Xưa, các gia đình con đàn, dăm ba đứa là bình thường. Có nhà tới cả chục đứa. Nhưng cái lo lắng hàng đầu với con cái của các bậc làm cha mẹ là làm sao để nuôi cho con ăn no mặc ấm, chứ không phải là dạy.

Đứa trẻ lớn lên, bên cạnh việc nuôi dạy của cha mẹ và người thân, những người hàng xóm và cộng đồng trong xã hội nói chung đều tham gia việc dạy dỗ không nhiều thì ít. Nếu được đến trường khi tới tuổi đi học, được thêm sự rèn cặp của các thầy cô, lớn lên, đứa trẻ phần lớn đều trở thành những người tử tế, có thêm hiểu biết của người được đi học và đủ các đức tính tốt đẹp của một con người bình thường. Không có những buổi ký kết long trọng và sự quảng bá rầm rộ nhưng mối liên hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trở nên rất hài hòa, chặt chẽ trong việc giáo dục, hình thành nhân cách cho đứa trẻ. Từ những năm 80 trở về trước điều này được coi là rất bình thường.

Hiện nay, hiệu quả của giáo dục con trẻ có nhiều hạn chế. Có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân đó là mối liên hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội ngày càng lỏng lẻo, hay nói đúng hơn vai trò của nhà trường và xã hội đã giảm sút, khó được sự tin cậy của mọi người.

     Trước hết nói về nhà trường. Động lực để vận hành nền giáo dục nước  ta hiện nay là Thi và Đua. Học chỉ để Thi, môn nào không thi sẽ không học; và Thi chỉ để Đua xem trường nào đỗ nhiều hơn. Tất nhiên, để không thua kém, người ta phải dùng đủ mọi chiêu trò giả dối. Cho nên, cho con tới trường ngày nay, ngoài việc được nhận một số tri thức cần thiết, khó có ai dám hy vọng con cái sẽ có một nhân cách tốt đẹp. Điều này đã có nhiều lời bàn, xin không nói thêm. Có lần một người bạn làm nghề y  đã than phiền rằng: xưa, nghề của bọn mình được trọng vọng, nay có lẽ nghề của ông và nghề của tôi là hai nghề bị chửi nhiều nhất. Tôi có nói với anh: chẳng phải nghề của hai chúng ta xấu xa nhất. Người ta hay nặng lời phê phán với thấy giáo và thầy thuốc chỉ vì đó là hai nghề có tác động tới mọi người, và nhất là đối tượng của chúng ta khi hành nghề là con người, nghề y của anh chăm lo tới sức khỏe thể xác, còn nghề giáo của tôi chăm sóc tới sức khỏe tinh thần. Anh có thể chưa có ô tô để phải va chạm với  cái tiêu cực của cảnh sát giao thông, anh cũng chưa có nhà đất thì đâu phải gặp những người có quyền cấp sổ đỏ để bị nhũng nhiễu, anh chỉ trông vào mấy đồng lương hưu còm cõi  thì đâu phải tới gặp cơ quan thuế để cho họ vòi vĩnh, …Nhưng không trước thì sau, ai cũng có con để phải tới trường để chịu cảnh học thêm và những khoản đóng góp “tự nguyện” và bệnh tật khiến cần có  phong bì mỗi khi tới bệnh viện cũng chẳng trừ ai. Người ta đã bàn tới chuyện tỵ nạn giáo dục sau một thời gian phải tỵ nạn kinh tế. Có người đã nói nếu có thể, họ sẵn sàng gửi con ra nước ngoài từ khi bắt đầu học mẫu giáo để được thụ hưởng nền giáo dục văn minh và tiến bộ. Nhà trường nước ta hiện nay được trông đợi không phải vì những gì các thầy dạy cho học trò. Bàn dân thiên hạ phải nhờ cậy chính chỉ vì cái học bạ, cái bằng mà nhà trường có độc quyền. Nếu làm như nhiều nước văn minh, cha mẹ có thể tự lo chuyện dạy con rồi theo định kỳ tới dự những cuộc kiển tra sát hạch, lấy chứng nhận thì tôi chắc số học sinh trong các nhà trường hiện nay sẽ giảm đi đáng kể.

      Đạo đức, nền nếp trong xã hội nước ta đã có những thay đổi theo chiều hướng xấu đi. Quan hệ giữa con người với con người, cá nhân với cộng đồng không còn được như nhiều năm trước. Sự thay đổi ở thành phố âm thầm diễn ra hàng ngày hàng giờ, mình thích ứng dần nên không có cảm giác hụt hẫng. Không có điều kiện để làm các thống kê, điều tra tôi chỉ dám nói tới những điều mắt thấy tai nghe hàng ngày. Mấy năm trước, sau khi nghỉ hưu trở về sống ở nông thôn với hy vọng được sống thanh bình, con người đối xử với nhau tử tế, gần gũi, thân mật  như những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ tránh cái xô bồ của nếp sống thị thành, tôi đã có đôi chút “choáng”. “Choáng” vì nông thôn ngày nay hoàn toàn không giống nông thôn của ba bốn mươi năm trước. Đời sống vật chất có tiến bộ, điện đã khiến nông thôn giờ không còn là nơi heo hút, nhà cửa, đường xá khang trang sạch sẽ hơn, … đó là điều đáng mừng. Nhưng cùng với việc đưa lối sống tùy tiện làng xã vào các đô thị, những người nông dân mỗi khi trở về làng đã mang theo khá nhiều những thói hư tật xấu của đời sống thị dân.. Lối sống tử tế, quan hệ có trước có sau không còn, cái thật thà, chất phác cũng đã có nhiều mai một. Xưa, ở làng quê, các gia đình khá giả hay có đôi chút quyền thế đa phần đều là những gia đình tử tế. Họ dạy con cháu, trở thành những đứa trẻ ngoan ngoãn, đứng đắn, có chí hướng.  Dân làng nhìn vào cách  đối nhân xử thế, cách dạy con của họ mà noi theo. Nhưng nay, thành phần này ở nông thôn thì tập trung tất cả những  cái mờ ám quanh số tài sản, cái hợm hĩnh của những kẻ vừa trúng quả, cái hãnh tiến của những kẻ ngu ngốc nhưng nhiều quyền hành, và con cái họ phần lớn đều cậy thế cha ông, tiêu tiền như rác, nhìn dân làng kể cả những người nhiều tuổi bằng nửa con mắt. Tất cả những điều này chính là tác động xã hội vào việc giáo dục, hình thành nhân cách của con trẻ. Trước đây, ngay ở thành phố cũng ít gia đình có điều kiện để nhà cửa kín cổng cao tường (những gia đình có điều kiện này thường đều là những gia đình rất có nền nếp, việc giáo dục con cháu rất được chú trọng). Thường nhà nọ cách nhà kia chỉ một hàng cúc tần, râm bụt, … làm ranh giới. mọi người sống với nhau đúng theo phương châm “tối lửa tắt đèn có nhau”. Đứa trẻ khi vắng cha mẹ còn chịu sự giám sát của hàng xóm láng giềng và rộng hơn là cả làng trên xóm dưới. Vừa đi làm về tới đầu ngõ, cha mẹ đã có thể nhận được những thông tin rất “cập nhật” về những đứa con khi mình vắng nhà. Chúng đánh chửi nhau, chúng trèo cây hái quả trong vườn hàng xóm, chúng ăn nói hỗn hào với những người trong làng, … tất cả đều đến tai cha mẹ. Cái mạng lưới kiểm soát rất rộng khắp và hữu hiệu ấy khiến dám con trẻ biết sợ, không dám làm những điều sai trái (vì biết trước không thể giấu được cha mẹ và trước sau cũng sẽ phải nhận hình phạt thích đáng). Nhưng nay, ở nông thôn cũng đã kin cổng cao tường, cái tình làng nghĩa xóm kia cũng không còn đậm đà như trước, chưa phổ biến nhưng cũng đã có cảnh “đèn nhà ai rạng nhà ấy”. Ở trong ngôi nhà riêng, hòan toàn tách biệt với bên ngoài, đứa trẻ muốn làm gì không được? Và cái thói tật xấu, thích khoe con, sĩ diện hão khiến người ta mỗi khi nghe người khác kể tội con mình chẳng mấy thích thú. Thế là mặc nhiên, những đứa trẻ mất người kiểm soát, chúng có thể làm đủ mọi điều sai trái nhưng cha mẹ vẫn thấy chúng rất ngoan ngoãn trước mặt cha mẹ, ông bà. Trước kia, mỗi khi ra ngoài đường, gặp những cảnh “chướng tai gai mắt”, nhiều người sẵn sàng lên tiếng phê phán và với đám trẻ lêu lổng, những thông tin này sẽ nhanh chóng bằng nhiều con đường tới với cha mẹ chúng. Dư luận xã hội chính là một sức mạnh có tác dụng khống chế cái xấu khiến đám con trẻ biết thế nào là những điều được làm, thế nào là những việc bị cấm đoán. Nhưng nay, ra đường, người ta chỉ sợ bị vạ lây vì khắp nơi diễn ra cảnh “người ngay sợ kẻ gian, công an sợ kẻ cướp”, trước những biểu hiện xấu xa, phần lớn đều có chung suy nghĩ “tránh voi chẳng xấu mặt”, “không dây với hủi”! Thế là những biểu hiện của một xã hội không còn kỷ cương, nền nếp ngày càng tác động tiêu cực tới con trẻ, lứa tuổi rất cần có những tấm gương tốt để noi theo.

     Nhà trường như thế, xã hội như vậy, cá nhân mỗi người chẳng làm thế nào thay đổi. Hy vọng được sự giúp sức của hai thành phần nhà trường và xã hội trong việc giáo dục con trẻ đã không còn. Cho nên, hiện nay, hơn bao giờ hết, giáo dục gia đình vốn đã quan trọng càng trở nên cấp thiết.

Gia đình là nơi đặt những viên gạch đầu tiên trong việc hình thành nhân cách của con người. Một cái cây chỉ có thể xanh tốt xum xuê,  về sau có hoa thơm trái ngọt nếu được chăm sóc từ khi còn là cái mầm non nớt. Gia đình chính là nơi chúng ta có thể dạy con ngay từ khi chúng còn đang là bào thai trong bụng mẹ. (Cũng xin nói thêm, cách tính tuổi âm lịch (tuổi ta) thường là cộng thêm một tuổi vào tuổi dương lịch, có người không hiểu, cho rằng, cách tính của các cụ xưa chỉ có ý như muốn con cháu được nhiều thêm. Nhưng tôi nghĩ, chính là do các cụ đã tính tuổi con người từ khi mới chỉ là bào thai mới hình thành, trước khi chào đời chin tháng mười ngày). Khoa học giáo dục ngày này đã chứng minh giai đoạn từ khi còn là bào thai tới 6 tuổi là thời kỳ giáo dục quan trọng, đây chính là thời kỳ não bộ phát triển  nhanh nhất, nhiều người đã cho rằng giáo dục sớm là nền tảng vững chắc cho những bước phát triển tiếp theo trong cuộc đời con người. Đây là thời gian ngoài cha mẹ, khó ai có thể thay thế.

Giáo dục nhà trường có đối tượng bao gồm tất cả những  người cùng lứa tuổi, là học sinh cả một lớp, thiếu hẳn tính cá biệt hóa, một nguyên tắc giáo dục rất cần thiết. Trên cơ sở một con người cụ thể, với những đặc điểm tâm sinh lý, năng khiếu, tố chất riêng, gia đình sẽ có phương hướng thích hợp nhất để phát huy những năng lực cá nhân và hạn chế những khiếm khuyết nếu có.

Giáo dục gia đình  không chỉ là “nhiệm vụ nặng nề” của cha mẹ, nó còn là hạnh phúc vô giá để những người làm cha mẹ nếm trải niềm vui và nỗi buồn; lòng hân hoan và những trăn trở trong suốt quá trình thực hiện những mơ ước và hy vọng mà cuộc đời mình không đạt được gửi gắm vào đứa con mà nhiều khi được coi là lẽ sống của cuộc đời hai người. Công việc không ít khó khăn này sẽ mang tới cho gia đình một nguồn hạnh phúc bất tận.

 

Không phải ngẫu nhiên mà M. Gandhi đã nói: “ Không có ngôi trường nào tốt bằng gia đình và không có người thầy nào tốt hơn cha mẹ”. Gần đây, cũng đã có một cuốn sách dịch có nội dung giáo dục trẻ em mang tựa đề “Người  mẹ tốt hơn người thầy tốt”. Thiết nghĩ, giáo dục gia đình chính là lối thoát cho việc dạy dỗ, lo lắng cho tương lai con cái hiện nay.

12 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết thể hiện rất đúng tình trạng hiện nay ở nông thôn ViệtNam trong chế độ ta đang sống

  2. Rất hay và ý nghĩa chú ạ, đúng là giáo dục gia đình vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách và tương lai của con trẻ.

  3. Cả bài viết câu nào cũng chuẩn ạ. ” Người ta đã bàn tới chuyện tỵ nạn giáo dục sau một thời gian phải tỵ nạn kinh tế. Có người đã nói nếu có thể, họ sẵn sàng gửi con ra nước ngoài từ khi bắt đầu học mẫu giáo để được thụ hưởng nền giáo dục văn minh và tiến bộ”.
    Em vừa xem phim tài liệu mới của phương Tây về Kim Jong Un, đương kim Chủ tịch Bắc Triều Tiên, đời thứ ba kế vị Kim Nhật Thành. Người Việt mình chỉ nghe một chiều và thấy ghét bộ mặt như “Ủn” của vị này. Cách nhìn nhận,phân tích của phương Tây thường khách quan. Nhược điểm lớn nhất ở vị này là hiếu chiến, thích năng lượng hạt nhân vv… Nhưng không thể không đánh giá ưu điểm thời vị này kinh tế Bắc Triều phát triển hơn hẳn thời ông bố, đói nghèo giảm. Bản thân vị này luôn xuất hiện bên người vợ hiền và người cô ruột (con gái Kim Nhật Thành) – đây là ảnh hưởng tư tưởng phương Tây coi trọng phụ nữ. Trong cuốn phim đã đưa ra những chứng cớ Kim Jong Un đã được gia đình bí mật cho sang Thụy Sĩ từ khi học Phổ thông. Điều này cho đến nay vẫn được dấu kỹ. Theo Hiệu trường trường Trung học cậu bé đó sức học bình thường. Đưa trở về kế vị ngôi là một thanh niên giỏi ngoại ngữ, có cách nhìn cải cách tân tiến.
    Lịch sử Việt Nam cũng cho thấy Giáo dục cần thiết từ nền văn minh tiến bộ chứ không ngược dòng như nước mình mấy chục năm gần đây.

  4. Trò thì THI không Đua, thầy thì Đua mà không THI còn trường thì không THI, không Đua mà tập trung vào THU.

  5. Em nghĩ giáo dục bây giờ đã chuyển sang một giai đoạn mới. Nếu chỉ lấy giá trị cũ làm chuẩn khó thuyết phục. Nghe một bạn mơ ước vào Đại học Harvard: “Vào được Harvard hoặc người có cha mẹ từng học ở trường này, hoặc con cái của những gia đình giàu có. Người bình thường phải học cách để viết giỏi, bên cạnh thành tích học tập phải biết nhiều thuật ngữ “.

    Khi đồng tiền đã lên ngôi thống trị, thì người ta nghĩ giáo dục cũng là sản phẩm từ tiền. Thậm chí yếu tố đầu tiên cha mẹ có học cũng bị coi nhẹ. Nhiều bậc phụ huynh trẻ cho rằng thời gian của họ dành cho kiếm tiền. An tâm nhất là gửi con vào trường tốt, học tiếng Anh từ nhỏ. Ít nhiều con họ ngoan, rồi sau này có tương lai ở giáo dục “tị nạn”. Người giàu người nghèo đều mơ cả tiền lẫn giáo dục từ bên ngoài.

    Với logic như vậy, hô hào giáo dục từ gia đình, ít người nghe. Làm gương từ người xung quanh càng khó hơn, với tính ích kỷ của con người hiện nay. Thưa anh, em cũng là người quan tâm giáo dục. Em nghĩ phải triệt tận gốc tư duy coi tiền làm thước đo giá trị kể cả về đạo đức, lúc đó mới có cơ hội thay đổi. Xã hội sẽ thêm người tử tế, bớt đi kẻ hợm hĩnh. Cứ như thế này, giáo dục quy đổi bằng tiền, tham nhũng ăn cả sang thế hệ con cháu.

  6. Ông nói rất phải ! Ở trong này,Saigon,có một trường về trang thiết bị rất tốt là trường TVK.Trường này thu học “giá”(hi hi) cao nhất các trường tư không phải là tr quốc tế.Đa số hs là con nhà khá giả và con của quan chức cp,cq cả…Nhưng ba mẹ bận làm giàu,áp phe..vv..nên chẳng dạy cho chúng nhiều.Vì thế chúng thường là …rất hư.Cho các em ấy vào học nội trú để nhờ nhà tr chăm sóc giùm.Thiệt tình mà nói chẳng thể…Bởi chúng thường được ba mẹ nuông chìu quá và được chăm sóc bằng cách …cho thiệt nhiều tiền.Muốn gì có đó.Chúng chẳng xem gv ra gì.Còn gv chỉ là ng làm thuê rồi cũng im lặng cho qua hay kỷ luật cho có.Rốt cuộc hư vẫn hoàn hư.Thậm chí hư thêm vì chúng đua nhau thể hiện.Chán trường học bây giờ lắm cụ ạh .

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here