Từ đầu năm 1955, tôi cùng gia đình trở về Hà Nội. Cùng với đọc sách, xem chiếu bóng là phương tiện giải trí chủ yếu lúc ấy. Hà Nội cũng có những rạp hát như Kim Chung, Kim Phụng, Chuông Vàng, Kim Lan, … đều ở khu vực phố cổ, buổi tối hàng ngày thường có biểu diễn chèo, hoặc cải lương nhưng trẻ con không thích những thể loại này nên chỉ xem phim.
Lúc ấy dân số không đông (khoảng 40 nghìn người), nhưng Hà Nội khá nhiều rạp chiếu bóng. Lớn nhất phải kể đến rạp Majestic (chủ là người Ấn Độ sau nhà nước thu lại, nhân ngày 2 tháng 9 năm 1960, đổi thành Tháng Tám) ở phố Hàng Bài và Công Nhân (trước là Eden) ở phố Tràng Tiền. Xung quanh Bồ Hồ còn có rạp Hòa Bình (bây giờ là nhà hát múa rối). Trên phố Hàng Bài còn có rạp Ciros (sau đổi tên thành Kim Đồng dành cho thiếu nhi). Phía dưới phố Huế có rạp Đại Nam, phố Lò Đúc có rạp Mê Linh, phố Hàng Cót có rạp Đại Đồng, Hàng Giấy có rạp Bắc Đô. Rạp này nằm bên cạnh cầu vượt xe lửa nên ngồi xem phim khi có tàu hỏa chạy qua nghe ầm ầm. Phố Đặng Dung có rạp cùng tên. Ở Cửa Nam có rạp Kinh Đô, phố Hàng Buồm có rạp Kim Môn, phố Lương Văn Can có rạp Thủ Đô (hồi chủ tư nhân có tên Thái Bình Dương). Trước chợ Hàng Da có rạp Olympia (sau đổi thành Hồng Hà), phố Hàng Chiếu có rạp Long Biên. Phố Lương Ngọc Quyến có một rạp mang tên Đông Đô. Ngoài ra có một số rạp nhỏ như Kim Mã ở phố Kim Mã, Lửa Hồng ở trong ngõ nhỏ phố Hàng Trống, cạnh Ủy ban nhân dân quận bây giờ, Bạch Mai gần chợ Mơ. Trên phố Tràng Tiền, khoảng chỗ Trung tâm văn hóa Pháp bây giờ có một rạp chiếu trên tầng 2, cầu thang lên ngay từ hè phố, cũng nhỏ, tôi tới xem một lần nhưng quên tên (hình như có tên Thống Nhất).
Trừ những rạp nhỏ, thường có hai loại, vé xem chiếu bóng ở các rạp được chia làm nhiều loại theo nguyên tắc những người ít tiền thì “xem hát ngồi xa, xem xi-nê-ma ngồi gần”. Vé đắt nhất lần lượt là loại Thượng hạng, Ngoại hạng và Trên gác ở phía sau, có ghế đệm sau đó là hạng nhất, hạng nhì, ghế gỗ. Mỗi tối, rạp thường chiếu 2 suất, khoảng 18 giờ 30 và 20 giờ 30. Những khi có phim hay thêm suất lúc 22 giờ. Ngày chủ nhật các rạp thường có buổi chiếu đồng hạng (giá vé bằng nhau, ghế ngồi tùy chọn). Những buổi chiếu này thường vắng khách. Hàng tuần, cứ vào chủ nhật, hai anh em mình thường được bố cho tiền đi xem. Hai đứa chỉ cần mua một vé, ngồi chung ghế Thượng hạng ở rạp Công Nhân mà vẫn rộng rãi.
Học sinh cấp 2 ở Hà Nội lúc ấy còn có phong trào chơi programme. Mỗi phim chiếu ở rạp thường có bản tóm tắt, giới thiệu, phát kèm theo cho khách khi mua vé. Rạp tư nhân nên mỗi rạp có lời giới thiệu riêng in trên tờ giấy khổ 13 x 19, thường có 3 màu trắng, xanh lơ và hồng. Học sinh (thường cấp 2, cấp 3 thì chán trò này rồi) mê phim thường sưu tầm những tờ giới thiệu chương trình này, tích cóp lại và rất tự hào với bộ sưu tập của mình. Cũng có trao đổi với nhau nhưng không có mua bán như chơi tem vì để có những tờ giới thiệu phim này không cần mất tiền. Chỉ cần có chút thời gian, tới chờ ở cửa bán vé, xin lại của những người mua vé, một lúc thì được cả nắm.
Chưa có phim Việt Nam, phim Trung Quốc ngoài các phim chiến đấu như Đổng Tồn Thụy, Thượng Cam Lĩnh, …là các phim bây giờ gọi là “cổ trang” như Tần Hương Liên, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, Lâm Sung, …Phim Liên Xô là nhiều nhất, ngoài phim nói về chiến tranh Vệ quốc còn những phim thần thoại, phim về cách mạng tháng Mười, …
Còn nhớ có lần Bố Mẹ cho cả nhà đi xem phim “Nữ sinh lớp một” của Liên Xô ở rạp Thủ Đô. Phim kể chuyện một cô bé học lớp một tên Ma-rut-xi-a đi học về, mải chơi nên bị lạc trong rừng. Lại đúng hôm có bão tuyết. Thế là cha mẹ, họ hàng rồi cảnh sát, cả thành phố náo động đi tìm.
Đến khi cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, các rạp chiếu bóng hoặc bị công tư hợp doanh hoặc trở thành của nhà nước. Tất cả đều nằm chung trong Công ty chiếu bóng Hà Nội, có một tờ tạp chí khổ nhỏ ra hàng tháng tên “Màn ảnh Hà Nội”.Cha chung không ai khóc nên xuống cấp dần, nhất là từ khi chống Mỹ (1965).
Cũng phải có vài dòng nói về “xi-nê hòm” ở trước đền Ngọc Sơn (Bờ Hồ). Một cái hòm dài độ hơn hai mét, đặt trên bánh xe có thể di chuyển được. Một đầu có màn ảnh khoảng bằng cuốn vở mở rộng. Một đầu là máy chiếu có đèn chiếu nhờ ác-quy. Hòm kín mít, ở mỗi bên có khoảng bốn, năm cái lỗ để nhìn vào bên trong. Người xem ghé mắt qua những cái lỗ ấy. Khi nào có bốn năm người trả tiền thì chiếu. Phim là những đoạn phim hỏng các rạp bỏ đi. Chỉ nhìn thấy hình ảnh chuyển động và tiếng người chiếu vừa quay máy vừa thuyết minh. Toàn những đoạn phim chiến đấu, bên ngoài chỉ nghe thấy tiếng người chiếu miệng kêu “đoàng, đoàng”, “tặc tặc” giả tiếng súng bắn, “Uỳnh, oàng” tiếng đại bác, tiếng mìn nổ, rồi tiếng hô “xung phong!”… Người xem thường là trẻ bán kem, bán báo, đánh giầy bỏ vài xu xem trong khoảng dăm phút giải trí. Mình cũng chỉ xem thử một lần. Vài năm sau không thấy nữa.
Từ khoảng 1958, bên cạnh hệ thống rạp, Hà Nội xuất hiện các bãi chiếu bóng, nơi tổ chức chiếu phim ngoài trời. Mình biết bốn bãi chiếu bóng ở Hà Nội, đầu tiên là Yên Phụ, rồi Mai Động và Cầu Giấy. Sau có thêm bãi Khương Thượng. Các rạp đều ở nội thành, phục vụ chủ yếu cho người trong thành phố. Xe đạp khi ấy còn là một phương tiện đi lại chưa phổ biến nên dân các vùng ngoại ô, các khu lao động như Phúc Tân, Phúc Xá, An Dương, Trung Phụng… ít có điều kiện xem phim. Ban đầu, bọn học sinh, nhất là con gái thường không xem ở bãi (do không ít các gia đình thời ấy còn coi đó là nơi con nhà tử tế không nên lai vãng), nhưng sau cũng “bình dân hóa” dần. Trước 1960, học sinh ở Hà Nội, dù còn ít tuổi nhưng cư xử rất đàng hoàng, vẫn được những người buôn thúng bán bưng, làm những nghề lao động chân tay như đạp xích lô, kéo xe bò, bốc vác, …gọi bằng cô, bằng cậu, xưng tôi. Nhưng rồi do xóa bỏ ranh giới giai cấp, giàu nghèo, sang hèn chuẩn bị tiến lên thế giới đại đồng nên con cái những nhà tử tế nhiều người cũng nhiễm những tật xấu, cũng văng tục chửi bậy để “hòa mình với quần chúng”, khỏi bị phê phán là tư sản hay tiểu tư sản. Hà Nội trở thành Hà Lội bắt đầu từ những điều rất nhỏ như thế!
Nghĩa trang Hợp Thiện ở Cầu Giấy sau khi chuyển hết mồ mả đi nơi khác được xây dựng thành bãi chiếu bóng. (cùng đợt chuyển nghĩa trang trước bệnh viện Bạch Mai để xây dựng trường đại học Bách khoa, nghĩa trang lính Tây ở phố Nguyễn Công Trứ để xây dựng khu tập thể đầu tiên của thành phố). Gọi là xây dựng nhưng thực ra công việc cũng chẳng có gì nhiều. Nghĩa trang vốn đã có hệ thống tường rào. Sau khi di chuyển mồ mả, san phẳng, chỉ còn việc xây cái cổng ra vào để soát vé và cái nhà đặt máy chiếu. Công việc “nặng nhọc” nhất có lẽ là phải hạ mấy cây thông cổ thụ trong nghĩa trang. Mỗi khi qua đây vào buổi tối, vắng vẻ, chỉ nghe tiếng vi vu từ nghĩa trang vọng ra, rợn cả người. Từ khi có bãi chiếu bóng này, sinh viên các trường Sư phạm, Thương nghiệp (nay là Thương mại), khoa Văn trường Tổng hợp (ở gần trường Ngoại thương bây giờ),… tối thứ 7 có thể mua vé xem phim (tối chủ nhật phải vào ký túc xá, tất cả sinh viên đều phải ở ký túc xá, chỉ được ra ngoài từ 4 giờ chiếu thứ 7 tới trước 7 giờ tối ngày chủ nhật). Đi bộ vài ba cây số lúc ấy là việc quá bình thường.
Các bãi chiếu bóng hoạt động vào các buổi tối trừ tối thứ 2 và thứ 5. Đây là hai buổi tối quy định dành cho việc học bổ túc văn hóa trước hết ở các cơ quan. Hầu như buổi chiếu nào cũng đông khách, nhất là từ sau 1960, kinh tế bắt đầu khó khăn, xem phim ở bãi chỉ tốn chưa đến nửa tiền giá vé hạng “bét” ở rạp. Mà lại có thể “túm năm tụm ba” vui hơn hẳn ngồi trong rạp vào mùa hè. Những hôm có phim hay, trong bãi không chứa hết người xem, người ta phải bỏ tấm vải xanh che phía sau màn ảnh để người đứng bên ngoài có thể xem được (tất nhiên là hình ảnh bị ngược). Đến năm 1982, ông Lê Duẩn được Giải thưởng hòa bình Lê-nin, tiền Giải thưởng được ông cho đội thiếu niên xây trường huấn luyện cán bộ (chắc tiền thưởng chỉ xây được cái cổng và nhà thường trực). Trường xây trên đất của bãi chiếu bóng Cầu Giấy. Từ đó, bãi chiếu bóng này bị xóa sổ.
Mình rất phục trí nhớ siêu phàm của bác Giao. Ký ức của mình được phục hồi khá nhiều vì những mẩu hồi ức như thế này.Kể ra, bác nên viết một cuốn hồi ký hản hoi về cái thời dạy học của thế hệ chúng mình. Đọc sẽ rất thú đấy. Cám ơn bác
Chào bác giáo làng!
Tôi xin đính chính: Ở Phố Lương Ngọc Quyến là rạp Đông Đô chứ không phải rạp mang tên phố!