Trẻ con ngày trước có một trò chơi gọi là “cướp cờ”: Số “quân” mỗi bên ngang nhau (thường 3, 4 nguời), được đánh số thứ tự. Sân chơi là sân nhà hoặc một đoạn đường, một cánh ruộng rộng rãi, khô ráo. Quân hai bên đứng ở hai phía, giữa sân “khoanh” một dấu tròn để “cờ” (gọi là “cờ” nhưng thực ra chỉ là một mảnh vải cũ hay một cành cây nhỏ vừa  bẻ còn túm lá xanh). Khi nghe trọng tài xướng một số nào đó, nguời hai bên mang số ấy lập tức chạy nhanh tới giữa sân, “cướp” cái “cờ” rồi nhanh chóng chạy về phía quân mình. Chạy về tới nơi an toàn là thắng, nếu trên đường chạy về, bị đối phương đuổi theo, đập tay trúng vào lưng hay vai là “hòa”. Cứ thế, hết lượt này tới lượt khác.

      Từ điển tiếng Việt giải thích từ “cướp”: “1. Lấy của nguời khác bằng vũ lực (…). 2. Tranh lấy một cách trắng trợn, dựa vào một thế hơn nào đó (…).” (Từ điển tiếng Việt – Nhà xuất bản Khoa học xã hội – Hà Nội.1988, trang 254).

Cứ theo định nghĩa này thì trò chơi ấy không thể gọi là “cướp” vì bọn trẻ không dùng “vũ lực”,  cũng chẳng “trắng trợn”. Chúng chỉ thi nhau phản xạ nhạy bén và tài chạy nhanh.(đây cũng là một cách rèn luyện những cái nay gọi là “kỹ năng sống”). Nghe xướng tới số mình mang, lập tức chạy như lao về phía trước để giành cho được cái “cờ” và cố về tới nơi an toàn. Nhưng nguời ta cứ dùng từ “cướp” có lẽ để tỏ cái sự đua tranh quyết liệt, không khoan nhượng. Nói đúng hơn, gọi là “cướp” nhưng là trò chơi “cướp”, “cướp” giả chứ không phải “cướp” thật như nghĩa trong Từ điển giải thích. Hay nói theo cách bây giờ, “cướp” nhưng rất “phe-pờ-lay). Bọn trẻ dù còn ít tuổi nhưng đều hiểu một cách rõ ràng, cái “cờ” kia chẳng có giá trị gì nên chẳng đứa nào “cố sống cố chết” để giành bằng được. Chỉ là trò chơi mà!

Việc “cướp” các vật thiêng trong lễ hội trước đây cũng như vậy. Đầu năm, đi lễ hội, giành được vật thiêng sẽ gặp may mắn (như cái hoa tre trong lễ hội đền Gióng, hay một chút lộc xôi, oản hay quả chuối) cũng chỉ là một trò chơi trong niềm tin mỗi độ xuân về. Hội xuân chẳng thiếu những trò chơi như thế, xóc thẻ, xem bói, … chẳng hạn. Quẻ thẻ, thầy bói thường chỉ nói những điều tốt lành, nếu có rủi ro cũng chỉ là những vấp váp rất nhẹ nhàng, để ai cũng không phải muộn phiền, lo lắng. Ai cũng hiểu, đó chỉ là trò vui trong lễ hội!

Nói về việc “cướp” những hoa tre trong lễ hội mà ông Tuyên giáo Hà Nội gọi là “cướp có văn hóa” chắc ông muốn nói tới ý này. Nhưng ông bị  chính nguời cùng “phe” là ngài Bộ trưởng văn hóa bác bỏ và dư luận “ném đá” là vì:

  1. Ông nhầm, trong lễ hội xưa, nguời ta giả vờ “cướp”, chỉ “giả vờ” thôi, chỉ là TRÒ CHƠI CƯỚP thôi cho nên nguời “cướp” biết dừng ở giới hạn cho phép. Không “cướp” được thì thôi, không cay cú, không cướp bằng được, bất kể giá nào. Tôi chưa dám kết luận nguời đi hội xưa hiền lành hơn nguời đi hội bây giờ, nhưng có thể khẳng định nguời đi hội xưa chẳng mấy ai tin một cách thành thật nếu cướp được những vật thiêng đó sẽ gặp may mắn. Như trên đã nói, nguời ta tham gia trò chơi này cũng giống như nhiều trò chơi khác, đó là những trò giải trí không thể thiếu trong các lễ hội và mục đích của nó vui là chính. Ông Tuyên giáo đã mắc “lỗi diễn đạt” trong một bài tập làm văn của học sinh phổ thông. Chứ làm gì có thứ CƯỚP nào là “cướp có văn hóa”?
  2. Với cái nhầm đầu tiên, ta có thể “thông cảm” vì nạn “bằng thật học giả” nay chẳng còn hiếm thấy thì cái nhầm thứ hai thật khó chấp nhận vì ông đã cố tình “đánh tráo khái niệm”. Đó là ở các lễ hội vừa qua, nguời ta CƯỚP thật và cũng không phải chỉ dừng ở mức “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”. Để giành cho được các vật thiêng, gậy gộc đã được sử dụng. Sau đây là tường thuật của    báo Thethaovanhoa.vn:

“Không còn là cảnh chen lấn, xô đẩy để tranh “lộc thánh”, phần giành giật các giò hoa tre đã trở thành một cuộc tấn công thật sự của khách thập phương. Không còn cách nào khác, các thanh niên trong đội hộ tống chỉ còn cách dùng gậy vụt túi bụi vào làn sóng người để bảo vệ kiệu. Ngược lại, không chỉ có nắm đấm, một số thanh niên và du khách cũng thủ sẵn gậy tre để vụt túi bụi vào đội bảo vệ, hòng rẽ lối tiến sát chiếc kiệu này. Trong vài phút đồng hồ, khá nhiều người cướp lộc lẫn đội bảo vệ kiệu bị đánh đau, nằm lăn lộn giữa một rừng chân chen chúc tại sân đình.

Cảnh tượng tương tự cũng diễn ra khi chiếc kiệu đặt trầu cau được rước vào đền Thượng. Gậy và nắm đấm được sử dụng cho tới khi số trầu cau này bị du khách… cướp sạch, tới mức lực lượng công an bảo vệ lễ hội phải trực tiếp vào can thiệp.” (…)Thậm chí, theo GS Ngô Đức Thịnh (Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia), ông từng biết có những người bị gậy bổ vào đầu, nằm chết ngất trên sân đình khi tham gia tranh cướp.”

  Ông Tuyên giáo đã cố tình lẫn lộn cái “TRÒ CHƠI CƯỚP” trong các lễ hội trước kia và lối CƯỚP THẬT SỰ bằng vũ lực, một cách trắng trợn trong các lễ hội ngày nay, từ cướp hoa tre đến các “lộc” trên  các ban thờ ở đủ mọi đền miếu. Lối trả lời ấy là một cách thoái thác trách nhiệm của những nguời chỉ biết thu lợi từ lễ hội mà “đánh bài chuồn” khi được hỏi đến sự an toàn (về thể xác và tinh thần) cho những nguời tham gia lễ hội.

Sâu sắc hơn, lẽ ra ông cần phải phân biệt thái độ nguời tham gia lễ hội trước kia và ngày nay. Nguời xưa coi tín ngưỡng là một nét đẹp văn hóa. Cùng với niềm tin thiêng liêng (tín ngưỡng) trong mỗi con người vẫn có phần lý trí soi sáng để tránh được cái ngu muội, tối tăm; còn nguời tham gia lễ hội ngày nay, học vấn có thể cao hơn, bằng cấp có thể “ngất ngưởng” nhưng nhờ thành quả của các Ban tuyên giáo, rất nhiều nguời đã tin rằng  những cái hoa tre (hay vật thiêng) ấy cũng có thể đem lại giàu sang phú quý. Hơn nữa, cũng chẳng biết nhờ học tập và noi gương những ai, họ sẵn sàng dùng sức mạnh vũ lực để giành giật cho bằng được vận may bất chấp đồng loại có thể thương vong. Lòng tham vô đáy, lối sống chụp giật, “mì ăn liền” của cái “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã khiến bao “con nguời mới”  chưa thấy cái lợi đâu mà đã “tối mắt” lại là như vậy.!

“Ông Tuyên giáo” chắc là nguời đã được cân nhắc lựa chọn trong các tinh hoa để sẵn sàng đối đáp với các nhà báo, cả hai đều thuộc loại mồm miệng “có gang có thép”,  “nguời tám lạng kẻ nửa cân” cả. Trước mỗi buổi họp báo, chắc “ông Tuyên giáo” cũng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhiều phương án được dự báo với sự cố vấn của không ít các quân sư.

Thế mà “ông Tuyên giáo” “nhầm lẫn” như thế, thật xấu hổ cho Thành ủy Hà Nội.

2 BÌNH LUẬN

  1. Nguyên nhân nào đã khiến những Lễ hội “cướp giả” ngày xưa thành “cướp thật” ngày nay ?

Trả lời Đào Thúy Hoàng Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here