Thế hệ chúng tôi, ngay từ khi còn mang trên vai tấm khăn quàng đỏ đã được thấm nhuần những bài học về lý tưởng cuộc sống, về mục đích của đời người, về ý chí và nghị lực trước những khó khăn… Một trong những nguồn tư liệu phong phú mà chúng tôi có được là những cuốn sách của các tác giả Liên Xô, những tấm gương của những anhh hùng Liên Xô đặc biệt trong Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Những Paven Corxaghin, những Dôia và Sura, những Maretxep từ trên trang sách đã đi vào bữa ăn giấc ngủ, trở thành những tấm gương chói ngời khó phai mờ.
Giờ có nhắc lại những điều ấy, chắc không ít người cười chê chúng tôi hồi ấy là ấu trĩ, là “bôn sệt”, … Nhưng là một trong những người trong cuộc, phải thành thực nói rằng: những bài học đầu đời ấy cùng với giáo dục gia đình đã giúp chúng tôi sau này, trong suốt cuộc đời không sống ích kỷ và hèn hạ.
Lớn lên, được đọc các tác giả văn học Nga, từ các nhà văn lớp trước như L. Tonxtoi, Puskin, Lecmontov, Niekrasov, Tse khôp, Turgueniev, … tới các nhà văn Xô viết như M. Gorki, A. Tonxtoi, Phadev, Oxt’rovski, Polevoi, Erenbua, …
Rồi được nghe những bản nhạc Nga của Tchaicopxki, của Glinca, của Sostakovich,… thuộc những bài hát với những lời ca thôi thúc “Lòng ta hằng mong muốn và ước mơ, Bàn tay son sắt giương cao ngọn cờ, …”
Rồi được xem những bộ phim Cuộc hành trình qua ba bể, Người thứ 41, Khi đàn sếu bay qua, Số phận con người, …
Rồi bằng cái máy quay đĩa (tourne disque) như chiếc vali nhỏ của Liên Xô ngày ấy, chúng tôi được tiếp cận với các tác gia cổ điển thế giới: Moza, Betoven, J. S’trau, J. Bach, … qua những đĩa nhạc 33 và 45 vòng/phút do Nga sản xuất….
Dù không được may mắn như nhiều người, được học tập ở nước Nga xa xôi, trong con người tôi, trong tâm hồn và tính cách của tôi đã chịu ảnh hưởng không ít của văn hóa Nga.

Cho nên, dù lần đầu được đặt chân tới nước Nga, những cái tên như Quảng trường Đỏ, những đại lộ Nepxki, Cutudov,… những đường phố Lebedev, Cubưxev, … những tượng đài Puskin, Gorki, … hay những tòa nhà trong Triển lãm những thành tựu kinh tế quốc dân, với tôi không hoàn toàn xa lạ.
Ngày cuối cùng trên đất nước Nga, tôi đã tới nghĩa trang danh nhân văn hóa ở St Petecbua để bày tỏ tấm lòng với những con người mà tôi hằng ngưỡng mộ và chịu ơn. Tất nhiên, mộ của các danh nhân Nga nằm rải rác khắp nơi trên đất nước rộng lớn này. Ở đây chỉ có khoảng 40 ngôi mộ của những người có nhiều quan hệ với mảnh đất St Pêtecbua, trong đó có những danh nhân có thể nói “ai cũng biết”. Đó là nhà văn viết truyện ngụ ngôn Krulop, nhà văn Dostoiepxki, V. Zhukovxki, N. Rhimsky Korsakov, nhạc sĩ Tchaikopxki, M. Glinka…
Nghĩa trang ngay trong lòng thành phố, gần nhà ga xe điện ngầm Nepxki. Một khuôn viên rất đẹp được che rợp bởi những cây cổ thụ. Mộ của các danh nhân được xây dựng mỗi người một phong cách, chắc do ý nguyện riêng. Phía trên mộ, có những pho tượng bán thân, có những nhóm tượng của bản thân nghệ sĩ cùng vợ và con, lại cũng có những ngôi mộ đơn sơ đến bất ngờ, người ta chỉ thấy một giỏ hoa treo từ trên một cành cây rủ xuống, còn phía dưới chỉ thấy một thảm cỏ xanh.
Nghĩa trang được chăm sóc chu đáo. Khi tới viếng mộ, tôi thấy năm sáu người đang quét tước, tưới cây hay tỉa cành, trồng hoa. Dù bán vé vào cửa, nhưng đôi khi người vào viếng vẫn phải xếp hàng.

 

 

2 BÌNH LUẬN

  1. Cảm ơn thầy, điều thầy viết đúng là điều tôi nghĩ “cảm ơn nước Nga”. Thật quá xúc động khi nghĩ đến những điều này. Nước Nga trong tôi là bát ngát, đẹp đẽ, người Nga trong tôi là những con ngư\ời thuần hậu hy sinh… xin cảm ơn thầy.

  2. Cảm ơn thầy, điều thầy viết đúng là điều tôi nghĩ “cảm ơn nước Nga”. Thật quá xúc động khi nghĩ đến những điều này. Nước Nga trong tôi là bát ngát, đẹp đẽ, người Nga trong tôi là những con người thuần hậu hy sinh… xin cảm ơn thầy.

Trả lời Quang Nguyễn Bá Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here