý sắc sảo, bao vẻ đẹp diệu kỳ của ngôn ngữ, hình ảnh, … Nhưng dù đọc đã nhiều lần, tôi vẫn tâm đắc với lời của Kim Trọng trong buổi đoàn viên (1):  “Mà trong lẽ phải có nguời có ta”.

Các bậc làm cha mẹ đang là nạn nhân của nền giáo dục Việt Nam hãy ngẫm nghĩ câu thơ này để rút được một bài học bổ ích.

Và lời chàng Kim cũng không chỉ khiến ta nghĩ riêng những chuyện  về giáo dục.

(1) Ban đầu, tôi nhầm đây là câu nói tâm trạng của Kiều khi bị Hoạn Thư đánh ghen. Nhờ bạn Minh Lam “dọn vườn”, xin sửa lại và thành thật xin lỗi các bạn. Rất cám ơn bạn Minh Lam.

 

10 BÌNH LUẬN

  1. Hình như bác giáo nhớ sai rồi
    Câu đó là của Kim nói khi tái hợp Kiều
    “Chàng rằng khéo nói nên lời
    Mà trong lẽ phải có người có ta
    Xưa nay trong đạo đàn bà
    …………………..”
    đến nỗi cụ Yên Đỗ hạ câu kết là:
    “Khăng khăng xin vớt một phần đuôi”

  2. “Yêu người ta như mình ta vậy” “Đừng làm những gì mình không thích cho người khác”. Mọi hành vi cử chỉ phải tôn trọng những người xung quanh không (không gây phiền). Cứ gần Tết thấy người ta đi lại nháo nhào, lao ào ào vào mặt nhau (không đâm nhưng không nhường đường) là biết Giáo Dục Văn Hóa ta ở đâu.

  3. Bác viết rất chuẩn. Nhưng Em vẫn nhưng thế này. Công việc giáo dục thì được nhận xét là phù hợp hay không phù hợp xu thế thời đại (tạm gọi là đúng, sai) và được thay đổi bằng mệnh lệnh hành chính (bao gồm tất cả các Ban hành của hệ thống hành chính có thể). Hưởng ứng của nhân dân thì phù hợp hay không phù hợp với mỗi cá nhân người học (toàn bộ người học và thân nhân quản học được gọi là nhân dân – Trong trường hợp này). Dễ thấy phải tạo được xu thế thời đại phù hợp mới mong có được sự điều chỉnh phù hợp phù hợp với xu thế ấy của đại đa số người học.
    Lại nữa Em xin có một câu viết không phải như này : “Tội” phổ biến nhất của giáo viên là bắt học trò học thêm. Nhưng tội phổ biến trước đó là dạy không đủ khối lượng bài học vì lợi dụng chương trình đang quá tải.
    Kính Bác nhiều. Chúc Bác một năm mới mạnh khoẻ, bình an, viết nhiều.

  4. Bài viết đúng với tâm trạng của em, em đi họp phụ huynh cho con (lớp 1), chỉ một mình em có “ý kiến khác”, còn lại giơ tay biểu quyết hết, chán, thế nhưng ra ngoài khỏi cuộc họp thì nhiều phụ huynh nói “đóng góp nhiều quá”, té xỉu.
    Viết lên đây, chỉ tiếc không có nhiều người đọc, vì không phải ai cũng biết trang này, với lại nhiều người dân không có điều kiện để lên mạng (nhất là vùng núi Đắk Nông quê em).

  5. Khổ thân nhà giáo . Không dạy thêm thì không sống được với đồng lương, mà dạy thêm thì coi như làm dịch vụ, phải chiều lòng khách hàng, không dạy trước trong hè thì ai cho con theo học . Đi dây giữa đạo đức nghề nghiệp và thu nhập thêm thật khó . Còn những người bất chấp đạo lý để ép học trò học thêm là những con sâu làm rầu nồi canh, điệp khúc lên án dạy thêm, nói hoài, nhưng chưa bao giờ nghe thấy nêu danh cụ thể, bắt quả tang con sâu nào cả, thế mới khổ .

  6. Hi admin, i must say you have high quality content here.
    Your website should go viral. You need initial traffic
    only. How to get it? Search for: Mertiso’s tips go viral

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here