Nói chuyện  Hàn Quốc thời gian này không thể không nói tới hoa anh đào. Mùa xuân là mùa của hoa anh đào, vì thế dịp này, lượng khách tham gia các tour du lịch đi Nhật Bản và Hàn Quốc bỗng tăng vọt. Khách du lịch Việt Nam nhanh chóng nhận ra có thể thưởng ngoạn vẻ đẹp của hoa anh đào cũng như mùa thu lá đỏ cả hai nước ở hai mùa khác nhau, đều có thể cùng thỏa  mãn lòng tha thiết với vẻ đẹp thiên nhiên của xứ lạnh.

Mùa đông ở Hàn Quốc khá dài, sang tới gần giữa tháng 4 nhưng vẫn có những ngày nhiệt độ chỉ trên 0 độ chút ít. Tuy thế, hoa anh đào nở khắp nơi: trên đường phố, trong các công viên, quanh những hồ lớn, …. Ngay phía sau ngôi  làng cổ Bukchon giữa thủ đô Xơ-un cũng là bạt ngàn hoa anh đào. Gần xa, dưới thấp trên cao, … đâu đâu cũng thấy anh đào đua nở. Ở Việt Nam, nghe nói tới hoa anh đào, tôi cũng cảm thấy háo hức. Vào mùa này, ngay thủ đô Hà Nội mấy năm gần đây vẫn có những ngày hội hoa anh đào, những cây anh đào được đưa từ Nhật Bản sang với biết bao công phu, thật là  “nâng như nâng trứng, …”. Nhưng dù có  đam mê đến mấy, tôi cũng chẳng bao giờ dám lai vãng tới  những ngày hội ấy vì sợ “chẳng phải đầu lại phải tai”. Những sự chen vai thích cánh, thậm chí giẫm đạp và biết bao những hành vi vô văn hóa luốn trở thành nỗi đe dọa mà tôi không bao giờ dám coi thường. Mới đặt chân lên đất Xơ-un, mọi người đã náo nức ngắm nhìn, thi nhau chụp ảnh ở rất nhiều góc độ khác nhau để ghi lại những vẻ đẹp lần đầu tiên được chiêm ngưỡng. Nhưng quả thật, cái quy luật của cuộc sống “nhiều quá hóa nhàm” không kiêng dè bất kỳ đối tượng nào. Chỉ qua ngày thứ hai, hình ảnh những cây anh đào giữa công viên hay trên những triền đồi cũng không còn đủ sức hấp dẫn mọi du khách. Một màu trắng đơn điệu kéo dài triền miên, khắp mọi nơi và chỉ cần qua thời khắc rực rỡ, anh đào trở nên  “hoa tàn nhị rữa” chẳng còn gì là vẻ đẹp,  nhất là những hôm trời mưa, những cánh hoa lìa cành rơi trên mặt đất tạo nên một thứ nhớp nháp chắc không thể làm hài lòng những người dễ tính nhất.  Một người Việt Nam ở Xơ-un giải thích với tôi: Muốn thấy vẻ đẹp của hoa anh đào, thấy được sự hấp dẫn của nó, cần phải sống ở đây. Sau những ngày dài sống giữa băng tuyết trắng xóa của mùa đông, khi thấy những cánh hoa anh đào hé nụ, rồi đua nhau nở rộ khắp nơi,  người ta mới cảm thấy thiên nhiên như hồi sinh, thấy sức sống của con người trỗi dậy. Nghĩa là người ta ca ngợi hoa anh đào một phần vì vẻ đẹp của nó, và nhiều phần là ở cái ý nghĩa biểu tượng nó mang tới mà chắc chắn những người ở phương xa khó có thể cảm nhận..

Không hiểu vì sao người ta lại có ý tưởng nhập hoa anh đào từ Nhật Bản hay Hàn Quốc về trồng ở Việt Nam. Trước hết, Việt Nam ta đâu thiếu các loài hoa đẹp. Chỉ nói riêng hoa đào, ta cũng có nhiều loại phong phú sắc màu. Mùa xuân năm 2006, trên đường từ Lạng Sơn về Thái Nguyên theo tuyến đường 1B, xe máy của tôi đã như bơi trên một dòng sông hoa đào từ cầu Khánh Khê, qua Đình Lập, Bắc Sơn…. Hai bên đường, nhà nào cũng có một vườn đào trước cửa. Mùa xuân, hoa đào đua nở, một màu hồng rực rỡ bao phủ khắp cảnh vật khiến núi rừng hoang vu tràn ngập sắc Xuân. Sao người ta không quy hoạch trồng đào trên các đường phố (như đường Bắc Sơn), trồng đào trong các vườn hoa, công viên hay các bờ bãi vùng Nhật Tân, Phú Thượng? Thay vì tỉa cành, tuốt lá để có những cành đào nở hoa đúng dịp Tết âm lịch, hãy để những cây đào phát triển tự nhiên, dần trở thành cổ thụ và trổ hoa vào dịp tháng 3, tháng 4 hàng năm. Mức độ chi phí chắc chắn ít tốn kém hơn và vẻ đẹp chắc không kém gì hoa anh đào nhập khẩu.

Xứ nhiệt đới của ta còn rất nhiều loại hoa khác: hoa sưa, hoa ban của mùa xuân, hoa phượng, hoa bằng lăng, … mùa hè…

Hy vọng để thưởng hoa mỗi khi Xuân về, người Việt Nam ta khỏi phải tốn tiền đi Hàn Quốc hay Nhật Bản.

3 BÌNH LUẬN

  1. Cháu cũng nghĩ như chú, sao cứ phải đua đòi theo ngoại, trong khi VN mình rất nhiều loài hoa đẹp.

  2. Đường Hoàng Diệu có 1 tí hoa ban đã đẹp lắm rồi. Nếu quy hoạch trồng được đào, mơ, mận thì thật tuyệt.

  3. Bài này giọng văn lành hẳn.Nhưng xem kỹ thì nó lại đá với các bài trên.Giá bài nào cũng đấu tranh cho cái bản vị Việt mình thì nhà giáo đúng là nhà giáo.Nhưng không đi Hàn thì làm sao tổng kết được nước Hàn thơm đến thế?Không trông hoa anh đào sao hội nhập được với văn minh thế giới.Ôi cái chữ nghĩa mới khó làm sao.Chỉ đông mà đánh tây.(Anh giáo sợ hẳn rồi,không vào xem nữa ngứa lắm)(phần thêm)

Trả lời Sóc và Chép Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here