Vốn là người thích “xê dịch”, từ những năm 80 của thế kỷ trước, trong những ngày khốn khó, tôi đã mơ ước có tiền mua cái xe đạp tốt để rong ruổi từ bắc vào nam. Không dừng lại ở đấy, tôi còn tính tới đích, sẽ bán cái xe đạp, lấy tiền mua vé máy bay trở về. Thế là thực hiện được hai mơ ước: xuyên Việt và được đi máy bay. Vì thế, từ sau khi xe máy dần phổ biến ở ta, tôi vô cùng sung sướng vì sở thích nhất là rong ruổi đường trường được đáp ứng.

Tôi biết ơn người đã sáng chế ra nó (còn hơn người sáng chế ra các phương tiện giao thông khác như ôtô hay máy bay, …) vì nhờ có xe máy, một anh giáo làng như tôi với thu nhập rất ít ỏi, trong mấy năm, bằng số tiền rất khiêm tốn, đã đi khắp được 63 tỉnh thành của đất nước. Nay đã ngoài 70 tuổi, tôi vẫn sẵn sàng và thích thú vượt chặng đường khoảng 300 km mỗi ngày trên cái phương tiện mà người ta đang ra sức tranh cãi.

Mặc dù thế, tôi vẫn phải thừa nhận, nạn ùn tắc, tai nạn giao thông hiện nay ở khắp nơi, nhất là các thành phố lớn phần nhiều do xe máy. Lượng xe máy đông hơn ô tô nhiều lần; lại thêm người lái xe máy thường coi thường luật lệ, lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu, bất chấp tất cả vì nhiều chủ nhân xe máy “cậy”, “ỷ thế” mình nghèo, cảnh sát chẳng thể nào mà phạt được. Và thực tế đúng như vậy, thấy mấy cái xe “nát” vượt đèn đỏ, dù có “thèm” bánh mỳ, mấy anh cảnh sát giao thông cũng chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm.

Cho nên, phải nhanh chóng hạn chế xe gắn máy, nhất là ở các thành phố lớn là điều cấp bách. Muốn thế, cần có nhiều biện pháp đồng bộ: bớt tham nhũng đi để có thể xây dựng thêm nhiều tuyến đường (nghe nói ở ta, làm đường đắt gấp 4, 5 lần  các nước, chưa kể chất lượng còn thua kém rất nhiều); tăng cường và trợ giá với các phương tiện giao thông công cộng; cho thuê xe đạp có thể mượn và trả ở hai địa điểm khác nhau; giảm thuế để người dân có thể dễ dàng mua ô tô hơn, … (ô tô có thể chiếm chỗ nhiều hơn xe máy nhưng có phép tắc hơn) . Tôi tin, một khi có phương tiện đi lại thuận tiện và giá rẻ, người dân sẽ tự giác từ bỏ xe máy để sử dụng phương tiện công cộng. (Mời mọi người sử dụng các tuyến xe bus từ Hà Nội ra các huyện xa sẽ thấy rõ điều này). Đồng thời, những biện pháp đồng bộ cũng cần phải tính đến để người sử dụng thấy sử dụng xe máy bất tiện hơn các phương tiện khác.

Nhưng nói cấm hoàn toàn thì là điều không nên và không cần. Ở các huyện, xã, mật độ giao thông thấp, việc tổ chức các phương tiện công cộng có khó khăn, sao không để người dân sử dụng phương tiện rất thuận lợi này. Ở Thái Lan, Trung Quốc, … người ta vẫn đi xe máy, nhưng số lượng ít vì sử dụng phương tiện công cộng thuận tiện và kinh tế hơn.

Việc hạn chế cũng nên có lộ trình, nhưng không thể kéo quá dài. Thí dụ, trong thời gian trước mắt, thông báo trước 1 năm và tiến hành cấm xe máy trong khu vực phố đi bộ (không phải chỉ những ngày cuối tuần) nhưng cho xe bus hoạt động. Biện pháp này còn thúc đẩy việc giải tỏa dân cư khu vực phố cổ hiện đang rất khó khăn. Sau đó, việc cấm xe máy dần mở rộng. Cấm xe máy đến đâu, tăng cường đáp ứng phương tiện công cộng đến đấy.

Ban đầu có thể chưa quen, nhưng để thay đổi thói quen cần có sự mạnh dạn và tính toán chu đáo của chính quyền. Thực tế việc tổ chức và vận hành tuyến BRT vừa qua đã chứng tỏ điều đó.

Nhưng trở ngại của chuyện hạn chế xe máy hình như không thuộc phía người dân. Ngăn cản chuyện này nằm ở những nhóm lợi ích. Đó là những người chống lưng cho các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu xe máy.

Người dân không đi xe máy có thể chọn cách đi lại khác.

Nhưng đóng cửa các nhà máy sản xuất, lắp ráp xe máy thì lấy gì mà “xơi”?

Đây mới là cái nút thắt khó cởi.

1 BÌNH LUẬN

  1. Có vài lý do dẫn đên viêc kẹt (tắc) đương do
    xe máy và xe ôtô,
    1/khó khăn trong thử tục MUA ,BÁN NHÀ chuyển
    HỘ KHẨU ,chuyển TRƯỜNG cho con nên nhiều ngươi ở huyên NHÀ BÈ phải đi lảm ở huyện HOC MÔN
    2/Giây tờ HÀNH CHÁNH nay đòi giấy này mai thêm giấy khac ,HẸN tời hen lui

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here