Hơn nửa thế kỷ trước, nội thành Hà Nội  còn rất nhỏ. Về phía bắc, qua cầu Long Biên đã thuộc huyện Gia Lâm; về phía nam, chợ Mơ  là điểm cuối cùng, còn về phía tây, nội thành chấm dứt ở cuối phố Kim Mã cũ (giới hạn bởi  phố Núi Trúc ngày nay), mạn Hà Đông thì nội thành kết thúc ở Ngã Tư Sở. Ngay các khu Phúc Tân, Phúc Xá, An Dương chỉ cách khu phố cổ một triền đê cũng được coi là ngoại ô, toàn nhà tranh vách nứa, đường đi lối lại đều là đường đất, nhà nhà được ngăn cách bởi hàng rào cúc tần, râm bụt hay rào bằng tre nứa. Mỗi khi đêm xuống, tất cả tối đen chẳng khác gì làng quê.

Ở nội thành, chính quyền cũ đã xây dựng một đô thị tương đối hiện đại. Nội thành có điện và nước máy, vì thế, chỉ những nhà ở nội thành mới có điện thắp sáng (phần lớn là loại bóng đèn tròn, những gia đình có đèn “nê-ông” (đèn tuýp) ở phòng khách đã được coi là sang trọng.) Quạt máy (quạt trần hay quạt bàn) và radio là những đồ dùng hiếm có. Đường phố trải nhựa phẳng phiu, gần ngã tư, có những hàng đinh sáng loáng đánh dấu đường cho nguời đi bộ và giới hạn dừng xe theo sự điều khiển của cảnh sát. Rải rác khắp nơi là những vườn hoa, công viên luôn sạch sẽ với những ghế đá, ghế sắt có lưng tựa. Từ sau 1954 (giải phóng Thủ đô), các vườn hoa lớn đều có loa công cộng tiếp âm Đài Tiếng nói Việt Nam. Tối thứ 7 nhất là vào mùa hè, nguời ngồi đông nghịt trên bãi cỏ, trên những tấm chiếu lắng nghe câu chuyện cảnh giác và tiết mục sân khấu truyền thanh.

          Mạn Cầu Giấy, cách trung tâm (Bưu điện Bờ Hồ) chưa đầy 3 cây số đã là vùng ngoại ô, nhà cửa thưa thớt, chẳng khác gì vùng nông thôn xa xôi. Từ bến xe Kim Mã trở ra đều chỉ có nhà gạch một tầng, lợp ngói. Ngay rạp chiếu bóng  Kim Mã cũng không khá hơn, rạp  có khoảng hơn trăm chỗ ngồi (chỉ  phần hạng nhất là ghế đơn, có lưng tựa, còn loại ít tiền ngồi gần màn ảnh đều là loại ghế “băng” như của học sinh trong các trường học thời ấy. Từ đó về Cầu Giấy, suốt hơn 2 cây số cũng chỉ có vài ngôi nhà. Bến xe điện tạo nên ở Cầu Giấy một con phố nhỏ chừng dăm chục mét, có vài ba ngôi nhà gạch, lợp ngói, còn toàn nhà tranh. Quán ăn duy nhất của bà Trại cũng là nhà lá, bán cháo lòng tiết canh và vài loại bún bánh thông thường chứ chưa có phở, một loại quà sang trọng chỉ có “trong phố” (từ thường dùng chỉ khu vực nội thành lúc ấy.)

      Từ Cầu Giấy vào nội thành có một con đường nhựa, chiều rộng khoảng một phần ba của một làn đường hiện nay. Gọi là đường nhựa nhưng phần nhựa cũng đã bong tróc nhiều theo thời gian, bên tay phải có đường xe điện. Bên trái đường là các ao, đầm lớn chạy dài, nối tiếp nhau, ban đầu còn để hoang cho bèo tây làm chủ, mãi tới cuối những năm 60 mới được thả rau muống, còn lề đường chẳng có cây cối gì ngoài một cây đa cổ thụ, dưới gốc có một quán nước chè (tươi) khoảng chỗ bãi đỗ xe Ngọc Khánh bây giờ dành cho khách bộ hành.

    Năm ấy tôi học lớp 7 (tương đương lớp 9 ngày nay). Hết học kỳ1, sắp đến Tết, thấy nhà trường tổ chức Tết trồng cây hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ (theo cách gọi quen thuộc khi ấy). Nhờ lời kêu gọi này, nhiều con đường ở ngoại thành Hà Nội mới được trồng cây xanh. (Trước đây, chính quyền chỉ tổ chức trồng và quản lý cây trên các đường phố và công viên, vườn hoa ở nội thành). Học sinh Hà Nội hưởng ứng  tham gia trồng cây ở đường Thanh Niên (đường Cổ Ngư sau khi cải tạo), công viên Thống Nhất, và các con đường dẫn ra ngoại ô vào buổi sáng các ngày Chủ nhật. Thế là sau vài năm, các đường từ Cầu Giấy vào Kim Mã, từ Cầu Giấy qua Ngã Tư Sở tới Ngã Tư Vọng (đường Láng và đường Trường Chinh hiện nay); từ Cầu Mới vào Hà Đông, … đều được trồng cây xanh hai bên (sau này, khi đường được cải tạo, mở rộng, một hàng cây đã bị hạ, hàng cây phía đối diện trở thành nằm giữa, ngăn cách hai làn đường). Phần lớn cây được trồng lúc ấy  là  xà cừ. Cây mới trồng nhỏ, chỉ lớn hơn chiếc đũa bếp, cao chưa quá đầu một học trò cấp 2 (chắc do thời gian chuẩn bị cây giống ngắn). Nhưng có lẽ vì trồng đúng vào mùa xuân, việc đánh cây giống và trồng cẩn thận nên số cây chết không nhiều. Học sinh, sinh viên chia nhau trồng, nhưng vườn ươm (tiền thân của Công ty Công viên cây xanh ngày nay) chịu trách nhiệm chăm sóc nên cây nào chết được trồng bổ sung ngay.

Còn nhớ Chế Lan Viên trong những ngày ấy có viết một bài thơ động viên cho “Tết trồng cây”. Tên bài thơ thì quên, nhưng vẫn nhớ những câu thơ đầy chất lãng mạn của một thời:

Những làng xa cây nối lại thêm gần,

Trái chin đỏ gọi con trẻ về ăn.

….

Dưới bóng cây ta, những cặp tình nhân đêm đêm về tựa ngủ,

Tóc họ xõa còn thơm mùi nhựa gỗ.

     Và cũng từ những hàng cây ấy lớn lên, các cặp trai thanh gái lịch  Hà Nội dần hình thành thói quen lấy gốc cây làm nơi tình tự, để từ đó  có một sự lầm lẫn đáng yêu về tình cảm đối với cây của nguời Hà Nội: đêm nào cũng cử tận hai nguời ngồi bảo vệ một cây. Quả là sự quý mến  và  cẩn trọng hiếm có!

      Cái gian dối trong thi đua thời gian này chưa hoành hành nên rất nhiều các cuộc vận động, các phong trào đều thành công, mang lại lợi ích suốt thời gian dài về sau (những hàng cây còn tới ngày hôm nay là một minh chứng). Tiếc là chỉ dăm bảy năm sau, cái “Tết trồng cây” rất có ý nghĩa ấy đã trở thành hình thức để có chuyện:

Hoan hô các cụ trồng cây,

Mười cây chết chín một cây gật gù.

     Nhớ sau Tết năm ấy (1959), mỗi khi đi học, hai anh em đèo nhau bằng xe đạp từ Cầu Giấy ra Cửa Bắc (trường cấp 2 và cấp 3 Nguyễn  Trãi), thấy hàng cây tốt mơn mởn, đâm lộc mới bên đường rất  vui mắt. Một hôm, nguời anh con bác (hơn tôi ba bốn tuổi nhưng học cùng lớp, lớn và khỏe hơn nên thường nhận phần đạp xe) vừa thở hổn hển vừa mơ mộng:

– Khi nào bọn này lớn khoảng một nguời ôm thì tao với mày có xe ô tô đi không phải đạp xe nữa nhỉ!

     Học hết lớp 7, anh  thi vào trường Trung cấp sân khấu, khoa cải lương. Tốt nghiệp, anh được phân công về đoàn cải lương Vĩnh Phú. Đến thời kỳ “đổi mới”, video phát triển, chiếu bóng và các thể loại sân khấu đều ế khách, anh thất nghiệp rồi lưu lạc và mất ở phía trời Tây đã mấy năm. Ngay ở đất nước có mức sống vào loại cao ở châu Âu, hình như anh vẫn chỉ đi lại bằng xe buýt giống tôi bây giờ. Mỗi lần đi qua, nhìn hàng cây đã thành cổ thụ, tán lá xòe rộng, thân hai ba nguời ôm xù xì những u, những cục, những bướu… minh chứng tuổi tác đã hơn nửa thế kỷ, tôi lại ngậm ngùi nhớ tới chuyện hai anh em cùng đi học, nhớ tới giấc mơ hồn nhiên thời niên thiếu.

    Gần đây, để xây dựng những con đường mới (trong đó có  đường sắt trên cao), những cây xà cừ cổ thụ trên đường Láng, trên đường từ Cầu Giấy đi Kim Mã, trên đường Trường Chinh, … bị chặt hạ. Có dịp được tận mắt nhìn những chiếc cưa máy chạy ầm ầm với những tiếng rít chói tai cắt cành, cưa thân, … những máy xúc moi bật gốc tạo nên những cái hố sâu hoắm; nhìn những tấm hình trên các trang mạng,  gốc cây bị cắt phẳng lì như những chiếc mâm lớn, sao tránh khỏi xót xa, nuối tiếc. Tôi và biết bao bè bạn, những nguời đồng trang lứa với tôi đã đổ mồ hôi trồng cây ngày ấy,  đã chứng kiến chúng lớn lên qua biết bao năm tháng. Và chính những hàng cây ấy cũng đã dõi theo cuộc đời chúng tôi cùng với bao nguời suốt hơn nửa thế kỷ với  biết bao  buồn vui, sướng khổ,…

     Nhưng biết làm sao được, nếu muốn cuộc sống của mỗi chúng ta không giẫm chân tại chỗ, muốn đất nước của chúng ta theo kịp với các nước láng giềng, muốn con cháu chúng ta không hổ thẹn với bè bạn năm châu?

     Mỗi nguời, nhất là các bạn trẻ, cùng với nuối tiếc ngậm ngùi,  hãy trồng một cây xanh, tất nhiên đó phải là những cây giống lấy từ vườn ươm như chúng tôi đã trồng hơn nửa thế kỷ trước, những hàng cây bị chặt hạ sẽ được tái sinh góp vào cái màu xanh bất tận của đất nước.

     Đừng học đòi đua nhau trồng những cây cổ thụ để làm dáng, rồi chụp ảnh, đưa tin  chỉ để mua lấy tiếng cười.

 

4 BÌNH LUẬN

  1. độ 10 năm trở lại đây mới có chuyện trồng cây CỔ THỤ đấy chắc lãnh đạo định trồng xong thu hoạch ngay

  2. Ông Giao ơi, nếu có thể , ông hãy tập hợp lại những bài viết như thế này vào một cuốn sách đi. Tôi tin là mọi người sẽ rất hoan nghênh dấy.

  3. Câu kết bác rất nhẹ nhàng. Bệnh hình thức nó sinh sôi từ cái việc trồng cây – chụp ảnh đó

  4. “Và chính những hàng cây ấy cũng đã dõi theo cuộc đời chúng tôi cùng với bao nguời suốt hơn nửa thế kỷ với biết bao buồn vui, sướng khổ,…” dạ,tất cả trong chúng ta đều có cùng cảm giác biết ơn hàng cây như vậy. cảm ơn thầy luôn có nhiều bài viết cho chúng em được đọc và tự soi mình

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here