Những năm gần đây, du lịch Việt Nam đã có những phát triển vượt bậc. Theo những con số thống kê, số lượt người tham gia du lịch trong năm 2014, số người Việt Nam đi du lịch nước ngoài là gần 4 triệu lượt người, số khách du lịch trong nước là khoảng 40 triệu lượt. Đó là chưa kể tới các gia đình, các nhóm bạn đi du lịch một cách tự phát khó có thể tính đếm. Qua các con số thống kê ấy, có thể  thấy đời sống của người dân Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể. Người ta chỉ có thể đi du lịch khi những nhu cầu tối thiểu trong đời sống con người nhất là ăn và mặc đã không còn phải lo lắng. Thời gian rảnh rỗi sau giờ làm việc chính thức không còn như những năm 80, 90 của thế kỷ trước, phải dành cho mọi công việc làm thêm để đảm bảo đời sống ở mức bình thường. Và một điều kiện không thể thiếu, đó là các phương tiện giao thông bao gồm đường xá và các loại xe cộ, máy bay đã thỏa mãn nhu cầu  của mọi người.

Lẽ ra, sự phát triển của du lịch là điều đáng mừng trong bức tranh tổng thể về sự phát triển của đất nước. Nhưng thật đáng tiếc, bên cạnh việc góp phần tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống của nhân dân vùng du lịch phát triển, con số người tham gia du lịch đã khiến bức tranh văn hóa của cả nước ngày càng mang những màu sắc không được sáng sủa. Ở đây, tôi không nói tới sự nghèo nàn về hình thức và phong cách phục vụ, nhếch nhác trong cách tổ chức, những lưỡi chém ngọt sắc khiến khách từ phương xa tới, kể cả khách nước ngoài không bao giờ còn dám trở lại. Những điều đó hầu như ai cũng biết.

Người ta đi du lịch trước hết thường do nhu cầu hiểu biết, nhu cầu mở rộng tầm mắt. Cuộc đời mỗi con người, dù tài giỏi đến đâu, ai cũng chỉ có thể sống ở một nơi nhất định trong thời điểm nhất định. Trong khi ta đang sống ở một nơi nào đó, chuyên tâm với những công việc quen thuộc của mình thì cái thế giới mênh mông kia vẫn tồn tại và biến động. Một khi nhu cầu vật chất đã được thỏa mãn về cơ bản, những con người ham hiểu biết đòi hỏi được hiểu biết rộng hơn cái thế giới mình đang sống. Tất nhiên, những cuốn sách, những bộ phim và nhiều phương tiện truyền thông hiện đại ngày nay có thể giúp con người thỏa mãn những nhu cầu đó. Nhưng không gì có thể thay thế được những cảm nhận trực tiếp từ những giác quan và nhận thức của riêng mỗi người. Cùng với những lý do khác như khám phá, thể nghiệm bản thân, … đó là lý do quen thuộc nhất của những người đi du lịch khắp thế giới.

Nhưng rất tiếc, người Việt Nam chúng ta không coi đó là mục đích của những chuyến du lịch. Phần lớn khách du lịch của ta coi hưởng thụ là mục đích đầu tiên. Trong số nhiều chục triệu khách du lịch kia, cũng còn không ít những người đời sống hàng ngày cũng chưa thật đầy đủ. Họ coi những ngày đi du lịch là để bù đắp cho những nỗi vất vả trong suốt cả năm, coi đó là cái đích đến để động viên những ngày làm việc và chắt chiu sau đó, hy vọng được hưởng thụ ở năm kế tiếp. Những lý do kiểu này quả thật không có gì để phê phán. Mặt khác, những chuyến du lịch ấy dù ngắn ngày cũng phần nào cải thiện cho đời sống của con người mà không làm ảnh hưởng  đến ai.

Nhưng đáng phê phán là những người đi du lịch để tìm cơ hội thể hiện mình. Tới những nơi xa lạ, họ ít quan tâm đến cảnh vật, đời sống, con người nơi đó để mang lại thêm chút hiểu biết cho bản thân mà chỉ “chăm chăm” sao cho mình có những hình ảnh đẹp có thể  hơn hẳn những người xung quanh. Chẳng lẽ bè bạn, hàng xóm và rất nhiều người có thể có những tấm ảnh chụp ngay tại những nơi nổi tiếng (ở trong nước và nước ngoài) với những bộ trang phục đẹp đẽ, những tư thế độc đáo, … mà mình và những người thân của mình lại chịu “kém cạnh”?

Tôi biết có những người, trước đây, mỗi lần đi đâu đều cố gắng chụp thật nhiều ảnh, sau đó về in, phóng, ép nhựa và đem “khoe” với tất cả những ai có thể như một chiến tích lẫy lừng. Được thấy vẻ trầm trồ, thán phục, nuối tiếc của những người xem, người có mặt trong ảnh vô cùng mãn nguyện. Hình như với họ, đây mới là cái đích cao nhất và cuối cùng của việc đi du lịch. Từ khi các mạng xã hội phát triển,  không còn tốn tiền mua phim, phóng ảnh, có thể dễ dàng đưa những bức hình lên cho đông đảo mọi người “thưởng ngoạn”, không còn phải mất thời gian đem “khoe” với từng người, như một phản ứng dây chuyền, việc chụp ảnh khi đi du lịch ngày càng phát triển. Cho nên, do sự “oanh tạc” của những người có nhu cầu này, tất cả vẻ đẹp của các điểm du lịch đều bị tàn phá một cách nghiêm trọng. Từ những cánh đồng hoa cải ở Mộc Châu, Tam giác mạch ở Hà Giang hay bãi sông Hồng ngay Hà Nội, hoa hướng dương ở Nghệ An, cho tới những hoa anh đào, những đường phố hoa vào dịp Tết ở hai thành phố lớn đều không còn một chút gì của vẻ đẹp ban đầu sau khi các khách du lịch viếng thăm bất chấp bao công sức, tiền của biết bao người đã đổ ra.

Khách du lịch của ta rất lạ. Mất tiền bạc và thời gian vượt dăm ba trăm cây số, nhưng ít ai để thời gian tìm hiểu đời sống người dân Sapa hay Mèo Vạc ra sao? Cái lò rèn ở bản Cách Cách của người Mông thế nào? Để từ Hà Nội lên Cao Bằng, người ta phải qua bao nhiêu con đèo? …Ngay ở thành phố,  dịp lễ hội, ít người có nhu cầu đi lại thong dong cùng người thân trên đường phố, ngắm cảnh, ngắm dòng người qua lại để cảm nhận vẻ đẹp của tất cả trong ngày hội, để thêm yêu cuộc sống; từ đó có những suy tư làm giàu thêm cho đời sống tâm hồn. Nếu có tâm thái ấy, chắc chắn họ sẽ không nhẫn tâm giẫm đạp bao vẻ đẹp được những người khác tạo dựng. Hình như cái ám ảnh với mỗi người đều là, một lát nữa, hình ảnh mình, vợ con mình, bè bạn mình sẽ được đưa lên các trang mạng cho toàn thể thiên hạ phải “lác mắt”. Những hình ảnh của mình không thể kém cạnh bất cứ những hình ảnh của một ai khác, cho nên, nơi  chụp ảnh phải “hiếm”, góc chụp phải “độc” và tư thế của những người trong ảnh phải “lạ”. Có được như thế, cuộc chơi mới “mỹ mãn”. Để đạt được những cái “độc”, cái “hiếm”, cái “lạ” ấy bao vẻ đẹp thiên tạo và nhân tạo đã bị phá hủy.

Tôi không phải người dân, lại càng không phải người đã đổ mồ hôi làm nên những cảnh đẹp rực rỡ ở các điểm du lịch đó. Nhưng mỗi khi được chứng kiến cảnh “trai thanh gái lịch” ở khắp nơi đổ về Hà Giang, Mộc Châu, cùng biết bao nơi khác … bằng mọi cách “chiếm lĩnh” những vị trí “đắc địa” nhất để bấm máy mặc cho những đôi giày của họ xéo nát bao thành quả của con người  mà không khỏi xót xa và căm giận.

Người địa phương, ngoài một số không nhiều những người có thể tranh thủ cơ hội có khách du lịch để kinh doanh thu được chút lợi nhuận, phần lớn những người dân còn nghèo đói đã chịu bao nhiêu thảm họa do du lịch nhưng vì  “thấp cổ bé họng”, “thân cô thế cô”, họ không thể lên tiếng.

Thật chết khiếp về du lịch!

6 BÌNH LUẬN

  1. Thưa bác,

    Nói cho cùng, người Việt Nam ta chỉ có “du” nhưng đâu có “lịch”. Ngay cả việc lịch sự tối thiểu với nhau trong cuộc sống hàng ngày cũng chưa có nữa là với các di tích lịch sử, với thiên nhiên và thắng cảnh. Chẳng lẽ vi sao bảo rằng đi du lịch lại cố mà nhổ lông đuôi con voi còn khoe nhặng xị

    Mà thôi, bản chất của người Việt hiện tại không là xây dựng mà chỉ là phá hoại và hưởng thụ ngay bây giờ. Khi ra nước ngoài vẫn thế, làm càn cái đã rồi tính. Ai có bảo gì thì không chửi vung nắp chõ cũng cãi gàn.

    Hưởng Thụ = Tự Do (phá)

    Người lịch thiệp đi đâu hết !

  2. Người Viêt đi du lích chỉ để ngắm cành ,chụp hinh ,quay phimvà khoe ,và mua hàng tại các shpping center.Rất ít người đi du lich dể hoc hỏi ,mở rộng tầm nhìn ra thế giới quanh ta.
    Rất it người Viêt khi đến Mỹ đi thăm các viên Bảo Tàng ,Quốc Hôi,Tối Cao Pháp Viên ,White House xem cách chính phủ Mỹ tổ chức hệ thống đương xá ra sao mà không thấy bong Cảnh Sat đứng đừong nhung khi có tai nạn là 3 phut sau Cành Sat đã có mặt.Trên các xa lô không có nhà dân quay mặt ra đương

  3. Tôi đến núi Thúy Sơn (Non Nước ở Ninh Binh ,thắng cảnh nơi
    các danh nhân ,thi sĩ từng viếng thăm có nhiều bài thơ vịnh cảnh như cu Nguyễn thương Hiền ,Cao Bá Quát ,Cao Xuân Dục vv
    nhưng sở Du Lịch Ninh Bình không sưu tấp đươc bai thơ nào .
    Đường lên núi,cây cỏ mọc um tùm ,ối đi đầy rác.
    Người Trung Quôc hay đăt giai thoai “Bất đao Trường Thành phi Hảo Hán.Hang Châu có mon thit heo “Tô Đông Pha”
    Quảng Đông có ngôi chùa nhờ Tô Đong Pha đăt tên thấy có 6 cây SI nên đăt tên la “Chùa Lục Si”

  4. Đa số người đi du lịch không có nhu cầu tìm hiểu văn hóa, lịch sử, phong tục đâu bác ạ. Cái gì cũng “biết đại khái”, chỉ chăm chăm khách sạn có điều hòa mát không, đồ ăn ngon không, thậm chí không cần ngon hay không mà ăn nhiều, ăn no vì tiền đã bỏ ra rồi. Thêm vào đó là thói quen “giờ cao su”. Trừ khi ra sân bay,mà kể cả ra sân bay thì chậm 15,20p là thường. Ôi,vô khối chuyện bác ạ.

  5. Bộ Du Lĩch ViêtNam đã làm gì ,có học hỏi xem ngườ Thai,Singapore làm du lĩch không.Du khách có dưỡc AN TOÀN
    hay lúc nào cũng lo bi CƯỚP ,MÓC TÚI ,bí CHÈO KÉO mua hàng hay ăn uông bị CHẶT CHÉM.Nhà Vệ Sinh quá ÍT va BẨN ,RÁC khắp nơi.Huớng Dẫn Viên Du Lích không được đào tạo bài bản,không lo
    cho sự AN TOÀN của khách mà chỉ muốn đưa khách vào các cửa hang để nhân HOAHỒNG

Trả lời NGHUYÊNVĂNOÁNH Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here