Mình thích ăn bánh Trung thu. Mỗi năm chỉ có một lần, đây cũng là dịp nhớ lại tuổi thơ.
Xưa, Tết Trung thu cũng đơn giản lắm, chủ yếu tổ chức trong mỗi gia đình. Đêm Trung thu, cả nhà ngồi trông trăng. Khi trăng lên (khoảng 9, 10 giờ tối) là phá cỗ. Cỗ chủ yếu được bày bằng các loại hoa quả vì mùa Thu là mùa quả chin. Còn nhớ lúc 5 tuổi, tản cư ở Nhật Tựu (Hà Nam), Mẹ còn công phu nhuộm những đoạn mía bằng phẩm màu xanh, đỏ, tím để bày cái tháp trên mâm cỗ trông trăng. Hôm ấy bà Hai (Bố gọi bằng thím) đến chơi, mua cho mình một tượng anh bộ đội bằng đất. Anh mặc bộ quần áo xanh, sau lưng có đeo khẩu súng, đầu đội mũ có sao vàng. Mình vừa đặt trên giường thì tượng bị đổ, gãy làm đôi. Mẹ phải ra chợ mua cái bánh nếp về dán lại. Nhưng chỉ được một lúc nó lại rời ra! Dán mãi cũng không được!
Hồi ở Việt Bắc thì Trung thu chẳng có gì, chỉ được dạy bài hát Đếm sao của Văn Chung. Hơn nửa thế kỷ đã qua, mỗi lần nghe bài hát này, mình lại bồi hồi nhớ về những ngày khánh chiến gian khổ.
Bánh Trung thu (bánh nướng, bánh dẻo) mãi từ sau Hòa bình 1954, về Hà Nội mới có. Những năm gần đây, mỗi lần đến Trung thu, năm nào cũng ăn bánh. Nhưng năm nay, từ mấy tháng trước, thấy có lời cảnh báo bánh nhập từ Trung Quốc mà các đồng chí “bạn vàng” lại bảo nhau đừng có ăn. Rồi có bánh của hãng này hãng nọ cũng nổi tiếng lắm nhưng là bánh tồn kho từ năm 2010, 2011. Thế là hạ quyết tâm, năm nay không ăn bánh Trung thu nữa.
Nào ngờ, hôm qua có một cô học trò cũ cho một hộp 4 cái bánh Trung thu, nói là “của nhà trồng được” (tự làm). Hóa ra vẫn còn vận may. Quý vì cái tình là chính, cứ nghĩ tự làm chắc khó ngon. Không ngờ, ăn thử, thấy ngon thật, bèn gửi lời cám ơn, nói đại ý: bánh ngon tuyệt. Mình còn nói thêm: Hơn 50 năm nay, từ khi đất nước tiến lên CNXH, bây giờ mới được ăn cái bánh ngon thế.
Hoàn toàn không phải nịnh để sang năm được cho nữa. Thề!
Vốn là thế này:
Trước năm 1960, đại hội đảng lần thứ 3 quyết định đưa cả nước tiến lên CNXH, thị trường hàng hóa các loại rất phong phú, hoàn toàn đáp ứng được những nhu cầu tiêu dùng của mọi người. Nó có phần giống như hiện nay. Không có tem phiếu, không có xếp hàng. Ai có nhu cầu, có tiền thi mua. Nhưng có một cái khác, đó là con người, xã hội khi ấy lương thiện hơn nhiều. Cảnh lừa đảo, dối trá chỉ có ở những nơi chợ búa nổi tiếng gian manh như chợ Đồng Xuân chứ không “đại trà” “phủ sóng” toàn quốc, khắp nơi khắp chốn như bây giờ.
Sắp Trung thu, trên những con phố Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, rất nhiều cửa hàng bán bánh kẹo đều làm bánh Trung thu. Thế là cứ khoảng ngày 12, 13 âm lịch, Bố Mẹ lại dắt mấy anh em đi xem và mua bánh Trung Thu vừa đi chơi phố Hàng Mã. Để thu hút khách hàng, chủ cửa hàng cho kê bàn, sản xuất ngay tại quầy hàng mặt phố. Mấy người thợ làm bánh đeo tạp dề trắng, đội mũ trắng, tay thoăn thoắt nhào bột, trộn nhân. Chỉ mới tới gần đã thơm nức hương hoa bưởi, mùi va-ni. Người đứng xem thấy cái bánh được làm ngay trước mắt, không còn gì để nghi ngờ. Bên ngoài là mấy cái chậu to đựng nhân bánh đã được chế biến từ trước. Nhân đậu xanh, rồi trứng, ngũ vị, thập cẩm, gà quay, xá xíu, …mỗi chậu một màu một sắc. Người thợ đổ bột nếp đã rang chín lên mặt bàn, hòa nước đường rồi đổ vào, nhào, trộn cho dẻo, cho nhuyễn. (Đường lúc ấy cũng là ngoại nhập từ Pháp, cho nên gọi là “đường Tây”. Liên Xô, Trung Quốc thì hình như ta chưa có quan hệ thương mại, nước ta chưa sản xuất được). Rồi bột được viên thành từng nắm tròn. Sau đó, người ta lấy nhân cho vào trong, viên lại cho kín. (nhân gì do khách hàng yêu cầu). Những viên bánh ấy được đặt lên bàn cân. Một bên là quả cân 250 g. Nếu chưa đủ trọng lượng, người ta lại “véo” thêm một ít bột đã trộn phụ thêm vào cho đủ. Viên bánh ấy được cho vào khuôn. Cái khuôn gỗ, có tay cầm, được xoa một lớp bột khô cho khỏi dính. Sau vài nhát đập “chát! chát!”, cái bánh đã nằm gọn trong khuôn. Chỉ một cái vỗ mạnh, cái bánh ra khỏi khuôn, phía trên là những nét hoa văn sắc cạnh và tinh tế. Bánh nướng không thể đưa cái lò nướng ra ngoài, được làm bên trong, đem ra bày từng khay ngoài cửa hàng. Ai mua người ta xếp vào hộp. Một hộp là 1 kg, 4 cái. Tất nhiên ai mua lẻ một hoặc hai cái đều được.
Bố Mẹ cứ đưa cả mấy anh em, đi hết hàng nọ tới hàng kia, nhìn những bàn tay thoăn thoắt như múa, những tiếng đập chan chát rất vui tai. Xem chán lại đi. Đi mỏi chân lại dừng lại. Khen chê, bình phẩm. Tới khi thấy chừng đã muộn, Bố Mẹ mới quyết định mua ở hàng nào, đứng chờ người ta làm 2 cái bánh dẻo, xếp thêm 2 cái bánh nướng vào hộp, xách về. Không phải chỉ có tiền mua ít thế. Là vì chỉ “ăn hương ăn hoa” thưởng thức để biết cái khéo léo của con người đã làm nên món ăn đặc sắc từ những phẩm vật phong phú của Trời Đất, chứ đâu phải ăn lấy no như cái lũ “phàm phu tục tử”. Những gia đình tử tế thường dạy con cháu như vậy. Bố Mẹ mình lúc ấy cũng chỉ là viên chức hạng xoàng, nhưng lương vẫn đủ nuôi 6 anh chị em ăn học, có thời gian còn có tiền thuê người giúp việc (bây giờ gọi là “ô sin”). Cũng chưa hẳn là phong lưu, nhưng không phải thiếu thốn. Bánh mua về, chia ra mỗi người cũng chỉ được nửa cái cả hai loại. Bố Mẹ thường cho ăn làm 2 tối, 14 và 15. Tối 15 thì có thêm hoa quả các loại. Cái bánh cắt làm 8, một bánh nướng cùng một cái bánh dẻo. Cắt xong, lại phải chờ Bố pha xong ấm nước chè mới được ăn. Càng sốt ruột càng thấy ngon! Cứ phải ăn “dè” từng tí một. Lúc ấy chẳng thấy ai nói gì tới chất bảo quản!
Nhưng từ khi đất nước tiến lên CNXH thì không còn cái cảnh ấy nữa. Sau cải tạo năm 1958, 1959, các cửa hàng bánh kẹo bị công tư hợp doanh, bị xóa sổ, trở thành cửa hàng của nhà nước. Bánh Trung thu được làm ở các cửa hàng mậu dịch quốc doanh. Chất lượng của cái sản phẩm do mậu dịch làm ra thế nào thì cứ xem chất lượng của kem Tràng tiền, của phở, mì … là đủ biết. Cũng là bánh nướng, bánh dẻo đấy nhưng chỉ giống tên, còn thì “nói vậy mà không phải vậy”!
Từ chống Mỹ thì hình như bánh nướng bánh dẻo hiếm lắm (có lẽ vì những công đoạn để sản xuất không đơn giản, không phù hợp với thời chiến). Những loại bánh này chỉ được bán ở các cửa hàng cao cấp, dân thường đừng có hòng mà bén mảng, Các loại bánh Trung thu truyền thống được thay thế bằng một loại bánh mới do sự sáng tạo không biết của ai, đó là “bánh cắt”. Từ sau khi chế độ bao cấp bị xóa sổ thì không còn loại bánh này nữa. Xin mô tả sơ lược để các bạn tuổi 8X, 9X có thể hình dung phần nào.
Nhân bên trong của bánh cắt là khoai lang, có trộn thêm ít đỗ (đỗ xanh, đỗ đen, hay đỗ tương, đỗ đỏ thì chỉ có giời biết). Hai thứ này được nấu chín, trộn thêm một ít mật (hoặc đường đỏ). Bao bên ngoài nhân là một lớp bột, phía trên có rắc một ít vừng. Mỗi cái bánh dài chừng hai mươi phân, rộng chừng 10 phân, dày độ ba, bốn phân được cho vào lò nướng. Bánh chin, người ta cắt nó ra làm nhiều phần, mỗi phần đều có nhân ở giữa và lớp bột bao xung quanh. Tết Trung thu, người ta thường bán loại bánh này cho mọi người. Tất nhiên không phải bán tự do. Bánh được phân phối về các cơ quan theo danh sách trẻ con do công đoàn lập có đóng dấu xác nhận cẩn thận. Cứ theo danh sách này, mỗi cháu được vài ba cái. Bố mẹ các cháu cũng được “ghé gẩm” tí chút để phần nào thỏa cái cơn thèm chất ngọt. Vì làm bằng mật mía hay đường đỏ, những thứ này ít giá trị, không bị ăn bớt, nên độ ngọt thì không để ai phải phàn nàn.
Cũng may là cái thời của “bánh cắt” đã qua!
Từ sau đổi mới, mỗi dịp Tết Trung thu, các hãng sản xuất đua nhau tung ra thị trường các kiểu, các loại bánh. Cũng ngon đấy, cũng đẹp mắt đấy. Nhưng cái bánh nào cũng đầy chất bảo quản nên để được hàng tháng. Cầm miếng bánh lên ăn, cứ thấy “ghê ghê”, không biết cái chất ấy là những gì. Làm sao mà nó làm cho thực phẩm để cả tháng không ôi, không thiu? Không biết có phải cái chất ấy dùng để ướp xác không? Nó được sử dụng lần đầu hay tái sử dụng? Liệu sau khi ăn bao lâu thì chết?
Cho nên tôi có nói: “hơn năm mươi năm mới được ăn miếng bánh ngon thế” không phải là tôi ngoa ngoắt, là nói điêu, là nịnh.
Bây giờ, mình cũng như nhiều người, có cần gì cái cầu kỳ, cái hoa hòe hoa sói! Chỉ cần cái bánh thực chất là bánh, không độn, không lạm dụng mọi thứ. Chỉ cần những thứ bình thường, pha chế sao cho hợp khẩu vị, đảm bảo vệ sinh.
Cũng như xã hội, người dân chỉ cần dân chủ, tự do, công bằng. Thế là sung sướng lắm rồi. Chẳng cần cái Thiên đường mà người ta cứ rêu rao!
Thầy ơi, em đã đọc bài này đúng 3 lần xong mới like và “còm”. Không phải hoàn toàn là vì quá xúc động khi được xuât hiện 1 tí ti trong bài đâu thầy ạ, mà vì đây quả là 1 câu chuyện sinh động về bánh trung mà không có quyển sách giáo khoa lịch sử nào viết. Thầy có đồng ý em gửi đi đăng báo không ạ? (À, bánh không phải của bạn “phây” mà là bánh của học sinh cũ chứ ạ!)
Cha quê Sơn Tây mẹ Hà đông vào nam khoảng thập niên 30,40 ,nên tôi được sinh ra trong này , chỉ biết nếp sinh hoạt trong này ,đọc những trang ký ức của anh đễ biết thêm về quê cha đất tỗ trong một giai đoạn loạn ly , phải công nhận anh viết ‘một cách thật thà chất phát của ông giáo làng’
Cám ơn tác giả đã công phu mà kể chi tiết, chân thực về cái vụ bánh này cho thế hệ hậu sinh được biết “tình hình kinh tế xã hội” đất nước từ sau ngày “hòa bình lập lại” đến “trước đổi mới” một cách sinh động.