Mấy hôm nay, dư luận xôn xao về chuyện “nói tục”. Thế nào là “nói tục”? Vì sao nguời ta “nói tục”?  Làm thế nào để ngăn chặn “nói tục”?. …

Xin góp một lời bàn.

  1. Nói tục (cùng với chửi bậy) chắc đã ra đời và tồn tại cùng với loài nguời, phát triển cùng với sự phát triển ngôn ngữ loài nguời. Trước khi bàn tới những chuyện liên quan đến “nói tục”, xin thống nhất những khái niệm chung.

Theo Từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ học biên soạn (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội – Hà Nội – 1988), “nói tục là nói những lời thô tục, thiếu thanh nhã” (tr. 762);

“tục” có nghĩa thứ 2 là “thô bỉ, tỏ ra thiếu lịch sự, thiếu văn hóa” (tr. 1097);

“thô tục là thiếu lịch sự, tế nhị đến mức tục tằn” (tr. 980);

Còn “chửi”, cuốn Từ điển giải thích: “thốt ra những lời xúc phạm cay độc để làm nhục cho hả giận” (tr. 211).

Còn thế nào là “nói tục”, là “chửi bậy” ? Không có điều kiện để khảo sát như các cơ quan chuyên môn, tôi cho rằng, nói tục thường tồn tại dưới các dạng sau đây:

– Phổ biến nhất là loại dùng từ phủ định “đ.”. Ở một vài địa phương, từ này được sử dụng với nghĩa phủ định thông thường, không bị coi “là tục”. Biến thể của nó là các từ như “đếch”, “đách”, “đét” do nguời dùng ý thức từ “đ.” là tục không tiện dùng nhưng vẫn muốn bộc lộ sự biểu cảm như dùng từ “đ.”.

–  Đó là những từ ngữ thuần Việt chỉ cơ quan sinh thực khí của nam hoặc nữ, chỉ sự giao phối để truyền giống được thêm, đệm thêm vào lời ăn tiếng nói. Cùng những sự vật, sự việc này, nếu giao tiếp lịch sự hay trong các văn bản mang tính chất khoa học, nguời ta thường dùng các từ Hán – Việt. Trong vốn từ thuần Việt, những từ có nội dung này khá phong phú, cũng có một số từ không bị coi là hoàn toàn tục nhưng cũng chỉ sử dụng trong các văn cảnh hạn chế. Với nguời Việt Nam, chắc không cần phải tỉ mỉ và cụ thể hơn.

Vì chỉ mang tính chất định tính là “thiếu thanh nhã”, “thiếu văn hóa”, nên tùy thuộc vào gia phong, mỗi gia đình, mỗi con người cụ thể cũng có quan niệm không giống nhau về cái “tục”. Có những gia đình, coi chuyện cha mẹ, anh em xưng hô “mày, tao” cũng là điều tục tằn, không thể chấp nhận.

  1. Những ai và vì sao nguời ta nói tục?

Không hẳn chỉ những nguời ít học, nghèo khó mới nói tục. Có nguời lầm tưởng nông dân ở nông thôn nhiều nguời nói tục. Nhưng thực ra không phải. Nhất là trong những năm gần đây, nguời thành phố (chẳng kể nam hay bắc) rõ là nói tục nhiều hơn ở nông thôn. Đầu phố tôi ở, có một tòa nhà cao hơn chục tầng, trụ sở của một doanh nghiệp lớn về viễn thông. Nhà to, kiến trúc đẹp đẽ, các cán bộ viên chức làm việc trong tòa nhà chắc không ít. Ô tô nhiều không chứa hết trong tầng hầm, đậu cả ra hè phố khiến nguời đi bộ không có chỗ len chân. Từ xa, trông những nguời từ trên xe bước xuống hay đứng chuyện trò, ăn mặc sang trọng toàn đồ hiệu, tóc “xịt” gôm bóng nhoáng, điện thoại toàn loại đắt tiền. Nhưng mỗi lần đi qua, tôi cứ phải cố rảo bước để khỏi nghe những lời họ nói với nhau (trực tiếp  hoặc qua điện thoại). Tần suất những tiếng thô tục có tới vài mươi phần trăm. Chẳng  câu nào thấy thiếu những tiếng đệm, dù chỉ là chuyện vãn hay khi cần tranh cãi. Nhất là điện thoại thì kinh lắm. Giọng cứ oang oang như lệnh vỡ, cứ hình dung nguời đầu bên kia phải ngã dúi ngã dụi vì sự té tát của những lời thô tục. Cho nên, nguời hay nói tục chưa hẳn đã là những nguời ít học hay nghèo đói. Thật may mắn, cảnh sát trật tự đồng thời với việc đảm bảo cho đường thông hè thoáng đã giúp cư dân xung quanh lấy lại cái môi trường trong lành của lời ăn tiếng nói.

Cũng xin loại trừ một đối tượng mà tôi đã có dịp nói tới trong bài “Dư luận viên”. Nói tục, chửi bậy với họ như một bản năng. Họ là những nguời đặc biệt. Nói đặc biệt, vì tôi chưa bao giờ thấy có ai lại dùng những lời tục tĩu để bộc lộ lòng trung thành, ý thức tận tụy với những nguời đã chiêu mộ rồi trả lương (cũng có thể coi là những nguời đã “sinh thành dưỡng dục”) cho họ.

Theo tôi, nguời nói tục, trước hết là những nguời quen sống buông thả, buông thả từ việc làm tới lời nói. Những nguời có lối sống cẩn trọng “cái chiếu trải chưa ngay ngắn thì không ngồi”, biết “ngó trước nhìn sau”, luôn “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”… thì chắc chắn rất ít khi hoặc hoàn toàn không nói tục. Đến những cử chỉ, hành vi dù nguời khác không  thể trông thấy họ còn cẩn trọng, dùng những từ không được thanh nhã còn phải cân nhắc thì sao dám tùy tiện buông ra những lời tục tĩu nhất là trước mặt mọi người?  Xưa, phổ biến là loại “đầu đường xó chợ” “trai thì trộm cướp, gái buôn chồng nguời”. Những nguời này thường sống nơi “đất khách”, chẳng ai biết gia đình, quê quán cha ông, hôm nay có thể “trúng mánh” ăn chơi, đập phá chẳng khác gì ông hoàng, nhưng mai có thể vào tù ra tội. Họ sống không biết có ngày mai, không biết giữ thể diện, cho nên làm theo ý thích, nói theo bản năng, tần suất nói tục ở họ là cao nhất. Tiếp theo phải kể tới lớp trẻ con sớm phải bươn trải kiếm sống bằng các nghề như bán kem, bán báo, …suốt ngày lang thang nơi bến tàu, bến xe ít chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cha mẹ hay người lớn, cộng với nỗi vất vả, nhiều khi còn phải tranh cạnh để giành lấy miếng ăn nên cũng không thể tránh khỏi nói tục chửi bậy.

Từ vài ba chục năm nay nhờ công cuộc “đổi mới”, ở ta, nền văn minh vật chất có nhiều tiến bộ vượt bậc nhưng văn minh tinh thần, văn hóa không tiến kịp (thậm chí còn xuống cấp) nên ngày càng xuất hiện nhiều thành phần có lối sống buông thả. Đầu tiên phải kể tới rất nhiều nguời từ nông thôn ra thành phố kiếm việc làm. Công việc nặng nhọc, thu nhập bấp bênh, cuộc sống “tối đâu là nhà ngã đâu là giường” khiến họ chẳng còn thiết gì đến việc gìn giữ nhân phẩm, danh dự. Hành vi, cử chỉ còn chẳng thiết gìn giữ thì ai còn chú ý đến lời ăn tiếng nói?

Ngay những nguời có trình độ văn hóa nhất định, thậm chí có nhiều nguời có chức có quyền ở cấp cao cũng dần nhiễm lối sống buông thả. Ban đầu có thể chỉ là nhắm mắt làm ngơ trước những gian dối của cấp dưới, chỉ mới dừng ở mức “ngậm miệng ăn tiền”. Nhưng dần, để kiếm được đồng tiền nhờ quà cáp, nhờ hối lộ, con người phải chấp nhận tất cả. Quan chức bên A được bên B mời đi chiêu đãi, quan chức cấp trên về thanh tra, thăm hỏi được cấp dưới chiều chuộng. Trong những cuộc chiêu đãi, chiều chuộng ấy, việc gì họ chẳng làm để thỏa mãn cái bản năng lâu nay vẫn bị kiềm tỏa để được tiếng trong sạch, gương mẫu.  Bao nhiêu “trò” còn chẳng “ngại” thì xá gì mấy cái tiếng “tục”. Vừa như để cho trọn vẹn cái thú hưởng lạc của bản năng, vừa như để tỏ ra có tác phong quần chúng và hình như cũng có tác dụng chữa “thẹn” khi trong lòng còn đôi chút lương tri! 

Trước sự buông thả của cấp dưới, cấp trên (cũng là nguời “đồng hội đồng thuyền”) thường tặc lưỡi cho qua vì coi đó là “chuyện sinh hoạt”, “chuyện đời thường”, nên lối sống tùy tiện đó chẳng có ai ngăn chặn, ngày càng “đâm chồi nảy lộc” nhất là trong cái “mùa xuân” được mang lại.

Lối sống của nguời tử tế ngày càng mai một, lối sống buông thả, coi thường danh dự, nhân phẩm ngày càng phổ biến là nguyên nhân đầu tiên khiến hiện trạng nói tục, chửi bậy ngày càng tràn lan.

Sau phải kể tới những con nguời bình thường, thậm chí có lối sống mực thước, nhưng vì gặp phải nhiều cảnh trái ngang, chịu những nỗi phẫn uất, không kìm được, không nén nổi mà bột phát thành tiếng chửi hay văng tục. Nhà văn Tô Hoài kể: sau khi chịu những oan ức trong vụ báo “Văn” (1958), nhà văn Nguyên Hồng thốt lên một câu: “Tao đ. thèm chơi với chúng mày nữa!” rồi “đùng đùng” từ bỏ hộ khẩu, nhà cửa, lương bổng theo chế độ cung cấp đưa vợ con về Nhã Nam (Bắc Giang) sống như nguời nông dân chính gốc. Cái chữ “đ.” mà Nguyên Hồng sử dụng chắc đã chứa chất tất cả những căm uất ông đã nén chịu suốt những ngày phải kiểm điểm, phải nghe những lời “đấu tố” của bao nguời đã được từng được ông coi là “bạn văn” ở ấp Thái Hà. Gặp một chuyện trái ngang, nguời ta có thể thốt ra: Mẹ kiếp!, Tiên sư nó!, Mả cha nó!, … Những  tiếng chửi hay văng tục đó như một cách xả stress, một cách “xì hơi” để quả bóng khỏi nổ tung. Cái “hơi” nó xì ra có thể khiến những nguời xung quanh khó chịu, nhưng lại tỏ ra đó là một con người bình thường, chứng tỏ phần lương tri trong họ vẫn còn đang lấp lánh.

  1. Từ những nguyên nhân đã chỉ ra đó, chúng ta có thể biết cần làm thế nào để giảm bớt việc nói tục, chửi bậy trong đời sống hiện nay.

Việc có ý định xử phạt hành chính với những nguời nói tục chửi bậy là một phương cách tỏ ra những nguời có trách nhiệm quá lười biếng. Nói “lười biếng” vì ban ra một cái lệnh xử phạt là điều dễ dàng nhất với những nguời cầm quyền. Nhưng ai sẽ xử phạt? Làm sao để có chứng cớ? Nguời ta không nộp phạt thì làm thế nào?… Quy định xử phạt hút thuốc nơi công cộng chưa cho các vị một bài học nhãn tiền sao?

Dễ dàng để thấy, muốn mọi người, nhất là tầng lớp thanh niên hạn chế nói tục, chửi bậy, các vị từ cấp trên trở xuống, hãy tỏ ra là những con nguời có nhân phẩm, nêu những tấm gương nhân cách, không chỉ riêng chuyện ăn nói, từ trong công vụ đến đời tư, từ đối nhân xử thế đến nói năng sao cho chuẩn mực. Chắc chắn, lớp con cháu sẽ nhìn các vị để học được những điều cần thiết.

Đồng thời, phải làm sao để cuộc sống ngày càng bớt đi những ngang trái, những bất công, …. Làm sao để lớp thanh niên không còn cảnh ăn học suốt mười mấy năm mà ra trường vẫn không có việc làm; làm sao để không còn những dân oan; làm sao để giữ được biển đảo; làm sao không phải nhìn các đại biểu mỗi ngày chi hết một tỷ đồng để lên hội trường ngủ gật, hay bàn những chuyện “tào lao”… Làm sao…? Làm sao….?  

Bớt đi những chuyện “chướng mắt, trái tai” nhất định sẽ bớt đi những lời văng tục, chửi thề mà chẳng cần phải xử phạt.

Những lời nói tục, chửi thề phát triển tỷ lệ thuận với tất cả những trái ngang  đó.

 

10 BÌNH LUẬN

  1. Thầy đã tìm được gốc rễ của vấn đề. Ngoài những người có thói quen nói tục thì những người bị dồn nén cũng có thể văng tục!

  2. nói tục do oan ức dồn nén thì có thẻ thông cảm,còn nói tục do thiếu lịch sự,không trang nhã thì nên phạt nặng

    • Rõ là buồn cười ! Hở tí là phạt và phạt nặng nữa mới ghê!

      Người Việt không ý thức được thế nào là “tự do” về ngôn ngữ, suy nghĩ và thế nào là lịch sự tối thiểu.

      Ở trong gia đình không thấy phải nhắc nhớ cho con cháu, ra xã hội lấy chửi tục bất khiêm nhã làm sự hay. Và làm thế nào trong bộ Luật có khung phạt? Nói như thế nào là đến mức phạt ?

  3. Tôi cũng nhận khuyết điểm với bác là cũng văng tục mấy lần trên FB vì tức không chịu nổi với những lời nói ngu ngơ, lấp liếm và trơ trẽn của những kẻ tự xưng là đỉnh cao trí tuệ đấy bác ạ.

  4. Tui có nhận xét rằng nói tục xuất phát từ văn hóa phong tục vùng miền. Quê tui Hà Tĩnh trước đây không biết nói tục văng tục , chỉ có một số ít bà nông dân biết và dám chửi tục khi bị mất trộm gà vịt…
    Nhưng từ thời bao cấp thì “văn hóa nói tuc” được du nhập và phát triển rất mạnh bởi tầng lớp thanh niên học đòi chứng tỏ mình. Nhưng bây giờ kiểu “văn minh đường phố” này đã giảm đi rất nhiều, có lẽ là do văn hóa phong tục, một cách tự nhiên nhứng ngôn từ tục tĩu không được hưởng ứng.

  5. Vê cái sự nói tục của người Việt có li do lịch sử và văn hoa,tâm lý nữa .Về lịch sử văn hoá dân mình vón thờ lin ga-anh thực khí, Thứ xem là tục tĩu nhưng trở nên gần gũi trong văn hoá cổ xưa! Hoạt động tính giao rong qua hệ nam nữ còn tồn tại trong văn hoá vùng miền trước đây!Vậy nên việc văng tục trở nên rất hồn nhiên có lẽ vì vậy! Lại thêm vè mát tâm lý dân mình vốn bị đè nên áp chế nhiễu tư xưa nên nói tục là một vũ khí ngon ngữ tiện dụng nhất. Gần đây sự húc xúc càng tăng nên trở thành: xã hội nói tục! Từ quan đến dân từ tướng tá đến binh lính từ già đến trẻ mà Đan bà con gái bây giơ nói tục còn kinh hơn! Đó là bệnh xã hội! Vậy đó biết làm sao?

  6. Ha ! Không có ý kiến gì ngược chiều với bài viết, chỉ xin góp một hai ý, dù rất trễ. Giới trung lưu, trí thức Sài Gòn ngày trước hầu như không nghe chưởi thề, hay rất hiếm hoi. Qua đến Úc mấy mươi năm trước tôi lấy làm ngạc nhiên và amused khi thấy dân họ chưởi thề loạn xạ, ngay cả chính khách, trí thức…Có bao giờ nghe các giới đó ở VN văng tục nơi công cộng bao giờ.
    Nhưng bây giờ nhìn lại VN, văn hoá xã hội thay đổi nhiều, văng tục chắc còn hơn xứ Úc ngày nay.

  7. Bác ơi! Khi những trái khoáy xảy ra mà ta kêu mãi không ai thèm nghe còn giở thủ đoạn ra thì chỉ còn chửi cho giảm uất ức

Trả lời Nguyễn Minh Khuê Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here