Nêu gương là phương pháp không thể thiếu trong giáo dục đạo đức. Nguời thầy tâm huyết với nghề, muốn làm tròn trách nhiệm, được học trò kính trọng  không thể  khuyên họ “làm theo điều tôi nói đừng làm theo việc  tôi làm”. Có lẽ đó chính là nguyên nhân để phần lớn những nguời đứng trên bục giảng đều có tư cách, sống có chừng mực, ít bị chê trách.

     Những nguời làm công tác tuyên giáo chắc thừa biết điều này nên trên các phương tiện truyền thông, nguời ta luôn thấy những tấm gương mới lạ ở mọi nơi, mọi lúc. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin,  những tấm gương ngày càng có tác dụng lan tỏa.

    Nhưng khổ nỗi những tấm gương được các cơ quan truyền thông “treo” lên để mọi người chiêm ngưỡng gần đây phần nhiều có tác dụng ngược. Không những chẳng có ai khâm phục, hâm mộ rồi học tập, ngược lại, nó trở thành đề tài cho bàn dân thiên hạ đàm tiếu, thậm chí lên án một cách nặng nề.

 

    Mùa xuân, một tờ báo nọ đưa tin đại biểu cho thế hệ trẻ tới thăm, chúc Tết, kết hợp xin những lời khuyên của các vị đã một thời có “quá khứ vàng son”. Việc ấy thật nên làm để tỏ cái ý “uống nước nhớ nguồn”. Nhưng thật đáng tiếc, những “lời châu ngọc” chưa được nghe, mắt đã chói lòa vì khung cảnh tư dinh của các vị sơn son thiếp vàng còn lộng lẫy hơn cung điện của vua chúa thời phong kiến. Nguời dân giờ đây chẳng ai còn  đặt câu hỏi “tiền của các vị lấy đâu ra?” (vì nguời ta đều đã rõ). Nhưng nguời ta hỏi: trong khi đất nước đang gặp muôn vàn khó khăn, vừa vài hôm trước, Nhà nước còn phải cấp hơn 13.000 tấn gạo cho dân đói gần 20 tỉnh trong cả nước (xưa gọi là “phát chẩn bần”), các vị luôn lớn tiếng “vì nước vì dân” mà sao điềm nhiên sống xa hoa trước đói nghèo của đồng loại? Các vị định nêu tấm gương gì cho bàn dân thiên hạ nhất là lớp trẻ cả nước?

     Xưa, thiên hạ của Hoàng đế, lầu vàng điện ngọc vua cha xây dựng dù có tốn kém rồi vua con, vua cháu vẫn đời đời thụ hưởng, có thêm thắt, sửa sang cũng chút đỉnh, gọi là, …Nay các vị theo nhiệm kỳ, nguời nhiều nhất cũng chỉ hai (nhiệm kỳ), nguời ít chỉ  có nửa (nhiệm kỳ). Thế mà ai cũng lầu son gác tía (chưa kể phần còn chưa tiết lộ), thậm chí đến ngay cái xứ  vẫn coi là “thâm sơn cùng cốc” (nay gọi là “vùng sâu vùng xa), “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, nhà của vua Mèo xưa chắc cũng chỉ xứng tầm căn nhà ngang trong cái tòa ngang dãy dọc của quan đầu tỉnh thử hỏi của cải chung đất nước còn được bao nhiêu cho hơn 90 triệu dân chung hưởng?

    Đây là cái gương gì vậy?

 

    “Mùa xuân là Tết trồng cây”. Phong  tục mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng hơn nửa thế kỷ trước đã trở thành một nét đẹp trong cuộc sống của dân ta mỗi độ Xuân về. Xem lại những đoạn phim, bức ảnh tư liệu, ai cũng thấy, những cây đa do Cụ Hồ trồng trước đây đều là loại cây nhỏ, chỉ nhiều nhất là vài năm tuổi. Đó là những cây non, cây giống lấy từ vườn ươm. Như vậy, việc trồng cây mới có ý nghĩa “nhân lên những mầm xanh”, triệu triệu nguời noi gương ấy, đất nước mai sau sẽ có thêm triệu triệu cây xanh; tương lai, chúng sẽ trở thành tài nguyên, làm giàu cho Tổ quốc.

    Nay các vị trồng cây, toàn loại cổ thụ, thân xù xì cả nguời ôm chứng tỏ tuổi tác đã vài chục, thân đã có thể xẻ gỗ đóng đồ dùng. Cây được đánh lên, vận chuyển công phu tới  đặt sẵn dưới cái hố đã đào trước  bằng máy xúc, đất đã lấp gần đầy quanh phải dựng mấy cái cột chống vì sợ đổ. Mỗi vị tay cầm cái xẻng, nở nụ cười duyên, hất vài xẻng đất, rồi cầm cái bình tưới đổ nước vào mấy cây cột chống (vì đứng xa cái gốc cây quá!). Tất cả được quay phim, chụp ảnh kèm theo tấm biển ghi đầy đủ họ tên chức vụ, đưa lên tivi, báo đài, … nói các vị nêu gương trồng cây thì không hiểu sự thật đúng được bao nhiêu phần trăm? Đó là loại gương gì? Chắc chắn đó là những tấm gương lãng phí. Lãng phí công của để làm cái việc chẳng có lợi ích gì ngoài việc mua lấy tiếng cười.

    Còn nhớ lần trồng cây cuối cùng của Cụ Hồ năm Kỷ Dậu (1969) trên đồi cây Yên Bồ (xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội). Năm ấy sức khỏe của Cụ đã kém. Nguời ta trải một tấm chiếu gần nơi trồng cây để Cụ ngồi nghỉ. Sau khi  tưới cây, Cụ bước tới, vén góc tấm chiếu lên rồi ngồi xuống vệ cỏ nghỉ ngơi trò chuyện với mọi người. Những nguời cùng đi phải vội  cho cuốn tấm chiếu cất đi rồi cùng ngồi trên sườn đồi. Nay việc trồng cây đã được “bài binh bố trận” thật chu đáo đến từng “xăng ti mét”, thậm chí phần đất không được bằng phẳng quanh gốc cây cũng được trải một tấm bạt để những nguời tới trồng cây khỏi lấm đất những đôi giày bóng lộn.

Thử hỏi, đó là những tấm gương gì?

 

     Tục “khai bút” vào mùa Xuân cũng đã có từ lâu với những nguời có đôi chút chữ nghĩa. Khai bút để ghi lại những “lời hay ý đẹp” khi mùa Xuân về. Tất nhiên không ít nguời “có chữ nghĩa” nhưng đầu Xuân không thể khai bút. Chuyện ấy cũng không có gì lạ vì văn chương nhiều khi không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của mỗi nguời. Thế mà nguời ta khai bút bằng cách để các vị “chức sắc” của ngành giáo dục, của Thủ đô ngồi cắm cúi tô lại những chữ đã viết mẫu chẳng khác gì trẻ con lớp 1, rồi chụp ảnh nêu gương bảo là để “động viên tinh thần” hiếu học. Giỏi ở chỗ, làm những điều vừa trẻ con, vừa giả dối, cả năm vị đều có bộ mặt cực kỳ nghiêm trang như đang chuẩn bị bước vào “trận đánh lớn”. Chẳng lẽ các vị không hiểu thế nào là “khai bút”? Chẳng lẽ các vị không thể làm được điều gì dù nhỏ để làm gương? Các vị không quen cầm bút lông, không ai chê; các vị không biết chữ Hán, cũng chẳng ai cười. Việc gì phải làm trò giả dối viết chữ quốc ngữ giả chữ Hán như thế? Mà dù kém cỏi, không thể làm gương cũng đâu có ai trách, vì làm gương đâu phải dễ, nhất là “quan tước” ngày nay rất sẵn “thủ tục đầu tiên” chứ tài năng thì ai cũng biết quá khiêm nhường. Chẳng hiểu những gương ấy để cổ vũ lòng ham học hay nhằm kích thích bệnh thành tích, khuyến khích thói gian dối đang lộng hành khắp nơi?

      Ba chuyện, chứ ba mươi, thậm chí ba trăm, ba nghìn chuyện cũng chẳng mấy khó khăn để kể ra. Nhưng những tấm gương “tầy liếp” ấy có tác dụng gì trong việc chặn đứng sự suy thoái đạo đức lối sống mà đảng và Nhà nước  đang  phát động?

     Vẫn biết nhiều khi các vị hành xử là do những “tham mưu con” quân sư, cố vấn, sắp xếp. Cũng là “chạy” bằng tiền cả nên lấy đâu ra những đầu óc thông minh sáng láng ở những kẻ “lăng xăng” ấy! Nhưng chẳng lẽ đầu óc các “sếp” là “đầu đất” hay sao mà họ “xui” gì cũng nhắm mắt làm theo?

4 BÌNH LUẬN

  1. Ông Giáo Làng lại còn phải hỏi : “đầu óc các xép là đầu đất hay sao “Thế Ông Giáo nghĩ đầu họ là đầu gì, là đầu b*** (bùn)à ?

  2. Cái bệnh ba hoa lời dao to búa lớn, thích phô diễn màu mè mà thực chất chẳng có gì đã nhiễm vào máu, vào xương của đầy tớ nhân dân mất rồi anh à

Trả lời Nguyen Nhung Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here