Chức năng đầu tiên của phong bì là đựng cái thư, cái công văn để chuyển tới người nhận. Nếu chuyển qua bưu điện, trên phong bì cần dán một con tem, mệnh giá tùy theo quy định của cơ quan bưu chính. Trong kháng chiến chống Pháp, nếu thư gửi cho bộ đội hoặc ngược lại, thư của bộ đội gửi về gia đình được miễn cước phí, chỉ cần trên phong bì ghi mấy chữ TBS MBP (Thư Binh Sĩ, Miễn Bưu Phí) là bưu điện sẽ chuyển. Còn trường hợp người gửi không có tem (vì không mua được hoặc không có tiền mua tem) thì ghi trên phong bì mấy chữ “Không mua được tem, người nhận chịu tiền phạt”. Bưu điện vẫn chuyển thư, nhưng khi phát thư, người ta sẽ thu tiền phạt của người nhận.
Trước cách mạng tháng 8, tôi không rõ hình dạng, chất liệu của cái phong bì thế nào. Nhưng trong kháng chiến chống Pháp, cái phong bì rất đơn giản. Người ta thường làm phong bì bằng giấy đã sử dụng một mặt, thậm chí, nhiều cơ quan còn dùng báo cũ, giấy đã dùng cả hai mặt làm phong bì. Để có chỗ ghi nơi nhận, người nhận, người ta dán trên phong bì một mảnh giấy trắng khoảng ba ngón tay.
Đến kháng chiến chống Mỹ, phong bì để gửi thư thường do người viết thư tự làm bằng giấy trắng, hoặc giấy đã sử dụng một mặt. Các cơ quan gửi công văn bằng phong bì làm từ giấy còn một mặt chưa sử dụng. Phía trên bên trái có đóng dấu tên cơ quan, tổ chức.
Nghĩa là trước đây, người ta thường rất tiết kiệm khi làm cái phong bì, vì coi nó chỉ là cái bao bên ngoài, không có gì quan trọng (Trừ trường hợp công văn, giấy tờ cần bảo quản cẩn mật thường được đựng trong phong bì bằng loại giấy dầy và khó rách).
Từ khi đất nước đổi mới, cùng với sự thay đổi, ngày càng hiện đại các đồ dùng văn phòng, cái phong bì cũng được chú ý nhất là phong bì của các cơ quan, tổ chức, xí nghiệp, công ty. Nó được coi là bộ mặt của cơ quan, tổ chức nên rất được chú ý từ khâu thiết kế đến lựa chọn chất liệu, màu sắc, …Phong bì được làm bằng giấy trắng, đẹp, trên đó có in sẵn tên cơ quan, có cả logo. Chi phí để làm nên một chiếc phong bì bây giờ không còn là vặt vãnh.
Những năm gần đây, cái phong bì có thêm chức năng che tiền trong quan hệ giao tiếp: tiền mừng đám cưới cho trang nhã để người ngoài khỏi tưởng đây là trả tiền “bữa cơm bụi giá cao”, tiền phúng viếng đám ma, đám giỗ để tránh đặt tiền, cái vật vẫn được coi là uế tạp lên trước linh cữu người quá cố hay trên ban thờ, tiền đút lót cho thầy cô, cho nhân viên y tế và những người có chức năng làm đầy tớ cho nhân dân khi nhân dân cần giải quyết những công việc theo quy định của nhà nước; tiền thuê người có mặt trong những cuộc hội nghị, họp hành vô bổ mà nếu thiếu nó, chắc đất nước sẽ bớt nghèo nàn lạc hậu; tiền thăm hỏi người bệnh lúc ốm đau, … Việt Nam ta trở thành nước tiên phong trên thế giới trong việc đặt nền móng và phát triển văn hóa phong bì và sẵn sàng đề nghị cơ quan có trách nhiệm của Liên hợp quốc công nhận là đất nước đã sản sinh ra nền văn minh phong bì.
Nhưng có một việc dính đến tiền nong lẽ ra không cần cái phong bì nhưng nó vẫn được sử dụng gây lãng phí không nhỏ. Đó là trong các cuộc quyên góp ủng hộ người nghèo, nạn nhân bão lụt, v.v… ở các cơ quan nhà nước từ cấp to tới cấp nhỏ mà ai cũng có thể thấy qua truyền hình. Tất cả mỗi người đều cho tiền vào trong phong bì để bỏ vào hòm. Mỗi người một cái phong bì, giá tiền của nó ít chắc cũng một vài nghìn, còn nhiều thì chắc cũng không thể thấp hơn năm nghìn (theo hóa đơn giá trị gia tăng). Những cái phong bì này là của cơ quan, chẳng ai bỏ tiền ra mua vì “có đáng là bao”. Những cái phong bì này sau đó thì chỉ đem đốt, góp phần làm vẩn đục cái môi trường vốn đang ô nhiễm, chẳng có ai đem sử dụng lần thứ hai. Cơ quan thiếu gì, tiền thuế của dân thiếu gì!
Không ai biết trong mỗi cái phong bì đó có bao nhiêu tiền. Tôi nghĩ chắc không nhiều vì người Việt Nam ta vốn chẳng thích gì kiểu “áo gấm đi đêm”. Nhìn các vị ăn mặc sang trọng, khuôn mặt nghiêm trang, cử chỉ đĩnh đạc bỏ cái phong bì vào hòm mà tôi không khỏi nghi ngờ giá trị của những cái phong bì ấy. Giá không có cái phong bì, chắc chắn những cuộc quyên góp sẽ có hiệu quả hơn, mỗi người sẽ có trách nhiệm hơn với tờ bạc mình bỏ vào hòm trước con mắt của mọi người. Đấy là chưa kể tâm lý “con gà tức nhau tiếng gáy”!
Cho nên, theo tôi không nên dùng phong bì trong các cuộc quyên góp. Hãy cứ công khai minh bạch, xem thử ai có nhiều hảo tâm hơn, ai động lòng trắc ẩn nhiều hơn trước nỗi đau của đồng loại?
Và nó còn tiết kiệm một khoản tiền không nhỏ cho ngân sách.