Từ Hà Nội lên Sơn Tây đi qua tuyến đại lộ Thăng Long trước có hai “hãng” xe 71 và 74 cùng chạy xen kẽ. Người người đi lại rất thuận lợi, vì cứ khoảng 15 phút có một chuyến, trừ ngày cuối tuần vào buổi chiều hơi đông, còn những ngày khác khách khá vắng.

Giá vé cũng phải chăng, đi suốt từ bến đầu tới bến cuối cũng chỉ 22.000 đ. Cứ theo cách tính lấy phở làm bản vị của tôi thì rẻ quá, chưa tới một bát phở. Cứ nghĩ thử xem, nếu không có ô tô, phải “cuốc” bộ, đi cật lực cũng phải mất một ngày. Cái số tiền ấy chỉ uống nước cũng không đủ. Khách đi xe đúng là thượng đế, trên xe có máy lạnh, dù nắng nôi đến mấy, khách cũng mát rượi; lại thêm suốt chặng đường hơn bốn chục cây số, muốn lên xuống lúc nào, ở đâu, nhà xe cũng “chiều” hết. Lúc lên thì xe đỗ ngay trước mặt, chỉ vài bước chân là bước lên, vào chỗ ngồi. Còn xuống xe thì bất kỳ nơi nào mình muốn. Trên đường đi cũng có các điểm dừng xe buýt, có biển báo đàng hoàng, nhưng cắm biển cho sang vậy thôi, còn khách lên xuống ở đâu cũng được.

Nhưng người dân xứ Đoài so bì: dân Từ Sơn, Bắc Ninh, Phủ Lý, Hưng Yên là người tỉnh ngoài mà có xe trợ giá về Hà Nội, trong khi dân Sơn Tây chính là dân Hà Nội mà vẫn phải đi xe giá cao. Để chiều lòng cư dân vùng Hà Nội 2, gần đây, thành phố mở tuyến xe buýt có trợ giá từ Hà Nội lên Sơn Tây. Xe chạy cả hai ngả: đường 32 và đường đại lộ Thăng Long, giá vé có trợ giá chỉ có 9.000 đ; 30 phút có một chuyến, xe chạy khá đúng giờ. Thế là dân xứ Đoài toại nguyện.

Nhưng hình như chẳng có cái được nào mà không kèm theo cái mất. Đi xe buýt có trợ giá này cũng vậy. Xe cũng có máy lạnh, khá rộng rãi, nhưng xe chỉ dừng đón và để khách xuống xe ở những điểm cố định đã đặt biển dọc đường. Như thế, để lên hay xuống xe, khách có thể phải đi bộ thêm khoảng 500 m. (hai điểm dừng cách nhau khoảng 1 km).

Hôm vừa rồi, khi xe vừa dời một điểm dừng, bỗng nghe có tiếng kêu:

–         Bác ơi, cho cháu xuống!

Bác lái xe, mắt vẫn chăm chú nhìn phía trước, hỏi lại:

–         Cháu xuống đâu?

–         Cháu xuống đây mà!

–         Sao xe vừa đỗ không xuống?

–         Dạ cháu quên, bác cho cháu xuống đi!

Quay lại thấy một cô bé chắc đang tuổi đi học, khoác ba lô, tai lại đang có cái tai nghe, a, thì ra cô đang mải nghe nhạc.

–         Cháu phải đợi tới điểm dừng tiếp nhé.

Nghe bác tài nói thế, có mấy người góp vào:

–         Bác cho cháu nó xuống đi.

–         Ông này nguyên tắc quá.

Không thấy bác tài nói gì, xe vẫn chạy. Cô bé chưa thôi nằn nì:

–         Bác cho cháu xuống đi, thế này thì cháu phải đi bộ xa quá!

Một bà nhìn cách ăn mặc không thấy vẻ gì là người dân đô thị quay lại, nói với cô bé.

–         Đi xe thì phải chú ý, làm sao muốn đỗ lúc nào thì đỗ được?

Sau câu nói ấy, không thấy còn điều tiếng gì nữa. Đến điểm dừng tiếp, xe đỗ, cô bé xuống xe.

Một câu chuyện nhỏ ấy cũng khiến cho người ta phải suy nghĩ.

  1. Văn minh vật chất thường phải đi kèm với văn minh tinh thần. Xe “buýt” là phương tiện đi lại quen thuộc ở đô thị khi sử dụng cũng cần có những thói quen cần thiết, chứ hoàn toàn không thể tùy tiện như đi lại trên phương tiện cá nhân, nhất là đi lại trên đường ở làng quê. Cũng như, ở nông thôn, mật độ cư dân thưa thớt, không gian thoáng đãng, lời ăn tiếng nói có thể tùy ý về âm lượng, chẳng ảnh hưởng gì đến ai. Nhưng ở thành phố, nhất là những nơi có không gian hẹp  như siêu thị, phòng họp, nhà hát hay trên xe “buýt” mật độ người rất cao mà vẫn cứ giữ thói quen “ăn sóng nói gió” thì thật gây khó chịu cho không ít người. Người Việt ta gặp nhiều bi hài kịch khi sử dụng những phương tiện hiện đại về kỹ thuật, công nghệ nhưng lại thiếu sự tiến bộ về ý thức. Nên chăng, những người làm văn hóa, thay vì để thời gian bàn về những chuyện đậm đà bản sắc dân tộc hãy nói về những điều càn thiết này. Các nhà kinh doanh, trước khi “lăng-xê” một mặt hàng mới nên có khuyến cáo người dùng những chú ý cần thiết khi sử dụng để đảm bảo văn minh lịch sự? Còn mọi người trước khi sử dụng tốt nhất là hãy tìm hiểu cho kỹ những đòi hỏi cần thiết để tránh tùy tiện.
  2. Dưới con mắt của không ít người, bác lái xe trong cậu chuyện trên thật “máy móc”, thậm chí có người còn cho là “độc ác”. Nhưng trong cuộc sống, nhất là trong cộng đồng, mỗi con người đều phải tuân thủ những nguyên tắc, những quy định. Tôi chắc cô bé này và không ít người trên chuyến xe đó cũng  đã được một bài học khi đi xe “buýt”. Tiếc là ở nước ta hiện nay, bất chấp nguyên tắc, quy định nhiều khi lại được coi là “VIP”. Coi thường lề luật đã trở thành “món đặc sản” mà các vị chức trọng quyền cao ưa dùng. Chức càng to, ghế càng cao càng có quyền coi thường luật lệ chung. Đó chính là cái “luật rừng” của thời mông muội.
  3. Một quy định, luật lệ mới ban hành bao giờ cũng gặp phải sự phản ứng của không ít người vì nó phủ nhận cái thói quen lâu đời. Điều đó là bình thường. Ở ta,  sân bay thường có các xe chở hành lý sử dụng miễn phí. Người dùng chỉ cần nhấc hành lý của mình khỏi xe, còn sau đó kệ cái xe nằm chỏng chơ trên sân ga chật chội sẽ có người tới xếp vào chỗ quy định. Tôi nghe nói ở các nước văn minh, muốn lấy xe sử dụng, phải bỏ vào máy một đồng 2 ơ-rô. Dùng xong, đưa xe vào chỗ cũ, máy sẽ tự động trả lại tiền. Nhà ga luôn gọn gàng, ngăn nắp, sân bay tiết kiệm được tiền trả lương cho người thu dọn. Ở ta, nếu áp dụng, ban đầu chắc chắn có những người phê phán. Nhưng rõ ràng, đó là biểu hiện văn minh, giúp con người có ý thức ở nơi công cộng và tiết kiệm. (dù tiết kiệm cho ai cũng tốt). Chỉ có điều, nhà chức trách trước khi ban hành quy định, cần cân nhắc nhất là thử xem liệu quy định ấy có thể được thực hiện nghiêm túc không. Vừa rồi, bàn về chuyện bán rượu, bia, có người đã nói rất đúng: không thể lấy đâu ra cảnh sát để giám sát tất cả những nơi bán rượu bia, nhưng nếu phát hiện nơi nào bán rượu bia sai quy định sẽ bị rút giấy phép kinh doanh, chỉ dăm trường hợp như thế là người ta sẽ không dám làm trái quy định nữa. Nếu cái gì cũng cứ đợi “đồng thuận” rồi đợi “dân trí được nâng cao”  thì “hãy đợi đấy!”, đất nước còn lộn xộn, còn lạc hậu tới thế kỷ sau. 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here