Nói theo ngôn ngữ tâm linh thời thượng, vừa rồi, tôi có “hạn”. Chuyện là thế này:

Sau chuyến đi Hà Giang cuối tháng 9, tôi bị đau mắt. Chỉ qua một buổi tối, hai mắt sưng húp, nhức nhối, nhìn rất khó khăn. Hôm sau đi khám, bên cạnh việc kết luận bị đau mắt đỏ, cho đơn mua thuốc, bác sĩ còn cảnh báo:

– Hai mắt bác thủy tinh thể đều đục, nên xử lý sớm.

Tháng sau, gặp nguời bạn Trưởng khoa mắt của một bệnh viện, anh khẳng định họ khuyên thế là đúng, nên thay thủy tinh thể nhân tạo sớm vì kỹ thuật đơn giản, tránh để lâu ngày, sau đó xử lý sẽ phức tạp.

Thế là tôi quyết định đi mổ mắt.

Sau vài lần tới bệnh viện làm các loại xét nghiệm, chiếu chụp, siêu âm, … bác sĩ bảo sang ngồi chờ ở phòng mổ. Phấn khởi vì bao “cửa ải” đã qua, vừa đi được mấy bước thì… ngã. Và cái tay bị gãy. Thế là việc mổ mắt phải tạm hoãn nhường chỗ cho việc bó bột cánh tay.

Nhiều nguời, khi gặp những sự không may thường tìm nguyên nhân từ những lực lượng siêu nhiên qua mấy ông thầy tướng. Con ốm, thầy phán do bà cô Tổ phạt vì cha mẹ trễ nải việc hương khói. Gặp tai nạn giao thông, thầy phán  do gặp phải ngày xấu, lại ra khỏi nhà vào giờ xấu, … nghĩa là những nguyên nhân không thể ai biết được, trừ thầy.

Xem ra trong lịch sử nước Nam ta, khó có ai giỏi hơn được Trạng Trình Nguyễn  Bỉnh Khiêm cả về nho, y, lý, số. Trong đời, cư sĩ am Bạch Vân chắc đã “phán” cả trăm nghìn câu, nhưng cho tới nay, hình như nguời ta chỉ thấy đúng đâu có chưa được dăm câu. Thế mà các thầy tướng số tân thời, phán câu nào được nguời ta tin sái cổ câu ấy (kể cả các vị mang học hàm học vị giáo sư tiến sĩ) thì quả là các bậc cao minh hiếm gặp.

Những chuyện “tâm linh”, “ngoại cảm” gần đây, đem xương trâu xương lợn biến thành hài cốt liệt sĩ, chuyện “hô phong hoán vũ” được “chém gió” ầm ầm càng tỏ cái thiếu sáng suốt của niềm tin mà căn cứ rất mù mờ của không ít nguời.

Tôi vốn “văn dốt vũ dát”, không đủ trình độ hiểu được cái “huyền bí” của Tạo Hóa nên khi gặp phải sự gì không may, thường trước hết tìm nguyên nhân từ chính bản thân mình. Ngay khi ngồi chờ kết quả chụp phim chuyện gãy tay, tôi đã “tự kiểm điểm” một cách nghiêm khắc bản thân:  tôi bị ngã gãy tay vì hôm ấy chân trái đau, lại bước đi hơi vội. Hơn nữa, đôi giày đi hôm ấy chỉ phù hợp với đất vườn (đế giày có đinh cứng, có thể cắm sâu vào đất tránh bị trượt ngã), lại đi trên sàn gạch men láng bóng nên việc bị trượt là điều dễ hiểu. Và (không biết có phải tinh thần AQ hay không), trong cái rủi lại thấy có cái may: ngã ngay trong bệnh viện nên việc cứu chữa rất “tiện lợi”, ngã trong bệnh viện chứ không phải trên đường đi chơi bằng xe máy nên không thể bị trách cứ rồi dẫn tới bị “cấm vận”; và sau đó, suốt hàng tháng mang cái tay bó bột lại thấy thêm may vì có cơ hội để phần nào thấm thía với  câu tục ngữ (dù đã thuộc từ lâu) “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”.

Vì “thực sự cầu thị”, không trông chờ vào những lực lượng siêu nhiên, những việc tôi tính, tôi làm thường “thông đồng bén giọt”.

Không có điều kiện tìm hiểu nhưng qua những điều được chứng kiến cùng kinh nghiệm bản thân, tôi tin vào những hiểu biết mang tính chất “duy vật thô sơ” của mình. Cuộc sống của mỗi nguời do chính bản thân con nguời đó quyết định  có được sự hỗ trợ thêm của gia đình, quê hương và nơi, hoàn cảnh  sinh sống,… Chẳng nên tin vào một lực lượng thần bí nào.

Tôi biết trong cuộc sống, vẫn có nhiều điều bí ẩn, chưa thể giải thích được đó là do khoa học chưa phát triển chứ không còn tin có những lực lượng thần bí chi phối cuộc sống con người. Chẳng lẽ nguời phương Tây họ ở một thế giới khác ta? Vì sao không cầu cúng, lễ bái như ta, họ vẫn có cuộc sống văn minh, có nhiều thành tựu, … hơn ta. Cho nên, tín ngưỡng là một nét đẹp văn hóa thì nên gìn giữ, đây chính là “bản sắc dân tộc” khiến con người  trên Trái đất này có sự đa dạng, phong phú về văn hóa. Thế thôi!

Ngay triết lý “ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác” tôi cũng chỉ nghĩ đó là mơ ước nghìn đời của con người. Mơ ước đó khiến cuộc sống của chúng ta nhân ái, thiện lương hơn nên cần khuyến khích. Thực tế cuộc sống, vô khối nguời hiền lành, nhân đức đã chịu những “tai bay vạ gió”, còn những kẻ gian ác, xảo quyệt, thậm chí phạm vào vô khối điều cấm kỵ vẫn sống, thậm chí còn giàu sang phú quý, công danh đàng hoàng. Với các bậc tiền nhân, tôi cúng giỗ chu đáo là do lòng thành của con cháu với cha ông, một cách tỏ tấm lòng “uống nước nhớ nguồn” chứ không phải sợ các vị “tác phúc giáng họa”. Tôi tử tế với mọi người, không ganh ghét, giành giật, sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai trong phạm vi khả năng của mình  chỉ vì từ nhỏ, Ông Bà, Cha Mẹ  đã dạy, và một khi nhân hòa với đồng loại, tôi thấy cuộc sống của mình thanh thản hơn chứ không phải để hy vọng gặp may mắn hơn. Tôi không làm điều ác không phải vì sợ “ác giả ác báo” mà vì được dạy nhân hậu, khoan hòa từ bé, không thể làm những điều trái với lương tâm. Thỉnh thoảng, có tham gia những  hoạt động từ thiện cũng chỉ vì lòng “thương nguời như thể thương thân” chứ hoàn toàn không nghĩ tới làm thế là để “tích phúc” cho con cháu vì tôi vốn nghĩ  chuyện “tích phúc”, chẳng qua đó là cách để nguời xưa khuyến khích những hành vi này mà thôi. Tôi tin con cháu có thể “tự thân vận động” mà không ỷ lại vào cha mẹ.

Cứ xem hàng năm, nguời ta đi lễ cầu an, chen vai thích cánh nơi chùa chiền, hàng nghìn nguời ngồi lấn ra cả  hè, cả đường mà thấy vừa buồn cho ý thức chấp hành luật pháp, vừa buồn vì cái sự thảm hại khi toàn các trai thanh gái lịch, nguời khỏe mạnh sức dài vai rộng, các ông các bà bằng cấp học vị đầy thân, .. không tự mình  quyết định cuộc đời mình lại đi trông ngóng, cầu xin ở những đẩu những đâu!

Hãy cầu an bằng cách sinh hoạt điều độ theo đúng cách mà khoa học đã khuyên bảo; cầu an bằng cách đừng rượu bia, cà phê thuốc lá quá mức cho phép; cầu an bằng cách giữ đúng luật giao thông mỗi khi ra đường; cầu an bằng cách cẩn trọng mỗi khi nói năng, hành động; cầu an bằng cách đừng ham hố danh lợi, vừa lòng với cuộc sống đạm bạc về vật chất nhưng phong phú về tinh thần; cầu an bằng cách luôn luôn để trong lòng thanh thản, không phải ăn năn về những lầm lỗi, cũng không phải bị kích động vì những ước muốn viển vông, …

Còn một khi đã cẩn thận giữ gìn nhưng có gặp “tai bay vạ gió” thì âu cũng coi đó là một trong những sự ngẫu nhiên (có may và có rủi) mà ta có muốn tránh cũng không tránh được.

Nguời xưa đã dạy: “Linh tại ngã, bất linh tại ngã”. Đôi chút tâm sự để mọi người nhất là các bạn trẻ tham khảo.

 

17 BÌNH LUẬN

  1. Từ rất lâu rồi tôi rất thích trang ÔNG GIÁO LÀNG…này tôi xem bài này thấy sao hạp với tôi thế.Đối với thần linh gì đấy thì tôi rất tôn trọng , không phỉ báng ,nhưng để đặt niềm tin thì không có..mình phải tin vào mình để mà phấn đấu, nếu chưa đạt được cũng chỉ là mình còn tài mọn sức yếu mà thôi hoặc là chưa có duyên .Chúc ÔNG GIÁO LÀNG khỏe mạnh, sống lâu .

    • Ông nói sai rồi “Linh tại ngã, bất linh tại ngã” là “tin cũng nơi mình, không tin cũng nơi mình”. Tin là làm việc tốt sẽ được phù hộ, làm xấu bị phạt cũng là tin vào sự công-bằng nhân-ái. Nhưng bây giờ thần-linh trong một thế hệ tranh đua cầu lợi chỉ là một lại để hối lộ. Người ta tin lung-tung cả, nhưng không có cốt lõi về niềm tin. Vì thế họ chạy khắp nơi với ý nghĩ hối lộ. Sẽ có lại-quả từ thần-linh.

  2. Em rất thích câu này của bác: “một khi nhân hòa với đồng loại, tôi thấy cuộc sống của mình thanh thản hơn chứ không phải để hy vọng gặp may mắn hơn”.

  3. ác giả bài viết này có lẽ đã tiếp thu và vận dụng đúng theo tinh thần chủ nghĩa duy vật biện chứng của học thuyết Mark – Lenin. Điều này rất đúng ở các nước đã phát triển với con người đã đạt được nhận thức cao. Còn với VIỆT NAM thì xã hội còn quá khó khăn nên nơi đây là mảnh đất màu mỡ cho tâm linh phát triển theo định hướng “lung tung” cho cả “Thánh Kinh” và “Thần Kinh”. Mặc cho có nhồi sọ thì con người xứ mình vẫn “nói một đằng, làm ngàn đằng.” Ví phải sống chung với sợ hãi đến phát bệnh từng ngày nên người ta phải tìm đến chú ẩn nơi tâm linh. Chỉ mong sao đất nước phát triển để những “bậc đỉnh cao trí tuệ” không phải “cao chạy xa bay” tới Hoa Kỳ lạ lẫm nữa! “Vật chất quyết định ý thức” Vậy nên, Chúng ta là giai cấp vô sản thì làm “đéo” gì có vật chất để mà nói đến ý thức. Xin lỗi bạn đọc vì học dốt nên văn viết thô tục.

  4. + “Bạo lực nằm sâu trong di sản văn hoá cộng đồng. Người Việt chúng ta không có niềm tin đủ mạnh vào cái thiện, đủ để làm cho họ tránh phạm điều ác. Bạo lực chứng tỏ trình độ làm người thấp của cả cộng đồng. Chúng ta còn phải phấn đấu nhiều để vượt lên một trình độ sống khác”.
    +”Cổ tích của chúng ta cũng có không ít truyện cho thấy ẩn ức bạo lực của con người”
    +”Dân ta đâu có tin nhiều thần thánh! Người ta nô nức đi chùa, đi đền, không gì khác là để hối lộ thần thánh, mặc cả với thần thánh”.
    …..
    Trình độ sống của người Việt còn thấp ?!!

  5. “Small Boy”- NIỀM TIN (sẽ có) CỨU RỖI (Phim Mỹ)

    Cậu bé luôn tin mãnh liệt vào Chúa Trời sẽ cho mình quyền năng dịch chuyển cái chai từ xa. Khi Đức Cha yêu cầu cậu thể hiện, cậu “phùng mang trợn mắt” rồi… bó tay.
    Đức Cha vẫn yêu cầu cậu tiếp tục Tin & Thể hiện cho đến khi Cậu thất vọng thì…cái chai dịch chuyển nhờ bàn tay của Đức Cha (!!!?).
    Giải thích cho thắc mắc của cậu bé về “quyền năng kỳ lạ ” này, Đức Cha chỉ nói: Bởi Con có Niềm Tin nên đã được… Cứu Rỗi.

    Trong Phật Gíáo cũng có câu chuyện “cái chăn sưởi ấm ta hay ta sưởi ấm cái chăn?”. Cái chăn sẽ ko sưởi ấm cho ta nếu ta ko tin tưởng vào nó và… đắp nó lên mình.

    Tự hỏi: Hãy có niềm tin vào chính mình. Hãy coi trong mình có Phật với đủ niềm tin và trách nhiệm cứu rỗi… khi đó ta sẽ được (tự) cứu rỗi !?

  6. Vậy là bác chưa hiểu gì về cách cúng quảy cư xử của các lãnh đạo thời nay, sống như bác thì nên trở về thời “phong kiến” mà chơi với kẻ sĩ. Thời nay ai sống vậy mà lên lon lên chức hả bác?

  7. Đồng ý hoàn toàn với quan điểm của bài viết, chúng ta tự quyết định cuộc đời mình chứ không phải trông chờ, cầu khấn, xin xỏ ở 1 vị thần linh nao hết, khi cuộc sống còn khổ đau, con bất an, thì con người lại càng tin một cách mù quáng vào lực lượng siêu nhiên vì họ mất niền tin vào cuộc sống, nên họ hướng niềm tin vào 1 thế giới khác, 1 thế giới không có thực những lại cứu rỗi được tinh thần cho họ. Khốn khổ lại hoàn khốn khổ vì bế tắc, luẩn quẩn

  8. Thua ong . Doc bai viet cua ong tui thay hay , cho phep tui them vo vai y he : 1/ luat : nhan va qua , tui thuong tuan theo , vi tui nghi gieo cai gi thi nhan cai do , ….. 2/ niem tin : bay gio nguoi ta bi mat niem tin cua chinh minh , nen moi di chua , cung bai , the thoi chu dau co gi ma ko hieu

  9. Cảm ơn ông giáo. Bài này cũng như nhiều bài viết khác của ông rất dung dị, dễ đọc, dễ hiểu mà ý tứ sâu xa. Tôi cũng có quan điểm như ông, hên hay xui, được hay mất phần nhiều đều do mình cả. Chẳng phải tại số má gì. Chỉ có điều này, tôi thấy lạ:
    Các con tôi (và con của bạn bè tôi) đều được học hành tử tế, đứa trong nước, đứa ngoài nước, đứa kỹ sư, đứa thạc sĩ… hiện có công việc đàng hoàng, thu nhập khá vậy mà chúng mê tín khủng khiếp. Ông bà nói, cha mẹ nói chúng không dám cãi nhưng chẳng tin, chỉ tin thầy bói. Làm bất cứ việc gì mà chúng cho là quan trọng chúng đều hỏi thầy. Không phải là ông thầy linh tinh mà đều là các hòa thượng danh tiếng ở các chùa.
    Thế là thế nào? Thà rằng chúng vô học, dốt nát, “dân trí thấp” nên sợ hãi mà mê muội thì đã đành.
    Thêm nữa, nhiều nhà sư bây giờ thêm nghề thầy bói là sao? Nhà Phật có phép coi tử vi sao?
    Đôi lời tâm sự, mong ông giáo chỉ giáo dùm. Cảm ơn. Nếu có thể được, xin cùng được đi phượt với các bác một chuyến. Tôi cũng có máu đi đó đi đây. Cũng đã đi được gần trọn một vòng trái đất rồi.

    • Kỹ sư hay bác sĩ như bác nói chỉ là khả năng làm việc trong một lĩnh vực chuyên môn nào đấy. Chưa hẳn người có năng lực chuyên môn là có thế giới quan khoa học.
      Phật giáo Đại thừa ở miền Bắc đã tích hợp nhiều yếu tố Đạo giáo và các tín ngưỡng nguyên thủy. Phật Nguyên thủy (của người Khơmer ở VN, Campuchia, Lào, Thái Lan…)thì không cúng bái, cầu xin,lễ lạt om sòm như thế.

  10. Bác ôi, người ta đâu có cầu cho sơn-hà, xã-tắc và với hy vọng tu thân có lợi chung xã-hội . Sự học bây giờ hỏng cả rồi, đâu phải vì muốn biết, muốn đạt ý hiểu mà là cần câu cơm. Họ cầu tài là chính. Nhưng quan trọng gì? Những chỗ họ đi cầu càng muốn nhiều khác vãng lai mà hốt tiền chứ nào.

    Khi một tin đưa ra bác sĩ chết vì… bệnh viêm gan do chích mật gấu, nuôi gấu ở nhà hòng chích mật gấu tươi thì bác biết thứ “bác sĩ” đó sẽ làm sao với thần linh rồi. Khoa học sơ cấp mà còn không xong thì cầu may, cầu an, và cầu chóng giàu là chuyện tất nhiên.

    Và… e hèm, phương trượng Thiếu Lâm Tự ở Trung Quốc đang phát triển du lịch hơn 200 mẫu thuộc của chùa với khách-sạn 4 sao và sân golf để khách có tiền đến vừa thư-giãn vừa học tập triết lý nhà Phật cơ mà. Ơ mà lắm anh như Jackie Chan chẳng hạn cũng ủng hộ lắm lắm. Đâu phải để “tịnh” ngõ hầu “độ”. Ăn “đồ chay” chỗ khách-sạn 4 sao ấy nó khác với chỉ ăn rau không ăn thịt của thằng bần bác ạ.

    Có tiền thời mua tiên mà bác !

Trả lời pham van hoa Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here